Gồm 3 kỳ..( còn tiếp)
Chung cư CT8A Đại Thanh (huyện Thanh Trì, Hà Nội)
Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2025
Bàn trà chủ nhật
- Hôm qua, thứ bảy 15.3, các cơ quan truyền thông nhà nước đều thông tin Tiểu ban văn kiện của đại hội 14 họp. Đứng đầu tiểu ban này tất nhiên ông Tô Lâm, bởi đây là bộ phận quan trọng nhất chuẩn bị đại hội. Ông Trọng các nhiệm kỳ trước đều vậy, giành đứng đầu. Nó (tiểu ban văn kiện) quan trọng bởi đưa ra đường lối chính sách, vạch hướng đi. Mà nó đã đưa ra rồi, thì đại hội cứ thế biểu quyết, bàn bạc chỉ cho có. Đại hội (tức trung ương) đã biểu quyết rồi thì từ trên xuống dưới, nhà nước, chính phủ, quốc hội tới tận thôn ấp cứ thế làm. 5 năm sau mới có thể điều chỉnh khi chuẩn bị đại hội kế tiếp. Dài lắm, chứ không phải như người ta nói “5 năm, mới bấy nhiêu ngày” tự sướng.
Kể từ ông Trọng - nhà lý luận suông vĩ đại, trở về trước, điều quan trọng nhất trong những điều quan trọng của văn kiện đại hội đảng là vấn đề đường lối, vẫn một mực trung thành, “kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, bởi người cộng sản có niềm tin rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thực sự đem lại cuộc sống ấm no, công bằng, hạnh phúc cho con người. Suốt hơn 2/3 thế kỷ họ đã tin như thế, một niềm tin mù quáng trong khi lý luận và thực tiễn đối lập nhau một trời một vực. Chừng ấy thời gian, nếu chủ nghĩa xã hội thực sự như họ nghĩ thì nước này thành thiên đường từ lâu rồi, đám G7, Qatar, Thụy Sĩ chỉ có xách dép lẽo đẽo theo, còn bọn Sing, Hàn, Thái đứng đó mà mơ.
Điều may mắn cho nhân loại, cho rất nhiều nước trên địa cầu đã một thời u mê hoặc bị ép buộc, là chủ nghĩa xã hội với thứ học thuyết trên mây của nó đã sụp đổ, tan tành. Nó bị các nạn quốc ném vào sọt rác, để rảnh chân rảnh tay làm ăn bước trên con đường mới, xây dựng hạnh phúc thực sự, chứ không phải thứ hạnh phúc giấy chỉ dành cho một đám người.
Rõ mười mươi như vậy, nhưng vẫn không ít anh hùng làng vũ đại vẫn u mê, cứ cắm đầu cắm cổ kiên định. Một trưởng thôn kiên định chỉ hại một thôn, nhưng tứ trụ kiên định thì đại họa cho một nước, tôi bảo thật.
Lại nhớ hôm Võ Văn Thưởng tuyên thệ (thệ nghĩa là thề, tuyên thệ là thề công khai trước bàn dân thiên hạ) trước quốc hội. Tôi và lão hàng xóm coi tivi trực tiếp, nghe xem tân nguyên thủ quốc gia, người được coi là ứng viên số 1 chức tổng bí thư (siêu nguyên thủ) nói gì. Khi Thưởng thề “kiên định lập trường đi lên chủ nghĩa xã hội” thì ông hàng xóm giật phắt lấy rờ mốt tắt tivi cái phụp, làu bàu dẹp dẹp, u mê đến thế thì thôi, chả trông đợi, hy vọng gì. Về sau thì ai cũng rõ Thưởng là người thế nào.
Những người mắc bệnh ung thư lý luận như Thưởng, như ông Trọng mắc nợ nước này dân này nhiều lắm, mà món nợ nhất là lãng phí thời gian của cả dân tộc để đâm đầu vào thứ triết thuyết lạc hậu, viển vông, tầm thường, vô bổ, có hại.
Chuẩn bị văn kiện cho đại hội mà không dứt ra được lề thói cũ, cách nghĩ cũ, bẩy được đám bê tông mục nát ra khỏi óc, rồi cũng chẳng đi đến đâu. Giờ chính là lúc, là làm cái việc quan trọng để thay đổi cơ bản, không thì lại tự trói mình thôi, chả tích sự gì. Kỷ nguyên mới hay không phụ thuộc vào việc tháo điểm nghẽn này. Tháo được nó thì sẽ hết điểm nghẽn khác. Còn không thì vẫn “đổi mới như cũ”. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
1 nhận xét:
Nặc danhlúc 23:44 16 tháng 3, 2025
Neu nhung nguoi lanh dao la nhung nguoi cong san chan chinh thi chu nghia xh la co that.Chu nghia tu ban lam cho xh phan chia giai cap bat cong -khoang cach giau ngheo -cac nuoc phat trien xh dang bat binh voi chinh minh ---xhcn se la diem den cua the gioi trong tuong lai --cho xem .
Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2025
Bàn trà chủ nhật (phần 2)
Hôm nay thứ sáu nhưng đây là phần 2 của "Bàn trà chủ nhật" ạ.
Không phải ngẫu nhiên ông Tô Lâm đưa ra những khái niệm/cụm từ ngữ/từ mới, chẳng hạn “kỷ nguyên mới”, “điểm nghẽn”… rất nhạy cảm. Thời ông Trọng làm mưa làm gió suốt hơn chục năm, cả cán bộ lẫn dân thường, không ai dám nói dám dùng những từ ngữ ấy bởi bị coi là đụng chạm, thù địch, âm mưu “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, có thể đi tù.
Khi người đứng đầu luôn tự sướng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay” (câu này được ông Trọng nhắc đi nhắc lại nhiều lần mỗi khi có dịp, từ năm 2021 tới 2024), “Mây đen bao phủ toàn cầu nhưng mặt trời vẫn tỏa sáng rực rỡ ở Việt Nam” (phát biểu năm 2019 và sau cũng nhắc lại nhiều lần) thì đố đứa nào dám đòi vào kỷ nguyên mới, đòi tháo điểm nghẽn. Hiện tại tốt đẹp như vậy rồi, đòi vào kỷ nguyên mới có nghĩa là phủ nhận, chưa hài lòng hiện tại. Phát triển thông suốt như thế rồi, lấy đâu ra điểm nghẽn. Cãi với người chỉ sống bằng lý luận, nhắm tịt mắt trước hiện thực, nói thẳng ra chỉ có chết.
Trong suốt bao nhiêu năm, hàng mấy chục năm, thậm chí hơn nửa thế kỷ, chỉ có ông Tô Lâm dám xé rào. Ông Trường Chinh ư, ông Nguyễn Văn Linh ư, dạng những đổi mới nửa vời, cải lương, vụn vặt, không đi đến đâu. Họ chỉ hoa lá cành, rụt rè đụng chạm, khi gặp điểm nghẽn, xương xẩu thì vội co lại cho an toàn. Dân gian cười rằng đổi mới như cũ. Cả cái cũ lẫn cái mới đều do họ và ê kíp tạo ra thì chẳng có gì phải ca ngợi. Người ta cứ xưng tụng đề cao ông Chinh ông Linh, chứ riêng tôi, thấy cũng thường thôi.
Ông Lâm khác ông Chinh ông Linh ông Trọng. Mặc dù lúc này tin ông còn hơi sớm hơi vội nhưng đã có những cơ sở, căn cứ xác đáng. Chỉ chưa đầy một năm, ông đã làm cuộc cách mạng thực sự, đổi mới thực sự tận gốc bộ máy hành chính và hệ thống chính trị trì trệ, rườm rà, ít hiệu quả, lãng phí sức lực và ngân sách. Không đủ tự tin và bản lĩnh, không hiểu rõ ung nhọt - khối ung thư tồn tại đã quá kéo dài trong bộ máy, không tập hợp được những người cùng chí hướng đồng tâm với mình, và nhất là không thực lòng hướng về nhân dân, thì cũng chả đi đến đâu, cầm chắc thất bại. Ông Tô về cơ bản không có mấy thứ “không” ấy, mà là có. Hơn hẳn ông Trọng. Một năm thay đổi bằng cả chục năm, và tạo nhiều hy vọng thực sự.
Tất nhiên cũng có lúc ông trồng cây to, cho in sách (chả ai đọc), thích tiền hô hậu ủng… dẫm vào vết tầm thường của những người cũ. Ấy là tội của đám trợ lý, bề tôi, quân sư, cấp dưới, nhưng cũng có phần thiếu tỉnh táo, mất cảnh giác của chính ông. Quan, chúng không làm nhiệm vụ gián quan, nhưng ông cứ yên tâm, dân sẽ đóng vai gián dân, sẵn sàng ủng hộ ông nếu ông vì dân vì nước chứ không phải vì thứ chủ nghĩa, đường lối vớ vẩn nào.
Chỉ có điều, ông phải khác ông Chinh ông Linh ông Trọng, phá được cái dớp cũ đè nặng suốt bao năm đất nước này. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
5 nhận xét:
Nặc danhlúc 05:50 22 tháng 3, 2025
Mỗi giai đoạn lịch sử có sứ mệnh của nó, Ông phủ nhận công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì ông chả hiểu gì về chính trị. Chúc ông không xem đám tang của Bác Tổng có số người đến viếng ngang tầm đại tướng Võ Nguyên Giáp... Biết thì thưa thớt, không biết dựa cột mà nghe...
Nguyễn Thônglúc 09:18 22 tháng 3, 2025
Giời ạ, chính trị mà tính bằng số người dự đám tang. Sao ông không nói cả đám tang Trần Đại Quang luôn. Thưa ông, đã là gì so với đám tang Kim Chính Nhật bên Bắc Hàn.
