Wednesday, April 23.

Header Ads

  • Breaking News

    Mức thuế mới của Hoa Kỳ : Ứng phó ra sao ?

    Lê Học Lãnh Vân 

    04/4/2025

     

    Từ tối qua tới nay nhiều tin nhắn về thuế ông Trump áp lên Việt Nam. Anh em biểu viết vài câu bàn luận.

    1) Tui không được học kinh tế nên không dám nói về lý thuyết thuế. Tuy nhiên, tui được đào tạo và thực hành trong các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ trong mười năm, về cách dựa vào thuế để tính toán kinh doanh. 

    Nghĩa là muốn kinh doanh ở một nước nào, mình cần biết chính sách thuế của nước đó trên mặt hàng mình kinh doanh ra sao, có khi cần biết cả mức thuế của các nước lân cận. Ta sẽ có cách tính nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, trong đó có phương pháp chuyển giá một thời Việt Nam bàn tán xôn xao, mà tôi thấy có những bài viết không nói trúng cốt lõi của vấn đề ! 

    Vậy, xin thảo luận khía cạnh thực tế của thuế. Cũng xin nói rõ mục tiêu của bài này là thảo luận chúng ta nên làm gì trong hoàn cảnh bị áp thuế. Còn suy nghĩ gì về quyết định áp thuế của ông Trump là một đề tài khác. Việc thảo luận nhằm nâng cao kiến thức của tất cả những người tham gia chứ không nhằm đưa ra lời khuyên nào cho ai hết ! Rất mong được học hỏi từ sự tham gia của anh chị.

    2) Thuế áp cho Việt Nam với con số 46 % là con số tổng quát. Con số này sẽ được phân bổ cho từng ngành hàng. Tùy ngành hàng kinh doanh mà mức thuế này sau ngày hiệu lực có bị nâng cao tới đâu so với trước.

    Thí dụ :

    Ngành thủy sản, cao su bị tăng 16 % - 17 % so với trước

    Ngành sắt thép, vải sợi, quần áo thì tăng khoảng 1,5 % so với trước.

    Như vậy, thoạt nhìn, ngành thủy sản, cao su sẽ gặp khó khăn nhiều hơn.

    3) Bị áp thuế thì đương nhiên doanh nghiệp liên quan đưa chi phí thuế vào giá. Nhưng cũng chỉ đưa được một phần thôi, vì phải nghiên cứu độ nhạy của thị trường với giá cả. Nếu thị trường quá nhạy với giá thì không thể tăng giá tương ứng với mức chịu thuế, và doanh nghiệp phải chịu giảm lời. Như vậy cũng cần tính phương án cắt chi phí.

    Rồi phải xem từng nấc thang giá trị gia tăng, nấc nào giữ lại và nấc nào chuyển qua nước khác. Muốn chuyển phải tính cân bằng chi thu, lời lỗ cuối cùng...

    Đó là một thí dụ nhỏ về phản ứng của doanh nghiệp.

    4) Nhưng doanh nghiệp chỉ giải quyết vấn đề tới một mức nào đó thôi. Những công ty đa quốc gia khủng của Hoa Kỳ nhiều khi rất cần sự trợ giúp từ bên ngoài, cụ thể là phòng thương mại và tòa đại sứ. Thậm chí cần bộ thương mại can thiệp. Điều này chúng ta sẽ nói thêm trong bài tiếp theo.

    Mức thuế mới của Hoa Kỳ : Ứng phó ra sao ? (2) 

     

    Sau khi xác định điều gì công ty làm được, điều nào công ty cần hỗ trợ thì công ty chính thức yêu cầu. Hoặc yêu cầu Phòng Thương mại nói chuyện vận động với giới chức trách. Hoặc yêu cầu tham tán thương mại của tòa đại sứ chính thức nêu yêu cầu. Thậm chí cần bộ thương mại can thiệp.

