Trần Văn Bá-Việt Nam 1983
Thế là đã 25 năm. Vắng bóng Trần Văn Bá.
25 năm là gì ? Một cái chớp mắt trong dòng chảy của lịch sử !
Nhưng 25 năm cũng là thời gian hình thành của một thế hệ. Cái thế hệ lớp tuổi 25, mà các nhà kinh tế học và nhân khẩu học đã chỉ rõ vai trò trọng yếu trong quá trình phát triển của một dân tộc.
Và 25 năm cũng chính là cái tuổi đời của Trần Văn Bá, khi bước vào con đường hoạt động để tìm giải đáp cho một vấn nạn. Cái vấn nạn lớn nhất của lịch sử cận đại Việt Nam mà thế hệ lớp tuổi 25 ở quê nhà hiện đang trực diện. Một thế hệ gồm 40 triệu người (0-24 tuổi), nhiều hơn dân số Gia Nã Đại và gần 2 lần cao hơn dân số Úc châu…
Thế hệ của Trần Văn Bá chào đời và lớn lên trong một cuộc chiến kéo dài 30 năm trên đất nước, trong thời kỳ bành trướng thắng lợi toàn cầu của chủ nghĩa Mác xít, đưa đến sự cướp quyền đẫm máu của đảng cộng sản ở Việt Nam.
Thế hệ lớp tuổi 25 hiện ở quê nhà, sinh vào thời kỳ gọi là đổi mới của chế độ, trong giai đoạn suy tàn toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản. Một thế hệ bị nhào nặn bởi hai động lực tương phản
: một bên, chế độ hiện hành chú trọng đến thương mại và kinh tài hơn ý hệ và quyền lợi dân tộc, nhưng vẫn bám chặt lấy quyền bính, thẳng tay trừng trị mọi cuộc nổi dậy của từ ngữ và tư duy cũng như mọi đối kháng trong quần chúng, và bên khác một cuộc cách mạng tri thức vĩ đại đang diễn tiến trên thế giới, tác động toàn cầu hóa kinh tế và thai nghén một nền văn hóa phổ quát.
Trong hai trường hợp, tuổi trẻ Việt Nam phải đối mặt với một chướng ngại vật che khuất nẻo tương lai, dẫm nát đời son trẻ : đảng cộng sản Việt Nam. Hai thế hệ, một vấn nạn.
Thế cho nên, để đánh dấu năm thứ 25 ngày mà đất nước ôm Trần Văn Bá mang về cội nguồn, việc cần làm là đối chiếu những trải nghiệm của cuộc đời đấu tranh của Trần Văn Bá, được khởi xướng ở cái tuổi 25, với những nan đề của lớp tuổi 25 hiện đang đối mặt với vấn nạn cộng sản ở quê nhà.
Trải nghiệm Trần Văn Bá
Ngoài 3 nhân tố : thời kỳ lịch sử, môi trường xã hội, huyết thống gia tộc, mà ai sinh ra ở đời cũng phải chịu ít nhiều quy luật, Trần Văn Bá còn tiếp nhận sâu xa ảnh hưởng xuất phát từ truyền thống gia đình, nông thôn miền Nam, giáo dục nhà trường :
Thủ tướng Trần Văn Hương trước linh cửu của dân biểu Trần Văn Văn
Bà Trần Văn Văn, Trần Văn Bá, Thủ tướng Trần Văn Hương
Cái giá mà gia đình đã phải trả cho cuộc tranh đấu cho độc lập, tự do và hiện đại hóa của đất nước đã khiến Bá rất nhạy cảm, từ tấm bé, với vận mạng của dân tộc và chính sự Việt Nam (xem tiểu sử của cụ Trần Văn Văn.)
Những ngày tháng hòa mình ở nông thôn với người dân của đồng bằng Miền Nam đã nuôi dưỡng cái bẩm tánh phóng khoán, vị tha, thích giao du kết bạn, gắng bó với nguồn cội;
Sự tiếp cận với văn hóa Tây Phương qua nhà trường, sách vở, giáo huấn của thân phụ đã hun đúc cho Bá một tinh thần tiến bộ, quý trọng tự do cá nhân.
