Header Ads

  • Breaking News

    Cách mạng Cuba đã « mồ yên mả đẹp », kinh tế Trung Quốc và Nga đang lao đao

    Thụy My/ RFI

    05/01/2025

    The Economist dự báo « Tập Cận Bình có nhiều điều phải lo lắng vào năm 2025 ». L’Express ví kinh tế Nga là « quả bom nổ chậm », đang trong bước « đại thụt lùi », khi tập trung toàn bộ cho chiến tranh. Nhưng đen đủi nhất vẫn là người dân đảo quốc cộng sản Cuba : thiên tai, cấm vận, đói kém – theo Le Figaro cuối tuần. Mười năm sau vụ khủng bố Charlie Hebdo tại Pháp, thế giới đã thay đổi rất nhiều. 

    Một người dân nấu súp bằng bếp củi trên lề đường trong thời gian thủ đô La Habana bị cúp điện, ngày 04/12/2024.


    Một người dân nấu súp bằng bếp củi trên lề đường trong thời gian thủ đô La Habana bị cúp điện, ngày 04/12/2024. AP - Ramon Espinosa 

    « Charlie Hebdo », cú sốc kinh hoàng mở đầu cho loạt khủng bố tại Pháp

    « Tinh thần ‘Charlie’ còn lại gì ? » Đó là câu hỏi được Le Nouvel Obs đặt ra trong hồ sơ tuần này. Tương tự với L’Express « Tháng Giêng 2015 – Tháng Giêng 2025 : Chúng ta nói gì về những người đã ngã xuống ? ». Le Point điểm qua « ‘Charlie Hebdo’, Montrouge, Hyper Cacher : Chúng ta đã làm gì trong mười năm qua ? »

     Le Nouvel Obs nhận định cách đây mười năm, cú sốc là khủng khiếp. Ngày 07, 08 và 09/01/2015, ba vụ khủng bố đẫm máu của Hồi giáo cực đoan làm rung chuyển nước Pháp. Ngay trong đêm 07/01, hàng ngàn người Pháp đã tập trung lại với khẩu hiệu « Tôi là Charlie » để bảo vệ tự do ngôn luận. Ngày 11/01, nhiều triệu người đã xuống đường để tưởng niệm 17 nạn nhân bị sát hại – nhà báo, cảnh sát, người Pháp gốc Do Thái. Tiếp theo là một đợt khủng bố ngày 13/11/2015 tại Paris, 14/07/2016 tại Nice, rồi một cặp vợ chồng cảnh sát, một linh mục bị sát hại ngay tại cung thánh…

    Ngày nay, các vụ tố tụng liên quan đến thánh chiến chiếm 87 % hồ sơ của Viện Công tố chống khủng bố ; vấn đề Hồi giáo cực đoan luôn là mối lo của chính quyền. Nếu ban đầu tổng thống François Hollande nói rằng khủng bố, cuồng tín không liên quan gì đến đạo Hồi, thì vụ Bataclan vào cuối năm đánh dấu một sự thay đổi : ban bố tình trạng khẩn cấp, tranh luận về tước quốc tịch…Bước ngoặt là bài diễn văn của tổng thống Emmanuel Macron năm 2020 về « Hồi giáo ly khai ». Theo một thăm dò của IFOP năm 2020, có 56 % người dân Pháp cho rằng báo chí có lý khi đăng các biếm họa, « nhân danh tự do ngôn luận », so với hồi 2006 tỉ lệ này chỉ là 38 %.

    Mười năm sau cuộc biểu tình hàng triệu người, có còn « Tôi là Charlie » ?

