Header Ads

  • Breaking News

    VNCS: Việt Nam, đã chín muồi cho một cải cách?

    Tác giả, Đinh Đức Hùng

    Gửi cho BBC từ Birmingham, Anh

    29/12/2024

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Tổng Bí thư Tô Lâm đang chủ trương cái mà ông tự gọi là "một cuộc cách mạng", đó là cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy. Liệu nỗ lực này sẽ đi đến đâu trong một nền đảng trị?

    Nobel Kinh tế 2024 gây xôn xao ở Việt Nam khi trùng hợp, tại kỳ họp Quốc hội khóa 15, Tổng Bí thư Tô Lâm đã lần đầu tiên nhắc tới tắc nghẽn thể chế. Theo ông, ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực; trong đó, thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" và nếu không được khai thông, điều này sẽ dẫn đến tình trạng ngưng trệ và kéo lùi sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

    Nobel năm nay được trao cho ba nhà kinh tế học Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson hiện làm việc tại Hoa Kỳ sau nghiên cứu về cách các thể chế được hình thành và tác động của chúng đến sự thịnh vượng của các quốc gia, qua đó chứng minh được rằng sự khác biệt về thịnh vượng giữa các quốc gia là do những yếu tố con người và thể chế, chứ không phải chỉ vì địa lý hay văn hóa.

    Cùng lúc, ông Nguyễn Gia Kiểng, nhà sáng lập tổ chức chính trị Tập hợp Dân chủ Đa nguyên của người Việt tại Pháp, qua nhiều nghiên cứu và kiến giải của mình, cho rằng thể chế chính trị tại Việt Nam đã đi hết con đường, khi sự lãnh đạo nhất nguyên của nó đã thất bại trong mọi địa hạt phát triển quốc gia, và do đó nền độc tài bắt buộc phải bị thay thế nếu quốc gia không muốn bị bỏ lại.

    Mặc dù Tô Lâm và Nguyễn Gia Kiểng là hai cá nhân hoàn toàn đối lập về góc nhìn, nền tảng chính trị cũng như những quyền lợi hay kỳ vọng mà họ đại diện, nhưng đáng chú ý là cả hai đều cho rằng Việt Nam phải thay đổi, nếu muốn phát triển.

    Việc Việt Nam bắt buộc phải thay đổi có lẽ không cần phải bàn cãi gì thêm. Nobel Kinh tế 2024 đã trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó. Bài viết này đưa ra một góc nhìn xem tình thế xã hội liệu có thể thai nghén cơ hội đổi thay hay không.

    Con người của thể chế

    Kết cục thử nghiệm thực tế chủ nghĩa Mác-Lê Nin, từ Âu sang Á tới Mỹ Latinh, thuyết phục xã hội chấp nhận tạm thời sử dụng bạo lực chuyên chính để công hữu tư liệu sản xuất nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng xã hội, đem lại phúc lợi cho toàn dân, đã mang tới cho các quốc gia thử nghiệm cả độc tài vĩnh viễn, phúc lợi nghèo nàn, bất bình đẳng lẫn đói nghèo trong đa số trường hợp.

    Ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã đấu tố, gây chết đói và giết chóc cả chục triệu đồng bào, đồng chí của mình rồi thất bại, kế thừa bằng Đặng Tiểu Bình phải chấp nhận tư hữu nửa vời để tồn tại với kết quả là kinh tế vượt phát ngoạn mục nhưng người dân ngày càng bất mãn vì kém phúc lợi và bất bình đẳng sâu rộng giữa thành phố và nông thôn, đặc biệt so với Bắc Kinh thì dân các vùng khác bị xem như thứ dân, rẻ mạt.

    Ông Nguyễn Gia Kiểng đã lập luận rằng, khi nền tảng lý luận, giống như một hệ điều hành máy tính, sụp đổ thì phần cứng của nó giống như một "đảng cướp" không thể tồn tại và phát triển mãi mãi vì bạo lực không thể thay thế cho sự đồng thuận, niềm tin và mục tiêu chung, cho dù mạnh mẽ và gây sợ hãi, bạo lực chỉ là một công cụ tạm thời để duy trì quyền lực. Ông cũng lạc quan cho rằng ngay khi một thiết chế dân chủ đa nguyên được tạo dựng ở Việt Nam thì các căn cơ của nền độc tài sẽ bốc hơi ngay lập tức.