Do đó, ngay từ khi đặt chân đến Pháp, sau đám tang của cha, bị ám sát ngày 7 tháng 12 năm 1966 tại Sàigòn, Bá đã quyết định dồn hết tâm trí để tìm một giải đáp cho thảm trạng của đất nước.
Khi đi đến kết luận là sự tồn vong và tương lai của dân tộc chỉ có thể được đảm bảo trong một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, tự do, tiến bộ, và mục tiêu này chỉ có thể được hoàn thành từ một nền Cộng Hòa miền Nam tự do vững mạnh, Bá đã tự vạch ra cho mình một hướng đi để đóng góp vào mục tiêu đó(xem tiểu sử Trần Văn Bá.)
Bá thấy rõ, muốn tiến lên trên con đường thiên lý như thế, phải đáp ứng 3 điều kiện căn bản : trực diện với cộng sản Việt Nam và hệ thống hậu thuẫn quốc tế của nó, chấp nhận đi vào một cuộc chiến vô cùng chênh lệch, thích nghi cuộc sống cá nhân với con đường lựa chọn.
Trần Văn Bá - Paris 1975
Chế độ cộng sản Việt Nam hiển nhiên là vấn nạn then chốt, chi phối trọn vẹn vận mạng và tương lai đất nước. Trực diện với một vấn nạn như thế đòi hỏi một mặt, phải hiểu rõ bản chất, nguồn gốc tư tưởng, phương thức hành động, hậu thuẫn quốc tế của cộng sản Việt Nam, và mặt khác, một giải đáp đối chiếu lại với chế độ Hà Nội trên vấn đề chiến tranh, hòa bình và phát triển của đất nước. Bá đã dồn hết tâm trí và thời giờ vào công trình đó, đã tự học, tự rèn luyện một khả năng và một phương thức hành động.
Rồi từ đó bước vào cuộc chiến. Một cuộc chiến vô cùng chênh lệt. Thời điểm thập niên 60 và 70 là cao điểm của phong trào Cộng Sản quốc tế trong thế bành trướng toàn cầu bằng quân sự hay qua chiến tranh sách động chánh trị, hoặc bằng cách khống chế đời sống xã hội, văn hóa và trí thức ở các quốc gia thuộc thế giới đệ tam và ở các nền dân chủ lớn. Đặc biệt Âu châu và nhất là Pháp, lúc bấy giờ là địa bàng của các phong trào phản chiến, với những đợt biểu tình chống chiến tranh Việt Nam liên tục. Ta còn nhớ lời tuyên bố của Jean-Paul Sartre, triết gia tả khuynh trứ danh của Pháp : « chủ nghĩa Mác xít là chân trời không thể vượt qua của lịch sử ! »; và giáo điều «3 dòng thác cách mạng» của Lê Duẩn : « hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa, là 3 dòng thác cách mạng vỡ bờ sẽ cuốn phăng đi chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động trên thế giới.»
Trong cái bối cảnh ngột ngạt đó, Bá đã khẳng khái đảm đương cái lý lịch người Việt miền Nam của mình, chấp nhận hành động trong cô đơn với thước đo duy nhất cho sự đúng sai, tốt xấu, thành bại, là ý thức và lương tâm của chính mình mà thôi, gạt ra ngoài mọi thừa nhận, khen chê.
Một lựa chọn như thế đòi hỏi một đời sống cá nhân thích nghi. Để trọn vẹn với chính mình, Bá quyết định sống độc thân và dẹp qua bên vấn đề khoa bảng, công danh, sự nghiệp.
Tất cả mọi hoạt động và ứng xử của Bá đều đặt căn bản trên 3 điều kiện ấy, mà Bá tuyết đối tuân thủ đến giờ phút lìa đời.