    L’Express cay đắng, sau mười năm, nói gì đây về các nạn nhân ở Charlie Hebdo, tự do ngôn luận đã lên ngôi chăng ? Thực tế là thầy giáo Samuel Paty đã bị chặt đầu ngay trước trường học sau khi giảng về tự do ngôn luận trong lớp, lấy ví dụ là biếm họa Mahomet đăng trên Charlie Hebdo ; thầy giáo Dominique Bernard bị đâm chết trong trường trung học ở Arras…Về các nạn nhân ở Hyper Cacher, liệu nạn bài Do Thái đã giảm bớt chăng ? Ngược lại, từ vụ thảm sát ở Israel ngày 07/10/2023 tệ nạn này lại bùng lên chưa từng thấy kể từ nhiều thập niên.

    Le Point nhắc lại cú sốc, những giọt nước mắt và cơn phẫn nộ trong ba ngày đầu tháng Giêng 2015, với cuộc biểu tình khổng lồ ngày 11/01 năm ấy, lớn nhất trong lịch sử nước Pháp. « Tôi là Charlie, tôi là người Do Thái, tôi là cảnh sát », người ta đọc thấy trên vô số biểu ngữ. Hôm đó liệu có ai tưởng tượng rằng mười năm sau, một nhà văn Algérie gốc Pháp bị chính quyền Alger tống giam vì ý tưởng của mình, chỉ được một nhúm trí thức, chính khách và nhà báo ủng hộ. Mười năm sau, sự thù ghét người Do Thái bùng nổ, đảng cực tả với khẩu hiệu « Cảnh sát giết người » trở thành lãnh đạo liên minh cánh tả !

    Chuyện gì đã diễn ra ? Phải kể đến những tên ngốc hữu dụng của Hồi giáo, nhưng những kẻ muốn dập tắt kỷ nguyên Ánh sáng chưa thể thắng thế. Việc họ ồn ào trên mạng xã hội cũng như tại các trường đại học chứng tỏ đã vấp phải sự kháng cự. Richard Malka, luật sư của Charlie Hebdo cho rằng : « Họ rất lắm lời nhưng chỉ là thiểu số, chẳng nên quan tâm ». 

    Chưa nhậm chức, Trump đã làm náo động thế giới 

    Về tình hình quốc tế, L’Express nhận xét Donald Trump chưa chính thức là tổng thống nhưng « đã thay đổi thế giới ». « Tổng thống tân cử » xử sự như đã nắm quyền, đã gặp gỡ và trao đổi với mấy chục nhà lãnh đạo các nước. Ông Trump thảo luận về hòa bình với tổng thống Volodymyr Zelensky, nói về biên giới Mêhicô với tổng thống Claudia Sheinbaum, đe dọa « địa ngục » với Hamas…

    Cựu chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy nhận xét « Donald Trump hành động với tốc độ chưa từng thấy so với những người tiền nhiệm trong thời kỳ chuyển tiếp ». Dân biểu Đức Norbert Röttgen cũng nhận định, chưa bao giờ thấy một tổng thống Mỹ nào gây tác động quốc tế lớn như thế dù chưa nhậm chức. Chỉ riêng loan báo tổng thống Mỹ thứ 47 sẽ hiện diện trong buỗi lễ khai mạc Nhà thờ Đức Bà Paris đã khiến các nguyên thủ còn phân vân quyết định đến dự.

    Trật tự quốc tế đang rạn vỡ khắp nơi. Mô hình dân chủ châu Âu bị yếu đi vì lão hóa dân số và kinh tế chậm lại ; Iran lung lay sau khi các lực lượng tay sai Hamas, Hezbollah bị Israel tung đòn dữ dội, chế độ Assad ở Syria sụp đổ. Nga cố dựng dậy đế quốc bất chấp hàng trăm ngàn người thiệt mạng nhưng không thành công. Trung Quốc hiện đại hóa quân đội, mơ chiếm được Đài Loan. Trump quay lại nắm quyền trong một thế giới bất ổn, và từ lâu đã lật sang trang Biden.

