Header Ads

  • Breaking News

    Sư Minh Tuệ trên đất Thái Lan: 'Đủ duyên thì đi, con không sợ chết'

    BBC News

    05/01/2025


    Chụp lại hình ảnh, Sư Thích Minh Tuệ nghỉ trưa và trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt tại tỉnh Ubon Ratchathani

    Trên đất Thái Lan, nhà sư Thích Minh Tuệ đã có những chia sẻ với BBC News Tiếng Việt về hành trình tu tập, giải thích các chi tiết và vấn đề đang gây tranh luận.

    Buổi sáng, chúng tôi xuất phát từ thủ phủ Ubon Ratchathani của tỉnh cùng tên tại vùng đông bắc Thái Lan, đi về hướng đông theo đường 217.

    Đó là ngày 3/1/2025 và mục đích chuyến đi của chúng tôi là gặp đoàn bộ hành của nhà sư Thích Minh Tuệ. Từ Lào, ông cùng đoàn đã băng qua cửa khẩu Vang Tao để tiến vào đất Thái Lan vào đúng ngày cuối cùng của năm 2024.

    Người đàn ông nhỏ nhắn, không giữ bất kỳ một vị trí quyền lực nào, không có tài sản nào đáng giá, trong khoảng gần một năm qua đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ của hàng triệu người Việt Nam. Cũng chính con người này, chỉ bằng lối tu tập dung dị của mình, đã khiến các hội đoàn phật giáo của nhà nước bao phen rung chấn. Hệ thống chính trị cũng vào cuộc.

    Giờ đây, sau những ngày tu tập với nhiều trắc trở ở Việt Nam, ông đang trên đường bộ hành tới nơi đạo Phật phát khởi: Ấn Độ.

    Khoảng gần 9 giờ sáng, chúng tôi gặp đoàn của sư Minh Tuệ đi bộ trên quốc lộ 217. Lúc này trời đã nắng nóng nhưng đoàn đi bộ rất nhanh. Những bước chân trần thoăn thoắt trên mặt đường nhựa đang được nung lên dưới ánh mặt trời chói chang.

    Chúng tôi dễ dàng nhận ra ông Đoàn Văn Báu luôn đi bên cạnh nhà sư Minh Tuệ. Ông Báu, một cựu sĩ quan an ninh, từng được báo chí trong nước giới thiệu là chuyên gia tâm lý tội phạm. Trong chuyến đi này, ông Báu luôn giới thiệu mình là người cùng đi theo đoàn do ngưỡng mộ sư Thích Minh Tuệ, nhưng đã có nhiều tranh cãi liên quan tới vai trò của ông. Trên mạng xã hội, có nhiều cáo buộc rằng ông là người của nhà nước được lực lượng an ninh cài vào để kiểm soát các hoạt động của chuyến đi bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.


    Chụp lại hình ảnh, Đoàn bộ hành đi theo sư Minh Tuệ trên đất Thái Lan

    'Hãy hỏi anh Báu'

    Chúng tôi đi theo đoàn, tây tiến dọc theo quốc lộ 217. Lúc bấy giờ đoàn đang ở trên địa phận huyện Phibun Mangsahan của tỉnh Ubon Ratchathani. Đây là tỉnh nằm xa nhất về phía đông của Thái Lan, giáp với tỉnh Champasak và Salavan của Lào. Thủ phủ của tỉnh là thành phố cùng tên Ubon Ratchathani, mang nghĩa 'thành phố hoa sen của hoàng gia'. Thành phố nằm bên bờ sông Mun, một phụ lưu của sông Mekong.

    Dọc đường, thỉnh thoảng chúng tôi gặp một vài người tới đảnh lễ sư Minh Tuệ, chủ yếu là người Thái gốc Việt hoặc người Lào gốc Việt.

