Thanh Hà /RFI
03/4/2025
Mỹ mới vừa xây một bức tường thành để bảo vệ thị trường nội địa. Trong « Ngày Giải Phóng » Hoa Kỳ 02/04/2025, tổng thống Trump công bố « bản tuyên ngôn độc lập kinh tế », đánh thuế hải quan từ 10 đến 50 % đối với toàn thế giới. Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam dẫn đầu bảng các đối tượng được tổng thống Trump « chiếu cố ». Một quốc gia nghèo trên thế giới như Ethiopia, không biết có gì để xuất khẩu sang Mỹ, cũng bị phạt 10 %.
Tổng thống Donald Trump phát biểu nhân "Ngày Giải Phóng" nước Mỹ khỏi hàng hóa của thế giới. Ảnh ngày 02/042025. AP - Evan Vucci
Thị trường tài chính Mỹ ngay từ chiều qua và sáng nay đến lượt các thị trường ở châu Á và châu Âu thực sự « choáng váng ». Cộng đồng quốc tế tập trung tìm cách đáp trả.
Chủ nhân Nhà Trắng đã trịnh trọng triệu tập báo chí để công bố kế hoạch « Giải Phóng » nước Mỹ khỏi hàng hóa của nước ngoài. « Ngày 2/4/2025 sẽ vĩnh viễn đi vào lịch sử đánh dấu sự hồi sinh của nền công nghiệp Hoa Kỳ, ngày mà nước Mỹ giành lại quyền định đoạt về tương lai, ngày mà nước Mỹ thịnh vượng trở lại », chấm dứt hiện tượng « người nước ngoài, những kẻ lừa bịp, những con kền kền rút ruột các nhà máy của Mỹ và đập vỡ giấc mơ Hoa Kỳ. »
Donald Trump tuyên bố như trên khi đặt bút ký sắc lệnh mà ông gọi là « bản tuyên ngôn độc lập kinh tế ».
« Bản tuyên ngôn độc lập kinh tế »
Vậy thấy gì từ « bản tuyên ngôn độc lập » của nước Mỹ dưới thời tổng thống Trump ?
Đầu tiên, lãnh đạo Nhà Trắng nhắc lại biện pháp tăng 25 % thuế hải quan đánh vào tất cả xe hơi sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ. Điểm thứ hai đáng chú ý là tổng thống Trump trừng phạt « toàn thế giới », nhưng tránh đánh thuế nhập khẩu vào những mặt hàng thuộc diện « chiến lược » đối với an ninh và an ninh kinh tế của nước Mỹ. Thiết bị điện tử bán dẫn nhập khẩu vào Mỹ, hay những kim loại hiếm cần thiết cho công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ ... được ông Trump « tạm tha »
Điểm thứ ba và quan trọng hơn cả là tổng thống Trump áp dụng nguyên tắc « thuế đối ứng » với toàn thế giới. Tuy nhiên trên hai tấm bảng với nhiều màu, trên nền đen, được trưng ra trong Vườn Hồng phủ tổng thống Mỹ chiều qua, không có tên Nga và Bắc Triều Tiên, do Washington không coi hai quốc gia này là những “đối tác thương mại quan trọng” của nước Mỹ. Cũng không thấy có tên của Canada hay Mêhicô, hai đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ cùng với Trung Quốc. Nhưng đảo Tuvalu mãi tận Nam Thái Bình Dương, hay Eritrea ở cực nam Sừng Châu Phi, lọt giữa Ethiopia, Soudan ... thì cùng chịu mức thuế đối ứng 10 %.
10% là mức thuế tối thiểu Mỹ phạt thế giới, Anh Quốc là một trong những nền kinh tế hiếm hoi được ân huệ đó, tương tự như quần đảo Cook hay Nam Soudan. Bị « nặng nhất » là Lesotho ở Châu Phi, hay vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, đảo Saint-Pierre-et-Miquelon (khu vực Bắc Mỹ).
Washington bắt đầu áp dụng nguyên tắc « thuế đối ứng này từ ngày 5/04 và 9/04 ». Trong năm 2024 Mỹ nhập khẩu hơn 3.200 tỷ đô la hàng của thế giới. Do vậy theo tính toán của Nhà Trắng, chỉ với mức thuế tối thiểu 10 % cũng đủ để thu về 320 tỷ cho ngân sách của Mỹ. Tổng thống Trump khẳng định ông đang « giải phóng » đất nước và đem về « hàng ngàn tỷ đô la cho người dân Hoa Kỳ »
Những đối tượng được "chiếu cố tận tình"
Nhưng trong danh sách trừng phạt, tổng thống Trump mạnh tay với nhiều đối tác : Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam là những đối tượng « được chiếu cố tận tình ». Chính bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent khẳng định : Hàng của Trung Quốc bán sang Mỹ đến cuối tuần này bị đánh thuế thêm 54 %. Đây là một đòn rất mạnh tay sau khi Nhà Trắng đã hai lần tăng thuế hải quan, 10 và 20% nhắm vào hàng « made in China ». Truyền thông tại Washington đưa ra một thí dụ cụ thể : đến cuối tuần này người Mỹ sẽ mua máy sấy tóc sản xuất từ Trung Quốc với cái giá đắt hơn đến 54 % so với trước khi tổng thống Trump nhậm chức ngày 20/01/2025.
