RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với ông Hubert Testard, chuyên gia về châu Á và các thách thức kinh tế quốc tế, giảng dạy tại khoa Quan hệ Quốc tế, trường Sciences Po, tổng biên tập trang Asialyst chuyên về châu Á.
17/02/2025
"...Điểm cuối cùng, gia đình Trump cũng đang có dự án đầu tư lớn vào khách sạn hạng sang ở Việt Nam, trị giá khoảng 1,5 tỉ đô la. Điều đó có nghĩa là tập đoàn Trump Organization cũng quan tâm đến việc Việt Nam được ổn. Đó là những yếu tố có thể cân bằng một chút mọi thứ. Dù vậy khi nhìn vào cách ông Trump đang khởi động việc trừng phạt thương mại theo mọi hướng, tôi vẫn cho rằng Việt Nam sẽ khó có thể thoát khỏi được trừng phạt của Trump".
Ảnh lưu trữ ngày 11/11/2017 : Tổng thống Mỹ Donald Trump lên Air Force One tại sân bay Đà Nẵng, Việt Nam, sau khi tham dự thượng đỉnh APEC để đến Hà Nội, bắt đầu chuyến công du cấp Nhà nước. AP - Andrew Harnik
Ngày 13/02/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump ký kế hoạch thuế nhập khẩu đối ứng : tăng thuế quan phù hợp với mức thuế mà các nước khác áp dụng đối với hàng nhập khẩu Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Mỹ để ngỏ khả năng điều chỉnh mức thuế này cho từng quốc gia nhằm tiến hành các cuộc đàm phán mới. Ba ngày trước đó là sắc lệnh áp thuế 25% đối với toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ. Cả hai biện pháp này đều tác động lớn đến Việt Nam.
Ngày 14/02, Việt Nam khẳng định sẽ nhập khẩu thêm nông sản của Mỹ và sẵn sàng thảo luận với Washington để tránh các chính sách thuế quan mới mà ông Trump đưa ra. Việt Nam từng bị tổng thống Donald Trump chỉ đích danh là “học sinh tồi” trong nhiệm kỳ đầu. Ông sẽ không hài lòng về thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam lên đến hơn 116 tỉ đô la trong năm 2024. Theo Reuters, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, Mêhicô về quy mô mất cân bằng thương mại với Mỹ.
Theo thống kê hải quan Mỹ, được ông Đỗ Ngọc Hưng, tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, trích dẫn khi trả lời truyền thông trong nước, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu khoảng 983 triệu đô la thép và sản phẩm thép, tăng gần 159% so với năm 2023 ; mặt hàng nhôm có kim ngạch là 479 triệu đô la, tăng 9,5%.
Mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam đang chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% mà Mỹ áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước. Cho dù Mỹ áp dụng thuế 25% với toàn bộ hàng nhập khẩu, sản phẩm thép Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu khi năng lực của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay và Mỹ vẫn cần nhập khẩu thép từ 12-15% và nhôm từ 40-45%. Dù vậy, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, “biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống”.
Ngoài ra, sản phẩm nhôm, thép của Việt Nam là đối tượng thường xuyên trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Với sản phẩm thép, Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam còn với sản phẩm nhôm là 2 vụ việc.
Các biện pháp thuế nhập khẩu mới của Mỹ tác động như thế nào đến Việt Nam ? Hà Nội có thể có đối sách như thế nào ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với ông Hubert Testard, chuyên gia về châu Á và các thách thức kinh tế quốc tế, giảng dạy tại khoa Quan hệ Quốc tế, trường Sciences Po, tổng biên tập trang Asialyst chuyên về châu Á.
RFI : Năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm 25,3% GDP của Việt Nam. Hà Nội sẽ phải đối mặt với những rủi ro nào nếu Washington thực hiện các biện pháp thuế quan, bao gồm cả việc tăng thuế hải quan đối với nhôm, thép mới được công bố, trong khi Việt Nam vẫn xuất khẩu nhôm, thép sang Hoa Kỳ ?
