Ls. Đặng Đình Mạnh
26/12/2024
(VNTB) – Nói ông Tô Lâm là tác giả cụm từ “Vừa chạy vừa xếp hàng” là một sự thậm xưng vì chúng đã có từ rất lâu, trễ nhất cũng phải từ năm 1954, khi ông Tô Lâm còn chưa được quấn tã vào đời.
Sau 5 tháng nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư Đảng, không ngày nào mà truyền thông trong nước không lên tiếng ca ngợi ông Tô Lâm, mặc cho quá khứ của ông ấy hãi hùng đến như thế nào đi nữa.
Nào là bảo kê cho thương vụ tham nhũng AVG hàng nghìn tỷ đồng, nào là tổ chức bắt cóc quốc tế từ Đức, Thái Lan, nào là huy động 3000 công an tấn công đẫm máu vào dân làng Đồng Tâm, nào là tổ chức đàn áp vi phạm nhân quyền, nào là sinh hoạt xa hoa ăn bò dát vàng giữa hoàn cảnh đất nước khó khăn vì dịch giã Covid gây tử vong hơn 40 nghìn đồng bào…
Mà ca ngợi thế kể cũng tài, khi ông Tô Lâm không đưa ra quyết sách gì mới? Ông ấy chỉ nhắc lại những vấn đề mang tính di sản mà các Tổng Bí thư tiền nhiệm đã từng nhắc đến, nhưng vô trách nhiệm vì nói mà không làm, hoặc bất lực không làm được. Để bây giờ trở thành vấn đề của người đương nhiệm.
Bên cạnh đó, sự ca ngợi ông Tô Lâm về những vấn đề cũ rích đó, chẳng phải là truyền thông Cộng Sản đang mắng xéo các Tổng Bí thư tiền nhiệm như Nguyễn Phú Trọng, Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười… đã vô trách nhiệm, hoặc bất lực hay sao?
Kể cả vấn đề đang nóng bỏng hiện nay về thực hành tiếp kiệm, chống lãng phí thông qua tinh giản bộ máy chính quyền cũng vậy.
Điều đáng lưu ý nhất khi đề cập đến vấn đề tinh giản bộ máy chính quyền, ông Tô Lâm lại sử dụng cụm từ “Vừa chạy vừa xếp hàng” trong bài viết với tựa đề “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” đã có thể làm nhiều người bối rối.
Khôi hài hơn, khi truyền thông Cộng Sản lại công khai nịnh bợ ông Tô Lâm khi ca ngợi cụm từ này “không chỉ đơn thuần là một phép ẩn dụ ngôn từ mà còn hàm chứa một tư duy lãnh đạo, điều hành sắc bén, linh hoạt và hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang dốc sức đổi mới, hội nhập và phát triển. Hình ảnh ẩn dụ này thể hiện một triết lý hành động, một nghệ thuật lãnh đạo đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa tốc độ và trật tự, giữa sự năng động đổi mới và nền tảng ổn định vững chắc”[*].
Thật ra, nói ông Tô Lâm là tác giả cụm từ “Vừa chạy vừa xếp hàng” là một sự thậm xưng. Vì lẽ, chúng đã có từ rất lâu, trễ nhất cũng phải từ năm 1954, khi ông Tô Lâm còn chưa được quấn tã vào đời.
Vì lẽ, năm 1954, thực hiện theo Hiệp định Geneve, lực lượng Cộng sản ở miền Nam phải tập kết xuống tàu ra miền Bắc để chờ tổng tuyển cử sau 2 năm. Thực tế, Cộng sản đã chủ trương vi phạm Hiệp định Geneve ngay từ đầu bằng cách để lại nhiều cán binh Cộng sản ở lại miền Nam. Một phần sống công khai tại các đô thị, phần khác thì vào R (mật danh của chiến khu Cộng sản trong rừng) tiếp tục hoạt động chống phá chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Trong hoàn cảnh tại R, hoạt động bí mật, Cộng sản không thể tuyển dụng nhân sự một cách công khai được. Mà có người nào sử dụng người đó. Công việc được giao phó theo cách áng chừng về khả năng, học lực, quá trình cống hiến…
Từ đó mới ra đời cụm từ “Vừa chạy vừa xếp hàng”, để ám chỉ cách quản lý, phân công mang tính cách tạm thời trong điều kiện hoạt động bí mật. Đến một thời điểm định kỳ, sẽ tiến hành đánh giá lại khả năng từng người để điều phối, hợp lý hóa dần về nhân sự theo thời gian.
