Việc gian lận trong thi cử nói chung
và trong các kỳ thi tuyển sinh ở Việt Nam trong những năm gần đây là
điều có thực và không thể chối bỏ được. Nó cũng giống như việc các quan
chức lãnh đạo lâu nay vốn hay dùng tiền hay quyền lực để mua/nâng điểm
để có bằng cấp, thay vì học một cách nghiêm túc khi muốn có các bằng cấp
tại chức, từ cử nhân đến tiến sĩ để thăng tiến.
Chuyện
các các thí sinh một số tỉnh miền núi phía bắc được nâng điểm đang là
vấn đề làm nóng dư luận. Người ta cho rằng, đó không còn là câu chuyện
của việc gian lận điểm thi, mà đây là một trong những vấn nạn tham nhũng
và tiêu cực trong ngành giáo dục.
Theo
công bố của Bộ Giáo dục Đào tạo tại buổi họp báo chiều 17/7/2018, đã có
không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên cả chục điểm so với điểm chấm
thẩm định lại. Cụ thế đó là thủ khoa Học viện Kỹ thuật quân sự năm 2018
là cháu một cán bộ khảo thí của tỉnh Sơn La đã được nâng khống tới 18,7
điểm; Thủ khoa Trường Sĩ quan Lục quân được nâng tới 26,45 điểm. Á khoa 2
Trường ĐH Y Hà Nội được nâng 15 điểm; Thủ khoa Trường Sĩ quan Phòng hóa
được nâng 20,95 điểm; Thủ khoa và Á khoa Học viện Hậu cần đều được nâng
từ 15 đến 19 điểm; Thủ khoa Đại học Sư phạm Hà Nội được nâng tới 15
điểm v.v... Đáng chú ý, cá biệt có thí sinh được nâng tới 29,95 điểm. (bit.ly/2ZnyMXS), nghĩa là cả 03 môn thi thí sinh này chỉ đạt 0,25 điểm trong đó có hai điểm 0,00.
Dư
luận xã hội không khỏi ngạc nhiên và thắc mắc, tại sao việc nâng điểm
lại quên không ưu ái cho những thí sinh là con em người lao động và họ
chỉ quan tâm đến con em quan chức và những người làm nghề kinh doanh lắm
tiền nhiều của? Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã phải nghi ngờ và
đặt câu hỏi, "Đây có thể là chuyện tình ngay - lý gian,
nhưng tại sao vì hầu hết việc nâng điểm đều rơi vào cán bộ lãnh đạo dù
to hay nhỏ, tới lãnh đạo trong ngành giáo dục?".
Không có lẽ cái tư duy phân phối theo tinh thần cộng sản "Đường sữa từ trên xuống - Cuốc xẻng từ dưới lên" của
một thời bao cấp, cho đến hôm nay vẫn chễm chệ ngự trên nền tảng của
đảng CSVN - đó là giai cấp công nông đã bị đảng bỏ quên.
Điều
đáng nói là có không ít thí sinh đủ và thừa tiêu chuẩn điểm tuyển sinh
đã bị các thí sinh con quan chức cướp mất cơ hội vào học tiếp hệ đại học
của họ. Cụ thể việc gian lận thi khi bị phanh phui, đã có hàng trăm thí
sinh nhờ tiền hay quyền lực đã được nâng điểm cao chót vót trong khi
trình độ học vấn gần bằng không. Và tình trang ‘ngồi nhẫm chỗ’ tại các
trường công an, quân đội cũng đồng nghĩa với việc cướp mất ước mơ của
nhiều bạn trẻ khác học giỏi có cả con em gia đình nghèo.
Vậy
mà không hiểu vô tình hay hữu ý, ngày 3/11/2018, tại buổi gặp gỡ 55 học
sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm học 2017-2018 Tổng Bí thư kiêm
Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cao hứng khẳng định rằng, "Giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ".
Việc
gian lận trong thi cử nói chung và trong các kỳ thi tuyển sinh ở Việt
Nam trong những năm gần đây là điều có thực và không thể chối bỏ được.
Nó cũng giống như việc các quan chức lãnh đạo lâu nay vốn hay dùng tiền
hay quyền lực để mua/nâng điểm để có bằng cấp, thay vì học một cách
nghiêm túc khi muốn có các bằng cấp tại chức, từ cử nhân đến tiến sĩ để
thăng tiến. Đây chính là lỗ hổng của ngành giáo dục mà ai, ai cũng biết,
để rồi những cái bằng tại chức ấy lại được xếp ngang hàng với các bằng
cấp chính quy trong nước, thậm chí là cả quốc tế.
