CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC NÀO CHO VIỆT NAM?
Tác giả Nguyễn Trung Dân
Nguyễn Xuân Xanh trình bày
11/01/2025
Sách Khi con chip lên ngôi. Cơ hội và Thách thức nào cho Việt Nam? 330 trang, Cty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam, 2025.
" Đặc biệt hơn, tình cờ vào năm 2007, tác giả được biết đến câu chuyện về Morris Chang, người có công hàng đầu trong việc xây dựng nền công nghiệp chip bán dẫn của Đài Loan, qua lời kể và giới thiệu của một vị giáo sư già người Đài Loan tại một hội nghị khoa học. Cũng chính vì say mê câu chuyện về Morris Chang đã khiến tác giả bỏ nhiều công sức và thời gian tìm hiểu sự nghiệp cũng như công ty TSMC của ông và về ngành công nghiệp chip bán dẫn. Và đó cũng là nguyên nhân thôi thúc tác giả viết loạt bài chip bán dẫn, làm cơ sở cho cuốn sách, giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát hơn về lĩnh vực này. Qua phần viết riêng về Morris Chang và TSMC, tác giả mong muốn gửi tới các bạn trẻ cũng như các nhà hoạch định chính sách KH&CN ở trong nước một tấm gương đáng học hỏi, nhằm tận dụng những khả năng đặc biệt của lớp trẻ cũng như nắm bắt cơ hội lịch sử về chip bán dẫn để đưa Việt Nam tiến lên trở thành một cường quốc về KH&CN và kinh tế".
Nguyễn Trung Dân
Anh chị và các bạn thân mến,
Tôi cảm thấy rất vinh dự được phát biểu đôi lời trong buổi giới thiệu quyển sách Khi con chip lên ngôi của tác giả Nguyễn Trung Dân. Tôi quen anh cách đây 2 năm, lần đầu tiên trong một quán cà phê khu Nhà thờ Đức Bà, do một nhà báo nữ có nhã ý giới thiệu. Ngay từ đầu, anh Dân kể những mẩu chuyện lịch sử khoa học anh chứng kiến hay biết được trên hành trình của anh. Tôi ý thức ngay, đây là một nhà vật lý có ý thức lịch sử rõ nét. Những người Việt như thế này rất ít. Lịch sử là không gian văn hóa khoa học của anh làm cho mỗi ý tưởng có ý nghĩa sống động trong đó. Người phương Tây làm khoa học đều có ý thức lịch sử rất rõ, và họ biết tọa độ công việc của mình trong không gian lịch sử đó, và ý nghĩa của nó.
Khi chia tay, anh Dân bảo, anh sẽ có một số bài về con chip bán dẫn. Tôi tò mò liền xin anh cho tôi đọc.
Khoảng vài tháng sau khi anh về lại New York, quả nhiên anh Dân báo tôi biết loạt bài con chip được đăng trên báo Người đô thị gồm 12 bài. Quả là một kho kiến thức lịch sử mởi mẻ chưa được biết. Tôi xin anh được đăng trên mạng rosetta của tôi sau đó.
Đó có lẽ là khởi điểm của quyển sách hôm nay đang ra mắt với độc giả Việt Nam mà anh sắp giới thiệu tại thính phòng này.
Lần đầu tiên khi cầm quyển lên sách đọc, tôi có viết, tôi có cảm tưởng mình đang nghe bản nhạc Die Kleine Nachtmusik, tạm dịch “Tiểu dạ khúc”, của Mozart, thấy rất vui, sung sướng, đầy ắp cảm hứng và thôi thúc. Nhưng khi đọc nhiều hơn, sâu hơn, tôi đâm ra lo lắng. Lý do đơn giản: tôi không biết rồi đây Việt Nam có chen chân được vào Câu lạc bộ các đàn anh thế giới hay không. Thông minh của mỗi người thì không thiếu. Nhưng cái khó là sự vận hành của tập thể và cơ chế. Sản xuất con chip, như quyển sách cho thấy, còn khó hơn sản xuất bom nguyên tử! Ôi chao! Nó đòi hỏi rất nhiều điều kiện nghiêm ngặt cho Việt Nam, và nhiều điều kiện không thuộc về Việt Nam.
Thứ nhất,
Việc chế tạo chip là vô cùng khó khăn ở các kích thước nhỏ hơn kích thước vi rút Covid-19. Nó cần những thiết bị là sự kết họp của cả một network quốc tế về công nghệ, mỗi quốc gia làm chủ một công nghệ đặc biệt: Hà Lan, Mỹ, Nhật, Đức, và các công nghệ đều cực kỳ khó. TQ tuy có thể chế tạo được hai trái bom nguyên tử và một vệ tinh trong thời kỳ Mao, nhưng sức mạnh của chính sách “toàn dân” như được họ sử dụng là không thích hợp với sản xuất con chip bán dẫn. Ông Liu Yadong, cựu tổng biên tập báo Science and Technology Daily cho rằng: “Chính sách huy động ‘toàn dân’ và phương pháp ‘top-down’ (mệnh lệnh từ trên xuống dưới) có thể giúp TQ giành được huy chương vàng Olympic và chế tạo bom nguyên tử nhưng nó không phù hợp cho việc phát triển chế tạo chip bán dẫn.” Tức không phải duy ý chí là được. (Chương 13)
Đây là điều kiện không thuộc về quốc gia, cho dù quốc gia giàu có. Chỉ các quốc gia gần gủi về mặt địa chính trị với các cường quốc phương Tây mới may ra mới có cơ hội tiếp cận loại công nghệ cao cấp này.