Cho thấy, “Vừa chạy vừa xếp hàng”chỉ là cung cách quản lý nhân sự bất đắc dĩ, phải vận dụng trong hoàn cảnh khó khăn của Cộng sản trong thời chiến mà thôi. Dĩ nhiên, cung cách này mang tính may rủi, vì có thể người được giao phó công việc lại không có chuyên môn, trình độ phù hợp.
Trong hoàn cảnh hiện nay, việc đặt ra chủ trương tinh giản đã phản ảnh tình trạng dư thừa về nhân sự trong bộ máy hành chính. Phải giảm nhân sự để giảm chi phí cho ngân sách quốc gia.
Lẽ ra, tình trạng dư thừa nhân sự như vậy là điều kiện thuận lợi cho việc tuyển chọn nhân sự có tài năng, đức độ, mẫn cán để giữ lại làm việc. Chứ không thể bằng cách thức “Vừa chạy vừa xếp hàng”đầy may rủi như thế được, khiến cho người có khả năng bị xếp vào đối tượng bị thải loại, còn kẻ bất tài lại được giữ lại làm việc.
Chưa kể, việc ca ngợi, tô hồng ông Tô Lâm như là tác giả của ý tưởng “Vừa chạy vừa xếp hàng”là đang đi vào vết xe đổ “cầm nhầm” tri thức của ông Hồ Chí Minh trong câu nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Thật vậy, nếu bây giờ chúng ta đặt từ khóa “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” vào ô tìm kiếm của trang Google, thì chưa đầy một giây sau, cái trang web ấy sẽ cho bạn khoảng hơn 15 vạn kết quả mà đa phần trong số đó cũng đều cho rằng ông Hồ Chí Minh là tác giả.
Trong số ấy, có trang <xaydungdang.org.vn> khẳng định nguồn gốc hai câu ấy được ông Hồ Chí Minh dùng mở đầu bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc ngày 13-9-1958. Sau đó, được đăng trên báo Nhân Dân số 1645, ngày 14-9-1958.
Tương tự, trang <tapchicongsan.org.vn> đăng lá thư của ông Nguyễn Phú Trọng gởi cho Hội Khuyến Học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập của hội này, thư có đoạn viết “…Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (trích).
Thậm chí, hai câu nêu trên đã trở thành đề thi trong các trường học, kể cả các trường trung hay cao cấp về chính trị …
Thật ra, câu nói trên chỉ là dịch nôm từ ý tưởng của Quản Trọng (sinh -725, mất -645), một bậc kỳ tài về chính trị và quân sự của đất nước Trung Hoa vào thời Xuân Thu, nguyên gốc như sau:
Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc,
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc.
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân,
Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã.
Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã,
Nhứt thu bách hoạch giả, nhơn dã.
Dịch nôm :
Kế một năm, chi bằng trồng lúa,
Kế 10 năm, chi bằng trồng cây.
Kế trọn đời, chi bằng trồng người,
Trồng một, gặt một, ấy là lúa.
Trồng một, gặt mười, ấy là cây,
Trồng một, gặt trăm, ấy là người.
Thậm chí, chính ông Tô Lâm cũng không biết và vẫn tiếp tục “cầm nhầm” ý tưởng này, đưa vào bài diễn văn đọc tại trường Đại học Columbia trong chuyến công du Hoa Kỳ, vào sáng ngày 23 Tháng Chín 2024, như sau: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, cũng luôn nhấn mạnh tầm nhìn “vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Tóm lại, mang tư duy sử dụng nhân sự thời chiến, trong rừng để áp dụng vào giai đoạn đất nước đang hòa bình, dôi thừa nhân sự là cách làm ko chuyên nghiệp. Thay vì phê phán, truyền thông của chế độ lại ca ngợi, tô hồng như một phát minh vĩ đại, kể cả ý tưởng cầm nhầm từ lịch sử?!
Khốn khổ cho dân tộc này, với tư duy còn rơi rớt từ rừng xanh, ông Tô Lâm đang muốn đưa dân tộc này “Bước vào kỷ nguyên mới”!
DC, ngày 20 Tháng Mười Hai 2024
[*] https://www.binhthuan.dcs.vn/…/vua-chay-vua-xep-hang
________________
Nguồn: Facebook Manh Dang
“VỪA CHẠY VỪA XẾP HÀNG” LÀ GÌ? VÀ TƯ DUY RỪNG XANH CÓ BƯỚC ĐƯỢC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI?
https://vietnamthoibao.org/vntb-vua-chay-vua-xep-hang-la-gi/
Không có nhận xét nào