    Thực tiễn xã hội Việt Nam hiện thế nào?

    Trong gần 80 năm qua, cách đào tạo đại học mang tính ghi nhớ lý thuyết, thiếu nền tảng thực nghiệm phần vì nghèo, phần vì tính duy lý ít thấy xuất hiện trong tri thức dân tộc, cộng với kiểm soát suy nghĩ thông qua đàn áp tư tưởng suốt nhiều thế hệ, kết quả đã tạo ra các thế hệ kỹ thuật viên hơn là một lực lượng dẫn dắt xã hội hay chí ít là những trí thức độc lập và sáng tạo tại Việt Nam.

    Đội ngũ trí thức khoa học cơ bản và công nghệ do chưa chứng minh được vai trò của mình qua các phát minh hay thành quả công nghệ đưa vào đời sống xã hội nên uy tín đối với xã hội thấp. Đa phần lực lượng này chọn cách "mũ ni che tai" để cộng sinh, thậm chí ăn bám vào ngân sách. Trên thực tế, tầng lớp lao động đông đảo nhất tại Việt Nam vẫn một nắng hai sương, quần quật tự xoay xở, trong lúc trí thức khoa học công nghệ chưa bao giờ bước lên được vị trí tiên phong.

    Tôi nhớ câu chuyện một anh chàng tiến sĩ về từ một đại học nổi tiếng Tây Âu hỏi một anh viện trưởng một viện công nghệ hàng đầu ở Việt Nam rằng đâu là tính mới trong luận án tiến sĩ của vợ anh ta, người được anh chàng viện trưởng hướng dẫn. Anh viện trưởng cười hệch và nói, ông ơi, luận án tiến sĩ trong nước cần gì tính mới. Mặc dù người viết biết rõ cả ba người này nhưng không có mặt trong hội thoại trên để xác tính câu chuyện, nên chỉ có thể nhận xét rằng, Việt Nam mỗi năm thường có quá ít sáng chế, phát minh được công nhận vì bắt buộc phát minh phải có tính mới, chưa kể tính sáng tạo.

    Không có gì mới, vì thế, là nét khái quát chân dung khoa học của hầu hết các nhà kỹ trị được đào tạo trong nước này trong khoảng 30 năm qua. Các thế hệ tiến sĩ này, dùng phẩm hàm của mình mà leo lên, giờ đang nắm các vị trí quan yếu trong đảng, nhà nước, các lực lượng vũ trang rồi thành cực phẩm, tiêu biểu như loại tiến sĩ "Chân vịt", "Cầu lông" hay "Cầu mưa".

    Thế nên, các quan chức quyền lực thường có những phát biểu phóng đại về thành tựu của chế độ để tự thể hiện và đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền lừa mị dân chúng. Tuy nhiên, nhiều quan chức Việt Nam có những phát biểu "nổ như bom" còn do thiếu tri thức và không biết mình ở đâu so với thế giới.

    Dù sử dụng bạo lực là điểm tựa, thể chế độc tài hiểu rõ rằng cần một cơ sở lý luận để kết dính và cai trị. Sự phá sản của chủ nghĩa Mác-Lê Nin đã đẩy hệ thống chính trị dựa trên học thuyết này tới chỗ tuyệt vọng như "tự đổ nước vào mà tát" nhằm ngụy biện cho việc cai trị của hệ tư tưởng đã chết não này.

    Lớp cán bộ chính trị và quan chức trẻ trong lĩnh vực tư tưởng thường đi du học cao học hoặc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ các ngành khoa học xã hội tại Trung Quốc, một đồng minh ý thức hệ nhưng là kẻ thù truyền kiếp của Hà Nội, mà mới năm 2022, một người treo một khẩu hiệu trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh với nội dung "Chúng tôi muốn tự do, không muốn phong tỏa" đã lập tức bị chính quyền cho "bốc hơi".

    Không rõ việc gửi cán bộ đi học ở Trung Quốc có phải là chính sách của chính quyền Hà Nội hay không, nhưng học tập và nghiên cứu chuyên ngành chính trị và xã hội học vắng bóng trong các học bổng chính phủ tại các nước dân chủ, chặng hạn học bổng thuộc Đề án 322.

