Header Ads

  • Breaking News

    Kềm tỏa Trung Quốc và Nga, mục tiêu của Mỹ trong kế hoạch thôn tính Groenland

    Thanh Hà /RFI

    10/01/2025

    Với một vị trí chiến lược và nhiều tài nguyên, Groenland, thuộc chủ quyền của Đan Mạch, liệu có sẽ trở thành nạn nhân trong cuộc tranh hùng giữa ba đại cường  Mỹ, Trung Quốc và Nga? Để phong tỏa Nga và kềm hãm những tham vọng của Trung Quốc, Donald Trump muốn thôn tính Groenland. Đây là một tính toán khôn ngoan hay là một nước cờ mạo hiểm của Hoa Kỳ ?  

    Băng tảng trong vùng Groenland, Bắc Băng Dương. Ảnh do cơ quan NASA cung cấp, chụp ngày 14/08/2019.


    Băng tảng trong vùng Groenland, Bắc Băng Dương. Ảnh do cơ quan NASA cung cấp, chụp ngày 14/08/2019. AP - Mstyslav Chernov 

    « Make Groenland Great Again »

    Từ nhiều tuần qua, đảo Groenland trở thành tâm điểm của làng báo quốc tế kể từ khi tổng thống đắc cử Hoa Kỳ nhắc đến. Đúng ngày con trai ông Trump đặt chân đến Groenland hôm 07/01/2025, tổng thống Mỹ thứ 47 tương lai viết trên mạng xã hội cá nhân « nếu và một khi trở thành một phần lãnh thổ của Hoa Kỳ » Groenland sẽ được Mỹ « che chở ». Ông không loại trừ khả năng dùng biện pháp « đánh thuế thương mại và cả sức mạnh quân sự » nếu cần, để thâu tóm hòn đảo này.

    Ông Trump khẳng định, vì « nhu cầu tuyệt đối bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia và quyền tự do lưu thông cho thế giới »,  Washington « cần kiểm soát Groenland ».

    Vì sao hòn đảo lớn gấp 4 lần nước Pháp và 80 % diện tích bị vùi trong băng tuyết, nằm giữa Bắc Băng Dương và khu Bắc Đại Tây Dương này lại « lọt vào mắt xanh » của ông Trump ?

    Một vị trí chiến lược trên bản đồ thế giới

    Có ít nhất ba lý do khiến ông Trump muốn « chiếm đoạt » Groenland. Đầu tiên là vị trí địa lý chiến lược của hòn đảo lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Úc.

    Groenland gần với châu Mỹ hơn châu Âu, với chưa đầy 60.000 dân cư trên một diện tích hơn 2,2 triệu cây số vuông. Nằm giữa Bắc Mỹ và châu Âu, Groenland luôn là « một cửa ngõ chiến lược cho các tuyến hàng không và hàng hải xuyên Đại Tây Dương ».

    Với hiện tượng tan băng, viễn cảnh giao thương hàng hải ở Bắc Băng Dương càng lúc càng mang tính chiến lược cả về mặt kinh tế lẫn quân sự, nhất là nhiều tuyến đường mới sẽ nối Châu Á với Châu Âu qua ngõ Bắc Cực.

    Trung Quốc trong nhiều thập niên qua đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực này với « quy chế quan sát viên Hội Đồng Bắc Cực » năm 2013. Năm năm sau đó, Bắc Kinh công bố Sách trắng về « Chính sách Bắc Cực », mở rộng chiến lược Con Đường Tơ Lụa đến vùng băng giá và rất xa xôi này với Hoa Lục.

    Chiếm đoạt tài nguyên để « thoát Trung »

    Thứ hai, Mỹ quan tâm đến vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch bởi Groenland là một vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên còn chưa được khai thác.

    Đất hiếm, uranium, đồng, dầu hỏa, khí đốt... : Groenland đang giấu kín những tài nguyên vô cùng to lớn và nhất là những « kim loại hiếm » mà cả thế giới đang rất cần để phát triển công nghệ số, để chuyển đổi sang năng lượng xanh.

    Vào lúc thế giới phụ thuộc đến 80-90 % đất hiếm do Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu để phục vụ các ngành công nghiệp từ smartphone đến xe điện, từ tên lửa, xe tăng đến tàu ngầm, hay những cánh quạt sản xuất năng lượng gió, thì chỉ một mình đảo Groenland nắm giữ đến « 20 % trữ lượng đất hiếm toàn cầu ».

    Vùng đất tự trị của Đan Mạch này như vậy là « cơ hội bằng vàng » để Mỹ thoát khỏi sự « thống trị của Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược ».

    Theo một nghiên cứu của Liên Hiệp Châu Âu, Groenland đang nắm giữ « 25 trong số 34 kim loại hiếm » mà Bruxelles coi là mang tính sống còn đối với tương lai khối này. Chuyên gia về địa chính trị thuộc cơ quan tư vấn Europa được hãng tin Pháp AFP trích dẫn quả quyết : Mỹ muốn « chiếm đoạt Groenland để ngăn chận Trung Quốc vơ vét tài nguyên và nhất là kim loại hiếm » của hòn đảo này, cho dù hiện tại mới chỉ có hai khu vực khai thác đã hoạt động ở Groenland. Đó là một mỏ hồng ngọc và một mỏ anorthosite, một kim loại giàu chất titan.