Hubert Testard : Vấn đề mà Việt Nam gặp phải, thực ra vừa là lợi thế vừa là khó khăn. Lợi thế của Việt Nam là một quốc gia có tính quốc tế hóa cao, vì vậy xuất - nhập khẩu chiếm một phần rất quan trọng trong GDP của Việt Nam, cao hơn cả tỉ lệ của Trung Quốc chẳng hạn. Có nghĩa là nếu xét đến kim ngạch xuất khẩu, con số này tương đương khoảng 90% GDP của Việt Nam, còn đối với Trung Quốc thì chưa đến 20%. Vì vậy, đối với Việt Nam, xuất khẩu chiếm thị phần lớn hơn rất nhiều so với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Đây là quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất, ngoại trừ các thành phố cảng như Hồng Kông hay Singapore là những nơi quốc tế hơn Việt Nam.
Thứ hai, Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu của hàng xuất khẩu Việt Nam và chiếm 27% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, khi kết hợp tầm quan trọng chung của xuất khẩu đối với Việt Nam và việc Hoa Kỳ là nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, điều đó có nghĩa là Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng vì các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Điều này sẽ tác động hơn nhiều đến GDP của Việt Nam so với Trung Quốc. Tiếp theo, các lệnh trừng phạt mà Washington công bố gần đây, trong đó có các biện pháp tăng thuế đối với nhôm và thép, tác động thực sự đến Việt Nam, nhưng hiện tại đó không phải là số tiền quá lớn.
Mặt khác, ngày 13/02, ông Trump công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariff), có nghĩa là áp dụng mức thuế nhập khẩu với hàng hóa các nước tương đương mức họ áp với hàng hóa Mỹ. Thế nhưng Việt Nam là một nước đang phát triển, có mức thuế hải quan trung bình là cao hơn các nước phát triển, trong đó có Hoa Kỳ. Nếu lời đe dọa của Trump được áp dụng, chúng ta sẽ thấy mức tăng chung về thuế hải quan của hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ. Điều này còn nghiêm trọng hơn cả việc Mỹ tăng thuế đối với nhôm, thép nhập khẩu. Nếu tôi nhớ không nhầm, Việt Nam đang áp mức thuế nhập khẩu trung bình khoảng 10%, còn mức thuế quan của Hoa Kỳ là chưa tới 3% - tôi đang nói đến mức thuế quan thông thường, không phải về lệnh trừng phạt - điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ tăng thuế quan đối với hàng loạt sản phẩm mà mức thuế quan của Việt Nam tương đối cao. Ông Trump khẳng định thuế nhập khẩu đối ứng được áp dụng với tất cả các nước và chắc là cũng áp dụng đối với Việt Nam.
RFI : Việt Nam bị Mỹ xếp vào nhóm “học sinh tồi”. Chính quyền tổng thống Donald Trump trách Việt Nam về những điểm gì ?
Hubert Testard : Việt Nam có thặng dư thương mại rất lớn với Hoa Kỳ, hơn 100 tỷ đô la. Về giá trị tuyệt đối thì thấp hơn thâm hụt của Trung Quốc với Mỹ vào khoảng 300 tỷ nhưng về mức độ bao phủ, tức là nếu xét về tỷ lệ giữa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ thì Hà Nội nhập khẩu rất ít từ thị trường Mỹ so với mức xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nhìn từ lập trường của Washington, tỷ lệ giữa xuất-nhập khẩu của Việt Nam với Mỹ thấp hơn nhiều so với trường hợp Trung Quốc. Ví dụ khi Trung Quốc bán 100 cho Hoa Kỳ, họ mua 30. Khi Việt Nam bán 100 cho Hoa Kỳ, họ chỉ mua 12 và đây là mức độ mất cân bằng thương mại cao nhất ở châu Á. Chúng ta có thể lo ngại rằng sẽ có những biện pháp đặc biệt liên quan đến
RFI : Vấn đề tái cân bằng thương mại đang nhanh chóng trở lại vấn đề hàng đầu, sau khi chính quyền Trump tạm thời giải quyết vấn đề di dân và fentanyl ? Liệu đây có phải là rủi ro đối với Việt Nam không ?
Hubert Testard : Như tôi vừa nói, Việt Nam có quan hệ thương mại rất mất cân bằng với Mỹ. Thực ra là vì một lý do khá đơn giản, đó là Việt Nam phần nào là khâu cuối cùng trong dây chuyền lắp ráp các sản phẩm châu Á xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Vì thế, khi Việt Nam xuất khẩu 100 sang Hoa Kỳ, có lẽ có 2/3 hoặc 3/4 sản phẩm trung gian đến từ các nước châu Á khác, tất cả đều được lắp ráp ở Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ. Người ta có cảm giác là thặng dư của Việt Nam là rất lớn nhưng thực ra là còn có nhiều nước châu Á khác liên quan đằng sau. Đây là vấn đề của các chuỗi giá trị. Nhưng theo quan điểm của ông Donald Trump, người không coi trọng, không quan tâm đến chuỗi giá trị, ông chỉ tập trung vào thâm hụt song phương thì rõ ràng Việt Nam là một “học sinh tồi”. Dĩ nhiên là có xu hướng yêu cầu tái cân bằng.