Nặc danhlúc 10:43 22 tháng 3, 2025
Thái Lan và Cu Ba treo cờ rủ, Tập Cận Bình cúi đầu 3 lần, Pu tin gọi Bác Trọng là đồng chí.... Hơn 500 bức điện của các nước trên thế giới chia buồn, tổng thống Mỹ Biden gọi Bác Trọng là nước Mỹ sẽ nhớ ơn Bấc Trọng vì đặt nền móng mqh đối tác chiến lược toàn diện...còn ai đó phủ nhận công lao của Bác Trọng, vội vàng quy chụp...thì các cụ nói là ăn cháo, đái bát
Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2025
Bàn trà chủ nhật (phần 3)
Có người bảo việc đại sự quốc gia để yên cho người ta làm, mình biết gì mà ý kiến ý cò. Dạng suy nghĩ thế rất phổ biến ở xứ này. Một kiểu sống dựa dẫm, sống chết mặc bay, vô nghĩa.
Đã quá lâu, mấy chục năm ròng, người ta mặc nhiên chấp nhận hình thái bộ máy cầm quyền, hệ thống chính trị, hệ thống tổ chức đoàn thể, nhân sự thế này thế nọ. Mũ ni che tai. Kệ tất. Tặc lưỡi, đảng, trung ương, các ông bà lớn đã quyết rồi, là xem như đã an bài, chỉ cần phục tùng, không bàn cãi nữa. Giống như con người vậy, được may cho cái áo, dù rộng hẹp, xấu tốt thế nào cũng mặc, phải mặc. Nhiều ông bà còn trưng trong nhà chữ “nhẫn”, xem đó như phương châm sống.
Sau khi người cộng sản đánh đổ phong kiến thực dân, xóa bỏ bộ máy quân chủ, “rồng năm móng vua quan thành bụi đất”, chế độ mới dân chủ cộng hòa được xác lập. Chỉ có điều, vua bị lật bị chôn vùi vĩnh viễn, thì cơ chế đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện, quyết định mọi việc cũng không khác gì vua, còn hơn cả vua, bảo hoàng hơn vua. Suốt bao nhiêu đời bí thư thứ nhất (một dạng tổng bí thư), tổng bí thư, những ông vua mới đã nắm và quyết tất. Điều đó có thể thấy rõ nhất dưới triều ông Lê Duẩn bí thư thứ nhất và ông Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư. Hồi tôi còn làm báo quốc doanh, được quán triệt quy định, trong bài viết, vị trí của các nhà lãnh đạo cứ theo trật tự bất di bất dịch: Tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội. Ông tổng bí thư dù có khù khờ “trồng cây gì nuôi con gì” hoặc bị thiên hạ coi là lú lẫn lý luận suông thì vẫn cứ ở vị trí thứ nhất, hàng đầu. Dân, nước bị đặt vào thế “may nhờ, rủi chịu”.
Nay ông Tô Lâm đã khác, làm cuộc cách mạng, xóa bỏ những sự ăn hại, cồng kềnh, vướng víu, hình thức, vô tích sự đã đè nặng lên bộ máy cầm quyền suốt bao nhiêu năm, đã ngốn tới 76% ngân sách. Ông nhìn ra được những ung nhọt làm suy yếu đất nước, khổ dân và đưa lưỡi dao mổ cắt phăng chúng đi. Kể từ ông Trường Chinh, ông Duẩn, tới tận ông Linh, ông Mười, ông Trọng, ông nào cũng thấy nhưng không ai làm được, không dám làm, cố ý không làm, hoặc không đủ bản lĩnh. Họ chỉ “còn nó còn mình”, chứ dân-nước với họ chẳng qua đầu môi chót lưỡi.
Dư luận bao giờ cũng thế, ý kiến ý cò, lời ra tiếng vào. Nhiều người sống bằng sự hoài nghi đã quen, một dạng “To be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại, nên hay không nên) chả tin điều gì. Họ không tin ông Lâm (có lý do của họ), thậm chí nhặt nhạnh tỉ mỉ những lỗi lầm của ông ấy để đánh giá. Cũng không ít người cẩn trọng bảo cứ chờ xem đã, lấy gì làm vội, chứ bọn làm chính trị chúng nó mưu mô thủ đoạn lắm, v.v..
Tôi, một phó thường dân, cũng ít nhiều chưa tin, bởi tôi chứng kiến và thất vọng về họ nhiều rồi. Thóc giống còn quá ít. Nhưng nhìn, thấy những gì ông Tô Lâm và bộ sậu làm quyết liệt trong thời gian ngắn qua, tôi đã củng cố lòng tin trở lại. Những điều họ làm trong cuộc cách mạng hiếm hoi này, ít nhất cũng lợi cho dân cho nước, cho chính bản thân mình, sao lại không tán đồng, ủng hộ. Ông em rể tôi bảo cần ủng hộ ông ấy, điều ông ấy làm, bởi bây giờ hoặc không bao giờ nữa. Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải vì một cá nhân nào, dù đó là Tô Lâm. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
https://thongcao55.blogspot.com/2025/03/ban-tra-chu-nhat.html
Không có nhận xét nào