Khởi đầu là hoạt động ở Pháp và Âu châu, trong trận tuyến đấu tranh chánh trị để tranh thủ cộng đồng người Việt hải ngoại và dư luận quốc tế cho cuộc chiến tự vệ và vì Dân Chủ, Tự Do của dân quân miền Nam. Môi trường hoạt động tự nhiên là giới thanh niên, sinh viên Việt Nam không cộng sản. Bá đắc cử Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Paris, nhiệm kỳ 1971-1972 và nhiều nhiệm kỳ kế tiếp. Cùng một nhóm bạn đồng hành, Bá đẩy mạnh hoạt đồng chánh trị của Tổng Hội Sinh Viên để đối phó lại với các chiến dịch tuyên truyền và sách động của cộng sản, và song song nỗ lực tổ chức một cộng đồng người Việt tự do Âu châu vững mạnh. Mặt khác, Bá tiếp tục giữ chặt liên hệ với bạn bè ở quê nhà, trong chính giới, trong quân đội, ở nông thôn, trong các đoàn thể.
Trần Văn Bá-Paris 197
Bá đặt cuộc chiến cho tự do, dân chủ và hiện đại hóa của người Việt trong một viễn quan trường kỳ và một bối cảnh quốc tế. Do đó, khi miền Nam sụp đổ vào tháng 4 năm 1975, Bá đã phản ứng mau lẹ, giữa điêu tàn, trong tuyệt vọng, ngược
dòng tháo chạy tán loạn. Cùng vài bạn đồng hành, Bá xác định chánh nghĩa quốc gia và tổ chức đêm hội Tết Bính Thìn 1976 với chủ đề «Ta Còn Sống Đây», dưong
cao ngọn cờ vàng, giữa tiếng hát quốc ca và « hồn tử sĩ.» Trước hơn 2000 khán giả, Bá kêu gọi tiếp tục tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ, chống lại chế độ độc tài cộng sản, và chánh sách trả thù đối với dân quân Miền Nam của Hà Nội.
Thôi thúc bởi thảm cảnh của đồng bào lênh đênh trên biển Đông hay ngoi ngóp trong các trại tỵ nạn bần cùng; bởi cảnh ngộ của dân quân miền Nam bị đày ải, hành hạ, bữa đói bữa no, trong các trại gọi là « cải tạo » hay ở các vùng « kinh tế mới »; bởi thảm họa của cả một thế hệ thanh niên bị đem làm vật tế thần cho cuộc bành trướng quân sự điên rồ qua Cam Pu Chia của chế độ; Bá quyết định rời Paris ngày 6 tháng 6 năm 1980 để trở về tranh đấu trong lòng quê hương.
Cùng một con đường
Các nhà đối kháng ở Việt Nam hiện nay, từ Nam chí Bắc, trong mọi giới, thanh niên sinh viên, văn nghệ sĩ, tôn giáo, quân đội, công an, guồng máy nhà nước, đảng cộng sản, dân chúng ở thành thị hay ở nông thôn, v.v., có thể nhận chân rõ ràng : những gì họ mong muốn và đòi hỏi chính là những giá trị và thể chế mà dân quân miền Nam và Trần Văn Bá cùng thân phụ, cố dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, Trần Văn Văn đã đem tim óc và xương máu ra bảo vệ và bồi đấp.
Trần Văn Bá - Saigon 1984
Cha Nguyễn Văn Lý - Huế 2007
Đặc biệt thế hệ lớp tuổi 25, ở quê nhà hay đang du học nước ngoài, hoặc thuộc cộng đồng người Việt tự do hải ngoại, chắc đã nhận ra rằng họ đang bước đi trên con đường mà Trần Văn Bá đã khai phóng, và nay đến phiên họ phải tìm giải đáp thích nghi cho những nan đề đã được đặt ra cho Trần Văn Bá, đặc biệt 3 điều kiện cơ bản mà Bá đã tuyệt đối tuân thủ : trực diện với chế độ cộng sản, chấp nhận một cuộc chiến cô đơn và chênh lệch, lựa chọn một đời sống cá nhân thích nghi.