    105 năm trước, nền tảng xã hội Pháp đã cho phép Nguyễn Ái Quốc – mà sau này được biết tới là một nhóm tác giả - gửi yêu sách tám điểm đòi hỏi các quyền con người cho nhân dân Việt Nam vào ngày 18/6/1919. Nếu các tác giả gửi yêu sách này tới chính quyền Việt Nam vào thời điểm hiện nay (năm 2024), họ có lẽ sẽ gặp rắc rối to với chính quyền này.

    Trong 30 năm qua, trong lĩnh vực khoa học xã hội, hàng ngàn các luận án triết học, lịch sử đảng, kinh tế chính trị, giáo dục học hay luật pháp đã được viết ra nhằm đánh tráo khái niệm, bài bác nhằm làm lu mờ hay hiểu sai về các giá trị phổ quát, tô vẽ, biện bạch cho sự tồn tại trái khoáy của thể chế xã hội chủ nghĩa. Những ông, bà nghè này đã tự lừa mình và lừa cả xã hội khi ca ngợi sự hoàn thiện, tiến bộ của những tồn tại Việt Nam mà nếu đem so với thế giới văn minh thì té ra lạc hậu, thậm chí là phản con người. Luận án của ông Vương Tấn Việt chỉ là một ví dụ trong muôn vàn.

    Lớp cán bộ được đào tạo kể trên, cả tự nhiên và xã hội, đang nắm giữ các vị trí quan trọng và rộng khắp nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị cùng những nền tảng và cơ sở vật chất lớn nhất của đất nước. Có thể hình dung, thể chế đã trao cho họ nắm giữ những khẩu đại bác, trong khi đa số các thành phần khác của dân tộc chỉ nắm giữ súng cao su. Qua gần 80 năm, nền độc tài đã chủ tâm tạo ra một giai tầng trí thức của cơ chế cùng với các hội đoàn ngoại vi, tạo thành một con đê khổng lồ che chắn và hóa giải những con sóng bất mãn, uất hận của đông đảo tầng lớp lao động thiệt thòi hướng về thượng tầng.

    Sự tồn tại của con đê cồng kềnh này là cần thiết trong cách thức vận hành của thể chế và để duy trì chế độ, nó không thể bị loại bỏ. Giờ đây, chính con đê này sẽ ngăn cản những cải cách dù là cấp thiết. Xã hội Việt Nam không có một Bắc Hàn hay một Trung Quốc Đại lục bên cạnh như Nam Hàn hay Đài Loan để bắt buộc phải chọn thay đổi theo hướng dân chủ để tránh khủng hoảng lớn, tạo cơ hội cho kẻ thù bên cạnh luôn đợi dịp tràn sang.

    Con người cơ chế tại Việt Nam cũng chính nó đã trở thành máu thịt của thể chế đó như con vịt và quả trứng. Trứng đã nở thành đàn thiên nga bóng bẩy và khổng lồ, nhưng chưa nhìn thấy dấu hiệu gì là thiên nga này có thể bay.

    Tắc nghẽn lớn nhất của thể chế hiện tại ở Việt Nam là con người. Ông Tô Lâm có loại dao gì để gọt được "cái chuôi" bảo hoàng hơn vua này?

    Điểm nghẽn thể chế hay thể chế là điểm nghẽn?

    Từ thời ông Hồ Chí Minh cho tới ông Tô Lâm, lãng phí và tham nhũng đã bị đem ra đánh đập vô số lần, nhưng lãng phí và tham nhũng ngày càng tinh vi, ý chí "gặt nhanh gánh về" càng rõ và tầm mức càng nghiêm trọng.

    Trong xã hội, bất cứ cấu trúc gì không hợp lý thì sự tồn tại đều gây ra lãng phí nên mô hình xã hội chủ nghĩa không thể chống được lãng phí vì để duy trì sự tồn tại của thể chế như vậy, nền độc tài sử dụng cách thức vận hành, quá trình quản lý và phân phối tài nguyên phi lý và cái đó gây lãng phí cho quốc gia.

    Năm 1956, thi sĩ Phùng Quán từng viết: 

    "…Về Nam Định mà xem

    Đài xem lễ họ cao hứng dựng lên

    Nửa chừng thiếu tiền bỏ đó

    Mười một triệu đồng dầm mưa dãi gió

    Mồ hôi máu đỏ mốc rêu...

