Sunday, April 27.

Header Ads

  • Breaking News

    Trung Hoa cộng sản: Kẻ chưa bao giờ tử tế – và sẽ không bao giờ tử tế

    Lê Thanh Tùng

    14/4/2025

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự lễ chào cờ tại Phủ Chủ tịch chiều 14/4. Ảnh: Giang Huy

    Trong suốt chiều dài lịch sử, có một điều không bao giờ thay đổi: Trung Hoa chưa bao giờ tử tế với bất kỳ ai, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng. Dù là thời kỳ phong kiến hay dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay, những từ ngữ như "tình hữu nghị," "hợp tác," hay "láng giềng bốn tốt" luôn chỉ là lớp mặt nạ che đậy cho tham vọng bành trướng, thôn tính và đồng hóa.

    Láng giềng hay kẻ cướp?

    Không cần nhìn đâu xa, lịch sử Việt Nam đã là một bản cáo trạng rõ ràng. Hơn một nghìn năm Bắc thuộc, dân tộc Việt đã phải chịu đựng sự áp bức, bị ép thay tên đổi họ, từ bỏ tiếng mẹ đẻ và văn hóa, bị lùa vào guồng máy Hán hóa. Phải nhờ đến sự hy sinh của những anh hùng như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… chúng ta mới thoát khỏi sự áp bức của kẻ láng giềng phương Bắc.

    Nhưng Trung Hoa chưa bao giờ từ bỏ giấc mộng phương Nam. Năm 1974, trong khi miền Nam Việt Nam đang phải chống chọi với chiến tranh, Trung Quốc đã xua quân chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Đến năm 1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh biên giới, tàn sát hơn 60.000 người dân, phá hủy hàng trăm thị xã, trường học, bệnh viện. Năm 1988, lính Trung Quốc đã thảm sát 64 chiến sĩ Việt Nam tại Gạc Ma, khi họ tay không giữ đảo.

    Tại Tổng Chúp, Cao Bằng, vào ngày 9 tháng 3 năm 1979, lính Trung Quốc đã trói tay, bịt mắt 43 thường dân, trong đó có cả trẻ sơ sinh, và ném họ xuống giếng. Đây chính là cách mà một "láng giềng tốt" đối xử với chúng ta.

    Từ súng đạn đến bẫy nợ – bản chất vẫn vậy

    Ngày nay, Trung Quốc không cần dùng quân đội như trước đây – họ đã có những vũ khí hiệu quả hơn: tiền bạc và bẫy nợ. Dự án Cát Linh – Hà Đông, vốn đội vốn gấp ba lần và chậm trễ nhiều năm, chất lượng của nó không khác gì một bảo tàng. Hàng ngàn container mang mác "Made in Vietnam" đã đẩy Việt Nam vào nguy cơ bị trừng phạt thương mại. Các nhà máy Trung Quốc thì xả thải làm ô nhiễm môi trường, phá hoại sông ngòi, đất đai. Ngư dân Việt Nam bị đánh đập và tàu cá bị đâm chìm bởi hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông.

    Lào – Campuchia – Việt Nam: bạn vàng hay thuộc địa kiểu mới?

    Lào: Dự án đường sắt Trung – Lào trị giá 6 tỷ USD – gần bằng một nửa GDP của Lào – khiến quốc gia này buộc phải nhượng quyền cho Trung Quốc. Đất đai bị mua rẻ, nền kinh tế bị thao túng.

    Campuchia: Sihanoukville đã biến thành một ổ cờ bạc, buôn người, mại dâm và lừa đảo, tất cả đều do các công ty Trung Quốc. Dân chúng tuyệt vọng trong khi các "đối tác Bắc Kinh" sống xa hoa.

    Việt Nam: Các khu công nghiệp trá hình, công nhân Trung Quốc tràn vào, đất ven biển và ven rừng bị Trung Quốc thâu tóm. Từ Tây Nguyên đến Vũng Áng, đâu đâu cũng có sự hiện diện của các "đối tác" Trung Quốc.

    Nguyên khí quốc gia đang chảy máu – và kẻ gây ra không ai khác ngoài “bạn vàng”

    Hàng trăm ngàn thanh niên Việt Nam đang tìm cách thoát khỏi đất nước mỗi năm. Xuất khẩu lao động, vượt biên xin tị nạn theo quy trình, du học không về – không phải vì họ ghét quê hương, mà vì không còn chỗ để sống đúng nghĩa. Khi Trung Quốc tràn vào qua các dự án hợp tác, chiếm đất, chiếm cơ hội, phá hoại môi trường và văn hóa, người trẻ Việt Nam không còn gì để bám víu.

    Đây chính là di cư vì sinh tồn – là hệ quả của một xã hội bị bào mòn lòng tin, hy vọng và phẩm giá.

    Ngay cả đồng minh cũng bị đâm sau lưng nếu đứng gần Trung Cộng

    Nhật Bản từng bị cướp bóc và hãm hiếp bởi quân đội Quan Đông. Ấn Độ bị Trung Quốc tấn công bất ngờ vào năm 1962. Philippines mất bãi cạn Scarborough vì tin vào Bắc Kinh. Úc bị đe dọa thương mại chỉ vì yêu cầu điều tra về COVID-19.

    Chưa từng có quốc gia nào tin vào “thiện chí Trung Hoa” mà không phải trả giá bằng máu, tài nguyên hoặc danh dự.

    Trung Cộng: mặt nạ văn minh, móng vuốt bá quyền

    Từ các trại tập trung Duy Ngô Nhĩ, việc bịt miệng Hồng Kông, cho đến việc thao túng WHO, Trung Cộng đang dùng tiền và sức mạnh để tạo ra một thế giới im lặng trước cái ác. Ngay cả chuyên gia Trung Quốc Kim Xán Vinh cũng phải thừa nhận: "Chiến lược của Trump đã đẩy Trung Quốc vào thế không còn lợi nhuận. Đây không chỉ là chiến tranh thương mại – mà là chiến tranh địa chính trị."

    Việt Nam phải tỉnh táo – hoặc sẽ bị nuốt chửng

    Thoát Trung không phải là cực đoan – mà là sống còn. Thoát Trung không phải là bài xích người Hoa – mà là tự vệ. Việt Nam cần:

    Tái cấu trúc chuỗi cung ứng

    Chống hàng giả mạo xuất xứ

    Giữ vững chủ quyền toàn diện

    Chủ động gắn kết với các nền dân chủ tử tế

    Và trên hết, chúng ta cần giữ lấy ký ức lịch sử – đừng để bị lừa dối bởi những nụ cười hữu nghị và những cái bắt tay có tẩm độc.

    Việt Nam không thể là tỉnh lẻ của Đại Hán

    Chúng ta không thể chọn láng giềng. Nhưng chúng ta có thể chọn tư thế sống. Việt Nam, với lịch sử quật cường và những hy sinh của bao thế hệ, không sinh ra để làm trạm trung chuyển cho một đế chế ăn bẩn.

    Hãy sống như một quốc gia có ký ức, có phẩm giá và khí phách – chứ không phải là một bãi đáp cho những dự án lừa lọc và những "người bạn" chỉ giỏi đâm sau lưng.

    Lê Thanh Tùng – Quan sát từ Washington, D.C.

    https://www.facebook.com/share/1AbHw3cEPV/


    Không có nhận xét nào