Header Ads

  • Breaking News

    Xuôi dòng Mekong, ngư dân và nông dân đang chống chọi với thảm họa rác nhựa

    Bài viết bởi Phóng viên Chuyên mục Điều tra của RFA

    25/12/2024


    Xuôi dòng Mekong, ngư dân và nông dân đang chống chọi với thảm họa rác nhựa


    Trẻ em bơi lội ở khu vực hợp lưu của sông Mekong và sông Tonle Sap tại Phnom Penh khi công nhân đang thu gom rác thải nhựa ở ven bờ bán đảo Chroy Changvar. Từ tháng 3/2022 đến tháng 9/2024, tổ chức Làm sạch Sông Biển (River Oceans Cleanup) đã thu dọn được khoảng 1.860 tấn rác thải nhựa từ các con sông Tonle Sap, Mekong và Bassac của Campuchia. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngRFA 

    Trong bối cảnh các hiệp định toàn cầu bị trì hoãn quá lâu, người dân trong khu vực sông Mekong đang cố gắng ngăn chặn rác thải nhựa hủy hoại môi trường sống của họ.

    Một cơn mưa giông đang kéo đến phía trên đầu ông Boonrat Chaikeaw khi ông buông lưới xuống dòng nước ngập rác trên sông Mekong vào một ngày tháng Sáu. Trong sáu chuyến đánh bắt ở vùng nước ô nhiễm của khu vực Tam giác Vàng giữa Thái Lan, Myanmar và Lào, ông đã mang về nhà nhiều rác thải nhựa hơn cá. 

    Phía dưới khu vực Tam giác Vàng, ở trung tâm của hạ lưu sông Mekong, trẻ em bơi lội giữa rác thải nhựa trong khi công nhân đang dọn dẹp các bờ sông ở Phnompenh, thủ đô của Campuchia. Những nỗ lực thu nhặt rác thải nhựa  tương tự cũng được tiến hành ở Biển Hồ Tonle Sap – nơi được mệnh danh là “trái tim sống động của sông Mekong”. 

    Xa hơn về phía hạ nguồn, tại Việt Nam, sông Mekong chia nhỏ thành nhiều phụ lưu, đầm lầy và cồn đảo, tạo nên vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Tại Cần Thơ, một vùng đất nằm dọc theo một phụ lưu của sông Mekong, những người nông dân nuôi cá cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn phải sống nhờ vào một con sông bị bao vây bởi rác thải nhựa.

    Hàng chục con cá lóc đang nhảy lên trên mặt nước trong giờ ăn tại một trang trại nuôi cá ở cồn Sơn thuộc ĐBSCL của Việt Nam. Nguồn ảnh: RFA

    Sông Mekong nuôi sống hàng triệu người sống dọc theo chiều dài 4.300 km của nó. Con sông này bắt đầu từ Cao nguyên Tây Tạng, chảy qua Đông Nam Á và cuối cùng đổ ra Biển Đông. 

    Nhưng quy mô của sông Mekong và việc quản lý chung của các quốc gia đã khiến nó đặc biệt dễ bị ô nhiễm rác thải nhựa. 

    Trên bình diện toàn cầu, sông Mekong là một trong những tuyến đường thủy chịu trách nhiệm nhiều nhất trong việc đẩy rác thải nhựa ra các đại dương. Loại rác thải này không chỉ đơn giản là xấu xí, khó coi. Ô nhiễm nhựa đe dọa hàng ngàn loài sinh vật sống nhờ các con sông có dòng chảy tự do trong khi việc tiêu thụ vi nhựa của con người đang đặt ra những mối quan ngại ngày càng lớn về sức khỏe. 

    Nhiều người hy vọng rằng Hiệp ước Toàn cầu về Chống ô nhiễm Rác thải nhựa do Liên Hợp Quốc dẫn dắt sẽ giúp giảm bớt áp lực về rác thải nhựa trên các dòng sông. Thế nhưng, những bất đồng xung quanh vấn đề sản xuất nhựa và sử dụng hóa chất đã khiến hiệp ước được xem là mang tính bước ngoặt này đã không được ký kết vào đầu tháng 12 vừa qua. 

    Các nhà đàm phán hiện đang đặt kỳ vọng vào vòng đàm phán thứ 6, dự kiến sẽ diễn ra vào một thời điểm nào đó trong năm tới, để hoàn tất hiệp ước này. Tuy nhiên, ngay cả khi các bên đạt được một thỏa thuận, thì có thể vẫn phải mất nhiều năm trước khi các giải pháp hữu hình đến được với các quốc gia Mekong. 

    Một chiếc thuyền đánh cá đơn độc chạy xuôi theo sông Ruak, hướng về phía khu vực Tam giác Vàng giữa Myanmar, Lào và Thái Lan. Là cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, Tam giác Vàng được xác định là một vị trí quan trọng trong những nỗ lực vùng nhằm giảm rác thải nhựa đổ vào con sông này. Nguồn ảnh: RFA 

    Trong khi đó, nhiều người sống dọc ven sông Mekong không chờ đợi cho đến khi có những hành động mang tính toàn cầu. 

