Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam: ứng viên sáng giá tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Nga bàn về Ukraine?

    BBC News

    20/12/2024

    Nguồn hình ảnh, Getty Images/BBC

    Chụp lại hình ảnh, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhiều lần khẳng định có thể chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức

    Khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, không ít ý kiến cho rằng Mỹ và Nga sẽ sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh để giải quyết vấn đề chiến tranh ở Ukraine. Liệu Việt Nam có khả năng trở thành nước chủ nhà sự kiện này không?

    Hôm 8/12, Điện Kremlin cho biết Nga sẵn sàng đàm phán về vấn đề Ukraine sau khi ông Donald Trump kêu gọi "một lệnh ngừng bắn lập tức và tiến hành đàm phán."

    Reuters từng đưa tin các cố vấn của ông Trump sẽ tìm cách ép Moscow và Kyiv đàm phán.

    Theo đánh giá của họ, một thỏa thuận hòa bình về cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ phụ thuộc vào sự tham gia trực tiếp giữa các ông Donald Trump, Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky.

    Trước đó, vào tháng 11, sau khi ông Trump tái đắc cử, trong một phát biểu ở thành phố Sochi (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng nối lại đối thoại toàn diện với Mỹ, nhưng nhấn mạnh sáng kiến này phải đến từ Washington. 

    Phát biểu này được đưa ra khi ông Trump nhiều lần khẳng định có thể chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức.

    Theo bà Trần Thị Mộng Tuyền, nhà nghiên cứu tại Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan, việc liên tục đưa ra tuyên bố như vậy khiến ông Trump bị báo chí soi xét.

    "Khi trở lại Nhà Trắng, vấn đề này có thể sẽ trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của ông. Vì thế, không loại trừ khả năng ông Trump sẽ nhanh chóng tiến hành một hội nghị thượng đỉnh ngay sau khi nhậm chức," bà đánh giá.

    Hồi tháng 11, hãng thông tấn Tass của Nga dẫn lời ông Konstantin Sukhoverkhov, Giám đốc chương trình tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, cho rằng Việt Nam là một trong những địa điểm có thể được xem xét để tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước, nếu sự kiện này xảy ra.

    Ngoài Việt Nam, một số quốc gia khác ông Sukhoverkhov nhắc tới là Thụy Sĩ, Ấn Độ hoặc một số nước châu Phi… trong khi địa điểm tổ chức "chắc chắn sẽ không phải là Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Trung Quốc", theo lời ông.

    Theo ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tại Đại học New South Wales (Úc), Việt Nam "chắc chắn là muốn" làm chủ nhà hội nghị.

    "Việt Nam đang xây dựng hình ảnh là một quốc gia 'có trách nhiệm và nghĩa vụ' trong cộng đồng quốc tế, nên chắc chắn sẽ không có dịp nào tốt hơn là tổ chức một Thượng đỉnh Mỹ-Nga như thế," ông đánh giá với BBC News Tiếng Việt hôm 10/12.

    Ngoài ra, ông Tô Lâm, nhà lãnh đạo Đảng vừa nhậm chức cách đây chưa lâu, cũng sẽ tích lũy thêm "vốn chính trị" và "uy tín lãnh đạo", theo ông Phương. 

    Khi được hỏi liệu Việt Nam có phải một địa điểm phù hợp cho một thượng đỉnh về Ukraine, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ukraine tại Việt Nam Gaman Oleksandr nhắc tới cuộc gặp giữa Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi cuối tháng 9 - sự kiện "đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa Ukraine và Việt Nam", theo lời ông Oleksandr.

    Ông Tô Lâm trở thành một trong số ít nguyên thủ quốc gia gặp gỡ cả ông Putin lẫn ông Zelensky. Thời điểm đó, ông Oleksandr nhận định với BBC rằng việc báo chí Việt Nam đưa tin rộng rãi về sự kiện là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ với Ukraine và đánh giá rằng động thái này rất đáng khích lệ.

    Tuy nhiên, khi trả lời BBC News Tiếng Việt vào ngày 11/12, ông Oleksandr nói rằng "bất chấp lập trường trung lập của Việt Nam, đối thoại chính trị giữa Hà Nội và Kyiv vẫn tiến triển kém hơn nhiều khi so với mối quan hệ giữa Hà Nội và Moscow".

    "Việt Nam, với truyền thống ngoại giao độc đáo và cam kết theo chủ nghĩa đa phương, có tiềm năng đóng góp một cách ý nghĩa tới các nỗ lực hòa bình toàn cầu. Tuy nhiên, để điều này trở thành hiện thực, việc tham gia mạnh mẽ hơn vào các sáng kiến ​​hòa bình của Ukraine và lên án hành động xâm lược quân sự vô cớ là điều cần thiết," ông nói. 