    Anh Bounmee, tên Việt là Hiếu, là người gốc Sài Gòn đã sống ở Lào được hơn 20 năm. Xuất phát vào sáng sớm từ thủ đô Viêng Chăn của Lào, anh đã chạy xe xuống Ubon Ratchathani để đảnh lễ sư Minh Tuệ vì "ngưỡng mộ cách tu của thầy".

    "Cách tu của thầy thể hiện đúng con người có Phật pháp, phù hợp với văn hóa của Lào và Thái Lan. Mình theo Phật giáo tiểu thừa, mình ngưỡng mộ điều đó và luôn ủng hộ cách tu chân chính của thầy," anh Bounmee nói với BBC News Tiếng Việt.

    Bà Phan Thị Mùi, cũng là một Phật tử gốc Việt tại Lào, chia sẻ: "Giống như bao Phật tử khác, tôi thấy ngưỡng mộ cách tu tập của thầy. Tôi không rõ mình tới có làm phiền thầy hay ảnh hưởng tới sự tu tập của thầy hay không, nhưng được đi thế này, được đảnh lễ với thầy thì thấy vui lắm, thấy lòng nhẹ nhõm."

    Dọc hành trình, chúng tôi cũng có dịp nói chuyện với ông Therawat, người mà trong một video trước đây ông Đoàn Văn Báu từng nói là "được Hoàng gia cử đến".

    Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi bằng tiếng Việt, ông Therawat nói ông chỉ là tình nguyện viên đi cùng sư Minh Tuệ và nếu chúng tôi muốn quay phim, chụp hình hay phỏng vấn gì thì "hãy hỏi anh Báu". Khi chúng tôi hỏi lại về việc liệu ông có phải cảnh sát Thái Lan hay không, ông không xác nhận đúng hay sai, nêu lý do rằng nội dung ông nói có thể bị truyền thông bóp méo. Ngày hôm sau thì ông lại nói với chúng tôi rằng ông đi theo đoàn chỉ với tư cách cá nhân, không đại diện cho bất kỳ cơ quan nào.

    Chúng tôi cũng thấy có một chiếc xe hơi màu trắng đi theo sau đoàn, trên xe có 4 người. Khi chúng tôi hỏi liệu họ có phải cảnh sát hay không, họ nói không. "Vậy xin hỏi các anh có phải tình nguyện viên không?" chúng tôi hỏi. Những người này nói phải, sau đó có một người nói "gần như vậy", rồi một người nói tiếp: "Có gì thì hỏi anh Báu". Họ không tiết lộ thêm thông tin, chỉ nói rằng họ ở đây chủ yếu để đảm bảo an toàn giao thông.

    Ông Therawat cũng giới thiệu chúng tôi với ông Lê Khả Giáp, một người từng bộ hành qua nhiều nước và khá nổi tiếng trên mạng xã hội.

    Theo lời ông Therawat và ông Giáp, nếu chúng tôi muốn phỏng vấn thì phải "xin phép" ông Báu. Khi hỏi ông Báu có phải trưởng đoàn không, cả hai người đều không xác nhận, nhưng nói rằng anh Báu chịu trách nhiệm cho việc đó.

    Khi ông Báu xuất hiện, một người tự xưng tên Hùng đã kéo ông Therawat đi, để chúng tôi nói chuyện trực tiếp với ông Báu. Về sau, khi chúng tôi nói chuyện với người đàn ông tên Hùng này, ông đã nói rằng mình chỉ đi theo hỗ trợ ông Báu.


    Chụp lại hình ảnh, Ông Đoàn Văn Báu (áo đen) đi bên cạnh sư Minh Tuệ

    Điều kiện của ông Đoàn Văn Báu

    Chúng tôi tới gặp đoàn của sư Minh Tuệ với mục đích công khai và rõ ràng: đó là phỏng vấn, quan sát, quay phim, chụp hình cho mục đích báo chí. Chúng tôi luôn nói điều đó với những người được phỏng vấn, để họ biết rõ rằng câu trả lời và hình ảnh của họ có thể sẽ xuất hiện ở đâu. Chúng tôi không đến đây với một camera giấu kín.