Tại Châu Á, Trung Quốc không phải là mục tiêu duy nhất tổng thống Trump nhắm tới. Việt Nam, với cán cân thương mại bất lợi cho Hoa Kỳ, bị phạt « 46 % ». Lào và Cam Bốt ít xuất hiện trong danh sách các bạn hàng « ăn bám » Mỹ nhưng cũng bị áp thuế 48 và 49 %.
Để « giải phóng » nước Mỹ, chính quyền Washington không hề nương tay với các đồng minh cốt lõi như Nhật Bản (24 %), Hàn Quốc (25 %), Đài Loan (32 %), New Delhi chịu khó đàm phán đến giờ chót nhưng cũng chịu thuế 26 %.
Thế giới dàn trận phản công
Kế hoạch giải phóng nước Mỹ của Nhà Trắng đẩy toàn thế giới vào thế thủ. Tại Pháp, chiều nay 03/04/2025 tổng thống Emmanuel Macron triệu tập lãnh đạo các ngành nghề bị « tổn thương nhiều nhất ». Liên Hiệp Châu Âu tuy để ngỏ khả năng đàm phán nhưng không loại trừ đánh thuế vào các dịch vụ công nghệ số của nhóm GAFAM, giới tài phiệt đứng sau lưng tổng thống Hoa Kỳ. Nhìn vào cán cân thương mại giữa Mỹ với châu Âu về hàng hóa, thì đúng là Mỹ bị nhập siêu 235 tỷ đô la trong năm 2024. Nhưng về các dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính và công nghệ số, thì Mỹ có lãi trong các trao đổi với toàn khối Liên Âu. Nói cách khác, nếu phải đáp trả và trừng phạt Hoa Kỳ, Bruxelles có thể đánh thuế các dịch vụ do các tập đoàn công nghệ của Mỹ cung cấp cho người tiêu dùng ở Châu Âu. Trong lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Trump hôm 20/01/2025, hầu hết nhủ nhân nhóm GAFAM (Google, Appel, Facebook, Amazon...) đều là những khách mời danh dự !
Tại Bắc Kinh, bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo duy trì kênh đối thoại với Washington, nhưng chuẩn bị « các biện pháp » đáp trả ngay lập tức. Theo Wendy Cutler, phó chủ tịch trung tâm nghiên cứu Asia Society Policy được báo tài chính Nhật Bản Nikkei Asia (ngày 03/04/2025) trích dẫn, với kế hoạch Giải Phóng nước Mỹ vừa công bố, « tăng trưởng của thế giới sẽ sụp đổ theo nhịp độ mà các biện pháp thuế khóa của Hoa Kỳ được thực thi ».
Fred Neumann, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng HSBC, cũng được tờ báo này trích dẫn, nhấn mạnh « thời kỳ mà nền công nghiêp xuất khẩu châu Á được phát triển đã qua ». Chính quyền tại các quốc gia này bắt buộc phải thúc đẩy tăng trưởng bằng các biện pháp kích cầu, tức là huy động các ngân sách của nhà nước và các công cụ tiền tệ.
Hoài nghi về mức thuế « trên trời » hàng Mỹ phải chịu
Một điểm đáng chú ý khác là, khi giải thích vì sao Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu 34 % đánh vào hàng Trung Quốc, hay 46 % nhắm vào hàng Việt Nam, tổng thống Trump đã khẳng định : hàng Mỹ bán sang Trung Quốc bị đánh thuế 67 % và sang thị trường Việt Nam 90 % ...
Mọi người đang thắc mắc về mức độ đáng tin cậy của những con số 67 % hay 90 % đó. Về điểm này, theo điều tra của báo Pháp Le Monde, ông Trump đã đưa ra những con số « rất xa với sự thật ».
Làm thế nào để Nhà Trắng lại có được con số thuế nhập khẩu của Châu Âu đánh vào hàng Mỹ là 39 % ? Le Monde lấy trường hợp của thể của Liên Âu với Mỹ : năm 2024 thâm hụt mậu dịch của Mỹ với châu lục này lên tới 235 tỷ đô la. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của châu Âu sang Hoa Kỳ cùng kỳ là 605 tỷ đô la. Các cố vấn của tổng thống Trump chia thâm hụt mậu dịch với tổng kim ngạch xuất khẩu để kết luận rằng hàng Mỹ bán sang châu Âu bị áp thuế 39 %.
Với phương pháp đó Nhà Trắng kết luận rằng Việt Nam đánh thuế hàng Mỹ 90 %. Phương pháp này bị nhiều tờ báo Mỹ phản bác. Cùng lúc, nghiên cứu của viện German Marshall Fund, trụ sở tại Washington, đưa ra các dữ liệu cho thấy : « Hiện tại, Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu trung bình là 2,5 %, Liên Âu là 2,7 % và Trung Quốc là 3,1 %. Còn Ấn Độ là 11,5 % »
Cuối cùng, cần lưu ý rằng, vào lúc tổng thống Trump công bố bảng « thuế đối ứng » nhắm vào toàn cầu, bộ trưởng Tài Chính Scott Bessent đưa là lời khuyên như sau : « Các bạn hãy bình tĩnh, hãy cứ chịu đựng và chờ xem tình hình xoay chuyển ra sao. Nếu đáp trả thì (chiến tranh thương mại) sẽ leo thang ».
https://www.rfi.fr/vi
Không có nhận xét nào