    Khả năng của Việt Nam

    Việt Nam dường như đủ khả năng tổ chức và không phải là một lựa chọn tồi.

    Về kinh nghiệm, Việt Nam từng đứng ra tổ chức hội nghị APEC năm 2017. Sau đó, vào năm 2019, nước này làm "chủ nhà" hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

    Bà Tuyền cho rằng thành công của các sự kiện đó góp phần tăng tỷ lệ Việt Nam được lựa chọn làm chủ nhà cho một Thượng đỉnh Mỹ-Nga, nếu có.

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Một tấm bảng điện tử về Thượng Đỉnh Mỹ-Triều, ảnh chụp ngày 28/2/2019 tại Hà Nội

    Việt Nam cũng thuộc số ít quốc gia giữ thế trung lập về cuộc chiến Nga - Ukraine. 

    Từ tháng 2/2022, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã có 5 bản nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine, Việt Nam đã bỏ 4 phiếu trắng và 1 phiếu chống, nằm trong nhóm nước thiểu số trong cộng đồng quốc tế khi bày tỏ quan điểm về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

    Hà Nội cũng tiếp đón ông Putin hồi tháng 6/2024. Trong chuyến thăm đó, ông Putin đã ca ngợi sự cân bằng, trung lập của Việt Nam. Quốc gia này cũng không không là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nên không có trách nhiệm bắt giữ ông Putin khi ông này đến.

    Bên cạnh đó, chính quyền Việt Nam có khả năng kiểm soát truyền thông mạnh mẽ - yếu tố từng khiến Hà Nội trở thành địa điểm tốt cho việc tổ chức hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào năm 2019.

    Theo tạp chí The Atlantic (Mỹ), các nhà báo tham dự đưa tin về sự kiện này đã nhận được một email từ văn phòng báo chí của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc nhở họ viết "các bài viết và báo cáo tích cực về cuộc họp và về Việt Nam".

    "Các bạn nên tuân thủ lịch trình đã đăng ký và không nên thu thập, viết hoặc phân phối tin tức về bất kỳ chủ đề không liên quan hoặc 'nhạy cảm' nào," The Atlantic nêu thêm nội dung một đoạn tin nhắn được cho là từ Bộ Ngoại giao Việt Nam.

    Ở thời điểm hiện tại, trái ngược với báo chí phương Tây, truyền thông Việt Nam hiếm khi viết điều gì tiêu cực về ông Putin. 

    Hồi tháng Sáu, Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng những người Việt Nam không thích ông Putin sẽ không có không gian để bày tỏ điều đó.

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Đoàn xe của Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khách sạn Marriott (Hà Nội) để về Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, ảnh chụp ngày 28/2/2019

    Ổn định xã hội ở Việt Nam cũng được đánh giá cao. Quay ngược lại vài năm, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, ông Murray Hiebert, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington từng nhận định trên CBS rằng Việt Nam là một quốc gia "vô cùng an toàn".

    "Lực lượng an ninh Việt Nam có khả năng đẩy lùi đám đông hiếu kỳ, giữ họ ở khoảng cách xa và giữ các nhà báo ở khu vực chỉ định trước", theo ông Murray Hiebert.

    Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Nguyễn Thế Phương cũng đánh giá Việt Nam là một quốc gia tương đối an toàn, không có biến động chính trị, không có khủng bố và khả năng đảm bảo an ninh tốt, là một điểm quan trọng. 

    Trong khi đó, ông Murray Hiebert gợi nhắc lại mối quan hệ tốt giữa ông Trump với lãnh đạo quốc gia cộng sản, khi đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

    Ở thời điểm hiện tại, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng được cho là sẽ có quan hệ tốt với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Tô Lâm đã từng có cuộc điện đàm chúc mừng ông Donald Trump đắc cử tổng thống hồi tháng 11.

    Về ngoại giao, Nga có lịch sử tương đối "lâu đời" với Việt Nam, tiếp nối quan hệ có từ thời Liên Xô cũ.

    Trong khi đó, quan hệ Việt - Mỹ cũng đang tiến triển, và việc hai quốc gia cựu thù này trở thành "Đối tác Chiến lược Toàn diện", cũng như từng được đánh giá là một nguồn cảm hứng hòa giải cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều có "ý nghĩa đặc biệt về hòa bình và hợp tác quốc tế", theo mô tả của bà Trần Thị Mộng Tuyền. 

    Bà Tuyền cho rằng Việt Nam cũng muốn tổ chức thành công một sự kiện như vậy, bởi lẽ điều đó sẽ giúp tăng cường quan hệ Mỹ-Việt, từ đó làm giảm lo ngại về khả năng Việt Nam có thể bị chính quyền ông Trump áp thuế trong tương lai. 

    Điều này đồng thời giúp Việt Nam khẳng định sự ổn định chính trị nội bộ, đặc biệt sau các biến chuyển nhân sự ở thượng tầng từ đầu năm tới nay. Đối với nhiều nhà đầu tư, ổn định chính trị là một yếu tố quan trọng.

    Những lựa chọn khác 

    Ông Nguyễn Thế Phương nhắc tới khoảng cách địa lý, nói rằng thông thường châu Âu là điểm đến lý tưởng cho một hội nghị giữa các quốc gia. Tuy nhiên, xét bối cảnh hiện tại, do phương Tây và Nga đang có quan hệ không tốt, nên khả năng tổ chức ở châu Âu là không cao. 

    Ngay cả Thụy Sĩ, dù trung lập, nhưng vì là địa điểm tổ chức Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine vào tháng Sáu vừa rồi nên khả năng quốc gia này tổ chức thêm một thượng đỉnh khác là thấp, theo bà Trần Thị Mộng Tuyền. 

    "Khả năng tổ chức một hội nghị như vậy ở châu Âu là khá thấp, nhất là khi có thông tin cho rằng Nga không hoàn toàn tin tưởng vào vị trí trung lập của Thụy Sĩ ở châu Âu," bà Tuyền nói. 

    Xét tới châu Phi, ông Phương cho rằng những vấn đề về an ninh, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm tổ chức có thể khiến châu lục này là một lựa chọn kém hấp dẫn. 

    Ở châu Á, Singapore đã tổ chức nhiều hội nghị quốc tế, như Thượng Đỉnh Mỹ-Triều lần 1 vào năm 2018 hay các lần diễn đàn Đối thoại Shangri-la. Tuy nhiên, việc Singapore nhanh chóng áp các lệnh trừng phạt lên Nga khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra đã lấy mất đi sự trung lập của quốc gia này. 

    "Nga có thể xem Singapore là đối tác nghiêng về phía Mỹ," bà Tuyền trả lời khi được hỏi về Singapore. 

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Ông Zelensky (trái) tham gia diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore vào ngày 2/6/2024

    Theo nhận định nói trên của Giám đốc chương trình tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga Konstantin Sukhoverkhov, Ấn Độ cũng là một lựa chọn khả thi. 

    Bà Tuyền cũng đồng tình với đánh giá này, đề cập tới việc Ấn Độ có vị thế mạnh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời cũng duy trì mối quan hệ tốt với Nga. 

    "Khi bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc, Ấn Độ đã chọn bỏ phiếu trắng, giống như Việt Nam. Dưới thời Trump, quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ cũng rất gần gũi, đặc biệt là qua chuyến thăm Ấn Độ của ông Trump (vào năm 2020)", bà nói, đồng thời gọi Ấn Độ là "một ứng cử viên sáng giá". 

    Về phần Đại sứ Oleksandr, ông cho rằng các quốc gia có cách tiếp cận cân bằng trong quan hệ quốc tế, bao gồm các nước thuộc phương Nam, có thể tạo ra một bầu không khí thực chất, hướng đến hòa bình. Tuy nhiên, theo ông Oleksandr, điều quan trọng nhất không phải là địa điểm tổ chức mà là việc tham gia đối thoại chân thành, mang tính xây dựng. 

    Cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang diễn ra quyết liệt với thế cục biến chuyển không ngừng, và các bên đang không ngừng trả đũa nhau nhằm có thể mang đến cho mình các lợi thế trên bàn đàm phán.

    Hồi tháng 11, ông tuyên bố Nga sẵn sàng nối lại đối thoại toàn diện với Mỹ. 

    Từ phía Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nên sẵn sàng chấp thuận một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine đã kéo dài gần ba năm, Reuters đưa tin vào ngày 16/12. 

    "Phải đạt được một thỏa thuận," ông Trump nói tại một cuộc họp báo tổ chức ở câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông tại Palm Beach, Florida. 

    Ông Trump cho biết sẽ nói chuyện với cả ông Putin và ông Zelensky về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. 

    Trong khi đó, ông Oleksandr liệt kê ra 4 yếu tố mà tổng thống Zelensky gọi là nguyên tắc hòa bình, bao gồm tôn trọng đầy đủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine; đảm bảo an ninh cụ thể nhằm ngăn chặn mọi cuộc xâm lược của Nga trong tương lai; tôn trọng nguyên tắc "không có gì về Ukraine không có sự tham gia của Ukraine"; và cuối cùng là triển vọng địa chính trị rõ ràng cho tư cách thành viên tương lai của Ukraine trong EU và NATO.

    Đại sứ Oleksandr nhấn mạnh Ukraine chào đón những sáng kiến hòa bình, nhưng việc "tuân theo những nguyên tắc trên là tối quan trọng".

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/czx5w4lypvno


    Không có nhận xét nào