    Trước khi đến, chúng tôi được biết có một nhóm phóng viên từ đài RFA của Mỹ đã tiếp cận đoàn. Tuy nhiên, theo lời của nhóm này thì ông Đoàn Văn Báu đã không cho họ thực hiện cuộc phỏng vấn đối với sư Minh Tuệ.

    Chúng tôi cũng muốn xác định tính chất của đoàn bộ hành, rằng đây là một đoàn do nhà nước Việt Nam tổ chức và ông Báu là trưởng đoàn, hay là một đoàn tu tập không có tính chất nhà nước. Bởi vì, nếu là một đoàn tu tập thông thường và ông Báu không được sư Minh Tuệ ủy nhiệm làm đại diện, thì chính nhà sư mới là người quyết định có trả lời phỏng vấn hay không. Ông Báu không có "quyền tài phán" đối với quyết định của người khác, một khi đây đã là lãnh thổ Thái Lan.

    Khi trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Báu nói rằng chúng tôi có thể phỏng vấn sư Minh Tuệ với điều kiện: ông Báu sẽ quay phim khi chúng tôi thực hiện phỏng vấn và chúng tôi không được hỏi về chính trị.

    Ông Báu nói ông muốn quay phim lại cuộc phỏng vấn để phòng khả năng chúng tôi xuyên tạc nội dung, điều mà, với nguyên tắc báo chí chặt chẽ, chúng tôi không bao giờ làm.

    Điều thứ nhất (quay phim) thì không vấn đề gì, chúng tôi chỉ lưu ý rằng ông Báu được quay nhưng không được đăng. Chúng tôi đưa ra yêu cầu này trên cơ sở đây là nội dung báo chí do BBC thực hiện, do đó bản quyền thuộc về BBC

    Với điều thứ hai – không phỏng vấn về chính trị, chúng tôi nói với ông Báu rằng chúng tôi sẽ hỏi những câu hỏi đúng với chức năng, nhiệm vụ và quyền của nhà báo mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Tất nhiên là nhà sư Minh Tuệ có quyền trả lời hoặc không trả lời.

    Đáp lại, ông Đoàn Văn Báu nói rằng chính trị là chủ đề không nên hỏi tới. Theo ông, nhiều người đã xuyên tạc rằng chính quyền Việt Nam không cho sư Minh Tuệ bộ hành dù sư đã đi bộ khất thực vài năm. Ông Báu cũng nói rằng chúng tôi có 15 phút để phỏng vấn vào lúc đoàn nghỉ trưa, bao gồm cả khâu chuẩn bị thiết bị. Về phía mình, chúng tôi vẫn bảo lưu lập trường, rằng sư Minh Tuệ sẽ quyết định trả lời nội dung nào và trong bao lâu. Quyền đặt ra câu hỏi nào vẫn thuộc chúng tôi, những người đến đây với tư cách công khai là tác nghiệp báo chí.

    Về sau, chúng tôi đã có dịp phỏng vấn sư Minh Tuệ và hỏi ông về vai trò của ông Báu. Theo nhà sư thì ông Báu có vai trò giúp đỡ đoàn trong khâu giấy tờ thị thực và một số vấn đề khác. Còn chuyện phỏng vấn thì nhà sư Minh Tuệ nói rằng phóng viên có thể phỏng vấn bao lâu tùy thích, "cả ngày cũng được".

    Về phần ông Báu, vào hôm sau (ngày 4/1), khi trả lời phỏng vấn BBC, ông đã nói rằng mình là "trưởng đoàn", và rằng ông đã xin phép chính quyền, công an tại Việt Nam trước khi thực hiện chuyến đi. Ông cũng nói mình đã nghỉ công tác trong lực lượng công an từ năm 2023.

    Cuộc trò chuyện dưới tán rừng

    Trái với không khí mang tính chất kiểm soát mà chúng tôi cảm nhận ở bên ngoài khi trao đổi với ông Báu, một khi đã gặp sư Thích Minh Tuệ, mọi việc liền trở nên nhẹ nhàng và cởi mở, như chính ấn tượng sẵn có của chúng tôi về nhà sư qua các video về ông trên mạng.

    Nhà sư nói chuyện thoải mái, giải thích những lý do đằng sau các quyết định của ông, chia sẻ những điều mà trước nay còn nhiều tranh luận nơi công chúng do không có đủ thông tin.

    "Đi bộ ở Lào và Thái Lan thì nói chung là đều mệt mỏi như ở Việt Nam, chân đều bị đau rát. Nhưng ở bên Lào và Thái Lan thì mình đi bộ thoải mái được, mọi người không đi theo mình nhiều. Còn ngày xưa ở Việt Nam thì đi bộ cũng giống như thế này, nhưng sau đó mọi người đi theo đông rồi lại khó khăn. Khó khăn là chỗ đông người thôi," nhà sư chia sẻ.

    Sư Minh Tuệ cũng nói rằng việc ông quyết định lên đường tới Ấn Độ đều là do duyên.

    "Tất cả đều do duyên. Đủ duyên thì mình đi, chưa đủ duyên thì mình chưa đi. Giờ thấy cũng đủ duyên rồi. Tất cả đều do nhân duyên, chứ chết rồi thì không đi được. Giờ vẫn còn sống tốt đẹp thì nên đi Ấn Độ. Với lại ở Việt Nam mình cũng học rồi, giờ đi ra nước ngoài, ra thế giới thì mình học được nhiều cái hơn. Đi nhiều mới học được nhiều, mới mở mang được. Chứ ở nhà trong lũy tre làng thì không thoát ra được."

    Ông nói rằng nhân duyên thì cũng giống như lúa, "đến lúc chín thì gặt thôi".

    Trên đường bộ hành đến Ấn Độ, dự kiến đoàn sẽ đi qua Myanmar, nơi đang có chiến tranh. "Con tới đó nếu mà họ cho nhập cảnh thì con đi hết. Con không lo, nhưng nếu họ không cho nhập cảnh thì dùng phương án khác. Kể cả có chiến tranh hay không chiến tranh thì cho nhập cảnh là con vào. Con không sợ chết. Con vẫn mong cho mọi người hạnh phúc, nhưng mà khi đến đó thì những người như anh Báu chẳng hạn nếu sợ chết thì về, còn mình con đi thôi," sư Minh Tuệ nói.

    Nhà sư cũng chia sẻ rằng khi đến đất Phật, ông sẽ tiếp tục tu học, có thể sẽ đến vùng Himalaya để tu. Còn khả năng trở lại Việt Nam thì, theo lời ông, "Quay về Việt Nam nói chung cũng tốt đẹp. Nhưng mà phải hữu duyên."

    Trở lại vấn đề tu tập khi đang còn ở Việt Nam, sư Thích Minh Tuệ đã xác nhận rằng lúc ông đột ngột dừng bộ hành tại Huế vào đầu tháng 6/2024 là do "an ninh đem đi". Ông còn nói rằng một lá đơn đề nghị không phát tán hình ảnh của ông trên mạng mà báo chí công bố trước đây là do ông viết, nhưng "có người nhờ".

    Nhà sư cũng khẳng định ông Đoàn Văn Báu có vai trò giúp đỡ thủ tục, giấy tờ để đi qua các nước. Tuy nhiên, tất cả đều là tự nguyện và không có sự bó buộc nào. Nếu ông Báu không đi theo nữa cũng không sao.

    Trong suốt cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Đoàn Văn Báu luôn có mặt và lặng lẽ quay phim lại toàn bộ. Ông không nói gì trong suốt thời gian đó.

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c93gzky3yg5o


    Không có nhận xét nào