22/3/2025
Một đất nước hơn 75 năm không có hiến pháp chính thức mà vẫn giữ được một chính quyền dân chủ vững mạnh, trong sạch, không tham nhũng, không lũng đoạn, chắc là chuyện hiếm hoi trên thế giới.
Tôi đưa thêm thông tin, vì mấy hôm nay tôi cứ dịch bài về việc liên minh chính quyền mới ở Đức muốn "sửa Luật Cơ Bản", người đọc không nghĩ là nghiêm trọng. Mà nói "sửa hiến pháp" thì không đúng, vì cho đến bây giờ người Đức vẫn không chịu gọi thứ gông cùm do “bên thắng cuộc” áp đặt là hiến pháp.
Trên trang web của chính phủ Đức giải thích, vì sao Luật Cơ Bản không được gọi là hiến pháp:
Das Grundgesetz wurde als Provisorium begriffen: Man wollte die deutsche Teilung nicht vertiefen. Deshalb wurde der Begriff „Verfassung“ vermieden, um den vorübergehenden Zustand zu betonen.
Dịch:
“Luật Cơ Bản được xem là luật tạm thời: Người ta không có ý định đào sâu thêm sự chia rẽ nước Đức. Do đó, thuật ngữ “hiến pháp” đã được tránh sử dụng để nhấn mạnh đến trạng thái tạm thời”.
Và cái sự “tạm thời” này kéo dài đã hơn 75 năm. Nước Đức thống nhất đã 35 năm, đâu còn chia rẽ nữa. Tại sao người Đức vẫn không chịu xem Luật Cơ Bản này là hiến pháp? Có phải là họ ghét cay ghét đắng chuyện ba nước đồng minh xúm vô đè đầu họ, viết cái gọi là hiến pháp cho họ? Họ phủ nhận điều đó. Một ngày nào chưa thay đổi được nỗi hận này, họ sẽ không có cái gì gọi là hiến pháp hết.
*
**
Lưu Thủy Hương ( Võ Thu Phương)
Bạn nào muốn tìm hiểu về chính sách, kinh tế, văn hóa nước Đức, mời tham gia nhóm Nước Đức Hôm Nay.
LUẬT CƠ BẢN CÓ PHẢI LÀ HIẾN PHÁP CỦA NƯỚC ĐỨC?
- Lưu Thủy Hương -
*
Luật Cơ Bản (das Grundgesetz) “được xem là” hiến pháp (die Verfassung) của Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là trật tự pháp lý cơ bản của xã hội, là văn bản pháp lý cấu thành, điều chỉnh và hợp pháp hóa quyền lực nhà nước.
Luật Cơ Bản “có thể hiểu” là hiến pháp của nước Đức. Nó đặt ra nền tảng cho những quy tắc quan trọng nhất khi chung sống với nhau. Nó đưa ra quy định bao quát là ai có thể và ai không được phép cai trị đất nước, cai trị như thế nào và trong giới hạn nào. Vì có giá trị tương đương với hiến pháp nên nó có quyền lực tối cao hơn mọi thứ luật khác mà không có luật nào khác được phép vi phạm. Những chính sách không tuân thủ các quy định của Luật Cơ Bản là vi hiến, nghĩa là vi phạm hiến pháp.
*
Nhưng vì sao người Đức gọi là Luật Cơ Bản mà không gọi thẳng là hiến pháp?
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, người Đức phải chấp nhận việc chia cắt đất nước và chấp nhận những luật lệ áp đặt của đồng minh. Từ tháng 9/1948 đến tháng 6/1949, ba cường quốc chiếm đóng Tây Đức đã ủy nhiệm cho Hội đồng Nghị viện tại Bonn soạn thảo và phê duyệt Luật Cơ Bản cho chính quyền Đức.
Các cơ quan lập pháp của các bang ở Tây Đức (ngoại trừ bang Bayern) đã thông qua Luật Cơ Bản này mà không có cuộc trưng cầu dân ý nào. Người dân Đông Đức ở khu vực chiếm đóng của Liên Xô dĩ nhiên không thể tham gia. Vì chính điều này mà người ta không thể dùng thuật ngữ “hiến pháp” cho bộ luật chỉ mang tính chất tạm thời để theo đó, Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập, trong vị thế kẻ bại trận.
Dù rằng Luật Cơ Bản dựa trên Hiến pháp Paulskirche năm 1849 và Hiến pháp Weimar năm 1919, nhưng về bản chất, nó vẫn phải chịu một số gông cùm của lịch sử. Khó có thể gọi đó là hiến pháp khi nó nhằm trói buộc tay chân của người Đức với những luật lệ ngăn cản sự trở lại của chế độ Quốc xã; với mục đích tạo ra một trật tự không bao giờ cho phép chế độ độc tài, thảm họa diệt chủng Holocaust hay bất kỳ cơ hội nào cho chiến tranh thế giới có thể xảy ra một lần nữa.
Vào ngày 03/10/1990 nước Đức thống nhất, Luật Cơ Bản được xem như là hiến pháp của toàn thể nhân dân Đức.
Sau hơn 75 năm tồn tại, Luật Cơ Bản đã chứng minh được giá trị của nó như một hiến pháp. Nhưng người Đức vì quyền tự do và lợi ích của chính họ, nếu cần thiết, vẫn phải thông qua các biện pháp sửa đổi luật. Tuy nhiên, việc sửa đổi này rất khó khăn vì nó phải được hạ viện và thượng viện thông qua với số phiếu áp đảo là 2/3 phiếu thuận trên tổng số phiếu của các nghị sĩ.
Trong 200 điều của Luật Cơ Bản thì có những điều không được phép sửa đổi. Đó là Điều 1, đảm bảo nhân phẩm con người và Điều 20, các nguyên tắc của nhà nước như dân chủ, pháp quyền và nhà nước phúc lợi (Sozialstaat).
*
Ngày 21.03.2025 vừa qua, Friedrich Merz đã làm được một công việc khó khăn - trong một thời hạn rất ngắn - là bỏ luật “cản nợ” trong Luật Cơ Bản để cho phép nước Đức được vay nợ nhiều hơn nhằm vào việc cải cách kinh tế và đầu tư không giới hạn cho quốc phòng.
Một đất nước thua cuộc bị tròng đủ thứ còng lên cổ, từ trong đổ nát vẫn vươn lên thành cường quốc công nghiệp hàng đầu ở châu Âu, thành nền kinh tế thứ ba của thế giới.
Một đất nước hơn 75 năm không có hiến pháp chính thức mà vẫn giữ được một chính quyền dân chủ vững mạnh, trong sạch, không tham nhũng, không lũng đoạn.
Nhưng vẫn còn nhiều thứ cần thay đổi, để phát triển kinh tế và xây dựng quốc phòng và tương trợ với thế giới.
*
Lưu Thủy Hương viết từ Berlin
https://www.facebook.com/thuphuong.vo.75436
Không có nhận xét nào