Header Ads

  • Breaking News

    Trần Trung Đạo: Cách dùng chữ trong ba văn bản ngoại giao quốc tế

    06/01/2025

    (Nhân dịp tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa 19-1-1974 tìm hiểu cách dùng chữ trong Thông Cáo Chung Thượng Hải giữa Nixon và Chu Ân Lai 1972, Thông Cáo Chung giữa Jimmy Carter và Đặng Tiểu Bình 1979, và Công Hàm đơn phương của Phạm Văn Đồng gởi Chu Ân Lai 1958)

    https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2025/01/Jimmy_Carter_Richard_Nixon_and_Deng_Xiaoping_during_the_state_dinner_for_the_Vice_Premier_of_China._-_NARA_-_183214.tif-1024x701.jpg


    Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, Đặng Tiểu Bình trong bữa tiệc tối cấp nhà nước dành cho Phó Thủ tướng Trung Quốc, tháng 1.1979

    Trong tiểu luận quan trọng “Á Châu Sau Việt Nam” (Asia After Vietnam) đăng trên tạp chí Foreign Affairs tháng 10, 1967, Richard Nixon biện hộ cho chính sách đối ngoại sắp tới của ông rằng song song với việc giải quyết chiến tranh, phát triển kinh tế trong khu vực cũng quan trọng không kém. Theo Richard Nixon, nói đến Á Châu không thể bỏ qua vai trò của bốn quốc gia ảnh hưởng gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ (cường quốc Thái Bình Dương). Tất cả nên được bắt đầu bằng việc thiết lập quan hệ với Trung Cộng. (Foreign Affairs, Vol. 46, No. 1, Oct., 1967)

    Khi được bầu vào tòa Bạch Ốc 1969, Tổng thống Richard Nixon tiến hành hai mục đích nầy. Chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng thống Nixon, kết thúc bằng Thông Cáo Chung Thượng Hải ngày 27 tháng 2, 1972, đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ quốc tế chưa từng có tại Á Châu.  

    Theo nội dung của Thông Cáo Chung Thượng Hải, Trung Cộng khẳng định:

     (1) Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc; 

    (2) Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc; 

    (3) việc giải phóng Đài Loan là việc nội bộ của Trung Quốc mà không nước nào có quyền can thiệp; 

    (4) tất cả các lực lượng và cơ sở quân sự của Hoa Kỳ phải được rút khỏi Đài Loan.” 

    Phía Hoa Kỳ: 

    (1) thừa nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc, 

    (2) khẳng định mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với việc giải quyết vấn đề Đài Loan một cách hòa bình bởi chính người Trung Quốc, 

    (3) đồng ý mục tiêu cuối cùng là việc rút tất cả các lực lượng và cơ sở quân sự của Hoa Kỳ khỏi Đài Loan. (Wilson Center, Joint Communique between The United States and China, 1972)

    Lập trường của Trung Cộng rất rõ ràng nhưng đáp ứng của Hoa Kỳ lại khá mơ hồ. 

    Năm 1979, Tổng thống Jimmy Carter bước thêm một bước nữa trong quan hệ ngoại giao với Trung Cộng khi thừa nhận “Chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất”. Đặng Tiểu Bình viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng Giêng, 1979. Tổng thống Jimmy Carter tuyên bố ý định thiết lập quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Trung Cộng vào ngày 1 tháng 1, 1979 và hai nước sẽ trao đổi đại sứ vào ngày 1 tháng 3 cùng năm. 

    Trong văn kiện tái lập quan hệ ngoại giao 1979, Hoa Kỳ lần nữa thừa nhận (acknowledges) quan điểm của Trung Cộng khi Trung Cộng cho rằng chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. 

    Thừa nhận (acknowledges) Trung Cộng không đồng nghĩa với việc chính phủ Hoa Kỳ công nhận (recognize) hay chấp nhận (accept) Trung Cộng có chủ quyền trên Đài Loan. 