    Việt Nam nằm trong số các nước có thể bị Trump nhắm đến

    Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde cuối tuần cảnh báo « Các quốc gia mới nổi, đích nhắm mới của Trump ». Tổng thống 47 của Mỹ muốn áp đặt thuế hải quan lên các nước hưởng lợi từ chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nhật báo Pháp đăng hình minh họa là một độc giả ở Hà Nội đang cầm tờ Tuổi Trẻ với tít trang nhất « Nước Mỹ thời Donald Trump 2.0 ».

    Kinh tế gia trưởng Julien Marcilly của Global Sovereign Advisory giải thích, Donald Trump đã rút ra bài học từ quá khứ và hiểu rằng để nhắm vào Trung Quốc, cần chú tâm đến các hoạt động tránh né trừng phạt. Đặc biệt là Việt Nam sẽ gặp nhiều trắc trở. Chỉ trong vài năm, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ đứng thứ tư, sau Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc và Mêhicô.

    Đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam tăng vọt, trùng hợp với sự khởi đầu thương chiến Mỹ-Trung năm 2016, thu hút 290 tỉ đô la trong bảy năm qua, tương đương với số đầu tư nước ngoài trong hai thập niên trước. Lo lắng sẽ đến lượt Việt Nam, thứ trưởng ngoại giao Đỗ Hùng Việt nói về ý định « xúc tiến thương mại bề vững và hài hòa với Hoa Kỳ », đồng thời cho biết sẽ gia tăng mua hàng Mỹ như chip điện tử và phi cơ. Các nước khác như Mêhicô, Mông Cổ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

    Tác giả « Saigon sụp đổ » sớm nhận ra sự thật về « giải phóng miền Nam »

    Cũng liên quan đến Việt Nam nhưng về mặt lịch sử, Le Nouvel Obs có bài viết tưởng niệm nhà văn, nhà báo lớn Olivier Todd vừa qua đời tại Paris hôm 28/12, thọ 95 tuổi. Là cây bút sắc sảo của tuần báo từ 1964 đến 1977, ông còn là nhân chứng sống trong chiến tranh Việt Nam, tác giả cuốn sách nổi tiếng « Tháng Tư nghiệt ngã – Saigon sụp đổ ». Jean Daniel, người đồng sáng lập Le Nouvel Obs nhìn nhận : « Lẽ ra chúng ta nên nghe ông ấy ». 

    Trong một bài phóng sự, đặc phái viên tại Việt Nam Olivier Todd lo lắng cho số phận của dân chúng miền Nam được « giải phóng ». Thanh trừng đẫm máu, tù đày, sự thống trị của đảng…Nhà báo cho đến lúc đó vẫn ngưỡng mộ cuộc đấu tranh cách mạng của người cộng sản Việt Nam, đã sáng mắt trước tình trạng độc tài khắc nghiệt. Một thực tế khó tin đối với tuần báo thiên tả vốn ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ. Bài viết « Mười một ngày tại một Việt Nam bị cấm đoán » bị ban biên tập loại bỏ không cho đăng, và tác giả bị phe tả trong tờ báo đả kích.

    Năm 2012, khi trả lời phỏng vấn đài France Culture, ông Olivier Todd lấy làm tiếc : « Lẽ ra chúng ta đã là người đầu tiên nói lên sự thật ». Đồng thời nhìn nhận cũng đã viết nhiều chuyện « tầm xàm » về Việt Nam để làm vui lòng người đỡ đầu là triết gia Jean-Paul Sartre - đã khuyên ông ca ngợi việc xây dựng « chủ nghĩa xã hội dưới bom đạn », trước khi nhận ra rằng chế độ chuyên quyền của Hồ Chí Minh cũng chẳng tốt đẹp hơn Stalin hay Mao Trạch Đông.

    2025, năm đầy dẫy khó khăn cho Tập Cận Bình 

    Quay lại với kinh tế, The Economist dự báo « Tập Cận Bình có nhiều điều phải lo lắng vào năm 2025 ». Nền kinh tế đang gặp khó khăn, căng thẳng xã hội gia tăng và Donald Trump sẽ đặt nhà lãnh đạo Trung Quốc trước thách thức. Ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 60 % đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ngoài ra còn tăng 10 % nếu Trung Quốc không hạn chế xuất khẩu fentanyl, một loại ma túy tổng hợp giết chết hàng mấy chục ngàn người Mỹ mỗi năm.