Việc
sửa điểm thi chắc chắn xuất phát từ sức ép của tiền bạc và quyền lực.
Trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng
Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng đã cho rằng, những người đã bị cơ quan điều tra
khởi tố vì sửa điểm rõ ràng phải có lý do cụ thể và “Không ai tự dưng
bật máy tính lên, sửa điểm cho người khác để sau đó ngồi tù. Rõ ràng họ
làm do được ai đó tác động - có thể là bởi quyền lực hoặc mua bán. Điều
này chưa kết luận được nhưng họ không tự nhiên làm việc đó”. Nó
cũng như, việc các thí sinh được nâng điểm, có một điểm thậm chí họ có
hai điểm không (0,00) đã cho thấy, những thí sinh này đã biết chắc chắn
là có sự gian lận điểm thi - đã được cha mẹ họ xắp đặt, và nhiệm vụ của
họ đơn giản là phải có mặt trong phòng thi là đủ.
Vậy
mà các quan chức có con gian lận điểm thi vẫn chống chế một cách trơ
trẽn, vô liêm sỉ. Như ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục -
Đào tạo Sơn La nói rằng, ông "rất buồn vì ai đó đã tự ý nâng 3 điểm cho con tôi". Hay như Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng "rất tâm tư vì ai đó đã nâng thêm 5,4 điểm cho con gái tôi".
Đó là điều thể hiện thứ tư duy hỗn xược và coi thường dư luận của các
quan chức cộng sản thời nay(!?). Nó cũng chả khác mấy với phát biểu cao
hứng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi cho rằng, "Giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ".
Phát biểu của Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ, ông Vũ Đăng Minh, khi cho rằng, "Chưa đủ căn cứ để xử lý?", với lý do "Hiện
nay luật Cán bộ, công chức chưa có quy định về xử lý trong trường hợp
này, hay những điều Đảng viên không được làm cũng chỉ có quy định như
không được vi phạm pháp luật thôi. Trong trường hợp Cơ quan điều tra đã
chứng minh được sai phạm thì rất dễ, rõ ràng là anh vi phạm pháp luật
rồi và có thể xử lý được. Còn hiện nay, thì chưa có căn cứ để xử lý. Nếu
thực tiễn đặt ra các vấn đề như vậy thì tôi nghĩ các cơ quan liên quan
sẽ nghiên cứu để bổ sung các quy định cho phù hợp.". Phải chăng,
phát biểu của Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh sẽ
là những dấu hiệu cho thấy, vụ việc tiêu cực trong thi cử sẽ chỉ xử lý
từ vai trở xuống và sau đó sẽ chìm xuồng?
Điều đó khác hoàn toàn khác với ý kiến của nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng đã khẳng định, "...
việc những thí sinh được nâng điểm chủ yếu con cháu lãnh đạo địa phương
cho thấy có dấu hiệu “lợi dụng chức vụ quyền hạn” để mưu lợi cá nhân vì
những người này không chỉ dùng tiền mà có thể dùng quyền lực, vị trí,
các mối quan hệ tác động tới những người thực thi để nâng điểm cho con
cháu họ".
Trong
khi dư luận xã hội đều thấy rằng, việc gian lận điểm thi bằng mọi cách
là việc làm sai trái, gian dối và cần phải kiểm điểm, xử lý nghiêm, tùy
theo mức độ vi phạm. Không thể chỉ dừng lại ở các nhân viên nhà nước
trực tiếp vi phạm, cần phải xử lý các phụ huynh học sinh nếu có đầy đủ
bằng chứng. Tuyệt đối không có vùng cấm.
Vấn
đề mấu chốt nhất nói chung trong việc xử lý việc gian lận điểm thi là
sự minh bạch, không tránh né và phải xử lý nghiêm minh. Đừng sợ dứt dây
thì động rừng. Đó cũng là lý do vì sao hơn mười năm trước, phong trào
“hai không” - nói không với tiêu cực, nói không với bệnh thành tích,
được Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng từng
được được dư luận rất ủng hộ, nhưng rồi cũng bị rơi vào quên lãng.
Ngày 19 tháng 4 năm 2019
© Kami
(Bog RFA)
Không có nhận xét nào