    ...Những con chuột mặc áo quần bộ đội

    Đục cơm khoét áo chúng ta

    Ăn cắp máu dân 

    Đổi chác đồng hồ"

    Gần 70 năm sau, chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng, hay chống lãng phí của ông Tô Lâm, tiếp tục làm phơi lộ những gì mà Phùng Quán đã viết, chỉ khác là số tiền lãng phí, tham ô giờ đã lớn gấp ngàn lần. Các công bộc vẫn còn "ăn cắp máu dân" để "đổi chác" những chiếc đồng hồ Patek Philippe trị giá hơn cả đời dành giụm của một nông dân.

    Vun vén và chiếm đoạt là những thuộc tính loài của con người nên ở đâu cũng có tham nhũng. Các thể chế dân chủ chấp nhận các thuộc tính này và chế tài mặt tiêu cực của nó bằng pháp luật trên nền tảng kiểm soát và cân bằng quyền lực bằng tam quyền phân lập, tự do báo chí và đa nguyên chính trị.

    Thông thường, cá nhân không ăn cắp và lãng phí tài sản của chính mình nên sự tư hữu hóa triệt để đặt dưới sự kiểm soát của các nguyên tắc trên sẽ khuyến khích mỗi cá nhân, doanh nghiệp tư nhân giản kiệm, cần mẫn và sáng tạo cao nhất để tích lũy lợi nhuận nhiều nhất cho chính mình, doanh nghiệp của mình và cũng vì thế đóng nhiều thuế cho xã hội.

    Trái lại, chế độ xã hội chủ nghĩa kêu gọi con người làm việc cho một cái chung trừu tượng, quyền lực càng cao càng ít bị kiểm soát bởi pháp luật, vì đảng thì cao hơn luật và quyền lực của độc đảng là tuyệt đối nên chỉ khi đảng cho phép thì hành pháp mới được động thủ.

    Mỗi cá nhân đều theo đuổi các động cơ riêng nên không ai vun vén cho cái chung không xác định làm gì, tất yếu dẫn đến lãng phí và ăn cắp. Hãy nhìn các tập đoàn nhà nước như Than Khoáng Sản, Điện Lực, Vietnam Airlines,… nơi mà chỉ "móc lên mà ăn", "thu tiền cắt cổ" người dân cả nước, mà lỗ vẫn hoàn lỗ.

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính gây xôn xao với chiếc áo hàng hiệu Louis Vuitton trên khán đài sân Việt Trì, Phú Thọ hôm 21/12

    Ngay cả các tập đoàn tư bản tư nhân, thực chất là sân sau của các nhóm lợi ích trong chính quyền, cũng không khá hơn. Tài sản là tư nhân nhưng có được do thoán đoạt công sản ở quy mô quốc gia nên cũng bị lãng phí vào những dự án thiếu thực chất hay phần lớn khác là dùng để chia chác trong nhóm lợi ích và hối lộ các cấp liên quan. Sự vắng mặt của các nguyên tắc kiểm soát đã và đang dung túng cho các tập đoàn này làm khánh kiệt, tàn phá tài nguyên.

    Bộ máy nhà nước độc tài cồng kềnh như một thuộc tính đã nói ở trên, tuy nhiên khi nó vượt quá khả năng chu cấp của ngân sách thì việc cắt giảm bộ máy trở thành một nan đề vì những người làm được việc quá ít trong hệ thống này nên nếu cắt gọn một số lượng lớn, công việc sẽ bị đình đốn. Một lần nữa, đào tạo con người cơ chế với chất lượng thấp và tuyển dụng không dựa trên năng lực sẽ cản trở thay đổi.

    Nghịch lý kiểu "con kiến leo cành đa cụt" cũng phản ánh bế tắc không kém, là nếu giảm nhẹ độ cồng kềnh của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tăng sự tự chủ và quyền lực cho các tập đoàn tư nhân, thì nếu các tập đoàn thành công và lớn mạnh, chúng có thể thách thức quyền lực tuyệt đối của chế độ và gây áp lực thay đổi chính sách, làm xói mòn quyền lực chuyên chính. Nhà nước Trung Quốc đã tấn công một loạt các tập đoàn thành công của nó và đòi đưa hệ thống đảng vào kiểm soát trong các tập đoàn này.

