Header Ads

  • Breaking News

    VNCS: Tại sao Bộ Công an muốn quản lý MobiFone?

    RFA

    12/01/2025


    Bộ Công an sắp tới sẽ quản lý Tổng công ty Viễn thông MobiFone, việc sát hạch và cấp giấy phép lái xe đường bộ


    congvantolammobifone.jpeg


    Một công văn trong vụ MobiFone và AVG có chữ ký của ông Tô Lâm được lan truyền trên mạng xã hội và các trang tin "lề trái" 



    Báo Nhà nước vào ngày 12/1 đồng loạt đưa tin về việc Bộ Công an được đề xuất tiếp nhận một số các công ty Nhà nước và chức năng nhiệm vụ mới được chuyển giao từ các bộ, ngành khác theo đề xuất của Bộ Nội vụ trong kế hoạch tin giản rộng khắp đang được Đảng Cộng sản phát động.

    1. Tại sao công bố thông tin vào lúc này?

    Thông tin Bộ Công an tiếp nhận MobiFone và nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe được báo chí Nhà nước công bố vài ngày sau khi thông tin này đã được lan truyền trên mạng xã hội.

    • Ngày 10/1/2025, trên mạng xã hội Facebook, Hoàng Dũng, một thành viên của phòng trào dân chủ Con Đường Việt Nam đang định cư ở Mỹ, đăng dòng trạng thái đầu tiên về vấn đề này trên danh khoản cá nhân cho biết, Bộ Công an đang tiếp nhận việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải.

    • Trên danh khoản Facebook, ông Hoàng Dũng tiếp tục đăng ba bài viết khác liên quan đến việc Bộ Công an đã thâu tóm MobiFone như thế nào với nhiều chi tiết mà báo chí Nhà nước không đề cập.

    • Kế hoạch tin giản bộ máy được Tổng bí thư Tô Lâm phát động trong nửa cuối năm 2024 sau khi lên nhậm chức vào tháng 8 cùng năm được cho là một kế hoạch tham vọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Đảng, Chính phủ và Nhà nước, tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, ông Tô Lâm mong muốn kế hoạch thực hiện được hoàn tất vào trước ngày diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2026, tiến tới mục tiêu đã được Đảng đề ra là đưa Việt Nam thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

    • Theo kế hoạch tinh giản, Bộ Giao Thông Vận Tải đang quản lý hoạt động sát hạch và cấp giấy phép lái xe sẽ phải sáp nhập với Bộ Xây Dựng; Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển về Bộ Tài chính. MobiFone hiện do Uỷ ban quản lý.

    2. MobiFone lớn đến mức độ nào?

    • MobiFone có tên gọi ban đầu là Công ty thông tin di động (VMS) được thành lập vào ngày 16/4/1993. Đến ngày 1/12/2014, công ty được đổi tên thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý

    • Vào tháng 11/2018, MobiFone được chuyển về nằm dưới sự quản lý của  Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

    • MobiFone hiện nằm trong số ba doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin - nội dung số lớn nhất Việt Nam.

    • Theo Sách trắng Công nghệ Thông tin và Truyền thông năm 2021, MobiFone có khoảng 24 triệu thuê bao, chiếm 18,54% thị phần thuê bao di động mặt đất, đứng thứ ba sau Viettel và VinaPhone. Sách trắng công nghệ Thông tin và Truyền thông 2023 cho thấy MobiFone có thị phần là 17,91%.

    whitepapertelecom2023.jpeg

    • Doanh thu của MobiFone năm 2024 ước đạt gần 23.500 tỷ đồng; mục tiêu đặt ra cho năm 2025 là 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt gần 1.800 tỷ đồng.

    3. Tại sao lại là MobiFone?

    Thông tin về việc MobiFone bị thâu tóm đã xuất hiện trên các trang tin điện tử không do Nhà nước quản lý từ năm 2012.

    Những thông tin ban đầu về việc thâu tóm MobiFone không được truyền thông Nhà nước đăng tải, một số tin không thể kiểm chứng, nhưng những sai phạm trong việc thâu tóm MobiFone liên quan đến vụ án MobiFone mua cổ phần của Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) đang thua lỗ, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 7.000 tỷ đồng đã được công khai trên truyền thông Nhà nước sau đó. Vụ án đã khiến hai cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn lãnh án tù chung thân và 14 năm tù.

    • Từ năm 2012 đã có thông tin về việc MobiFone tìm cách mua GTEL- tập đoàn viễn thông của Bộ Công an được thành lập từ năm 2007. GTEL lúc đầu có liên doanh với Tập đoàn Vimpelcom của nga. Tuy nhiên đến năm 2012, Vimpelcom đã bán toàn bộ cổ phần và vốn đầu tư của mình trị giá 500 triệu đô la cho GTEL với giá 45 triệu đô la.

    • Số liệu trong Sách trắng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2012 cho thấy GTEL chỉ chiếm 3,12% thị phần dịch vụ điện thoại di động ở Việt Nam, trong khi MobiFone chiếm 17,9% thị phần.

    whitepapertelecom2012.jpeg


    Thị phần thuê bao điện thoại di động năm 2012. Sách trắng của Bộ Thông tin Truyền thông 

    • Nguyễn Thanh Phượng - con gái của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và là người sáng lập công ty cô phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) - được cho có liên quan đến việc định giá của GTEL và tư vấn trong việc MobiFone mua GTEL khi đó đang làm ăn thua lỗ.

    • Vụ việc không thành khi ông Lê Ngọc Minh - lúc đó là Chủ tịch của MobiFone - tìm cách trì hoãn quá trình cổ phần hoá của MobiFone và đề nghị đưa Credit Suisse vào làm tư vấn thay vì VCSC.

    • Năm 2014, ông Lê Ngọc Minh lúc đang lâm bạo bệnh đã thôi giữ chức Chủ tịch MobiFone, và vào năm 2015 ông Lê Nam Trà được bổ nhiệm vào vị trí này thay ông Minh. Ông Trà là người giữ vai trò quan trọng trong vụ án MobiFone mua AVG gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước. Ông Trà sau đó bị tuyên án tù 23 năm trong cùng phiên toà xét xử hai cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông. Ông này sau đó được giảm án xuống còn 20 năm.

    • Vào đầu năm 2016, MobiFone thông báo hoành thành mua 95% cổ phần của AVG với số tiền là 8.900 tỷ đồng.

    • Vào tháng 8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện việc mua bán này.

    • Vào tháng 7/2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng khẩn trương thanh tra, kết luận vụ MobiFone mua AVG

    • Tháng 3/2018, Thanh tra Chính phủ công bố nhiều sai phạm trong vụ án, kết luận AVG đang làm ăn thua lỗ, tình hình tài chính rất xấu. Theo kết luận của thanh tra, tính đến cuối tháng 3/2015, tổng giá trị tài sản của AVG chỉ khoảng 1.983 tỷ đồng. Mặc dù vậy, MobiFone đã đồng ý trả 8.890 tỷ đồng để sở hữu 95% cổ phần của AVG.

    • Thanh tra Chính phủ kiến nghị công an khởi tố vụ án.

    • Chỉ hai ngày trước khi kết luận thanh tra được công bố, vào ngày 12/3/2018, tại trụ sở Bộ Thông tin - truyền thông, lãnh đạo Tổng công ty Viễn thông MobiFone và các cổ đông AVG ký biên bản cam kết hủy thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần

    4. Ông Tô Lâm thoát nạn vụ MobiFone mua AVG

    Vụ án MobiFone mua AVG bị đưa ra xét xử vào tháng 12/2019 với 14 bị cáo bao gồm nhiều quan chức Chính phủ như cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà. Dư luận chú ý tới vai trò của ông Tô Lâm dù ông không bị điều tra, xét xử.

    • Viện Kiểm sát xác định việc mua bán giữa MobiFone và AVG không phải là thông tin tuyệt mật nhưng thông tin này đã được Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị với Bộ Công an đưa vào danh sách bí mật nhà nước và được chấp nhận.

    • Khi vụ án MobiFone mua AVG xảy ra, ông Tô Lâm là Thứ trưởng Công an và được cho là đã ký các công văn dọn đường cho việc mua bán trái phép này. Các thông tin về những công văn này được đăng trên các trang thông tin “lề trái” nhưng khá chi tiết. Đó là công văn số 2889/BCA- A61, ngày 21/12/2015 khẳng định việc mua bán giữa MobiFone và AVG là đúng pháp luật đúng quy định, giá cả hợp lý. Công văn được đóng dấu mật. Công văn thứ hai là Công văn 418/BCA-TCAN, ngày 09/3/2015 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị quản lý chặt chẽ thông tin, tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng giữa MobiFone và AVG và đưa vào danh mục tài liệu mật; chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí không đưa tin, bài viết về việc chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp.

    Tại sao Bộ Công an muốn quản lý MobiFone?


    Nhân viên và khách hàng xem điện thoại di động ở một gian hàng của Vinaphone tại Hà Nội năm 2016 (minh hoạ) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tinh-gian-bo-may-bo-cong-an-mobifone-giay-phep-lai-xe-01122025092713.html


    Không có nhận xét nào