Thứ hai,
một đặc tính khác là các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan, có các chuyên gia tài năng hàng đầu từng tốt nghiệp và lăn lộn trong các cty chip bán dẫn ở Mỹ, thậm chí có bằng sáng chế và có vị trí cao như Morris Chang của Đài Loan ở Texas Instruments, người đã phát triển TSMC thành gã khổng lồ to không thể tưởng. Hay Kim Choong-Ki của Hàn Quốc, từng tốt nghiệp Tiến sĩ ở ĐH Columbia, trở thành chuyên gia về transistor và làm việc ở Fairchild Camera and Instrument, được gọi là “bố già” của ngành công nghiệp chip của Hàn Quốc, đào tạo cả trăm học trò tại Viện tiên tiến KAIST.
Đài Loan và Hàn quốc có chính sách rất tốt và kiên quyết thu hút các kiều dân họ trở về xây dựng khoa học công nghệ. Họ rất thành công. TQ cũng thế. Họ đã làm được một cách xuất sắc. Thực tế họ có cả những thiên hà tài năng và làm việc cật lực, luôn luôn đổ mồ hôi, vắt óc, luôn luôn đổi mới sáng tạo. Kim Choong-Ki nói: “Sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc phụ thuộc vào công nghệ đảo ngược và theo dõi [bản đồ của] các nước tiên tiến…. Bây giờ chúng ta phải thay đổi chính sách giáo dục và dạy học sinh cách vẽ bản đồ.” Và ông cũng nói: “Nếu bạn lặp lại ý tưởng của người khác, bạn sẽ không bao giờ vượt qua họ, mà chỉ đi theo đuôi họ thôi.” Có lẽ đó cũng là tính cách chung của người Hàn Quốc.
Cuốn sách giúp người đọc có nhiều thông tin vô cùng bổ ích:
Về sự hình thành transistor và con chip trong những năm 1940-70.
Các lãnh vực mà chip và transistor có ảnh hưởng lớn: thiết bị dân sự và quốc phòng, các công nghệ mới.
Cuộc chiến đấu địa chính trị giữa TQ và phương Tây. Sự đầu tư lan tỏa của các cty chip trên thế giới để mở rộng chuỗi cung cấp. CHIPS and Science Act năm 2022 của Hoa Kỳ nhằm kéo một phần đầu tư quan trọng của các công ty lớn như Samsung, TSMC về Mỹ trong nỗ lực kềm chế TQ.
Sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và sự muốn giảm bớt lệ thuộc vào TQ tạo cơ hội cho các quốc gia ngoài TQ, như Ấn độ, ASEAN.
Việt Nam là quốc gia được TT Joe Biden ưu ái đặc biệt. Một làn sóng các cty công nghệ cao đến nghiên cứu. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở hạ tầng tri thức và vốn nhân lực của VN còn rất hạn chế, đặt cho nhà nước những thách thức lớn trong một cuộc chạy đua với thời gian để thu hút các cty big tech. Nhưng xin đừng tự rằng nghĩ mình là thanh nam châm duy nhất. Quanh ta còn có những thanh nam châm khác.
Câu hỏi cho tất cả mọi người. Lấy một quốc gia X nào đó, và giải thiết, X có đủ các điều kiện tài chánh, nguồn nhân lực công nghệ cho sản xuất chip, vân vân. Tuy thế, câu hỏi vẫn là làm sao X có thể sản xuất chip? TQ có đủ những điều kiện trên, nhưng không được chia sẻ know-how của phương Tây. Đài Loan và Hàn Quốc có hai mô hình khác nhau. Đài Loan phát triển theo cách “từng bước” (gradualist) một cách hữu cơ, trong khi Hàn Quốc đi theo con đường “xông tới” (thrust). X phải làm gì?
Hai chương có tầm ảnh hưởng lớn đến tương lai nhân loại: Máy tính quang tử (photonics computer) và Máy tính lượng tử (quantum computer), với những khả năng vô tận của con người (Chương 11). Đó là những lãnh vực đang ở biên giới của nghiên cứu mà anh Nguyễn Trung Dân cũng có tham gia. Cả hai đều có bàn tay của Einstein. Ngày 9/12, Google thông báo đã tạo ra được con chip lượng tử thế hệ mới có tên Willow có khả năng giải quyết một vấn đề tính toán trong năm phút mà các siêu máy tính cổ điển hiện nay sẽ mất 10 triệu tỷ tỷ, 1025, năm. Chúng ta không tưởng tượng nổi. Cuộc chạy đua trong lãnh vực quantum computing sẽ rất khốc liệt đồng thời mở ra những chân trời không thể hình dung được, với nguy cơ cũng như với tiềm năng phục vụ con người chưa từng thấy.
Năm nay, 2025, thế giới kỷ niệm đúng 100 năm khám phá cơ học lượng tử, một phát triển mang tính bước ngoặc của thuyết lượng tử. Xem thêm: Einstein và Heisenberg – Những người đặt nền tảng cho nền Vật lý hiện đại:
https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/einstein-va-heisenberg-nhung-nguoi-dat-nen-tang-cho-nen-vat-ly-hien-dai-k-kleinknecht/
Về sự thành công của gã khổng lồ TSMC, tác giả viết về tầm nhìn của giới lãnh đạo Đài Loan như bài học cho các quốc gia khác:
“Điều cuối cùng mà chúng ta có thể cảm nhận được là sự thành công của TSMC có vai trò rất lớn của chính phủ Đài Loan lúc bấy giờ. Có thể nói đó là một chính phủ có tầm nhìn xa hiếm có, biết chọn mặt gửi vàng và giúp đỡ hết sức hiệu quả cho các doanh nghiệp tư nhân. Các quan chức chính phủ Đài Loan giờ đây chắc vô cùng tự hào rằng chỉ với số tiền 110 triệu USD vào năm 1987 của chính phủ đầu tư thành lập công ty TSMC (tương đương khoảng 250 triệu USD năm 2021), giờ đây TSMC không chỉ đem lại giá trị kinh tế khổng lồ cho đảo quốc, đóng vai trò chính biến Đài Loan thành cường quốc số một về công nghệ bán dẫn – một mặt hàng chiến lược quan trọng nhất nhì trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. TSMC không chỉ là niềm tự hào của mọi người dân Đài Loan mà còn góp phần một cách đắc lực cho việc bảo vệ nền an ninh cho ốc đảo bé nhỏ này. Hiện tượng này quả thực chỉ có một không hai, không khác gì một câu chuyện cổ tích.” (Chương 16). GDP đầu người của Đài Loan năm 1987 là $5,325, chỉ hơn VN hiện nay một tí thôi.