    Thí dụ, trước khi gặp Bộ Thương mại của một quốc gia, công ty cùng với Phòng Thương mại Hoa Kỳ làm việc với nhau về nội dung. Cần làm việc tỉ mỉ để làm rõ nội dung mà các thành viên chủ chốt cần nắm rõ. Điều cần xác định trước hết là nhu cầu và giá trị thực sự đằng sau chính sách thuế ấy là gì. Với mỗi nhu cầu hay giá trị, làm gì để đáp ứng... 

    Có những điều đó được chuẩn bị sẵn trong đầu, đoàn làm việc càng có nhiều cơ hội đạt mục tiêu.

    5) Nhu cầu và giá trị thực sự đằng sau chính sách thuế của Hoa Kỳ là gì ? 

    Tôi nghĩ tới điều rất quan trọng là Việt Nam giúp Trung Quốc lách thuế !

    Nói Việt Nam là nói quốc gia chung. Doanh nghiệp nhà nước tôi không biết, nhưng biết doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đưa hàng Trung Quốc sang cho công ty Việt Nam làm công đoạn chót rồi xuất qua Hoa Kỳ. Hàng dệt may, hàng thủy sản, sắt thép, cơ khí... 

    Việc chuyển nguyên liệu hay hàng bán thành phẩm sang quốc gia khác hoàn thành công đoạn chót không có vấn đề. Vấn đề ở chỗ sự khai báo có minh bạch, đúng đắn hay không. 

    Thí dụ thông thường hàng khai sản xuất tại Việt Nam phải có 40 % giá trị gia tăng tạo tại Việt Nam. Nếu mặt hàng Việt Nam thực sự đạt con số đó thì không có vấn đề. Nếu giá trị này thật sự chỉ là 10 % nhưng khai báo lên 40 % để hưởng thuế ưu đãi khi nhập vào Hoa Kỳ thì điều này là không hợp pháp. Đây là điều Hoa Kỳ đã nêu lên và đã đưa một số mặt hàng vào điều tra.

    Tôi nghĩ, Nhu cầu và Giá trị thực đằng sau thuế áp 46 % lên Việt Nam liên quan tới vấn đề này. Việt Nam cần phải có biện pháp kiểm soát hữu hiệu.

    Mức thuế mới của Hoa Kỳ : Ứng phó ra sao ? (3) 

    Trong số các giấy tờ quan trọng cho nền sản xuất toàn cầu hóa có Giấy Chứng Nhận Xuất Xứ (CO = Certificate of Origin). 

    Ở các quốc gia có nền kinh tế thi trường thuần túy, CO do Phòng Thương mại cấp. Ở quốc gia có nền kinh tế thị trường “định hướng”, CO do bộ Thương mại (hoặc tương đương) cấp. 

    Cũng có quốc gia chấp nhận CO do công ty sản xuất cấp. CO luôn được yêu cầu có mặt trong hồ sơ nhập cảng.

    Thí dụ, để sản xuất một loại thuốc thú y tại Việt Nam, nhà sản xuất cần nhập cảng Vitamin E, Vita-min A sản xuất ở Trung Quốc. Khi nhập cảng các Vitamin đó, người nhập cần CO. CO là tài liệu không chỉ cần thiết theo yêu cầu của hồ sơ nhập cảng, mà còn quan trọng để tính phần giá trị gia tăng trên nước Việt Nam.

    Như đã nói trên, nếu một sản phẩm chỉ có giá trị gia tăng tại Việt Nam là 10 % mà muốn khai lên 40 % để ghi sản xuất tại Việt Nam hưởng thuế ưu đãi khi nhập vào Hoa Kỳ, người ta phải xào nấu CO.

    Vậy nên, giải pháp chính đáng và thuyết phục là : 

    a) Kiểm soát sự vận hành của nền kinh tế để loại bỏ các gian dối, mánh mung hủy hoại tính lành mạnh của nền kinh tế, 

    b) Trước mắt, cho Hoa Kỳ biết Việt Nam có lộ trình chống gian lận thương mại.

    Bài sau sẽ thảo luận Việt Nam cần chuẩn bị gì để thuyết phục Hoa Kỳ.

    LÊ HỌC LÃNH VÂN 05.04.2025


    Không có nhận xét nào