    Một số nhà phân tích cho rằng việc Washington tăng thuế có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụt hơn hai phần trăm. Biện pháp này có thể giáng một đòn mạnh vào lúc Bắc Kinh đang cố gắng khôi phục niềm tin đã bị tổn hại nghiêm trọng của các hộ gia đình và doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường bất động sản suy thoái và nạn thất nghiệp. Tình trạng kinh tế trì trệ sẽ khiến bối cảnh xã hội trở nên u ám hơn.

    Một dấu hiệu là sự gia tăng các hành vi bạo lực trong năm 2024, được truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi là các cuộc tấn công « trả thù xã hội » như đâm chém, lái xe tông vào đám đông…Tập Cận Bình cũng có vẻ không kiểm soát được nạn tham nhũng trong quân đội, việc thanh trừng vẫn tiếp tục. Với quá nhiều phiền toái trong nước, ông Tập có thể không muốn có những cuộc phiêu lưu lớn ở nước ngoài, tuy vẫn đe dọa Đài Loan và các nước tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trong năm con Rắn, có thể ông muốn hành động thận trọng.

    Kinh tế Nga, quả bom nổ chậm

    L’Express tả lại một khung cảnh như trong phim thảm họa : khuya 26/11/2024 tại Saint-Pétersbourg vào lúc 3 giờ sáng, quận Krasnoie Selo biến mất trong luồng sương mù hơi nước dày đặc. Một đường ống dẫn khí sưởi vừa bị nổ tung, ba người nhập viện vì phỏng, mấy chục gia đình sống trong giá lạnh. Đó là chuyện thông thường ở Nga, mặt thật của « Nước Nga hiện đại của Vladimir Putin », với nền kinh tế tăng rất nóng nhưng chỉ tập trung cho chiến tranh. Từ khi xâm lăng Ukraina, người dân Nga phải trả giá đắt vì cơ sở hạ tầng không được đầu tư. Năm qua, trên 3 triệu người chịu cảnh cúp nước, cúp điện, không lò sưởi vì những vụ trục trặc của hệ thống năng lượng.

    Kinh tế gia Vladislav Inozemtsev nhận định Nga đang có bước « đại thụt lùi ». Trên lý thuyết, GDP tăng 3,6 % năm 2024 nhưng đó là « tăng trưởng không phát triển ». Kỹ nghệ quốc phòng chiếm đến 40 % ngân sách nhà nước. Để sản xuất xe tăng, hỏa tiễn, drone, quân phục…các nhà máy hoạt động 24/04, 7 ngày trong tuần, nhưng gần 1 triệu người Nga đã chạy ra nước ngoài, hàng trăm ngàn người thương vong ở mặt trận Ukraina. Giới chủ phải tăng lương để thu hút người lao động, lương lính cao…đủ mọi yếu tố cho lạm phát.

    Tháng 10/2024, lạm phát lên đến 15,3 %, có 84/107 mặt hàng thiết yếu tăng giá. Món xà-lách Olivier truyền thống trong lễ mừng năm mới ở Nga tăng 70 % so với cùng kỳ năm ngoái. Bơ trở thành món hàng hạng sang, một số siêu thị phải khóa tủ. Ông chủ điện Kremlin biết rằng nạn thiếu thực phẩm không phải là chuyện đùa.