Có ai muốn có một đầu tư sinh lợi khủng khiếp như thế hay không? Chắc chắn ai cũng muốn. Nhưng khâu thực hiện mới là công trình vĩ đại của quốc gia, giống như những các công trình nhà thờ Gothic vĩ đại của châu Âu thế kỷ XIII mà người ta hay đưa ra để so sánh. Ở đó mới bộc lộ các chỗ mạnh chỗ yếu của chính sách, tổ chức, quản trị, và của ý chí, thông minh và óc sáng tạo của quốc gia.
Ngày nay, như tác giả viết, ảnh hưởng của Đài Loan với hơn 60% chip bán dẫn toàn cầu có lẽ không thua kém gì ảnh hưởng của cả khối OPEC gồm có 12 quốc gia thành viên hiện nay đang sản xuất khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới và chiếm khoảng 60% xăng dầu thương mại toàn cầu. … Vì vậy xét về mặt địa chính trị thì tiếng nói của một Đài Loan nhỏ bé chiếm hơn 60% chip toàn cầu có lẽ có ảnh hưởng không kém, thậm chí còn lớn hơn của cả khối OPEC. (Chương 17)
Nếu vì lý do gì mà sự sản xuất chip bán dẫn thế giới bị ách tắt, vì chiến tranh chẳng hạn, thế giới có nguy cơ rơi vào hỗn loạn và sụp đỗ.
Tôi xin kết thúc, anh chị và các bạn thân mến,
Khi con chip lên ngôi tôi cho là quyển sách hay nhất, truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất, khai sáng nhất, và bổ ích nhất cho mọi người quan tâm đến tiền đồ đất nước, quan tâm đến các tình hình phát triển của các công nghệ cao cấp đang phát vũ bão trên toàn thế giới, đến những nỗ lực của nhà nước mong muốn VN trở thành một phần của chuỗi cung ứng chip bán dẫn của thế giới. Con chip bán dẫn đã trở thành định mệnh của các quốc gia, và của chúng ta.
Đây là một quyển sách rất khó viết, phải là tác phẩm của một nhà vật lý lý thuyết và từng lăn lộn trong thực hành nhiều năm ở hải ngoại tại các công ty công nghệ cao, có mối quan tâm lớn về lịch sử và thường xuyên theo dõi diễn biến địa chính trị trên thế giới, và tâm huyết thấy có trách nhiệm thông tin cho giới khoa học, lãnh đạo, công chúng trong nước. Đáp ứng những tiêu chuẩn đó, tác giả Nguyễn Trung Dân đã thành công xuất sắc. Chúng ta hết sức cảm ơn anh Dân đã bỏ nhiều thời gian và công sức quý báu để nghiên cứu và thực hiện nó.
Tôi cũng rất cảm ơn anh Dân đã cho tôi đọc bản thảo, và viết mấy lời dẫn nhập cho quyển sách.
Nguyễn Xuân Xanh, 10/1/2025
Buổi giới thiệu sách Khi con chip lên ngôi sáng thứ Bảy, ngày 11/1/2025 tại Nam Thi House (một quán cà phê được trang trí bằng gỗ ấm cúng và có rất nhiều sách tạo cho nó thêm “linh hồn”) đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, được đông khách đến dự, những người đều quan tâm đến con chip bán dẫn và tương lai của Việt Nam. TS Nguyễn Trung Dân đã trả lời tất cả mọi câu hỏi và có cuộc trao đổi rất thú vị với khán giả với môt competence cao. Sự quan tâm đến quyển sách là sinh động. Mọi người đều mong muốn quyển sách được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Đặc biệt một khán giả làm về chip trong đại học muốn mua bản quyền sử dụng từ Cty Nhã Nam và tác giả Nguyễn Trung Dân để có thế đưa một số nội dung của quyển sách vào giáo trình giãng dạy. Đây là một trong những tin rất vui.
Dưới đây là bài Dẫn nhập của tôi đã viết cho quyển sách:
Dẫn nhập
“Chúng tôi muốn có một nền công nghiệp bán dẫn ở Đài Loan. Hãy nói cho tôi biết, bạn cần bao nhiêu tiền.”
Lý Quốc Đỉnh[1] (Kwoh-Ting Li) nói với Morris Chang
Bạn đọc thân mến,
Xét về lịch sử phát triển con người ở những giai đoạn chuyển biến mạnh mẽ chưa từng có, người ta có thể chia nó ra làm ba giai đoạn quan trọng: Thời đại Thương mại, Thời đại Công nghiệp, và Thời đại Thông tin. Chúng ta biết rằng, nhà kinh tế học Adam Smith đã từng chia các giai đoạn phát triển nhân loại thành bốn: săn bắn hái lượm, chăn nuôi du mục, nông nghiệp và thương mại, và con người ngày càng giảm bớt sự lệ thuộc chính trị, đồng thời phương thức sản xuất ngày càng tiến bộ và của cải càng được mở rộng cho người dân.
Thời đại Thương mại, diễn ra ở thế kỷ 18, lúc Smith sống, sau khi con người đã bước qua các giai đoạn săn bắn, hái lượm, chăn nuôi, nông nghiệp để tiến lên xã hội thương mại và sản xuất nhỏ thủ công. Thời đại Công nghiệp diễn ra vào những thập niên cuối thế kỷ 18 và kéo dài đến thế kỷ 20, bắt đầu bằng máy hơi nước, sản xuất lớn, tổ chức theo factory, tàu chạy bằng hơi nước, xe lửa, đến ô tô, bao gồm khám phá mới trong khoa học từ nghiên cứu khoa học. Thời đại Thông tin diễn ra vào những thập niên cuối của thế kỷ 20 tại một số nơi trên nước Mỹ, đặc biệt ở Thung lũng Silicon, là trung tâm, vùng Boston và thêm một vài vùng khác nữa.