Chế độ hiện hành có thể trù dập, sát hại, bôi bẩn các nhà đối kháng đã đứng lên hôm nay, nhưng không còn có khả năng lăng nhục họ, khuất phục họ, làm họ khiếp sợ. Và như thế cái chế độ được xây dựng chủ yếu trên sự sợ hải, chỉ còn lấy hư vô làm nền tảng và do đó sẽ tất yếu sụp đổ.
Vả lại, bối cảnh quốc tế đã hoàn toàn « đổi mới.» Ba dòng thác cách mạng của Lê Duẩn đã khô cạn từ lâu:
« Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa » ? đã tan rã toàn bộ từ mấy thập niên. Cả thế giới vừa làm lễ long trọng đánh dấu 20 năm bức tường Bá Linh sụp đổ;
« Các phong trào giải phóng dân tộc » ? đã tàn rụi hay đã trở thành những băng đảng cướp bốc ngoài lề, hoặc biến thành những tập đoàn tư bản đỏ khao khát của cải như ở Việt Nam;
« Các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa » ? đã tàn hình, hay đã chối bỏ lý lịch. Đảng cộng sản lớn nhất của Tây Âu, ở Ý Đại Lợi, đã đổi tên từ cả thập niên, còn đảng cộng sản Pháp, từng đạt hơn 20% số phiếu trong các cuộc đầu phiếu vào thập niên 60-70, nay không vượt quá 2%, v.v.
Triết gia Jean-Paul Sartre đã cùng đi với nhà tư tưởng tự do lớn của thế kỷ 20, Raymond Aron và hai nhân vật tả khuynh đã từng yểm trợ chế độ Hà Nội trong chiến tranh, André Glucksmann và Claudie Broyelle (Chủ tịch sáng lập phong trào « Một con tàu cho Việt Nam» để cứu vớt thuyền nhân, và nay là thành viên của Ủy Ban Quốc Tế Trần Văn Bá), vào điện Elysées để yêu cầu Tổng thống Giscard d’Estaing nới rộng chánh sách tiếp đón thuyền nhân Việt Nam vào nước Pháp.
Số phận tất yếu của Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Thực tế của Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hôm nay là muốn tồn tại, chế độ phải quỳ mọp bên ngoài và đàn áp bên trong. Quỳ mọp trước những « thế lực thù nghịch » ngày nào - « đế quốc Mỹ xâm lăng » và « bọn bành trướng Bắc Kinh » - và đàn áp thẳng tay các thành phần đối kháng trong nước.
Lời tiên đoán của Alexandre Herzen về số phận của Xã hội chủ nghĩa [được trích dẫn trong
«Các nhà tư tưởng Nga» (les Penseurs russes, Isaïah Berlin, 1984, Albin Michel, Paris)] có thể được Việt hóa như sau : « Xã hội chủ nghĩa sẽ phát triển qua tất cả các thời kỳ và giai đoạn của nó, đến tận cùng những cực điểm phi lý nhất. Lúc đó, một tiếng thét khước từ sẽ vang lên từ lòng quần chúng đứng lên dấy loạn, và cuộc chiến sống mái sẽ tái diễn, trong đó Xã hội chủ nghĩa sẽ thế chổ của giai cấp Bảo thủ và sẽ bị tiêu diệt bởi cuộc Cách mạng sắp tới, mà ta chưa nhận rõ chân dung … »
Hiển nhiên, cuộc tranh đấu của các nhà đối kháng ở Việt Nam là tiền đề của cuộc Cách mạng đó, nó tuy cam go nhưng đầy ý nghĩa và hứa hẹn. Nó tiếp nối cuộc đấu tranh của Trần Văn Bá với những thể thức khác, thích nghi với hiện tình đất nước và thế giới. Nó được phù vạc bởi «3 dòng thác dân chủ » : khối các quốc gia dân chủ, các phong trào tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trên thế giới, các làn sóng ngầm tự do dân chủ trong xã hội Việt Nam.
