Friday, April 18.

Header Ads

banner_Vietnam-4

G7 Gửi Đi Thông Điệp: Bất Ổn Trên Các Vùng Biển Đã Tác Động Tới Kinh Tế Toàn Cầu

(Trích Bản Tin Biển Đông Số 171 )

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

28/3/2025

.com/docsz/

Sau 9 năm, G7 một lần nữa đưa ra tuyên bố riêng rẽ về an ninh hàng hải với nhiều yếu tố mới và sự thay đổi trọng tâm.

Tuyên bố của các Ngoại trưởng G7 năm 2025 về An ninh và Thịnh vượng Hàng hải được đưa ra tại Cuộc họp Ngoại trưởng G7 diễn ra tại Charlevoix từ ngày 12 đến 14 tháng 3, trong khuôn khổ nhiệm kỳ Chủ tịch G7 năm 2025 của Canada. 

Tuyên bố đánh dấu một sự phát triển đáng kể so với các diễn ngôn trước đây của G7, đặc biệt là Tuyên bố Hiroshima năm 2016. Đáng chú ý, từ "Thịnh vượng" đã được đưa vào tựa đề của Tuyên bố, và những nguy cơ đối với ổn định kinh tế và chuỗi cung ứng đã chiếm một phần quan trọng trong nội dung Tuyên bố. Điều này cho thấy dưới quan điểm của G7, những nguy cơ trên biển đã không chỉ còn liên quan đến an ninh hàng hải và thuộc phạm trù quốc phòng mà đã ảnh hưởng tới sức khỏe kinh tế toàn cầu và sinh kế của người dân.

Những đổi mới chính trong Tuyên bố năm 2025

Thứ nhất, Tuyên bố năm 2025 mở rộng trọng tâm địa lý đáng quan ngại ra ngoài các khu vực truyền thống. Bản tuyên bố đã đề cập đến nhiều khu vực hàng hải cùng một lúc, bao gồm "Eo biển Đài Loan, Biển Đông, Biển Đỏ và Biển Đen". Các tuyên bố trước đó, như tuyên bố tháng 9 năm 2024, tập trung hẹp hơn vào Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Thứ nhì, Tuyên bố năm 2025 sử dụng ngôn ngữ cứng rắn và cụ thể hơn đáng kể đối với các hoạt động của Trung Quốc, lên án “các hành động bất hợp pháp, khiêu khích, cưỡng ép và nguy hiểm của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng theo cách có nguy cơ làm suy yếu sự ổn định của các khu vực"

Điều này là bước phát triển mạnh mẽ so với những diễn ngôn trước đây. Chẳng hạn như tuyên bố tháng 9 năm 2024 bày tỏ "mối quan ngại nghiêm trọng" nhưng không sử dụng các từ như "bất hợp pháp". Sự thay đổi được nhận ra rõ rệt khi so với bản tuyên bố đồng cấp (cũng là một tuyên bố độc lập riêng rẽ) năm 2016, trong đó bày tỏ quan ngại về Biển Hoa Đông và Biển Đông nhưng sử dụng ngôn ngữ chung chung hơn như "các hành động đơn phương đe dọa, cưỡng ép hoặc khiêu khích" mà không nêu tên trực tiếp Trung Quốc.

Thứ ba, Tuyên bố năm 2025 nhấn mạnh cụ thể hơn vào các khía cạnh kinh tế. Điều này cũng thể hiện ngay trong tựa đề của bản tuyên bố với sự xuất hiện của từ mới "Thịnh vượng". Cụ thể, Tuyên bố nhấn mạnh khoảng 80% khối lượng thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển; 99% lưu lượng dữ liệu liên lục địa chảy qua các cáp ngầm. Tuyên bố cũng kết nối trực tiếp giữa an ninh hàng hải và "an ninh lương thực quốc tế, khoáng sản quan trọng, an ninh năng lượng, chuỗi cung ứng toàn cầu và ổn định kinh tế." 

Thứ tư, Tuyên bố năm 2025 đặc biệt ưu tiên "bảo vệ cơ sở hạ tầng hàng hải và dưới biển quan trọng", phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của toàn cầu về tính dễ bị tổn thương của các cáp ngầm và các tài sản dưới biển khác.

Thứ năm, Tuyên bố năm 2025 nhấn mạnh mối quan ngại về "sự gia tăng các thực tiễn vận chuyển không an toàn và bất hợp pháp, bao gồm đăng ký công ty gian lận khiến các thủy thủ bị bỏ rơi", cho thấy sự chú ý đến các thách thức trong quản trị hàng hải và quyền con người ở biển.

Đáng chú ý, bản tuyên bố được coi là thiết lập một "khung hợp tác" cụ thể với các đối tác ngoài G7, thể hiện ý định và kế hoạch rõ ràng trong việc hợp tác với các quốc gia "có cảng lớn, đội tàu thương mại lớn", đề cập cụ thể đến ASEAN đóng vai trò "không thể thiếu trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", thay vì những từ ngữ về hợp tác chỉ mang tính chung chung trước đây.

Có thể thấy, Tuyên bố 2025 thể hiện một sự tiến hóa đáng kể so với các tuyên bố trước đây khi sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ và rõ ràng hơn chống lại các hành động của Trung Quốc; mở rộng trọng tâm địa lý ra ngoài các điểm nóng truyền thống ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; đề cập cụ thể đến các điểm yếu trong cơ sở hạ tầng dưới biển; làm nổi bật rõ ràng hơn các tác động kinh tế; tạo ra các sáng kiến nhắm mục tiêu chống lại các hoạt động vận chuyển bất hợp pháp; nhấn mạnh sự giám sát đối với quyền sở hữu các cảng chiến lược; và thiết lập các khuôn khổ có cấu trúc cho sự hợp tác quốc tế rộng lớn hơn. 

Những thay đổi này phản ánh căng thẳng địa chính trị gia tăng trong các khu vực hàng hải trên toàn cầu và cho thấy cách tiếp cận ngày càng quyết đoán cũng như toàn cầu hoá của các quốc gia G7 trong việc duy trì tự do hàng hải, năng lực chống chịu của kinh tế và ổn định khu vực.

https://dskbd.org/2025/03/20

https://www.facebook.com/share/169uYLPEhc/


Không có nhận xét nào