    Chiang Saen ở Thái Lan, Phnom Penh và hồ Tonle Sap ở Campuchia và Cần Thơ ở Việt Nam hiện là bốn điểm nóng về rác thải nhựa nằm dọc theo hạ lưu sông Mekong. Những điểm nóng này không chỉ cho thấy những nỗ lực đương đầu với vấn đề ô nhiễm nhựa hiện tại mà còn cho thấy nhựa đang làm thay đổi cuộc sống của những cộng đồng cư dân ven sông có sinh kế phụ thuộc vào những vùng sông nước này. 

    “Chúng tôi đang nghiện [sử dụng] nhựa, nhiều hơn bao giờ hết” – ông Panate Manomaivibool – một trợ lý giáo sư tại Đại học Burrapha của Thái Lan – người đã nghiên cứu rác thải nhựa ở những khu vực xuyên biên giới của sông Mekong.

    “So với quy mô của vấn đề này, những nỗ lực khắc phục nó là rất nhỏ” – ông nói. 

    THÁI LAN, MYANMAR VÀ LÀO | Vùng Tam giác Vàng của sông Mekong 

    Trong khi toàn bộ khu vực thượng lưu của sông Mekong chảy qua Trung Quốc - nơi con sông này được biết đến với cái tên Lan Thương (Lancang) - vùng Tam giác Vàng giữa Thái Lan, Myanmar và Lào đóng vai trò là cửa ngõ của khu vực hạ lưu. 

    Sông Mekong uốn lượn qua ba quốc gia này giữ vai trò như biên giới tự nhiên đã được công nhận trên bình diện chính trị. Nó cũng cho thấy bản chất xuyên biên giới của sông Mekong cũng như có yếu tố chính trị trong việc quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên này. 

    Mekong-plastic-cambodia-vietnam-thailand-04.jpg


    Các đám mây hình thành phía trên đầu ông Boonrat Chaikeaw khi ông quăng lưới xuống khu vực sông Mekong gần huyện Chiang Khong, tại biên giới giữa Thái Lan và Lào. Rác thường trôi nổi trên sông khiến cho ngư dân phải dành nhiều thời gian hơn để gỡ rác thải nhựa ra khỏi lưới. Nguồn ảnh: RFA


     Mekong-plastic-cambodia-vietnam-thailand-05.jpg


    Một dòng rác vô tận trôi từ sông Ruak ra sông Mekong. “Chúng tôi là thế hệ đầu tiên phải đối diện với vấn đề này và ở quy mô như thế này. Tổ tiên của chúng tôi, thậm chí cha mẹ chúng tôi, không bao giờ gặp phải vấn đề ô nhiễm nhựa ở mức độ này” – ông Panate Manomaivibool – người có nghiên cứu gần đây về các mẫu rác thải lớn ở khu vực Tam giác Vàng nói. Nghiên cứu của ông xác định rằng: 91% lượng rác ở đây là nhựa và các nhãn mác cho thấy khoảng 30% lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ Myanmar và gần 20% có nguốn gốc từ Trung Quốc. Nguồn ảnh: RFA. 

    CAMPUCHIA | Trái tim sống động của Lưu vực sông Mekong

    Sau khi uốn lượn qua Myanmar và giữa Thái Lan và Lào, sông Mekong chảy vào Campuchia. 

    Thủ đô Phnom Penh của Campuchia nằm ở hợp lưu của sông Mekong và các sông nhánh của nó, sông Bassac và Tonle Sap. Hơn 100km về phía tây bắc là Biển Hồ - nơi được mệnh danh là “trái tim sống động của sông Mekong” do có nhịp lũ độc đáo. 

    Mưa lũ của mùa mưa hàng năm (kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10) thường làm cho diện tích của hồ phình to lên khoảng 5 lần so với diện tích thông thường. Sức mạnh của nước lũ này đảo ngược hướng dòng chảy của sông Tonle Sap – con sông duy nhất trên thế giới có hiện tượng tự nhiên này. Khi mực nước giảm xuống trong mùa khô, dòng chảy của con sông này lại đảo chiều một lần nữa. 