Thông tin phát triển đặc biệt mãnh mẽ ở Hoa Kỳ. Người Mỹ dường như “yêu chuộng thông tin” từ thời lập quốc. Tri thức là một dạng thông tin. Với một dân số mỏng trên mảnh đất mênh mông, họ phải kết nối nhau. Họ bắt đầu bằng máy in nhập vào vùng New England, và các sản phẩm in chủ yếu được sử dụng bởi các quan chức chính phủ, lãnh đạo nhà thờ và thương gia, nghĩa là bởi giới thượng lưu của các vùng định cư. Số lượng báo tăng lên và ngày càng đưa tin tức và bình luận thương mại.
Khi Nội chiến bùng nổ vào năm 1861, nền tảng của cơ sở hạ tầng giao thông và liên lạc mới đã được hình thành – tàu hỏa chạy bằng động cơ hơi nước. Cuối cùng, sau cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng và kéo dài những năm 1870, mạng lưới đường ray dài hơn 200.000 dặm của quốc gia đã được hoàn thành vào những năm 1880, và những năm 1890. Vào đầu thế kỷ này, 2/3 số tuyến đường sắt ở Mỹ được vận hành bởi 7 tập đoàn đường sắt như vậy.
Điện báo (electric telegraph) là một chiều kích khác để chuyển thông tin. Nó cung cấp các luồng thông tin với tốc độ, khối lượng và tính đều đặn chưa từng thấy. Trong những năm đầu tiên, điện báo đã đi trước đường sắt, đến New Orleans ngay từ năm 1848 và San Francisco vào năm 1861. Điều quan trọng hơn là sự tồn tại của nó đã ngay lập tức làm thay đổi việc phổ biến tin tức, thông tin thương mại, tài chính và chính trị. Ngay từ năm 1848, một số tờ báo ở New York đã thành lập New York Associated Press để hợp tác sử dụng các dịch vụ điện báo mới. Đến năm 1859, tiền thân của hãng thông tấn AP ngày nay “đã thiết lập một hệ thống thực sự mang tính quốc gia về dòng chảy thông tin đại chúng”.
Việc phát minh ra điện thoại của Alexander Graham Bell (bằng sáng chế được trao vào tháng 5 năm 1876) đã bổ sung thêm một khía cạnh khác cho cơ sở hạ tầng thông tin đang phát triển – việc truyền giọng nói qua khoảng cách xa. Sau đó, vốn cần thiết để xây dựng hệ thống điện thoại quốc gia được huy động. Và trong những năm 1880 việc xây dựng mạng điện thoại đầu tiên của quốc gia bắt đầu, và được thực hiện nhanh chóng. Ngay năm 1881, Công ty Điện thoại Bell đã cung cấp dịch vụ ở hầu hết thành phố trên toàn quốc có dân số hơn 10.000 người.
Tiền đề của Thời đại Thông tin: Sự phát triển của chip và máy tính
Cuộc Cách mạng Máy tính xảy ra lúc 9 giờ sáng, ngày 21 tháng 4 năm 1952, tại Phòng thí nghiệm Bell ở Murray Hill, New Jersey, lúc đại diện của hơn 30 công ty đã tụ tập để tham dự một cuộc hội thảo kéo dài sáu ngày về bóng bán dẫn (transistor), tìm hiểu về những gì sẽ trở thành trái tim của máy tính. Đó là một hội nghị ‘big bang’ để tung bóng bán dẫn đi xa và qui mô. Các công ty đã trả một khoản phí 25.000 USD cho đại diện của họ tham dự và cho việc có thể đăng ký quyền sản xuất bóng bán dẫn. Sự phát triển ban đầu của máy tính với mục đích chủ yếu là quân sự diễn ra đồng thời ở Anh và Mỹ, với những dự án nhỏ hơn đang được tiến hành ở Đức và Ba Lan, nhưng bóng bán dẫn rõ ràng là một phát minh của Mỹ được tạo ra tại Bell Labs vào những năm 1940. Chính quyết định của American Telephone & Telegraph (AT&T) cấp giấy phép công nghệ này cho các hãng khác đã giúp bóng bán dẫn có thể hoạt động từ một công ty đến nhiều công ty, và do đó được sử dụng theo những cách không thể đoán trước ngay từ đầu. Một trong những ứng dụng không lường trước đó sẽ là trái tim của cỗ máy mới mà chúng ta gọi là máy tính. AT&T nhận ra rằng bằng cách chia sẻ quyền sản xuất bóng bán dẫn, AT&T sẽ thực hiện cam kết truyền thống với tư cách là một tiện ích được quản lý trên toàn quốc trong việc phổ biến kiến thức hữu ích cho công chúng đồng thời tạo ra doanh thu từ các thỏa thuận cấp phép. Đạo luật này cũng sẽ ngăn chặn những lo ngại thực sự về những gì Cơ quan chống độc quyền của Hoa Kỳ.
Một bản sao cách điệu của bóng bán dẫn đầu tiên (Wikipedia)
Hội nghị đã rất thành công trong việc kích thích sự quan tâm đến quyền sản xuất bóng bán dẫn. Trước cuối năm đó, gần ba chục công ty đã đăng ký và đến năm 1960 đã có vài trăm công ty. Đại đa số là các công ty Mỹ, với một lượng nhỏ đại diện là các công ty Tây Âu. Đến cuối những năm 1950, các công ty trên khắp thế giới cũng đã được cấp phép. Trong danh sách giấy phép ban đầu từ năm 1952, chúng ta có thể thấy các công ty đã trở thành nhà sản xuất máy tính hoặc linh kiện trong thời gian rất ngắn: Minneapolis Honeywell, Raytheon Manufacturing, Texas Instruments (TI), General Electric (GE), International Business Machines (IBM), NCR, và hai công ty quan trọng của Châu Âu: Philips, và với Melchip, Siemens & Halske.
Sụ xuất hiện của transistor và chip
Bóng bán dẫn (transistor) ra đời như mang theo một sứ mệnh, và nhiều transistors kết lại thành những cái gọi là con chip, hay mạch tích hợp (integrated circuit, IC). Cả hai trở thành “não” của computer. Người ta không thể hiểu hết tác dụng của máy tính lên xã hội và kinh doanh Mỹ mà không hiểu vai trò transistor và chip của máy tính.
Nghiên cứu trong các tổ hợp lớn trở thành đặc trưng của hoạt động khoa học, công nghệ Mỹ, người ta gọi là “big science”. Vào thời điểm Bell Labs đang nghiên cứu vật lý chất rắn và phát minh ra bóng bán dẫn, công ty có 5.700 nhân viên, trong đó có 2.000 người là những nhà khoa học và kỹ sư giỏi nhất quốc gia. Họ đến từ các trường đại học đã âm thầm đầu tư vào nghiên cứu và chuyển giao kiến thức khoa học và kỹ thuật trong tám thập kỷ trước. Những năm cuối của thập niên 1970, Bell Labs có 17.000 nhân viên hoạt động đem lại 700 bằng sáng chế mỗi năm. Nhưng Bell Labs không phải là trường hợp cá biệt. Các tập đoàn khác như GE, IBM, NCR và RCA cũng có các phòng thí nghiệm phát triển đáng kể, trong khi chính phủ Hoa Kỳ có một tập hợp các phòng thí nghiệm quốc gia. Không có nơi nào giống như khu phức hợp cơ sở vật chất rộng lớn này từng tồn tại ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Từ thế kỷ 19, người Mỹ đã áp dụng điện và đầu óc mày mò sáng tạo để phát minh và phát triển các công nghệ thông tin then chốt dùng trên thế giới: điện tính, điện thoại, máy quay đĩa, và hình ảnh chuyển động, và những thứ khác. Đến thế kỷ 20, họ tiếp tục phát minh nhiều phương tiện mới đưa vào Xa lộ Thông tin, đặc biệt nhất là các cổ máy tính lớn, và sau đó phiên bản nhỏ của nó: máy tính cá nhân, loại mà ngày nay được sử dụng phổ biến khắp nơi thế giới.
Hai tấm ảnh đặc trưng Thời đại Thông tin.
Vào ngày 3 tháng 1 năm 1983, Tạp chí TIME đã vinh danh máy tính cá nhân là “Máy của năm” cho năm 1982. “Máy tính đã đến rồi.” Năm 1982, hơn một triệu máy tính cá nhân đã được bán. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Giải thưởng “Nhân vật của năm” ra đời vào năm 1927, một vật thể không phải con người mới nhận được giải thưởng này. Bài báo nói về những gã khổng lồ về máy tính cá nhân thời bấy giờ: Apple, Commodore, IBM, Sinclair Research, v.v. Máy tính cá nhân vẫn là vật thể nhân tạo duy nhất nhận được giải thưởng! (Courtesy of TIME)
“Trên internet, không ai biết bạn là một con chó.” Tranh biếm họa của Peter Steiner. Bức tranh trở thành nổi tiếng, và làm cho chủ nó rất nổi tiếng. Tính đến năm 2013, đây là bức tranh biếm họa được tái bản nhiều nhất của The New Yorker và tác giả Steiner thu được khoảng từ 200.000 đến 250.000 đô la Mỹ từ việc tái bản bức tranh này. Vào ngày 6 tháng 10 năm 2023, bản gốc đã được bán đấu giá và lập kỷ lục về mức giá cao nhất từng được trả cho một truyện tranh với giá 175.000 USD tại buổi bán tác phẩm nghệ thuật minh họa của Heritage Auctions. Bức tranh đã tạo cảm hứng cho vở kịch Nobody Knows I’m a Dog (không ai biết tôi là một con chó) bởi Alan David Perkins. Vở kịch xoay quanh 6 cá nhân không thể giao tiếp hiệu quả với người khác trong đời thực nhưng tìm thấy được khả năng để thể hiện bản thân trên Internet, do được bảo vệ bởi sự vô danh. (Wiki) Bức biếm họa đặc trưng, con người không được đánh giá bằng chủng tộc, giới tính, tuổi tác hay cách xuất hiện, mà duy nhất bằng lời của họ.
Thời đại Công nghiệp dựa trên năng lượng hóa thạch, hoàn toàn thay thế cơ sở hạ tầng của Thời đại Thương mại dựa trên gió, nước, và sức mạnh cơ bắp con người. Thời đại Thông tin dựa trên điện và sức mạnh của nó. Nó không hề thay thế Thời đại Công nghiệp, mà thực tế xây dựng trên đó, tăng cường sức mạnh của công nghiệp nhiều hơn. PC, Internet làm tăng tốc thương mại đáng kể. Năm 1998, cố vấn cao cấp Ira Magaziner của Tổng thống Clinton về phát triển chính sách đã báo cáo rằng “trong ba năm qua, hơn một phần ba mức tăng trưởng thực sự của kinh tế là do tăng trưởng công nghiệp công nghệ thông tin, và điều đó chủ yếu được thúc đẩy bởi việc xây dựng Internet.”
Để các quốc gia cạnh tranh kinh tế trong thế kỷ 21, hỗ trợ cho nghiên cứu cơ bản về khoa học và kỹ thuật cần phải là một phần không thể thiếu trong quá trình hoạch định chính sách. Điều này đã xuất hiện từ khi có đại học nghiên cứu Đức của Humboldt thế kỷ 19, và Đức là quốc gia đã đi tiên phong. Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều quốc gia khác đang đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các doanh nghiệp nghiên cứu của mình, và trong nhiều trường hợp đang bắt đầu vượt phương Tây.