Trần Văn Bá, mối tình đầu và tình cuối
Đương nhiên Trần Văn Bá chỉ có thể phù trợ cuộc chiến đó mà thôi. Và cầu mong cho những chứng nhân của tự do đã đứng lên hôm nay ở Việt Nam, thành công.
Mặc dù đảm đương khẳng khái tất cả những nguy khó của một cuộc chiến chênh lệch, nhưng thâm cảm cái lịch sử cận đại bi thương của nước ta, gồm toàn anh hùng bị thảm tử, hay bị đày ải, Bá đã viết ra trong số tháng 11 năm 1975 của tờ « sinh viên thông tin » của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris : «không ai có quyền bắt người khác làm anh hùng.» Bá thấy rõ, nước ta cần một mẫu nhà tranh đấu có khả năng khắc phục nghịch cảnh và thách thức để hoàn thành mục tiêu đấu tranh của mình. Nước ta cần một mẫu người anh hùng thành công tại thế. Đất nước cần đời sống và tim óc của những người ấy. Đất nước không cần máu xương hay sự thống khổ của họ. Mỗi một người như thế ngã xuống là cái gánh tai ương và yếu nhược của dân ta lại nặng thêm một phần. Chính cái ý thức đó đã khiến Trần Văn Bá càng hành động trong thầm lặng nhưng với cân nhắc, phát biểu chừng mực nhưng với tâm can, vì cảm nhận rằng đâu đó việc làm và lời nói của mình có thể tác động đến tương lai và sự an nguy của người khác, và mình không có quyền tùy tiện gây rủi ro cho những gì không thuộc về mình.
Nghiệm xét việc làm và lời nói của Trần Văn Bá, ta nghe và thấy những gì ? Những lời hô hào ái quốc nhiệt tình suông ? Những khẩu hiệu tuyên truyền sáo rỗng ? Những hứa hẹn một ngày mai huy hoàng ? Những hận hoài của dĩ vãng ? Những lời nguyền rủa đầy hận thù hay bài xích ngoại quốc ? Những toan tính trục lợi cá nhân hay bè phái ? Những màn trình diễn tự phong ? Những ám ảnh danh vọng, quyền bính, ngôi thứ, danh xưng ? Những công kích cá nhân dưới danh nghĩa đạo đức ?
Không; một chân trời và hướng đi !
Dù đã quyết cống hiến cuộc đời cho con đường mình đã chọn, Trần Văn Bá không vì thế mà phủ bác mọi sắc thái của cuộc sống quanh mình, và đòi hỏi người khác phải rạp khuôn lựa chọn của mình. Trái lại, lúc nào Bá cũng quan tâm, tuy rằng kín đáo, đến nỗi vui buồn của kẽ khác và tuyệt đối tôn trọng cái quyền theo đuổi hạnh phúc cá nhân và lựa chọn nếp sống riêng tư của mọi người. Thế thì, hôm nay, 25 năm sau, nếu đến phiên chúng ta phải dành một cảm nghĩ cho con người riêng tư Trần Văn Bá, một con người vô cùng kín đáo về mọi xúc cảm cá nhân, thì phải làm thế nào ? Thôi thì ta hãy hình dung một buổi sáng tinh sương, trong ánh nắng ban mai chan hòa của Miền Nam nước Việt, Trần Văn Bá thanh thản lần bước đến điểm hẹn hò với mối tình đầu và tình cuối của đời minh:
Việt Nam,
lúc 6 giờ sáng ngày 8 tháng giêng năm 1985.
Và ta hảy nhìn Trần Văn Bá hạnh phúc. Và đầy hy vọng.
Chỉnh sửa lần cuối bởi tìm hiểu vào 09-01-2013 lúc 09:55 PM Lý do: Xin phép bác Baclieu thêm những hình thiếu vào bài
Không có nhận xét nào