    Tới đây có thể kết luận là ông Tô Lâm nói điểm nghẽn thể chế, nhưng chính xác thì phải nói là thể chế là điểm nghẽn ngăn chặn sự phát triển quốc gia.

    Dưới mặt nước ao

    Nhà văn Vũ Thư Hiên viết về lần gục ngã vì rốt rét ác tính ven con đường kháng chiến và được một người không quen biết, cũng đi kháng chiến, bán dần từng chỉ vàng để cháo lão cứu sống ông, sau biết là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Tấm lòng thời đó của dân tộc đã đẹp đẽ bước vào thơ văn, sau bao nhiêu dối lừa, máu xương, bể dâu và thất vọng, nó ra đi chưa trở lại.

    Có thể nói chưa bao giờ sự chia rẽ, nghi kỵ trong xã hội Việt Nam lớn như hiện nay khi người ta phải dùng đến gốc gác đồng hương để chi phối và đặt dựng lòng tin, ví dụ qua quan hệ giữa các đồng chí với nhau trong nền độc tài. Dư luận còn truyền nhau câu chuyện là trong vụ tách tỉnh ở một xứ miền Trung, nhóm ở lại đã dùng xe phun nước để tống tiễn đoàn xe chở các đồng chí vừa tách ra về tới tận cổng tỉnh mới. Khó mà biết thực hư về câu chuyện trên, tuy nhiên những chuyện cả họ vào "chiếm chính quyền" như ở Bắc Ninh hay Hà Giang thì thực tiễn hiện tại có vẻ còn khủng khiếp hơn nhiều.

    Xã hội mất lòng tin và phương hướng, các cơn bão cờ bạc, số đề, lừa đảo, mê tín dị đoan quét khắp thành thị và nông thôn bắt nguồn từ những bất công, thất vọng và bế tắc sâu xa của thể chế nhưng nó cũng là một hậu quả đương nhiên của một nền giáo dục sai lầm với các giá trị đạo đức sụp đổ do nền tảng chính trị dối trá và lỗi thời.

    Trong hoàn cảnh đáng báo động về tương lai của dân tộc như thế, đã có những dấu hiệu của sự thức tỉnh nhưng rất khó biết về mức độ sâu rộng và đặc biệt sự tấn công và đàn áp khốc liệt của chế độ bằng nguồn lực và phương tiện quốc gia, để tiêu diệt những tiếng nói lương tri đó, làm cho những điểm sáng càng yếu ớt và phân tán.

    Ông Tô Lâm hay bất cứ một lãnh tụ nào trong tình thế hiện nay, giả sử nếu thật sự muốn tiến hành một cải cách gì đó từ trên xuống, dù với quyền lực trong tay, chắc chắn sẽ gặp muôn ngàn trở ngại từ chính các đồng chí của mình vì căn cốt vấn đề đến từ chính tồn tại chính trị và con người của thể chế, nên khó thành công.

    Thực tiễn đó cho thấy ít cơ sở để tin rằng cơ chế hiện tại sẽ chịu mở ra một con đường yên hòa như ông Nguyễn Gia Kiểng đề nghị và hy vọng cho những thay đổi, dù rằng đó là con đường duy nhất để dân tộc này có tương lai.

    Có thể làm gì?

    Thực trạng trên cho thấy con đường đi tới tự do và tiến bộ của Việt Nam sẽ không hề dễ dàng, tốn thời gian và nhiều bất trắc khi những biến động quốc tế và khu vực ngày càng dồn dập. Để làm thành công cuộc chuyển hóa này, cần một sự thức tỉnh sâu rộng về những giá trị phổ quát của nhân loại, cái mà chúng ta hiện nay chưa có đủ.

    Với nhận thức đầy nhầm lẫn về các giá trị phổ quát của nhân dân, hệ quả của nền giáo dục tật nguyền với sự tuyên truyền đánh tráo khái niệm nhiều thập kỷ, các chuyển đổi thiếu chuẩn bị có thể dễ dàng đưa tới tình thế xã hội bị lũng đoạn và đánh lạc hướng bởi các thế lực nắm giữ quyền lực và tiền bạc.

    Đảng cầm quyền hiện tại cần ý thức được trách nhiệm của mình đối với tương lai của dân tộc, quốc gia, trong đó có chính phẩm giá của con cái mình mà chủ động có những bước đi thận trọng, chuẩn bị cho những thay đổi sớm muộn bắt buộc sẽ phải đến.

    Có lẽ bước đi đầu tiên cần làm là tu sửa Luật Giáo dục đại học, cho phép tự chủ đại học ở mức độ cao nhất trên phương diện tự do tư tưởng và học thuật, đồng thời cấm hình sự hóa những vấn đề liên quan tới quan điểm học thuật, chính trị và biểu tình.

    Công an không có quyền tiến vào một đại học nếu không có quyết định của tòa án cấp tỉnh. Sinh viên có quyền tổ chức tọa đàm, ra các tập san cả điện tử và bản cứng, đồng thời có quyền tự do diễn thuyết, biểu tình không phải xin phép ít nhất là trong khuôn viên của đại học. Hợp tác quốc tế cần được khuyến khích và tôn trọng trong đào tạo đại học. Các hiệu trưởng đại học có trách nhiệm pháp lý tạo điều kiện thỏa mãn các quyền trên của sinh viên.

    Nhà nước kiểm tra chất lượng đào tạo thông qua các công ty tổ chức thi tốt nghiệp độc lập, chấm luận án và có kiểm định chéo lẫn nhau. Báo chí thay mặt xã hội được quyền giám sát thanh tra hằng năm kết quả kiểm định thi cử, chất lượng văn bằng từ đại học tới tiến sĩ của các thực thể trên. Vị trí bộ trưởng giáo dục phải là đối tượng ngoài đảng cầm quyền, quốc hội bổ nhiệm với ý nghĩa cá nhân này sẽ chịu trách nhiệm với toàn thể dân tộc, vì vậy đòi hỏi viễn kiến, trách nhiệm và năng lực đặc biệt.

    Chụp lại video, Đại học Fulbright Việt Nam và cáo buộc cách mạng màu

    Hiện nay quyền biểu tình dù được hiến pháp quy định vẫn không được thông qua, điều này tạm xem như một thỏa hiệp nếu nhà cầm quyền vì thế cho phép các tổ chức dân sự được tự do hoạt động, cái mà không thể thiếu để góp phần nâng cao dân trí và ý thức cộng đồng khi nó chạm tới các ngóc ngách xã hội mà thường chính quyền độc tài và vệ tinh ngoại vi của nó không thể bao quát đến.

    Những hoạt động dân sự lành mạnh có thể giúp giảm bớt tệ nạn cờ bạc, nghiện ngập, cải thiện ngoại ngữ cho trẻ em vùng xa xôi nghèo đói, chống bạo lực gia đình và nhà trường, giúp đỡ những nhóm người đông đảo của xã hội đang bị những thế lực thấp kém gieo rắc mê tín dị đoan kéo đi.

    Những chính sách liệt kê ở trên là tối thiểu phải làm, về ngắn hạn sẽ không đe dọa quyền lực của chế độ nhưng nó sẽ nâng cao dân trí về các quyền và giá trị phổ quát của con người nói chung và chất lượng đào tạo đại học nói riêng, qua đó lan tỏa văn minh và thức tỉnh hóa một lực lượng sinh viên đông đảo, đầy năng lượng và khả năng tư duy, để chuẩn bị tầm nhìn nhằm thức tỉnh dân tộc tham gia vào các chuyển đổi yên hòa về phía trước.

    Trong tầm nhìn 10 năm, khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam coi như cạn kiệt hết, đồng bằng sông Cửu Long dần chìm xuống đe dọa sinh kế và tương lai của hàng chục triệu người, dân số chuẩn bị bước sang giai đoạn già hóa, nếu dân tộc không kịp thức tỉnh, trình độ sản xuất xã hội không chuyển kịp lên tầm mức đổi mới sáng tạo, mang công nghệ và giá trị cao hơn, khi đó cả dân tộc, bao gồm cả đảng cầm quyền, sẽ phải đứng nhìn bánh xe lịch sử quay và dân tộc bị bỏ lại.

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/crl318j7lpxo


    Không có nhận xét nào