    Mekong-plastic-cambodia-vietnam-thailand-07.jpg


    Một nhóm công nhân của Tổ chức Làm sạch Sông Biển đang nạo vét rác thải nhựa tại khu vực bờ sông ở Phnom Penh. “Hầu hất mọi người không biết cách vứt bỏ rác đúng cách. Họ cứ vứt chúng khắp nơi” – Srey Toch – một người nhặt rác làm việc cho tổ chức phi chính phủ này nói. Nguồn ảnh: RFA


     Mekong-plastic-cambodia-vietnam-thailand-08.jpg


    Một chiếc thuyền đánh cá từ Kampong Phluk – một trong những làng nổi ở khu vực Biển Hồ - lướt qua cánh quạt của một chiếc thuyền khác đang bị dừng hoạt động do mắc kẹt phải rác thải nhựa. “Đây là vấn đề có thể thấy rất rõ bởi vì biển hồ này nằm dưới đáy của mọi thành phố và con sông. Tất cả rác rưởi, vì thế, thường đổ cả vào đây” – Sea Sophal – giám đốc tổ chức phi chính phủ Bambooshoot (Măng tre) – đơn vị tổ chức các chương trình nhặt rác ở Biển Hồ. Nguồn ảnh: RFA.

     Mekong-plastic-cambodia-vietnam-thailand-09.jpg


    Các em học sinh tình nguyện đi nhặt rác theo chương trình nhặt rác ở Kampong Phluk, một trong những làng nổi ở khu vực Biển Hồ. Kể từ khi trở thành Bộ trưởng Môi trường của Campuchia vào năm ngoái, ông Eang Sophalleth đã dành ưu tiên cho việc giảm ô nhiễm nhựa đồng thời phát động một chiến dịch chống rác thải nhựa toàn quốc. “Nhựa là kẻ thù số 1 của chúng ta” – ông nói trong một bài phát biểu vào tháng 9 vừa qua. “Nếu chúng ta dọn sạch rác thải nhựa, các cộng đồng ở hạ nguồn như Việt Nam sẽ biết ơn. Tất cả chúng ta đều sẽ có lợi” – ông nói. Nguồn ảnh: RFA 

    VIỆT NAM| Nơi sông Mekong đổ ra biển

    Qua Phnom Penh, sông Mekong chảy về phía nam đến biên giới Campuchia - Việt Nam và cuối cùng đi qua các khu đô thị đang lan rộng ở Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). 

    Từ đây, dòng chính của sông Mekong phân nhánh thành các phụ lưu, đầm lầy và cồn đảo để tạo nên ĐBSCL – nơi vốn được mệnh danh là “vựa lúa” của Việt Nam. Các dưỡng chất mà sông Mekong mang đến đã biến đất nông nghiệp màu mỡ của khu vực này trở thành một phần của ngành lúa gạo trị giá nhiều triệu đô-la. Nhưng khi rác thải nhựa cũng đến đây theo cùng con đường này, vì thế, những nông trại đang phải đối diện với những mối đe dọa ngày càng gia tăng. 

    Cần Thơ - thành phố lớn nhất ĐBSCL - giờ đây đã trở thành trung tâm của những vấn đề rác thải trong khu vực.

    Mekong-plastic-cambodia-vietnam-thailand-10.jpg


    Mắc vào các cây lục bình, rác thải nhựa dưới nhiều loại dạng khác nhau có thể góp phần gây ngập lụt tại thành phố Cần Thơ thuộc ĐBSCL của Việt Nam trong mùa mưa. Ông Nguyễn Công Thuận, một nhà nghiên cứu tại Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ, cho biết: "Chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu quy mô toàn diện của vấn đề này, nhưng tìm hiểu càng lâu, càng nhiều, chúng tôi càng thấy vấn đề [ô nhiễm] này ngày càng nghiêm trọng". Nguồn ảnh: RFA 


    Mekong-plastic-cambodia-vietnam-thailand-11.jpg


    Trung Tín, một nông dân trồng lúa thế hệ thứ hai với hơn 20 năm kinh nghiệm ở ĐBSCL, đang vớt một chai thuốc trừ sâu đã qua sử dụng. Nông dân thường xếp hàng đống vỏ chai phân bón và thuốc trừ sâu ở góc ruộng vì phần lớn họ đều sợ đốt chúng thì sẽ hít phải khí độc. Khi mưa xuống, rất nhiều trong số những chiếc vỏ chai này đã trôi ra các dòng suối, con kênh dẫn trở lại vùng đồng bằng này. “Tôi sợ hãi khi ăn cá nhưng tôi vẫn phải ăn” – anh nhún vai nói. Nguồn ảnh: RFA 


    Mekong-plastic-cambodia-vietnam-thailand-12.jpg


    Một nữ ngư dân vứt một miếng xốp ra khỏi chỗ rau đang rửa tại một lạch nước ở ĐBSCL của Việt Nam, cho thấy những lo ngại ngày càng tăng xung quanh tác động của rác thải nhựa trên sông Mekong đối với sức khỏe con người. Nguồn ảnh: RFA 

     

    Phóng sự này được tài trợ bởi Dialogue Earth - một tổ chức phi chính phủ chuyên thực hiện các báo cáo và phân tích độc lập về môi trường. RFA giữ toàn quyền kiểm soát việc biên tập tác phẩm. 

    https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/song-mekong-rac-nhua-moi-truong-12242024182806.html


    Không có nhận xét nào