Monday, April 21.

Header Ads

  • Breaking News

    Ô hô 50 năm - Trọng có Việt Á, Lâm có sữa giả

    Ts. Phạm Đình Bá

    15/4/2025

    Vụ việc sản xuất gần 600 loại sữa bột giả của Rance Pharma và Hacofood Group ở bên nhà không chỉ phơi bày lỗ hổng pháp lý mà còn đặt ra nghi vấn về sự thông đồng giữa doanh nghiệp và cán bộ quản lý. 

    Dù là chủ sở hữu thực tế của 9 công ty, Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà đã chuyển giao chức danh giám đốc cho người khác từ cuối 2024, tạo vỏ bọc pháp lý để trốn tránh trách nhiệm. Thủ đoạn này chỉ khả thi nếu có sự tiếp tay của cơ quan đăng ký doanh nghiệp trong việc phê duyệt hồ sơ giả mạo.

    Chín công ty "vệ tinh" được thành lập chỉ để đứng tên công bố sản phẩm, nhưng không bị cơ quan thuế hoặc quản lý thị trường phát hiện dù hoạt động 4 năm. Điều này gợi ý khả năng thông đồng trong khâu cấp phép đăng ký kinh doanh.

    Dù sản phẩm sữa công thức cho trẻ sinh non và phụ nữ mang thai thuộc thẩm quyền Bộ Y tế, không có bằng chứng cho thấy cơ quan này từng lấy mẫu kiểm định 573 nhãn hiệu của Rance Pharma. Sự thờ ơ này trái ngược với quy định kiểm tra ít nhất 20% sản phẩm đặc thù hằng năm trong Luật An toàn Thực phẩm 2010.

    Nhiều sản phẩm của Rance Pharma (như sữa có thành phần "đông trùng hạ thảo") được bán trên sàn thương mại điện tử với giá chỉ bằng 30-50% mặt hàng chính hãng. Dù vậy, Cục Quản lý Thị trường ở Bộ Công Thương không phát hiện bất thường trong 4 năm.

    Rance Pharma chủ động trong việc lợi dụng quản lý phân mảnh ở ba bộ Y tế, Công thương và Nông nghiệp, khéo léo để duy trình hoạt động kinh doanh bất chính trong 4 năm. 

    Bộ Y tế chỉ quản lý sữa công thức trẻ dưới 36 tháng, trong khi Rance Pharma đăng ký sản phẩm dưới dạng "thực phẩm bảo vệ sức khỏe". Bộ Công Thương tuyên bố không quản lý sữa có thành phần dược liệu như đông trùng hạ thảo. Bộ Nông nghiệp tuyên bố chỉ giám sát nguyên liệu sữa thô, không kiểm soát quá trình chế biến. Trong khi đó công ty Rance Pharma tự công bố tiêu chuẩn, tự cho là các sản phẩm của công ty đạt chuẩn quốc gia về kiểm định chất lượng mà không cần xác nhận của cơ quan độc lập, tạo kẽ hở để gian lận.

    Các bộ thiếu hụt một cách trầm trọng về cơ chế giám sát hậu kiểm. Dù đã có 783 vụ sữa giả bị phát hiện từ 2021 đến 2024, không có cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Công thương để khoanh vùng đối tượng nguy cơ cao. Tại Hà Nội - nơi đặt trụ sở Rance Pharma - chỉ có 12 thanh tra chuyên ngành thực phẩm phụ trách 8.000 cơ sở sản xuất, khiến tần suất kiểm tra mỗi cơ sở dưới 1 lần/năm.

    Vụ Rance Pharma phản ánh vòng xoáy tham nhũng thụ động, doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của hệ thống quản lý phân mảnh để gian lận, trong khi cán bộ thiếu động lực hoặc năng lực phát hiện sai phạm.  

    Hơn nữa, vụ Rance Pharma sản xuất gần 600 loại sữa bột giả từ 2021 đến 2025 có những tương đồng với vụ Việt Á thổi giá kit test COVID-19 từ 2020 đến 2023. Cả hai vụ đã tạo nên "cú sốc kép" về niềm tin trong lĩnh vực y tế và an toàn thực phẩm tại Việt Nam. 

    Những tương đồng giữa hai vụ án không chỉ nằm ở quy mô gian lận mà còn phơi bày cơ chế tham nhũng có hệ thống, lợi dụng khủng hoảng về năng lực từ độc đảng và lỗ hổng trong quản lý toàn trị để trục lợi.

    Việt Á tận dụng đại dịch COVID-19 để đẩy giá kit test từ 143.000 đồng lên 470.000 đồng/bộ, thu lợi 4.000 tỷ đồng từ 62 tỉnh/thành. Công ty hợp thức hóa việc sản xuất thông qua đề tài nghiên cứu của Học viện Quân y, sau đó chi 800 tỷ đồng "hoa hồng" cho quan chức.

    Rance Pharma nhắm vào nhu cầu dinh dưỡng của nhóm dễ tổn thương (trẻ sinh non, người tiểu đường) trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung sữa chất lượng. Sản phẩm giả chiếm 70% thị phần tại nhiều tỉnh miền Bắc.

    Cả hai công ty Việt Á và Rance Pharma xây dựng mạng lưới công ty "bình phong". Việt Á thành lập 12 công ty con để phân phối kit test, trong đó 9 công ty chỉ tồn tại trên giấy tờ để hợp thức hóa hóa đơn. Rance Pharma lập hệ sinh thái 9 công ty (gồm Big Four Pharma, Long Khang Group...) để đứng tên công bố sản phẩm, che giấu quyền sở hữu thực của Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà.

    Cả hai công ty Việt Á và Rance Pharma thao túng quy trình pháp lý. Trong vụ Việt Á, Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Khoa Học & Công Nghệ, và Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Y tế, bị cáo buộc ký phê duyệt đề tài nghiên cứu và nhận 18,98 tỷ đồng để hợp thức hóa nguồn gốc kit test. Trong vụ Rance Pharma, công ty lợi dụng cơ chế "tự công bố tiêu chuẩn" đạt chất lượng kiểm soát của Bộ Y tế để đăng ký 573 nhãn hiệu sữa mà không cần kiểm định độc lập.

    Cả 2 vụ tạo hậu quả chồng chất từ sức khỏe đến niềm tin của người dân vào cái gọi là “nhà nước”, dàn dựng bởi độc tài độc đảng toàn trị. Bản bên dưới tóm tắt thiệt hại kinh tế và xã hội

    Chỉ số

    Việt Á

    Rance Pharma

    Thiệt hại tài chính

    4.200 tỷ đồng

    500 tỷ đồng

    Sản phẩm giả

    8,77 triệu kit test

    573 nhãn hiệu sữa

    Đối tượng ảnh hưởng

    62 tỉnh

    26 tỉnh

    Cả hai vụ xói mòn niềm tin của người dân vào lãnh đạo, cao điểm là Nguyễn Phú Trọng trong vụ Việt Á và Tô Lâm trong vụ Rance Pharma. Sau vụ Việt Á, 67% người dân nghi ngờ chất lượng trang thiết bị y tế nội địa. Với Rance Pharma, khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2025 cho thấy 72% phụ huynh chuyển sang dùng sữa nhập khẩu dù giá cao gấp 3 lần.

    Trong vai trò lãnh đạo, Trọng lúc trước và Lâm bây giờ không biết có nhận thấy những thất bại quản lý trong thể chế hiện nay. Về lỗ hổng pháp lý, cơ chế tự công bố tiêu chuẩn là cách làm việc cẩu thả của các cơ quan giám định. Cả kit test Việt Á và sữa Rance Pharma đều được lưu hành dựa trên hồ sơ tự công bố, không qua thẩm định độc lập. 

    Về phân mảnh quyền lực, Việt Á lợi dụng sự chồng chéo giữa Bộ Y tế và Bộ Khoa Học & Công Nghiệp; Rance Pharma né tránh giám sát nhờ khoảng trống pháp lý giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông Nghiệp.

    Dưới thể chế độc tài độc đảng toàn trị dưới thời Trọng và công an trị thời Lâm, văn hóa "đầu tư quan hệ" là rất thông thường và rộng khắp. Việt Á chi 40% doanh thu để chi trả hoa hồng cho quan chức, trong khi Rance Pharma duy trì mạng lưới "bảo kê" tại 15/19 sở Y tế địa phương. 

    Cả hai vụ án đều có sự tham gia của cán bộ kỹ thuật, kỹ sư Hồ Sỹ Ý (Rance Pharma) và Thượng tá Hồ Anh Sơn (Việt Á) bị cáo buộc làm giả dữ liệu kiểm định.

    Về phương diện chính sách, cả hai triều đại tràn ngập mầm mống khủng hoảng nhưng không có năng lực cải cách. Cả hai triều đại dùng việc xử lý hình sự làm điểm tựa, không biết làm gì khác cho hiệu quả hơn. Trong vụ Việt Á, 107 bị can bị khởi tố, trong đó có 3 Ủy viên Trung ương Đảng. Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận án 18 năm tù. Trong vụ Rance Pharma, 8 bị can bị bắt, dự kiến áp dụng Điều 220 BLHS về "Sản xuất hàng giả gây hậu quả nghiêm trọng" với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

    Cả hai triều đại chỉ sửa đổi thể chế một cách lấy lệ. Cả hai có vẻ không thực sự học hỏi được gì nhiều từ những vụ án chấn động nầy. Sau vụ Việt Á, Luật Đấu thầu (sửa đổi 2023) “yêu cầu” minh bạch hóa toàn bộ hồ sơ đấu thầu khẩn cấp. Sau vụ Rance Pharma, dự thảo Nghị định về An toàn thực phẩm (2025) đề xuất bắt buộc kiểm định với sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt, loại bỏ cơ chế tự công bố.

    Vụ Rance Pharma và Việt Á là hệ quả của "chủ nghĩa tư bản đỏ thân hữu" - nơi doanh nghiệp lợi dụng mối quan hệ với cán bộ và đảng viên để độc quyền trục lợi. Dù cách nhau 5 năm, cả hai vụ án đều minh chứng cho sự cần thiết của cơ quan giám sát độc lập mạnh mẽ. 

    Hơn nữa, cả hai vụ việc không những chỉ ra những thất bại quản lý mà còn cho thấy sự bế tắc của mô hình giám sát từ trên xuống. Kinh nghiệm các nước cho thấy nếu không có báo chí tự do và xã hội dân sự độc lập, tham nhũng hệ thống sẽ tái diễn như "thủy triều". Để phá vỡ vòng xoáy này, dân cần lên tiếng cho kiềng ba chân, bao gồm: 1) báo chí được bảo vệ pháp lý, 2) tổ chức dân sự đa nguyên, và 3) cơ chế minh bạch thông tin để dần dần tạo sự tín nhiệm của dân mà không dùng bạo lực và công an trị.



    Không có nhận xét nào