Nói tóm lại, Hoa Kỳ là quốc gia đã phát triển thông tin và các công nghệ của nó tiên tiến nhanh chóng như vũ bão. Vì sao? Vì đó là dân tộc có các sinh hoạt chính trị dân chủ sôi động mạnh mẽ, và cũng yêu thích thương mại, khoa học, công nghệ nhất. Nếu ở một quốc gia thông tin bị dấu diếm thì phát triển công nghệ truyền tin để làm gì, và thương mại làm sao phát triển? Niềm tin của Thomas Jefferson rằng sức khỏe của nền dân chủ sẽ phụ thuộc vào xã hội các công dân có hiểu biết, vốn đã là nền tảng cho văn hóa chính trị của người Mỹ kể từ ngày thành lập quốc. Tri thức là Sức mạnh cung cấp những hiểu biết mới mẻ về nền tảng của chủ nghĩa đa nguyên Hoa Kỳ. Giáo dục cho các thế hệ đang lên là rất quan trọng đối với tương lai của quốc gia. Những người lập quốc tin rằng sự đảm bảo của Tu chính án thứ nhất về quyền tự do báo chí, tôn giáo, ngôn luận và hội họp sẽ thúc đẩy một xã hội công dân có hiểu biết. Các định chế cơ bản của nền dân chủ và xã hội Mỹ, bao gồm các đảng chính trị, giáo dục công, truyền thông và thậm chí cả hệ thống bưu chính, đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của chính phủ vì chúng được xác định là quan trọng đối với việc tạo ra và duy trì một cộng đồng có hiểu biết. Được hỗ trợ bởi công nghệ tiên tiến và nền kinh tế đang phát triển, người Mỹ đã tạo ra một thị trường thông tin đa nguyên trong đó tất cả các hình thức truyền thông công cộng – báo in, diễn thuyết và các cuộc họp công cộng – cạnh tranh để thu hút sự chú ý của những con người tự do. Vào thời Nội chiến, sự thống nhất về văn hóa của Mỹ không còn là điều bàn cãi nữa.
***
Tôi rất vui mừng được giới thiệu với anh chị và bạn đọc những câu chuyện vô cùng thú vị liên quan đến sự phát minh và tầm ảnh hưởng của những “báu vật” nhỏ xíu của tác giả Nguyễn Trung Dân muốn nói với người Việt Nam. Anh có niềm đam mê hiểu biết lịch sử mãnh liệt. Tiền thân của quyển sách là mười hai bài viết nghiên cứu của anh về con chip, được báo điện tử đăng năm 2022, rồi sau đó trên mạng rosetta. Gặp anh và cà phê tại đường Hàn Thuyên tháng giêng 2023, Sài gòn, tôi biết mình gặp được một nhà khoa học lý thuyết và ứng dụng có ý thức mạnh mẽ về lịch sử, và muốn truyền đạt tri thức cho người Việt Nam.
Loạt bài nghiên cứu về con chip của tác giả dưới mắt tôi, là loạt bài khai sáng về đề tài rất thời sự hiện nay. Phải có nhiều tri thức và tâm huyết mới viết được loạt bài liên quan với nhau ấy. Tác giả muốn truyền cảm hứng và tri thức cho công chúng về những câu chuyện khoa học thiết thân, không chỉ vì khoa học mà còn vì vận mệnh của các quốc gia.
Con người cần có những lúc để cho những tia sáng khai minh lọt vào trái tim, khối óc của mình, để tự hỏi, chúng ta đang đứng đâu trên bàn cờ thế giới, từ đâu đến, và sẽ đi về đâu, để cuối cùng mình có thể rút ra kết luận mà quyết định từ bỏ vị trí bị sức ì quản lý bấy lâu nay, để đứng dậy và đứng thẳng mà đi. Tôi tin tưởng, quyển sách Khi con chip lên ngôi của TS Nguyễn Trung Dân sẽ mang lại những tia sáng như thế.
Phương Tây đã ý thức nguy cơ địa vị của mình bị Trung Quốc đe dọa và ra tay hành động để bảo vệ các giá trị và sự tồn vong của họ. Thế giới đã từng có cuộc chạy đua với bom nguyên tử, hay chạy đua moonshot. Giờ đến lượt cuộc chạy đua với con chip, những vật mắt thường không thể thấy nhưng các tập hợp đông như các thiên hà của nó lại có tác động quan trọng lên toàn thế giới. Trong chừng mực nhất định, con chip còn quan trọng hơn cả bom nguyên tử, vì nó điều khiển hàng hà các vũ khí tối tân nhất, cải thiện sức mạnh và tính hiệu quả chúng, cũng như đem lại ưu thế kinh tế, và tạo ra sự phồn vinh cho các quốc gia. Số lượng transistor được sản xuất ra một năm trên thế giới thực tế đã vượt số lượng hạt lúa được làm ra.
Tác phẩm điêu khắc mô tả chiếc transistor silicon đầu tiên mang ký hiệu 2N696 được đặt tại vị trí ban đầu của Shockley Semiconductor Laboratory tại số 391 San Antonio Road, Mountain View, California, mặc dù nó được Fairchild của “bọn tám kẻ phản bội” chế tạo năm 1958. Lô đầu tiên gồm 100 chiếc đã được bán cho IBM với giá 150 USD mỗi chiếc (tương đương 1.409 USD vào năm 2021) để chế tạo máy tính cho máy bay ném bom B-70. Nhiều bóng bán dẫn cũng đã được bán cho Autonetics để chế tạo hệ thống dẫn đường cho tên lửa đạn đạo Minuteman. Ngành quốc phòng Mỹ là “bà mụ” đầu tiên giúp công nghiệp chip phát triển mạnh mẽ, mặc dù sau đó nó được thay thế bằng ngành hàng tiêu thụ dân dụng.
Hình ảnh những phụ nữ lập trình máy tính điện tử đầu tiên EINAC của Mỹ năm 1945. Nó có 18.000 cái công tắc. (Getty images) Những chiếc mày tính và điện thoại thông minh ngày nay chứa hàng tỷ transistor rất nhỏ, là những công tắc điện nhỏ hoạt động đóng mở để thể hiện thông tin. Không có các con chip nhỏ, không thể thực hiện được các chuyến bay của phi thuyền Apollo lên mặt trăng.
Quyển sách của tác giả Nguyễn Trung Dân cho thấy, những năm 1950-60 transistor cũng đã tình cờ được phát triển song song với Hoa Kỳ ngay cả tại một số quốc gia phương Tây, cụ thể Pháp và Đức, nhưng vì một số lý do đặc thù mà nó đã bị quên lãng ở lục địa. Pháp lúc đó bị quá ám ảnh bởi bom nguyên tử, cái mà họ ráo riết muốn có để nâng cao vị thế chính trị của mình, trong khi Đức thì bị chiến tranh tàn phá kiệt quệ đang lo tập trung vào tái thiết. Nhưng Nhật Bản bại trận chỉ có thể vươn lên từ kinh tế. Nhờ có những doanh nhân nhạy bén, Nhật Bản có một định mệnh khác. Akio Morita, một trong những nhà sáng lập Sony, đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của chiếc transistor cho kinh tế, nên ông và đồng nghiệp Masaru Ibuka, với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, lúc đó có chủ trương ủng hộ high-tech, đã bỏ một số tiền lớn để mua patent để sử dụng cho hàng dân dụng. Đến Mỹ năm 1953, Morita bị sốc trước nguồn lực vô tận của quốc gia này, cái gì cũng có, và là thị trường màu mỡ cho hàng điện tử gia dụng. Nước Nhật phải nhắm tới. Morita hiểu những gì Tổng thống Charles de Gaulle không nhìn thấy lúc bấy giờ. Điện tử là tương lai của kinh tế thế giới, và transistor, sau đó tích hợp vào chip, sẽ tạo ra không kể xiết ứng dụng mới. Ngành điện tử gia dụng sẽ có một cuộc cách mạng cùng với cuộc cách mạng của transistor và chip. Ông và đồng nghiệp vì thế đã quyết định mua lại patent của chiếc transistor, giữa 1953-54, và cho ra chiếc máy radio transistor đầu tiên chưa đầy một năm sau khi chiếc máy cùng loại của Texas Instrument ra mắt vào Giáng sinh 1954.
Chiếc máy radio transistor TR-55 đầu tiên của Sony.
Xin mở ngoặc. Mua patent là một việc, nhưng thực hiện được ý tưởng để ra được sản phẩm thương mại là một việc khác – không dễ chút nào. Nó đòi hỏi bên người mua phải có cái gọi là năng lực công nghiệp để hiểu và thực hiện. Sony đã phải gửi trưởng phòng kỹ thuật Kazuo Iwama qua Mỹ thu thập kiến thức, xem tận mắt dây chuyền sản xuất của Texas Instruments và trao đổi qua lại bằng thư từ và hình vẽ với các kỹ sư của ông ở Tokyo. Các tư liệu này được tập hợp lại thành “Báo cáo Iwama”. Gần đây báo cáo Iwama được học giả Takushi Otani phân tích tỉ mỉ, và công bố tại tạp chí Historia Scientiarum Vol. 26‒2 (2017) dưới tiêu đề Technology Transfer as a Dialogical Process Crossing the Pacific Ocean: Sonyʼs Transistor Technology Transfer. Đây là một case study rất hữu ích cho những ai mua patent và muốn thực hiện sản phẩm, đặc biệt cho Việt Nam.
Vài năm sau đó, Texas Instruments quyết định mở cả nhà máy chế tạo chip đầu tiên ngoài Hoa Kỳ đặt tại Nhật Bản! Morita cũng chính là người giúp giải quyết những thủ tục hành chánh cũng nhiêu khê lúc đó. Thủ tướng Nhật Hayato Ikeda lúc bấy giờ ủng hộ hết mình công nghệ cao. Chính ông đã tặng chiếc máy radio transistor của Sony cho de Gaulle. Thế là Nhật Bản có tên trong danh sách các quốc gia ngoài Mỹ bước vào công nghệ cao của ngành điện tử, đẩy kinh tế Nhật Bản vào sự phát triển thần kỳ. Nhật Bản nhảy lên kịp chiếc tàu cách mạng điện tử tốc hành đang lăn bánh. Nhật Bản phát triển con chip từ đó, và trong những năm 1980, nó đã trở thành cơn tsunami đe dọa ngay cả ngành công nghiệp chip của chính Hoa Kỳ.
Chúng ta nhớ lại, Nikita Khrushchev đã từng đến thăm nơi sản xuất lớn của IBM tại San Jose năm 1959, và đầu 1960 de Gaulle cũng đến vùng đó, trước khi nó chính thức được gọi là Thung lũng Silicon (1971). Khrushchev làm ra vẻ “ta đây”, tuyên bố với báo chí rằng cái gây ấn tượng nhất đối với ông chỉ là Căng-tin của IBM, và ông bắt chướt thật, nghĩa là ông ta không học điều gì quan trọng khác, kể cả của IBM! Điều đó có thể hiểu được. Thứ nhất, chỉ mới 2 năm trước, họ rất tự hào đã phóng Sputnik lên quỹ đạo. Thứ hai, Khrushchev đang có ý đồ lớn. Các chuyên gia và kỹ sư, trong đó có những gián điệp kịp chạy về từ Mỹ trước khi bị bắt trong vụ gián điệp Rosenberg nổi tiếng, muốn thuyết phục Khrushchev dành riêng một thành phố để phát triển chuyên ngành điện tử và vi điện tử (microelectronics). Khrushchev được giải thích và hiểu rằng “Vi điện tử là một bộ óc cơ học”, và “đó là tương lai của chúng ta”. Ông muốn “Bắt kịp và qua mặt” nước Mỹ. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng con chip SN-51 của Texas Instruments do một sinh viên tên Boris Malin mua được từ Mỹ mang về, bộ trưởng công nghiệp điện tử Alexander Shokin ra lệnh cho các kỹ sư ông ta: “Cóp nó”, và muốn biến Zelenograd, “thành phố Xanh” ở ngoại ô Moscow, thành một Soviet Silicon.
Khrushchev thăm IBM tại San Jose tháng 9 năm 1959 và được chủ tịch IBM Thomas J. Watson Jr. (trái) tiếp đón nồng nhiệt. Photo: courtesy of IBM
Dĩ nhiên, cuối cùng họ đã không thành công. Thung lũng silicon không hình thành bằng mệnh lệnh, hay bằng một miếng đất tốt mà Zelenograd có thể hội đủ, ngoại trừ nó không có nhiều mặt trời ấm áp và biển đẹp như vùng vịnh San Francisco. Điểm khác biệt căn bản ở đây là, trong khi Hoa Kỳ có nền kinh tế tự do theo ý tưởng của Adam Smith, có hàng loạt công ty tham gia vào sản xuất trong một chuỗi cung ứng, không ngừng cải tiến kỹ thuật, thiết kế và cạnh tranh làm ra transistor mới, thì Nga áp dụng kinh tế chỉ huy cứng nhắc, nên rất nghèo nàn, không có những cụm, cluster, các công ty, hay một hệ sinh thái hỗ trợ. Khrushchev chỉ có thể đe dọa và tạm thời gây khó khăn cho Hoa Kỳ và đồng minh bằng những coup bao vây Berlin, hay cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba, nhưng họ không biết rằng ngược lại con chip và máy tính điện tử là mối đe dọa dài hạn cho họ, mà điều đó dính dáng tới hình thái kinh tế. Đầu năm 1988, sau khi những chiếc máy tính cá nhân của Steve Jobs hay IBM đã vững vàng trên thị trường, Ronald Reagan có thể đứng trước 600 sinh viên khoa học máy tính tại Đại học quốc gia Moscow tán dương những vinh quang của ngành vi mạch và máy tính cá nhân do Mỹ sản xuất như là “biểu hiện tốt nhất về những gì nền dân chủ kiểu Mỹ có thể làm được”.
Với kiến thức của một nhà vật lý lý thuyết lượng tử cũng như là người đã và đang tiến hành các nghiên cứu ứng dụng tại một trong những công ty high-tech có vị trí đặc biệt trong lịch sử công nghệ của nước Mỹ, Nguyễn Trung Dân đã hiểu rất sâu lý thuyết cũng như thực hành ở cấp độ cao, và anh trình bày lịch sử con chip từ lúc nó hình thành tại Thung lũng Silicon, sự thâm nhập của nó vào đời sống dân sự cũng như vào lãnh vực quốc phòng; sự thành công của Thung lũng Silicon cũng như sự thất bại của một số quốc gia châu Âu, sự nhạy bén tiếp thu nắm lấy thời cơ phát triển tiếp con chip của các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Đặc biệt tác giả trình bày câu chuyện thành công có tính thần thoại của ốc đảo nhỏ bé Đài Loan trong việc thống lãnh sản xuất chip ở quy mô thế giới. Anh trình bày sự hình thành cuộc cạnh tranh địa chính trị do chip tạo ra. Chip là “vũ khí” không có tiếng nổ nhưng tác động của nó bao trùm lên xã hội, và có sức mạnh gấp triệu lần vũ khí. Tác giả cũng trình bày những viễn tượng của cuộc chạy đua giữa TQ và Hoa Kỳ, của sự phát triển máy tính quang tử và lượng tử là công cụ cực kỳ cách mạng như những triển vọng mới. Anh cũng nói về cơ hội lịch sử cho Việt Nam. Người thường có thể hiểu nhanh chóng những ý tưởng trong quyển sách, trong khi nhà khoa học lại càng đánh giá chúng cao hơn.
Khi con chip lên ngôi là quyển sách trình bày được bản đồ phát triển công nghệ cao của thế giới, giúp cho những nhà hoạch định chính sách Việt Nam một tọa độ cụ thể, những công cụ cần thiết để phát triển, để định hình chính sách của mình trong một cuộc chơi mới mà mình phải làm chủ nhiều hơn. Chúng ta cần biết sự thật, để từ đó vươn lên, cho dù sự thật đó có gây sự sợ hãi đi nữa. Tháng 5, 2017, hàng trăm triệu dân TQ chứng kiến người hùng cờ vây của họ, Ke Jie (Kha Khiết) đã bị AlphaGo của DeepMind Technologies, Google, đánh bại trong ba ván liên tiếp như thế nào. Đó là giờ phút “thức tỉnh” đau đớn và sợ hãi của họ. Sau đó họ đưa ra chương trình đầu tư mạnh mẽ vào lãnh vực Trí tuệ nhân tạo, và họ đã nhanh chóng thành công lớn. Nhà vật lý lượng tử Niels Bohr cũng từng nói, Ai không thấy thất kinh với thuyết lượng tử, người đó chưa hiểu nó. Chúng ta phải hiểu, và chỉ có tri thức mới là nguồn sức mạnh của chúng ta.
Tôi xin nồng nhiệt giới thiệu với quý đọc giả.
Nguyễn Xuân Xanh
[1] Ông Lý là một trong những nhà “siêu kỹ trị” của Đài Loan đã giúp đất nước phát triển từ nông nghiệp tiến lên hóa rồng bằng công nghệ cao.
https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/12546-2/
Không có nhận xét nào