Lê Thọ Bình
14/4/2025
Trong một thế giới ngày càng phân cực, Việt Nam đứng trước một lựa chọn không dễ: Đồng hành cùng ai để bảo vệ lợi ích cốt lõi và định hình tương lai dài hạn của quốc gia?
Thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng, trật tự quốc tế được thiết lập sau Chiến tranh Lạnh đang bị thách thức bởi cạnh tranh chiến lược và các cấu trúc quyền lực mới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam chúng ta buộc phải xác định lại định hướng đối ngoại của mình- không chỉ là chọn bạn, mà là chọn tương lai.
Một bên là Hoa Kỳ- cường quốc vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bên kia là Trung Quốc - láng giềng có quan hệ kinh tế mật thiết nhưng cũng là nguồn gốc của nhiều thách thức địa chính trị trong lịch sử và hiện tại.
Việt Nam lâu nay theo đuổi chiến lược "không chọn phe", duy trì thế cân bằng linh hoạt. Tuy nhiên, trong một môi trường nơi lợi ích quốc gia thường bị định hình bởi các liên minh chiến lược, việc không chọn - đôi khi - cũng là một sự lựa chọn. Và nếu lựa chọn đó không phù hợp với thời đại, hậu quả có thể kéo dài cả thế kỷ.
Lịch sử không ngủ yên
Lịch sử quan hệ Việt-Trung là một phần không thể tách rời trong quá trình hình thành ý thức dân tộc. Hơn một nghìn năm chịu ảnh hưởng và đô hộ từ phương Bắc đã để lại những ký ức sâu sắc, hun đúc tinh thần độc lập từ các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền…
Bước sang thế kỷ XX, mối quan hệ tiếp tục trải qua nhiều biến động. Từ các tranh chấp lãnh thổ đến cuộc xung đột biên giới năm 1979 khiến hàng chục nghìn binh sĩ và dân thường thiệt mạng, cho đến sự kiện Gạc Ma năm 1988 - nơi 64 chiến sĩ người Việt Nam hy sinh trước hành động sử dụng vũ lực của hải quân Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc không chỉ tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông mà còn vận dụng nhiều công cụ của "ngoại giao cưỡng bức", từ áp lực kinh tế, truyền thông đến việc mở rộng ảnh hưởng chính trị trong khu vực.
Như lời của Giáo sư Lê Văn Cương- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an - đã từng nói: “Không có quốc gia nào vừa là láng giềng, vừa là đối tác, vừa là mối đe dọa thường trực như Trung Quốc với Việt Nam.”
Hoa Kỳ : Từ cựu thù đến đối tác chiến lược mới
Mối quan hệ Việt- Mỹ là một trong những ví dụ điển hình cho khả năng vượt qua quá khứ để hướng đến tương lai. Chỉ sau ba thập kỷ kể từ khi bình thường hóa quan hệ, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023 – một bước tiến mang ý nghĩa chiến lược.
Hoa Kỳ không có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông và là một trong những quốc gia mạnh mẽ nhất ủng hộ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982). Các chiến dịch tuần tra “tự do hàng hải” của hải quân Mỹ tại khu vực Trường Sa thể hiện sự cam kết bảo vệ luật lệ quốc tế và quyền tự do hàng hải.
Về kinh tế, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 97 tỉ USD (2023), và là đối tác chủ chốt trong việc thúc đẩy Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn và chuyển đổi số.
Trong lĩnh vực giáo dục, hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ – con số cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Mỹ cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị và phát triển thể chế – những yếu tố nền tảng để thu hút đầu tư chất lượng cao và phát triển bền vững.
Liên minh không đồng nghĩa với phụ thuộc
Một số ý kiến lo ngại rằng nếu Việt Nam nghiêng về phía Mỹ, nước ta có thể bị cuốn vào cạnh tranh địa chiến lược Mỹ-Trung. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở việc “ngả về đâu”, mà ở cách Việt Nam thiết kế mô hình hợp tác: dựa trên luật lệ, bình đẳng và lợi ích song phương – không lệ thuộc, không can thiệp lẫn nhau.
Ấn Độ là ví dụ điển hình: duy trì quan hệ sâu rộng với Mỹ trong lĩnh vực an ninh và công nghệ, nhưng vẫn bảo vệ sự độc lập chiến lược và tự chủ đối ngoại. Mô hình đó chỉ khả thi khi nội lực của quốc gia đủ mạnh, thể chế đủ minh bạch và ngoại giao đủ linh hoạt.
Chọn đồng minh không đồng nghĩa với đối đầu. Chọn hợp tác với Mỹ không có nghĩa chống Trung Quốc. Nhưng đó là lựa chọn hướng tới việc gia tăng quyền tự chủ chiến lược, khả năng bảo vệ lợi ích cốt lõi và vai trò kiến tạo trong khu vực.
Trong bối cảnh tái cấu trúc trật tự thế giới, Việt Nam có cơ hội hiếm có để vươn lên vị thế của một quốc gia có ảnh hưởng – thay vì bị xem là “vùng đệm chiến lược” giữa các cường quốc.
Tuy nhiên, cơ hội chỉ có giá trị khi được nắm bắt bằng hành động cụ thể: Cải cách thể chế, tăng cường nội lực kinh tế và lựa chọn liên minh dựa trên lợi ích dài hạn, thay vì sự thỏa hiệp nhất thời.
Lựa chọn đồng minh cũng chính là lựa chọn quốc gia mà chúng ta muốn trở thành. Đó không đơn thuần là bài toán địa chính trị – mà là câu hỏi về bản lĩnh, tầm nhìn và trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc.
LÊ THỌ BÌNH 13.04.2025
https://thuymyrfi.blogspot.com/2025/04/le-tho-binh-viet-nam-giua-hai-cuc-ong.html
Không có nhận xét nào