    Tầm mức chiến lược quân sự

    Vị trí quân sự chiến lược là động lực thứ ba khiến tổng thống Donald Trump ngay từ nhiệm kỳ đầu (2017-2021) đã đòi « mua lại » Groenland của Đan Mạch.

    Trong bối cảnh Mỹ cần khẳng định vị trí đầu tàu thế giới, trước hai đối thủ nguy hiểm nhất là Trung Quốc và Nga, nhiều chuyên gia quân sự Hoa Kỳ khẳng định, trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Nga « Groenland là đường chim bay ngắn nhất để phóng tên lửa về phía đối phương ».

    Ngược thời gian, từ năm 1941, trong Thế Chiến Thứ Hai, vào lúc mà Đan Mạch bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, Mỹ đã hiện diện ở Groenland, đóng tại căn cứ quân sự Thulé, nay đổi tên là căn cứ không quân Pituffik ở phía tây bắc hòn đảo. Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Groenland lại càng « có giá » trong mắt của Hoa Kỳ : Mỹ trang bị hệ thống radar cho phép phát hiện tên lửa đạn đạo liên lục địa và cả một hệ thống giám sát không phận toàn khu vực.

    Trước Donald Trump, hai tổng thống Franklin Roosevelt và Harry Truman đã từng quan tâm đến Groenland. Hòn đảo đặt dưới quyền quản lý của vương quốc Đan Mạch từ năm 1814 và ngay từ khi đó Mỹ đã « nhòm ngó » đến vùng đất băng tuyết này. Năm 1946, Harry Truman đề nghị mua lại Groenland với giá 100 triệu đô la.

    « Đảo Groenland thuộc về người Groenland » 

    Từ năm 1953, Groenland chính thức « gia nhập » vương quốc Đan Mạch, được công nhận là một vùng tự trị từ năm 1979. Chính sách đối ngoại và an ninh của hòn đảo này đặt dưới quyền kiểm soát của Copenhagen. Đứng đầu Groenland là một vị thủ hiến, và hòn đảo này có nghị viện riêng. Tháng 4/2025 Groenland tổ chức bầu lại nghị viện và vị thủ hiến đương nhiệm có khuynh hướng đòi « ly khai » với chính quyền trung ương ở Copenhagen.

    Năm 2019, Copenhagen một lần nữa lại khước từ nhã ý của Washington, dưới thời chính quyền Trump, muốn mua lại Groenland. Lần này, thủ tướng Đan Mạch Metter Frederiksen tuyên bố thẳng thừng : « Groenland không là món hàng để bán ».

    Tuy nhiên, xét về mặt địa lý và lịch sử giới trong ngành cho rằng Washington có một số cơ sở để xem Groenland thuộc về châu Mỹ.

    Tính theo đường chim bay, Nukk, thủ phủ Groenland, « gần với New York hơn là Copenhagen ». Từ thế kỷ XVIII, nhà tư tưởng Guillaume Thomas François Raynal đã giải thích, Groenland chỉ cách Bắc Mỹ có một vùng biển nhỏ, Biển Baffin, trong lúc giữa Groenland với châu Âu là cả « một đại dương ».

    Trục Bắc Kinh Matxcơva trong tầm ngắm 

    Ở thế kỷ 21 và thời đại công nghệ kỹ thuật số, Mỹ quan tâm đến Groenland do hòn đảo này là một « kho tàng » đất hiếm, một lĩnh vực mà hiện tại đang bị đặt trong tay Trung Quốc. Không có đất hiếm, hãng xe điện Tesla của Elon Musk không thể phát triển. Nhưng không chỉ có thế.

    Theo nhà nghiên cứu Elizabeth Buchanan, Viện Chiến Lược Chính Trị của Úc ASPI được báo tài chính Nhật Bản Nikkei Asia trích dẫn, Bắc Kinh muốn chen chân vào Groenland không chỉ vì những tuyến giao thông đường biển sắp mở ra ở Bắc Băng Dương. Báo cáo của bộ Quốc Phòng Đan Mạch công bố giữa tháng 12/2024 nhấn mạnh Trung Quốc chiếm lợi thế trong khu vực này do « liên hệ chặt chẽ với Nga » và có nhiều khả năng Bắc Kinh lợi dụng lá bài này để đẩy mạnh các nước cờ ở Bắc Cực, kể cả và chủ yếu là mục tiêu « tăng cường hiện diện quân sự (…) «  Bắc Cực mang tính chiến lược rất quan trọng về phương diện quân sự, do đây là nơi tàu ngầm nguyên tử có thể ẩn nấp trong trường hợp xảy ra xung đột liên quan đến một phần Bắc Mỹ, Châu Âu và Nga ».

    Vẫn theo bộ Quốc Phòng Đan Mạch, chính vì tầm mức chiến lược quân sự đó mà trong một thời gian rất dài, Matxcơva đã « do dự để cho các quốc gia không liên quan đến Bắc Cực can dự (…) Nhưng trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, Nga phụ thuộc vào Trung Quốc, nên càng lúc càng phải chấp nhận một số đòi hỏi của Bắc Kinh ».  

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào