Trà My – Thoibao.de
19/12/2024
Việc tinh gọn bộ máy nhà nước là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Đây sẽ là một phép thử của ông Tô Lâm đối với nội bộ Đảng, đặc biệt trong lúc công cuộc cải cách thể chế đang gặp phải nhiều bế tắc.
Đây là một nhiệm vụ khó khăn, bởi sẽ đụng chạm đến lợi ích của nhiều người, nhiều nhóm quyền lực và các cán bộ đương chức. Chắc chắn nhiều quan chức trong bộ máy của chính quyền sẽ không hài lòng với những thay đổi này.
Lý do Tổng Bí thư Tô Lâm phải gấp rút thực hiện cải tổ bộ máy, là vì vị thế chính trị trong nội bộ Đảng của ông chưa thực sự vững chắc. Việc mà ông Tô Lâm không giữ được ghế Chủ tịch nước, là kết quả phản ứng từ phe quân đội, đã chứng minh điều đó.
Đó là lý do, ông Tô Lâm cũng kêu gọi các cán bộ lãnh đạo phải sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước, đặc biệt là những cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp. Vì khi sáp nhập 2 bộ, đương nhiên sẽ dôi dư ra số lượng các bộ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng… Những người đang được hưởng bổng lộc chắc chắn không ai mong muốn điều đó.
Theo giới chuyên gia, hầu hết quan chức Việt Nam hiện nay leo lên được các vị trí cao trong hệ thống chính trị, hoàn toàn bằng tiền lo2 lót và mối quan hệ thân hữu, chứ không phải do năng lực chuyên môn. Cho nên, việc ông Tô Lâm vấp phải sự phản đối từ một số đông những cán bộ, đảng viên bị mất quyền lợi trong quá trình tinh giản bộ máy chính trị, là điều đương nhiên.
Do đó, việc “tinh gọn bộ máy” này có thể cuối cùng cũng chỉ là việc “bắt cóc bỏ đĩa”, và để xếp sắp lại các cán bộ từ cơ quan này sang vị trí ở các cơ quan khác.
Tuy nhiên, mục tiêu hoàn tất chủ trương tinh gọn trong quý 1/2025, được đánh giá là một tham vọng không tưởng của người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kết quả của nỗ lực này sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào quyết tâm, và cách thức triển khai của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng bộ tham mưu. Nếu nỗ lực trong việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị không đạt kết quả như mong đợi, chắc chắn tương lai chính trị của ông Tô Lâm sẽ đối diện với nhiều thách thức.
Nếu không đạt được kết quả như đề ra, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ có thể phải đối mặt mặt với sự chỉ trích từ các cá nhân và phe cánh đối thủ. Điều đó sẽ làm suy giảm uy tín và vị thế của của ông Tô Lâm, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới khả năng tiếp tục cương vị Tổng Bí thư của Tô Lâm trong Đại hội Đảng 14.
Ngoài ra, việc không thực hiện được mục tiêu này có thể tạo cơ hội cho các phe phái khác gia tăng ảnh hưởng ở trong Đảng, đặc biệt là trong bối cảnh các nhân sự cấp cao đang được sắp xếp lại trên quy mô lớn như hiện nay.
Đồng thời, thất bại trong việc tinh gọn bộ máy còn có thể làm gia tăng sự phản đối từ số đông dân chúng – những người kỳ vọng vào một hệ thống chính trị hiệu quả, và minh bạch hơn, như cam kết của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Những thất bại lớn như vừa kể, nếu xảy ra, có thể đẩy ông Tô Lâm vào thế khó, không loại trừ khả năng ông ta sẽ bị “gạt ra ngoài”, và buộc phải nhường chỗ cho nhân vật khác có năng lực triển khai cải cách quyết liệt và hiệu quả hơn.
Chắc chắn Ban lãnh đạo Bắc Kinh sẽ không bỏ qua cơ hội “vàng” này, để gây ảnh hưởng lên quá trình tái cơ cấu nhân sự cấp cao ở Đại hội 14, sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.
Khoảng thời gian kể từ nay đến Đại hội Đảng 14 sẽ là một khoảng thời gian thử thách đối với Tổng Bí thư Tô Lâm. Chúng ta hãy chờ xem!
https://thoibao.de/blog/2024/12/19/neu-tinh-gon-bo-may-khong-thanh-cong-tuong-lai-cua-tong-bi-thu-to-lam-se-ra-sao
Không có nhận xét nào