    Văn bản viết: “Chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận quan điểm của Trung Quốc là chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc “.

    Nguyên văn tiếng Anh của mệnh đề quan trọng này: “The government of the United States of America acknowledges the Chinese position that there is but one China and Taiwan is part of China.” 

    Diễn dịch một cách nôm na là “các anh nói sao thì tôi nghe vậy nhưng không có chuyện công nhận chủ quyền của các anh trên Đài Loan.”

    Theo nhà khoa học chính trị Stephen D. Krasner, chủ quyền (sovereignty)  là quyền tối thượng của một nhà nước về đối nội, đối ngoại, trong nước, giữa các quốc gia và được các quốc gia có chủ quyền công nhận. Cả hai văn bản đều không có câu chủ quyền (sovereignty) của Trung Cộng trên vận mệnh Đài Loan.

    Phái đoàn Trung Cộng muốn sửa lại nội dung văn kiện để thay từ “thừa nhận” thành “công nhận” nhưng phái đoàn Hoa Kỳ không đồng ý. Vì muốn thỏa hiệp được ký kết nhanh để còn đánh Việt Nam, Đặng Tiểu Bình không tiếp tục giằng co với Mỹ. (Michael J. Green, What Is the U.S. “One China” Policy, and Why Does it Matter?, Center for Strategic and International Studies, 2017)

    Ngay từ 53 năm trước, Tổng thống Nixon cũng đã nhấn mạnh quan điểm nguyên tắc của Mỹ là chống đối việc Trung Cộng xâm lăng Đài Loan bằng võ lực. Tổng thống Nixon đồng ý rút hết các lực lượng Hoa Kỳ ra khỏi Đài Loan nhưng khôn khéo không đặt ra hạn chót là ngày nào. (Memoirs of Richard Nixon, January 1, 1978).

    Dù lịch sử Mỹ trải qua 10 đời tổng thống Mỹ, quan điểm của Tổng thống Nixon vẫn còn là một nguyên tắc. 

    Toàn văn bản tiếng Anh của Thông Cáo Chung giữa Hoa Kỳ và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa công bố 1-1-1979:

    JOINT COMMUNIQUE ON THE ESTABLISHMENT OF DIPLOMATIC RELATIONS BETWEEN THE UNITED STATES OF AMERICA AND THE PEOPLE’S REPUBLIC OF CHINA

    JANUARY 1, 1979

    The United States of America and the People’s Republic of China have agreed to recognize each other and to establish diplomatic relations as of January 1, 1979.

    The United States of America recognizes the Government of the People’s Republic of China as the sole legal Government of China. Within this context, the people of the United States will maintain cultural, commercial, and other unofficial relations with the people of Taiwan.

    The United States of America and the People’s Republic of China reaffirm the principles agreed on by the two sides in the Shanghai Communique and emphasize once again that:

    —Both wish to reduce the danger of international military conflict.

    —Neither should seek hegemony in the Asia-Pacific region or in any other region of the world and each is opposed to efforts by any other country or group of countries to establish such hegemony.

    —Neither is prepared to negotiate on behalf of any third party or to enter into agreements or understandings with the other directed at other states.

    —The Government of the United States of America acknowledges the Chinese position that there is but one China and Taiwan is part of China.

    —Both believe that normalization of Sino-American relations is not only in the interest of the Chinese and American peoples but also contributes to the cause of peace in Asia and the world.

    The United States of America and the People’s Republic of China will exchange Ambassadors and establish Embassies on March 1, 1979.

    Yesterday, our country and the People’s Republic of China reached this final historic agreement. On January 1, 1979, a little more than 2 weeks from now, our two Governments will implement full normalization of diplomatic relations.

    As a nation of gifted people who comprise about one-fourth of the total population of the Earth, China plays, already, an important role in world affairs, a role that can only grow more important in the years ahead.” (Office of The Historian, US State Department, Washington, December 15, 1978) 

    Trong thời điểm đó, Dân biểu Clement John Zablocki, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ là người có quan điểm chống Cộng sản cứng rắn thuộc đảng Dân Chủ, quận 4 tiểu bang Wisconsin. Ông rất nhạy bén khi hình dung viễn ảnh không sáng sủa của Đài Loan nên đã bảo trợ một dự luật nhằm bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ và quyền lợi kinh tế Đài Loan sau này. Dự luật là một hợp tác lưỡng đảng và được hoàn thành trong một thời gian rất ngắn. Dân biểu Zablocki giới thiệu dự luật ngày 28 tháng 2, 1979.

    Đạo luật có tên là Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act) ra đời. Mặc dù Mỹ đã đóng tòa đại sứ tại Đài Loan nhưng đạo luật này cho phép thiết lập Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, một hình thức khác của tòa đại sứ. Đạo luật này yêu cầu tổng thống phải tức khắc thông báo với quốc hội mọi biến cố có ảnh hưởng đến an ninh của Đài Loan. Quan trọng nhất, đạo luật nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ cung cấp Đài Loan với võ khí có đặc tính phòng thủ và sẽ duy trì khả năng của Hoa Kỳ chống lại bất cứ biện pháp nào dùng vũ lực hay hình thức cưỡng bách nào khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh hay hệ thống xã hội hoặc kinh tế của nhân dân Đài Loan.” (H.R.2479 — 96th Congress (1979-1980))

    Dĩ nhiên Trung Cộng phản đối Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan và xem đó là hành động đơn phương của Mỹ, vi phạm các nguyên tắc ngoại giao quốc tế và nhất là “vi phạm những cam kết của Hoa Kỳ với Trung Cộng”. 

    Hoa Kỳ không vi phạm các cam kết với Trung Cộng. Các lãnh đạo Trung Cộng quên rằng, bộ máy độc tài chuyên chính tập trung Cộng sản không chạy giống như bộ máy của các nền dân chủ phân quyền. Trong chính trị Mỹ, ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp hoạt động độc lập, sinh động, chẳng những không mâu thuẫn nhau mà có tác dụng bổ khuyết nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền dân chủ để đáp ứng mọi tình huống trước mắt cũng như lâu dài. 

    Phân tích để thấy khi soạn một văn bản ngoại giao, các nhà chính trị, các chuyên gia về công pháp quốc tế tính toán từng chữ để phòng ngừa các tình huống có thể xảy ra trong tương lai.  

    Trước đó tròn 20 năm, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Phạm Văn Đồng đơn phương gởi Chu Ân Lai một Văn bản Ngoại giao (the Diplomatic Note) như được gọi ngày nay Công Hàm Phạm Văn Đồng. Nguyên văn nội dung như sau: 

    “Thưa Đồng chí Tổng lý,

    Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

    Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.

    https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2025/01/800px-1958_diplomatic_note_from_phamvandong_to_zhouenlai-791x1024.jpg

    Công hàm bao gồm hai mệnh đề quan trọng: (1) “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 và (2) “chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.” (Báo Đại Đoàn Kết của đảng Cộng sản Việt Nam 27/07/2011)

    Công hàm Phạm Văn Đồng đã được bàn cãi khá nhiều, ở đây người viết chỉ muốn nhấn mạnh đến cách dùng chữ. Trong bối cảnh của hai cuộc khủng hoảng Eo Biển Đài Loan 1954-1955 và 1958 (The Taiwan Straits Crises), quan tâm lớn nhất và trước mắt của Trung Cộng là Đài Loan và Bành Hồ. 

    Phải chi giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam ngày đó thay vì viết “tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958” mà chỉ viết “công nhận chủ quyền của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên các đảo Đài Loan và Bành Hồ”, có thể không làm buồn lòng Mao lắm mà Hoàng Sa chưa bị gọi là Tây Sa như ngày nay. 

    Trần Trung Đạo

    https://diendantheky.net/tran-trung-dao-cach-dung-chu-trong-ba-van-ban-ngoai-giao-quoc-te/


    Không có nhận xét nào