Việt Nam có thể tái cân bằng với Mỹ không ? Câu trả lời của tôi là không, bởi vì bản thân Việt Nam liên hệ chặt chẽ với phần còn lại của châu Á và những gì mà Việt Nam có thể nhập khẩu thêm từ Mỹ cũng không phải là quá lớn. Việt Nam có thể mua thêm một ít năng lượng, ví dụ như khí đốt tự nhiên vì Việt Nam cần còn Mỹ là nước xuất khẩu lớn. Có thể sẽ có nhiều khí đốt tự nhiên của Mỹ hơn ở Việt Nam, sắp tới sẽ có thêm máy bay. Nhưng các nước Châu Âu cũng bán máy bay cho Việt Nam và Châu Âu cũng chịu thâm hụt song phương đáng kể với Việt Nam. Vì vậy, Hà Nội không thể gây bất lợi quá lớn cho Châu Âu vì đó cũng là một thị trường rất quan trọng đối với Việt Nam. Nếu xét từng sản phẩm thì không hề dễ cho Việt Nam. Hà Nội có thể làm điều gì đó nhưng không thực sự đủ để tái cân bằng.
RFI : Có vẻ như hầu hết các biện pháp thuế quan của Trump đều nhằm vào đích cuối là Trung Quốc, ví dụ gần đây Panama đã rút khỏi dự án Con đường tơ lụa mới. Liệu Việt Nam có thể thoát khỏi tình trạng này một thời gian nhờ chính sách chống Trung Quốc hiện nay của chính quyền Mỹ ?
Hubert Testard : Đúng là Việt Nam dường như không phải là quốc gia thù địch với Mỹ, trong khi Trung Quốc lại là đối thủ lớn. Đó là điều tích cực cho Hà Nội. Nhưng khi nhìn vào chính sách thương mại của ông Trump, tổng thống Mỹ không coi trọng các liên minh, ví dụ, ông ấy muốn tấn công châu Âu hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc ngang với Trung Quốc. Vì vậy, việc Việt Nam, không phải là đồng minh của Mỹ nhưng là một nước có quan hệ chiến lược quan trọng với Hoa Kỳ, thì theo tôi, điều đó vẫn chưa đủ.
Điều duy nhất mà Việt Nam có thể dựa vào nhiều hơn một chút, đó là có rất nhiều nhà đầu tư ở Mỹ cần sản phẩm của Việt Nam, như Amazon và Walmart. Toàn bộ ngành công nghệ cao của Mỹ đều có mặt ở Việt Nam, nên họ không có lợi nếu sản phẩm của Việt Nam bị nhắm đến. Vì vậy, có thể sẽ có vận động hành lang ở Mỹ của những người có thể gây áp lực đối với ông Trump, như Elon Musk, người rất thân cận với tổng thống Mỹ, và tỉ phú này có các dự án đầu tư lớn ở Việt Nam, nên có lẽ ông ấy khá ủng hộ Việt Nam. Nhưng cũng đừng quên là tỉ phú Musk đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc. Tesla hoạt động rất mạnh ở Trung Quốc và điều đó cũng không cấm cản chính sách rất cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc. Không có gì bảo đảm nhưng đó là những biện pháp gây ảnh hưởng mà Việt Nam có thể sử dụng.
Điểm cuối cùng, gia đình Trump cũng đang có dự án đầu tư lớn vào khách sạn hạng sang ở Việt Nam, trị giá khoảng 1,5 tỉ đô la. Điều đó có nghĩa là tập đoàn Trump Organization cũng quan tâm đến việc Việt Nam được ổn. Đó là những yếu tố có thể cân bằng một chút mọi thứ. Dù vậy khi nhìn vào cách ông Trump đang khởi động việc trừng phạt thương mại theo mọi hướng, tôi vẫn cho rằng Việt Nam sẽ khó có thể thoát khỏi được trừng phạt của Trump.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn chuyên gia Hubert Testard, tổng biên tập trang Asialyst.
https://www.rfi.fr/vi
Không có nhận xét nào