    Giáo sư Eugene Finkel, đại học Johns Hopkins nhắc nhở : Điều gì đã khởi động cuộc cách mạng 1917 ? Nổi dậy vì đói ở Petrograd (tức Saint-Pétersbourg hiện nay). Điều gì đã làm Liên Xô sụp đổ ? Cũng do thiếu đói. Tuần báo lưu ý là nhiều cây số đường hầm dẫn đến những cánh cửa bí mật trong cung điện của Putin bên bờ Hắc Hải đã được đào. Người vừa cứu Bachar Al Assad hiểu rằng hồi kết có thể đến rất nhanh, khi người dân không còn gì để mất.

    Cách mạng Cuba đã « mồ yên mả đẹp »

    Nhưng đen đủi nhất vẫn là người dân đảo quốc cộng sản Cuba : thiên tai, cấm vận, đói kém. Le Figaro cuối tuần đến thăm một gia đình ở Santiago, bữa ăn của họ chỉ có cơm nấu với đậu đen, và chuối nhà trồng. Thịt heo là của hiếm đã biến mất từ lâu ; thịt gà, nguồn protein duy nhất chính quyền có khả năng mua được từ Brazil và kẻ thù Mỹ, năm nay cũng không đủ. Chưa hết, còn phải canh lúc có điện để nấu cơm. Trận bão Rafael và động đất làm 46.000 căn nhà sụp đổ, mà cả dân lẫn chính quyền đều không có phương tiện tái thiết.

    Tại tỉnh Artemisa gần thủ đô, cư dân gần ba tuần qua không có điện. Ở La Habana, những núi rác chất đầy ở các góc đường, các xe rác màu cam do Nhật Bản viện trợ không còn xăng để chạy. Nguy cơ bệnh tật lan tràn do không có thuốc diệt muỗi. Một sinh viên chỉ trích chủ tịch Miguel Diaz-Canel và các quan chức « không hề quan tâm đến tình cảnh người dân. Những người này không bao giờ ra khỏi cơ ngơi của mình, họ sống như du khách ». Không tiệm buôn nào còn máy phát điện dù giá cả trên trời, một chiếc quạt máy Trung Quốc nhập từ Panama giá đến 70 đô la.

    Người già đôi khi phải đi xin ăn để sống sót – một điều mới mẻ. Đồng peso mất giá thê thảm. Bà Manuela, 75 tuổi phải đi giúp việc nhà vì không thể sống với lương hưu 1.500 peso (4 euro) một tháng. Sinh ra vào thời Batista, chế độ bị Fidel Castro lật đổ, bà kể lại thời đó nhiều hàng hóa, trẻ em được ăn uống đầy đủ ở trường, nhưng tập đoàn Castro đã phá hủy hết. Bà Teresa, 85 tuổi, từng là giao liên vận tải vũ khí, nay không còn muốn nghe đến chữ « cách mạng ».

    Một đất nước kiệt quệ về kinh tế, xã hội lẫn ý thức hệ

    Một không khí buồn thảm ngự trị ở La Habana trước khi Donald Trump quay lại Nhà Trắng. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã trừng phạt Cuba 246 lần, hạn chế kiều hối và du lịch. Lần này Donald Trump còn chọn những chính khách gốc Cuba vào các vị trí quan trọng trong chính phủ, như ông Marco Rubio làm ngoại trưởng. Hoặc Mario Diaz-Balart, được cho là sẽ tham gia nội các, vốn là cháu của Mirta Diaz-Balart, người vợ đầu của Fidel Castro.

    Le Figaro nhận định chế độ Cuba nay kiệt quệ cả về kinh tế, xã hội lẫn ý thức hệ. Nga và Trung Quốc chỉ giúp đỡ lấy lệ, trách cứ La Habana không chịu cải cách kinh tế. Nếu Donald Trump gia tăng trừng phạt, nạn nhân chính sẽ là người dân Cuba nhưng họ không còn muốn nổi dậy chống chế độ, vì nỗi lo chính là miếng ăn để sống sót. Đối lập không có thủ lãnh. Tất cả đều đã bị bỏ tù, đi lưu vong, là nạn nhân một vụ « tai nạn » giao thông hoặc đại loại như vậy.

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào