Tác giả: Dan Slater và Joseph Wong
Việt dịch: Nguyễn Quang A
Nhà Xuất bản Princeton University Press, 2022
Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024
Mao và sự Phát triển Xã hội chủ nghĩa
Mao đã là một nhà cách mạng yêu nước. Ông đã lãnh đạo ĐCSTQ trong các cuộc chiến tranh trên hai mặt trận: một cuộc chiến bên trong chống lại QDĐ dân tộc chủ nghĩa của Tưởng Giới Thạch và một cuộc chiến chống-đế quốc với Nhật Bản. Bất chấp những bất lợi, quân đội nông dân của Mao đã là kẻ chiến thắng trong cả hai cuộc chiến. Ông đã huy động giai cấp nông dân to lớn của Trung Quốc với một lời hứa và một tầm nhìn về một Trung Quốc thống nhất và mạnh, một nước sẽ không còn là nạn nhân của sự xâm lược nước ngoài hay của những cố gắng bên trong để chia đất nước qua nội chiến. Vào ngày 1 tháng Mười 1949, sau khi đã đánh bại QDĐ chạy rút lui và sau thất bại của Nhật Bản trong Chiến Tranh Thế giới II, Mao đã tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH).
Thiếu một bộ máy quan liêu kinh tế và bất kể kinh nghiệm nào về sự quản trị thực sự, ĐCSTQ đã không có một kế hoạch toàn diện cho sự phát triển của Trung Quốc.4 Từ đầu, Mao và đảng cầm quyền đã tìm kiếm—và đã giành được—tính chính danh chính trị qua những chứng chỉ dân tộc chủ nghĩa của đảng và ý thức hệ Maoist. Tầm nhìn cộng sản của Mao gồm ba nguyên tắc. Thứ nhất, hiện đại hóa của Trung Quốc sẽ xảy ra qua sự phát triển xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc ban đầu sẽ hoàn thiện một hình thức nông nghiệp của chủ nghĩa Marx-Lenin, tiếp sau là sự phát triển công nghiệp sở hữu-nhà nước và do nhà nước-lãnh đạo. Nền kinh tế Trung quốc phải là một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kế hoạch hóa hoàn toàn.
Thứ hai, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là một sự trỗi dậy tự-lực. Đánh tráo một chuyện kể nạn nhân hóa thâm căn cố đế—trích dẫn những sự chiếm đóng nước ngoài và đế quốc từ những người Anh đến Nhật bản, hay “trăm năm bị làm nhục”—Mao cho rằng Trung Quốc phải hướng nội để phát triển chính mình. ĐCSTQ đã kêu gọi chủ nghĩa dân tộc Leninist chống nước ngoài, chống-đế quốc. Trung Quốc của Mao đã thấy không cần buôn bán với phần còn lại của thế giới. Nó đã không cần đến công nghệ nước ngoài, nó đóng cửa đối với vốn, đầu tư, và ảnh hưởng toàn cầu. Những sự nghi ngờ của Trung Quốc về các nước ngoài đã ăn sâu đến mức ngay sau cuộc đàn áp 4 tháng Sáu, gần nửa thế kỷ sau, một niềm tin then chốt giữa các nhà lãnh đạo ĐCSTQ rằng phong trào sinh viên ủng hộ dân chủ 1989 là kết quả của sự can thiệp nước ngoài, được các cường quốc nước ngoài xúi giục quyết tâm làm xói mòn chế độ cộng sản. ĐCSTQ luôn luôn khăng khăng rằng các lợi ích nước ngoài tận tụy làm xói mòn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Nguyên tắc thứ ba và quan trọng nhất của tầm nhìn xã hội chủ nghĩa của Mao là sự phát triển của Trung Quốc sẽ khai thác năng lượng của quần chúng qua sự lôi cuốn ý thức hệ. Bằng việc huy động quần chúng—và ở đây Mao nghĩ đến giai cấp nông dân Trung quốc—nền kinh tế Trung quốc sẽ phát triển nhờ công việc tập thể siêng năng và sự thuần khiết ý thức hệ và bằng việc dựa vào một hồ chứa sâu của tinh thần dân tộc chủ nghĩa và cách mạng giữa tất cả các công dân Trung quốc. Mao đã lợi dụng tính chính danh cách mạng của ông, hơn là tính chính danh thành tích. ĐCSTQ, rốt cuộc, là một đảng cách mạng đã đánh bại các kẻ thù tư sản của nó, QDĐ, trong nội chiến Trung quốc, và đã thắng cuộc chiến tranh chống lại đế quốc Nhật. Việc huy động quần chúng qua sự trung thành ý thức hệ hơn các kết quả kinh tế đã là quan trọng cho sự bám chặt quyền lực chính trị của Mao. Ông hiểu chính trị là một cuộc đấu tranh giữa các đồng minh ý thức hệ của ông và các kẻ thù giai cấp.
Mao đã khởi động kế hoạch phát triển 5-năm đầu tiên của CHNDTH trong 1952. Được nhớ lại như “tiểu nhảy vọt,” kế hoạch đã có ý định để đặt nền tảng của một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, kế hoạch hóa. Cải cách ruộng đất được thực hiện sớm. Các địa chủ đã bị hành hạ, và nhiều người đã bị hành quyết, bởi vì họ bị cho là các kẻ thù giai cấp. Kế hoạch 5-năm lần thứ nhất đã cải cách khu vực nông nghiệp và đời sống nông nghiệp tổng quát hơn. Các hộ gia đình canh tác được tổ chức thành các tổ hỗ trợ nhau và sau đó thành các hợp tác xã nông nghiệp. Các hoạt động làm đất và trồng trọt được tập thể hóa trong giữa-các năm 1950, tiêu diệt các tàn dư của sở hữu đất và hộ gia đình nông dân độc lập. Sự trung thành nông dân được chuyển cho tập thể và bí thư đảng địa phương, và cuối cùng cho Mao.
Kế hoạch 5-năm lần thứ nhất đã chứng tỏ là thủy triều cao của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Được sự thành lập gần đây của CHNDTH và sự lãnh đạo có sức thuyết phục của Mao tiếp sinh lực, tiểu nhảy vọt đã là một thử nghiệm thành công trong sự phát triển xã hội chủ nghĩa ban đầu. Từ một quan điểm phát triển kinh tế, năng suất nông nghiệp đã tăng, mặc dù lợi lộc đã tương đối khiêm tốn và phần lớn là kết quả của sự làm việc siêng năng và sự cố gắng, hơn là các phương tiện sản xuất hiệu quả hơn. Các nông dân đã vẫn nghèo, nhưng ít nghèo hơn trước. Về mặt chính trị, kinh nghiệm xã hội chủ nghĩa ban đầu của Trung Quốc đã thành công trong việc kích thích và huy động giai cấp nông dân ủng hộ Mao và chế độ ĐCSTQ. Nó đã giành được tính chính danh chế độ.5
Được thành công ban đầu của kế hoạch 5-năm lần thứ nhất làm cho phấn chấn, Mao khởi động Phong trào Trăm Hoa đua nở trong 1956, trong đó ông mời các trí thức, các nhà tư tưởng, và các quan chức đảng để đánh giá và thậm chí chỉ trích ý thức hệ Maoist và chương trình xã hội chủ nghĩa của chế độ. “Hãy để trăm hoa đua nở và trăm trường phái tư tưởng tranh luận,” Mao khẳng định. Tự tin lúc đó—và như hóa ra, quá tự tin—Mao đã mong đợi sự ca ngợi và sự xác nhận, và sự phê phán ban đầu từ các trí thức đã hững hờ. Tuy vậy, khi phong trào lấy được đà và các sự chỉ trích trở nên bạo dạn, ngày càng nhiều tiếng nói gây tranh cãi đã xuất hiện, nghi ngờ cách tiếp cận huy động quần chúng của Mao cho phát triển. Các lời chỉ trích chỉ ra làm sao, trong kế hoạch 5-năm lần thứ nhất, sự tăng thêm năng suất ngắn hạn nhờ sự làm việc siêng năng đã không hiệu quả và không bền vững. Chúng đã làm nổi bật mệnh lệnh của cải cách chính trị và đảng, và tệ sùng bái cá nhân xuất hiện quanh Mao đã không tốt cho ĐCSTQ cũng chẳng tốt cho đất nước.
Bị làn sóng ngầm chỉ trích làm cho ngạc nhiên, Mao đã chửi rủa chống lại những người phỉ báng ông và đã đàn áp thẳng tay. Dán nhãn những người phê bình như các kẻ thù giai cấp và bọn tư sản phản-cách mạng, ông đã phát động Chiến dịch chống-Hữu trong tháng Sáu 1957, nhổ đi những người có quan điểm đụng độ với Mao và ý thức hệ Maoist. Vào lúc kết thúc chiến dịch, vài năm sau trong 1959, vài triệu người bất đồng chính kiến đã bị “cải tạo” ở vùng nông thôn, bị tống xuống các làng để học từ các nông dân có đạo đức. Hơn hàng trăm ngàn người trong số những người chỉ trích Mao đã bị bộ máy an ninh của chế độ điều tra và xử lý, đã bị bỏ tù hay biến mất.
Các năm đầu của CHNDTH đã tiết lộ một số nét đặc trưng then chốt của bản năng chính trị của ĐCSTQ ban đầu và của Mao. Về mặt chính trị, quyền lực đã không bị tranh cãi và vững chắc trong sự kìm kẹp cá nhân của Mao hơn là được thể chế hóa trong đảng. Như nhà độc tài có sức thuyết phục của Trung Quốc, ông đã là một nhà lãnh đạo mạnh, còn đảng cầm quyền đã yếu về mặt tổ chức và thể chế. Về mặt kinh tế, hiện đại hóa và sự phát triển đã bám chặt vào tư tưởng Maoist và một sự cam kết vững vàng với các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa hơn là chủ nghĩa thực dụng kinh tế và các định chế thị trường. Sự tinh khiết ý thức hệ bên trong đảng và, thật quan trọng, sự trung thành ý thức hệ giữa quần chúng đã là trung tâm đối với quyền lực chính trị. Không giống các chế độ kiến tạo-phát triển khác được khảo sát trong cuốn sách này, triều đại chính trị của Mao đã không phụ thuộc vào thành tích kinh tế và phát triển như nguồn của tính chính danh bình dân cho chế độ. Đúng hơn, sự huy động quần chúng từ dưới lên tạo ra tính chính danh chính trị.
Nỗi ám ảnh của Mao đến lòng trung thành ý thức hệ đã ảnh hưởng đến sự tiến hóa ban đầu của đảng-nhà nước cầm quyền. Đặc biệt, Mao đã tránh quan liêu hóa và chuyên nghiệp hóa ĐCSTQ. Ông coi một bộ máy quan liêu kiến tạo-phát triển như sự thái quá tư sản. Ông đã nghi ngờ sâu sắc cái gọi là các chuyên gia. Đối với Mao, là “hồng” đã quan trọng hơn là “chuyên” rất nhiều. Không ngạc nhiên trong một chế độ hết sức cá nhân như vậy, ông đã hoang tưởng về những người có thể làm xói mòn quyền lực chính trị của ông bên trong ĐCSTQ. Ông trừng trị những người ông sợ là những kẻ phỉ báng ý thức hệ, và ông không ngừng lo lắng về những kẻ phản bội tiềm năng bên trong đảng nói chung, và bên trong giới thân cận của ông một cách cụ thể.6
Các bản năng chính trị của Mao đã định hình pha tiếp theo của sự phát triển ban đầu của Trung Quốc. Trong 1958 ĐCSTQ khởi động một kế hoạch phát triển kinh tế hết sức tham vọng, Đại Nhảy Vọt. Dựa vào các thành tựu của kế hoạch đầu tiên, tiểu nhảy vọt, Đại Nhảy Vọt đã tăng tốc và làm sâu sắc chiến dịch tập thể hóa nông thôn bằng việc biến đổi các hợp tác xã sản xuất thành các công xã nở rộ. Các hộ gia đình trong các công xã đã sống và làm việc với nhau, chia sẻ trong sự cung cấp và sản xuất mọi thứ từ canh tác đến dạy học ở trường đến các dịch vụ xã hội khác. Đất, các động vật cho nông nghiệp, và thiết bị canh tác đã thuộc về các công xã, không phải các hộ gia đình.
Đảng cầm quyền áp đặt sự kiểm soát giá và thực thi các hạn mức sản xuất nghiêm ngặt hơn, xóa bỏ bất kể khuyến khích vật chất nào cho năng suất tăng lên. Các nông dân làm việc để kiếm điểm thay cho lương, và họ làm việc để thỏa mãn các mục tiêu sản xuất nhà nước. Các sự chỉ trích hệ thống công xã đã mô tả các nông dân như “các tôi tớ” của kế hoạch nhà nước, công xã, và bí thư đảng. Mao, mặt khác, đã tin các đội làm việc công xã khai thác năng lượng của quần chúng và sẽ tăng tốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.7
Ông đã sai một cách thê thảm. Trung Quốc đã trải qua nạn đói tồi tệ nhất trong lịch sử loài người trong hai năm sau khi bắt đầu Đại Nhảy Vọt. Từ một quan điểm kinh tế và phát triển con người, chiến dịch Đại Nhảy Vọt đã là một tai họa hoàn toàn. Mùa thu hoạch nghèo nàn đã tạo ra sự thiếu hụt lương thực to lớn, dẫn tới nạn đói tràn lan. Các ước lượng học thuật gợi ý rằng đến 45 triệu người đã chết giữa 1958 và 1962 trong Đại Nhảy Vọt. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo công xã sốt sắng đã báo cáo quá sản lượng nông nghiệp, ngay cả khi dân làng đang chết đói, một phần vì sợ không thỏa mãn kế hoạch nhà nước và một phần để chứng minh sự trung thành của họ với Mao và chế độ. Đại Nhảy Vọt đã minh họa bằng thí dụ tính phi lý của sự cứng nhắc ý thức hệ làm tổn hại chính sách phát triển thực dụng.8 Trung Quốc của Mao đã không là một phần của châu Á kiến tạo-phát triển.
Những bước sai lầm của Mao đã không hạn chế ở mặt trận trong nước, mà đã mở rộng ra đối ngoại. Bắt đầu trong cuối các năm 1950, Mao đã chỉ trích đồng minh địa-chính trị chính của Trung Quốc, Liên Xô, và lãnh tụ của nó, Thủ tướng Nikita Khrushchev. Mao đã phật ý với việc Khrushchev lên án chủ nghĩa Stalin. Ngược với quan điểm của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ khác, ông đã chỉ trích chính sách đối ngoại của Liên Xô để can dự với khối Tây phương của châu Âu, mà Mao coi như kinh tởm, xét lại, và như chủ nghĩa xã hội bị lạc lối. Những lời châm chọc coi thường của ông nhắm vào Liên Xô, mà đã không có suy nghĩ về chính sách ĐCSTQ, đã làm sôi những căng thẳng âm ỉ rồi giữa hai cường quốc về các chiến lược địa-chính trị của chúng cho việc quốc tế hóa chủ nghĩa cộng sản trong thế giới đang phát triển. Trong 1960 Liên Xô ngừng dòng viện trợ kinh tế và sự trợ giúp kỹ thuật đến Trung Quốc, củng cố sự chia rẽ Trung-Soviet. Sự rút viện trợ Soviet đã làm trầm trọng các vấn đề kinh tế của Trung Quốc ở trong nước do Đại Nhảy Vọt tai họa gây ra. Về mặt địa-chính trị, CHNDTH cũng đã mất đồng minh cộng sản chính và nhà bảo trợ Chiến tranh Lạnh của nó, để Trung Quốc bị cô lập.
Cái Chết của chủ nghĩa Mao
Vào cuối các năm 1950 và đầu các năm 1960, Mao đã thấy mình ngày càng bị gạt sang bên lề bên trong ban lãnh đạo đảng và chính phủ. Các nhà lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ đã tách mình ra khỏi chương trình Đại Nhảy Vọt và khỏi bản thân nhà Cầm lái Vĩ đại. Các đối thủ bên trong ĐCSTQ đã xem Mao như một kẻ mị dân và một cái của nợ chính trị. Nhiều nhà lãnh đạo đảng bực bội với tệ sùng bái cá nhân tăng lên và sự cá nhân hóa chính trị của ông, cả hai đã làm xói mòn tính toàn vẹn tổ chức và sức mạnh chính trị của đảng cầm quyền. Một số người bên trong ĐCSTQ đã thử chuyển địa vị nổi bật chính trị ra khỏi Mao. Trong Hội nghị Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) 1959, chẳng hạn, quan chức cao nhất thứ hai của ĐCSTQ, Lưu Thiếu Kỳ, đã thay Mao làm chủ tịch CHNDTH. Các ranh giới bè phái được vạch ra.
Mao thất vọng, nhưng chắc chắn không bị sa thải. Cố nắm lấy quyền lực cá nhân ông đã có, ông trừng trị không ngừng và tàn nhẫn các đối thủ của mình, và tại hội nghị trung ương 1962, ông khởi động Chiến dịch Giáo dục xã hội chủ nghĩa để tiếp sức sống cho ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Ngay sau Đại Nhảy Vọt tai họa, Mao đã sợ ĐCSTQ bị quan liêu hóa quá đáng, bị các nhà lập kế hoạch kỹ trị chi phối hơn là các nhà ý thức hệ thuần túy. Chiến dịch Giáo dục xã hội chủ nghĩa dự định châm ngòi nhiệt tình cách mạng từ dưới lên, đã kích thích quần chúng trong đầu đến giữa-các năm 1950. Qua giáo dục xã hội chủ nghĩa, Mao lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc là “hồng,” mà ông ý nói sự thuần khiết về ý thức hệ, hơn là “chuyên,” mà ông xem là tư sản và phản-cách mạng. Đối mặt với sự phản đối giữa các đồng chí của ông trong đảng, Mao liên minh với quân đội và một cách cụ thể các nhà lãnh đạo bè phái bên trong ban lãnh đạo PLA (Quân Giải phóng) trung thành với ông.
Vào đầu các năm 1960, Mao đã dựng sân khấu cho cái trở thành Cách mạng Văn hóa.9 Theo cách toàn trị, ông quay sang quần chúng để thực hiện Cách mạng Văn hóa bắt đầu trong 1966. Ông đã dùng tệ sùng bái cá nhân cách mạng của ông để huy động các sinh viên đại học, kêu gọi chủ nghĩa lý tưởng và nhiệt tình ý thức hệ của họ. Phong trào sinh viên được tổ chức thành các đội Hồng Vệ binh, đại diện hàng triệu người trẻ tận tụy theo Mao và tư tưởng Maoist. Mao đã chỉ thị cho các Hồng Vệ binh để “đập tan” “bốn cái cũ”: văn hóa cũ, các ý tưởng cũ, các thói quen cũ, và các phong tục cũ, mà ông coi là các tàn dư của truyền thống tư sản, hoàn toàn đối lập với tính hiện đại xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Văn hóa được các Hồng Vệ binh thực hiện từ dưới, mặc dù ông thầy ở trên đỉnh giật dây con rối chính là Mao.
Các Hồng Vệ binh đã tiến hành tàn phá hung dữ xã hội Trung quốc. Chúng đã phá các đền chùa, phá hủy các tòa nhà, lật đổ các di tích, và đốt sách. Chúng đột nhập và san bằng nhà của những người được cho là không đủ hồng, và dán nhãn họ như những kẻ phản-cách mạng. Các Hồng Vệ binh tiến vào các trường và các đại học của chúng, réo tên và thậm chí đánh các giáo viên và các giáo sư của chúng, lên án họ dạy các bài học truyền thống và tư sản. Mao đã khuyến khích chúng tấn công các quan chức đảng địa phương không chứng tỏ lòng trung thành của họ với Mao và tư tưởng Maoist đúng đắn về ý thức hệ. Một số Hồng Vệ binh đã tố giác các thành viên gia đình của chính chúng cho các nhà chức trách.
Học giả về Trung Quốc Lucian Pye mô tả sự hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa do các Hồng Vệ binh gây ra “đã đưa Trung Quốc đến bờ vực vô chính phủ” như thế nào. Ông tiếp tục để nói rằng “các cuộc tấn công chống lại nhà chức trách được kết hợp với các cuộc tấn công chống lại bất cứ ai có chút khác biệt nhỏ nhất với quan điểm của các Hồng vệ Binh về hành vi đúng đắn.”10 Bạo lực và sự hỗn loạn tràn lan. Không sẵn có hồ sơ chính thức nào về số những người chết do Cách mạng Văn hóa; tuy vậy, dựa vào nghiên cứu kho lưu trữ, các học giả ước lượng rằng vài trăm ngàn người đã chết, với số người chết chắc cao đến cả triệu.
Trong khi Cách mạng Văn hóa được Mao xúi giục đã gây thiệt hại to lớn cho xã hội và nền kinh tế Trung quốc, cũng thế Mao đã gây ra cho ĐCSTQ. Khi Cách mạng Văn hóa tăng cường trên đường phố, các cuộc đấu đá bè phái bên trong ban lãnh đạo đảng nóng lên. Bởi vì uy tín và thế đứng của ông bên trong ĐCSTQ đang giảm đi, Mao quay sang Cách mạng Văn hóa để huy động cơ sở quyền lực bè phái của ông trong đảng cầm quyền và tấn công các kẻ thù của ông. Chính trị elite trở thành chính trị đường phố.
Với PLA ở phía ông, Mao đã truy đuổi hai đối thủ chính của ông trong ĐCSTQ: Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Lưu bị tước chức vụ chính phủ của ông trong 1966, cùng với chức phó chủ tịch ĐCSTQ. Đồng minh PLA của Mao, Nguyên soái Lâm Bưu, đã thay thế Lưu trong chức vụ cao thứ hai của đảng. Lưu cũng bị đuổi khỏi đảng và bị bôi nhọ, và ông đã chết vài năm sau trong 1968, bị sỉ nhục. Mao cũng đã nhắm vào Đặng, mặc dù ông một thời đã là đồng minh thân cận của Mao và đã thực hiện Chiến dịch chống-Hữu 1957. Mao thanh trừng Đặng khỏi đảng và tống ông xuống nông thôn để cải tạo ý thức hệ, nơi ông đã ở đó cho đến giữa-các năm 1970.
Cách mạng Văn hóa chính thức kết thúc trong cuối 1968, mặc dù sự hỗn loạn và thối rữa bên trong đảng cầm quyền tiếp tục mưng mủ trong xã hội Trung quốc cho đến cái chết của Mao trong 1976 và sự bắt các đồng-chủ mưu Cách mạng Văn hóa của ông, Bè lũ Bốn tên. Được nhắc đến như “mười năm bị mất,” Cách mạng Văn hóa, và chế độ độc tài của Mao nói chung, đã để lại Trung Quốc và ĐCSTQ trong hỗn loạn. Đảng đã có ít sức mạnh tổ chức, bất chấp đã nắm quyền trong gần ba thập niên. Chính trị cá nhân, hơn là các định chế hình thức, đã xác định các kết cục chính trị. Sự chia rẽ bè phái và sự thù hận cá nhân đã định hình chính trị nội bộ đảng hơn là các sự khác biệt chính sách có ý nghĩa. Quyền lực chính trị được trao cho các cá nhân ngược với cho các quy tắc thể chế.
ĐCSTQ cũng đã thiếu tính chính danh phát triển. Thay cho việc tạo ra tính chính danh thành tích qua sự phát triển kinh tế, như trong các nền kinh tế Á châu kiến tạo-phát triển khác, đảng cầm quyền dưới Mao đã dựa vào tính chính danh ý thức hệ và sự đáng tin cách mạng của nó. Các công dân đã mất niềm tin vào chế độ và trách móc ĐCSTQ vì sự tàn phá do Cách mạng Văn hóa gây ra và vì các tai họa kiến tạo-phát triển của cuối các năm 1950 và các năm 1960. Nền kinh tế vào lúc kết thúc triều đại Mao, bị cô lập về mặt quốc tế và không hiệu quả, hầu như đình trệ. Thu nhập trên đầu người ở Trung Quốc đã hầu như không tăng chỉ từ US$90 trong 1960 lên chỉ hơn $150 trong 1978, sau gần hai thập niên phát triển xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, các láng giềng Á châu “tư sản” của nó đã phóng lên phía trước.
Sự Cất cánh Kinh tế của Trung Quốc
Lãnh tụ tạm thời của ĐCSTQ Hoa Quốc Phong đã phục hồi Đặng Tiểu Bình không lâu sau cái chết của Mao. Đặng nhanh chóng huy động các đồng minh của ông bên trong đảng quanh một tầm nhìn cải cách cho sự phát triển của Trung Quốc. Ông đã đề xuất một “cách mạng thứ hai,” một sự đoạn tuyệt căn bản với Mao và một con đường mới cho đảng cầm quyền.11 Về mặt chính trị ông đã khôn khéo né Hoa và hợp nhất một phái cải cách hùng mạnh giữa các lão thành ĐCSTQ, củng cố địa vị của ông như “lãnh tụ tối cao” của Trung Quốc vào năm 1978.
Đã là rõ với Đặng rằng đảng cầm quyền cần xóa bỏ nhiều chương trình và chính sách được thiết lập trong thời đại Mao. Căn bản hơn, Trung Quốc phải từ bỏ sự cam kết ý thức hệ cứng nhắc của Mao với sự phát triển xã hội chủ nghĩa và biến đổi chương trình hiện đại hóa của ĐCSTQ để ưu tiên sự phát triển xã hội và kinh tế. Các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa tiếp tục hướng dẫn sự phát triển của Trung Quốc—rốt cuộc, ĐCSTQ cai trị đất nước—nhưng chủ nghĩa thực dụng kinh tế thay cho sự thuần khiết ý thức hệ sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự cải cách của đảng cầm quyền. Sự hấp dẫn ý thức hệ và sự huy động quần chúng đã giành được quyền lực cho ĐCSTQ trong năm 1949, Đặng lập luận, nhưng chủ nghĩa lý tưởng xã hội chủ nghĩa và sự cứng nhắc ý thức hệ sẽ không giữ đảng trong quyền lực trừ khi các công dân được lợi từ sự phát triển.
Chế độ Đặng dự định để đạt ba mục tiêu. Thứ nhất, ĐCSTQ ưu tiên sự phát triển kinh tế. Vào cuối các năm 1970, các nhà cải cách trong đảng được cảnh báo rằng nhiều láng giềng của Trung Quốc, kể cả Nhật Bản, Đài Loan, và Hàn Quốc, đã vượt Trung Quốc về mặt tăng trưởng kinh tế. Đặng thừa nhận rằng Đại Nhảy Vọt và Cách mạng Văn hóa đã đẩy lùi đất nước hàng thập niên. Trung Quốc đã tụt lại phía sau. Đặng đã theo một cách tiếp cận thực dụng tới sự tăng trưởng kinh tế. Thật quan trọng, ông dễ tiếp thu các chính sách kinh tế tự do, hợp-thị trường hơn. Phản ánh cách tiếp cận thực dụng của ông, Đặng nhận xét một cách nổi tiếng rằng “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng; miễn là nó bắt được chuột, nó là con mèo tốt.” Ông đã hình dung một vai trò mới cho đảng cầm quyền. Thay vì là trọng tài của sự đúng đắn ý thức hệ, như ĐCSTQ đã là dưới Mao, Đặng hình dung đảng cầm quyền và bộ máy nhà nước trở nên kỹ trị và chuyên nghiệp hơn, có nhân viên là các chuyên gia và các nhà lập kế hoạch kinh tế.
Mục tiêu thứ hai của Đặng là để xây dựng lại bộ máy đảng. Các công dân Trung quốc không ngạc nhiên đã hoài nghi về ĐCSTQ cầm quyền sau Cách mạng Văn hóa. Sau gần ba mươi năm nắm quyền, đảng cầm quyền đã mang lại nhiều sự tàn phá hơn sự phát triển. Trong khi đó, sự chia rẽ bè phái và đấu đá chính trị trong đảng đã gây ra thiệt hại đáng kể cho khả năng của ĐCSTQ để quản trị. Đặng bắt đầu sắp xếp tổ chức đảng cho gọn gàng. Ông tạo ra một liên minh cải cách mạnh mẽ bằng việc cất nhắc các quan chức có đầu óc cải cách như Triệu Tử Dương, Hồ Diệu Bang, và Trần Vân lên các vị trí cấp cao trong chính phủ và đảng. Ông đã gạt những người còn lại trong số những kẻ trung thành với Mao sang bên lề. Đặng cũng thể chế hóa một phong cách phi tập trung, tập thể hơn của việc ra quyết định chính trị, trong một cố gắng để xóa bỏ tệ sùng bái cá nhân đã chi phối chính trị đảng dưới Mao.12
Thứ ba, các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đã ưu tiên sự ổn định hóa xã hội Trung quốc. Sự ổn định là cốt yếu cho khả năng của các chế độ độc đoán. Đối với ĐCSTQ, mệnh lệnh tạo ra sự ổn định đã là tối cao cho hiện đại hóa của Trung Quốc, nhất là vì sự náo động của nội chiến cách mạng trước 1949 và các tai họa kiến tạo-phát triển xảy ra sau đó. Một cách để đạt được sự ổn định dưới chủ nghĩa độc đoán là để cai trị với bàn tay sắt, và ĐCSTQ đã giữ lại các năng lực đàn áp của nó, nhất là qua việc đảng kiểm soát quân đội và bộ máy an ninh nội địa của nhà nước.
Tuy vậy, Đặng cũng nhận ra tầm quan trọng của tính chính danh thành tích kinh tế như một nguồn quyền lực chính trị cho chế độ và một thành phần cốt yếu của sự ổn định chính trị và kinh tế bên trong xã hội. Do đó, chế độ cộng sản sau-1978 ở Trung Quốc đặt tính chính danh thành tích—và cụ thể tính chính danh thành tích kinh tế—vào trung tâm kế hoạch phát triển của nó. Giống với các chế độ độc đoán khác ở châu Á kiến tạo-phát triển được khảo sát suốt cuốn sách này, Đặng đã tìm cách ổn định hóa xã hội Trung quốc và bản thân chế độ bằng việc mang lại sự phát triển kinh tế. Ông đã đưa Trung Quốc vào nhóm nước Á châu kiến tạo-phát triển.
Chiến dịch Bốn Hiện đại hóa là trung tâm của tầm nhìn cải cách của Đặng. Nó đã ưu tiên hiện đại hóa khu vực nông nghiệp, những ngành công nghiệp của nó, những năng lực về khoa học và công nghệ của Trung Quốc, và quốc phòng và an ninh quốc gia của nó. Rất quan trọng, những mục tiêu bốn hiện đại hóa đã liên kết với nhau: sự phát triển nông nghiệp và công nghiệp đã phụ thuộc vào việc Trung Quốc áp dụng những công nghệ hiện đại, mà đến lượt tăng cường các năng lực của đất nước trong quốc phòng. Để tăng tốc hiện đại hóa của nó trong tất cả các lĩnh vực này, Trung Quốc bắt đầu thận trọng mở các cánh cửa của nó ra nền kinh tế quốc tế và tích hợp những chính kinh tế hợp-thị trường. Chiến dịch Bốn Hiện đại hóa theo nhiều cách đã là một sự khiển trách trực tiếp chính trị thời đại-Mao.
Dưới Đặng, ĐCSTQ đã áp dụng một cách tiếp cận coi trọng-thị trường hơn tới sự tăng trưởng kinh tế. Trong khi nhà nước tiếp tục đặt ra các kế hoạch và các mục tiêu, chính phủ cũng đưa các khuyến khích và các cơ chế thị trường vào nền kinh tế. ĐCSTQ đã không vứt bỏ hoàn toàn việc lập kế hoạch xã hội chủ nghĩa, mà đúng hơn đã cho phép các cơ chế thị trường để hoạt động dọc theo khu vực nhà nước. Theo thời gian, tuy vậy, chính phủ ngày càng rút lui khỏi các đỉnh cao chỉ huy của nền kinh tế.
Đặng cũng đã áp dụng một chính sách kinh tế quốc tế mở cửa hơn. Ông đã đảo ngược lập trường hướng nội của Mao và đưa nền kinh tế Trung quốc tới các dòng chảy thương mại, đầu tư, và vốn quốc tế, cũng như áp dụng các công nghệ mới và nước ngoài. Mặc dù chế độ đã vẫn nghi ngờ vốn quốc tế và ảnh hưởng nước ngoài, nó nhận ra Trung Quốc không thể phát triển nhanh nếu nó vẫn đóng cửa với phần còn lại của thế giới.
Đặng đã khởi động kế hoạch cải cách tham vọng của ông tại hội nghị toàn thể ban chấp hành trung ương ĐCSTQ trong tháng Mười Hai 1978. Pha đầu tiên nhấn mạnh cải cách nông nghiệp và xóa bỏ hệ thống công xã. Mặc dù đất về mặt kỹ thuật đã vẫn do nhà nước sở hữu, sự kiểm soát đất về cơ bản được trả lại cho các hộ gia đình riêng lẻ để quản lý. “Hệ thống trách nhiệm nông thôn (khoán hộ)” đã có nghĩa là các hộ gia đình, hơn là tập thể hay công xã, chịu trách nhiệm về sản xuất nông nghiệp của chúng. Chính phủ tiếp tục giao các chỉ tiêu sản xuất, tuy nhiên giá thu mua đã tăng sau 1978. Hệ thống trách nhiệm nông thôn đã cho phép nông dân bán sản phẩm thừa của họ (vượt sản xuất hay chỉ tiêu thu mua) trên thị trường mở, mà đã khuyến khích sự đa dạng hóa cây trồng và sự đầu tư vào các công nghệ trồng trọt hiệu quả. Trong 1983, chỉ 5 năm sau sự bắt đầu thời kỳ cải cách, gần như tất cả hộ gia đình nông dân đã tham gia hệ thống trách nhiệm nông thôn. Năng suất tăng lên, như thu nhập của nông dân, trong đầu các năm cải cách.
ĐCSTQ đã cải cách các khu vực công nghiệp theo cùng cách trong đầu các năm 1980. Chính phủ đã cho phép một hệ thống dựa vào-thị trường song hành dọc theo kế hoạch do nhà nước-xác định. Các nhà quản lý công ty đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn về sản xuất và định giá. Như trong hệ thống trách nhiệm nông thôn, hàng thặng dư có thể được bán với giá thị trường không bị kiểm soát, tạo ra sự cạnh tranh giữa các hãng. Sự cám dỗ lợi nhuận và thu nhập “ngoài kế hoạch” đã khuyến khích các hãng đầu tư vào các năng lực sản xuất hiệu quả và áp dụng các công nghệ đổi mới để có được lợi thế cạnh tranh.
Sự đưa các cơ chế thị trường vào đã giải phóng sự hoạt động kinh doanh nhộn nhịp, dẫn đến sự tạo ra các công ty mới. Mặc dù khu vực doanh nghiệp nhà nước tiếp tục chi phối phong cảnh công nghiệp của Trung Quốc, năng suất công nghiệp giữa các hãng không-nhà nước đã tăng nhanh. Giữa 1979 và 1990, khu vực doanh nghiệp không-sở hữu nhà nước đã tăng phần của nó trong tổng sản lượng công nghiệp từ 21,5 phần trăm lên 44 phần trăm. Các doanh nghiệp hương trấn ở vùng nông thôn đã tăng hơn gấp đôi sản lượng công nghiệp của chúng, từ dưới 9 phần trăm lên 20,5 phần trăm trong cùng thời kỳ. Vào năm 1984, hàng hóa và dịch vụ của các hãng không-nhà nước chiếm khoảng một nửa tiêu dùng bán lẻ ở Trung Quốc.
Sự rời triệt để nhất khỏi tầm nhìn của Mao về sự phát triển xã hội chủ nghĩa trong kế hoạch cải cách của Đặng đã là sự đảo ngược chính sách đóng-cửa của Trung Quốc. Các cải cách của Đặng đã mở cửa Trung Quốc cho nền kinh tế quốc tế trong một cố gắng để biến đổi mô hình tăng trưởng hướng nội của nó thành một mô hình công nghiệp hóa định hướng-xuất khẩu.13 Giống với các nhà nước kiến tạo-phát triển Đông Á khác trong giai đoạn công nghiệp hóa sớm nhất của chúng, Trung Quốc đã lập các đặc khu kinh tế trong các thành phố chủ chốt dọc duyên hải để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phát triển một cơ sở xuất khẩu cho các hãng Trung quốc. Các đặc khu kinh tế đã làm tăng dòng FDI chảy vào từ hầu như zero trong 1978 lên gần US$1,5 tỉ vào năm 1984. Luồng FDI đã dẫn đến sự tạo ra các liên doanh trong các ngành chiến lược. Nó cũng mang lại các cơ hội cho các công ty và các nhà máy hoạt động ở Trung Quốc để bán các sản phẩm của chúng trên các thị trường toàn cầu.
Không ngạc nhiên, thương mại quốc tế đã tăng nhanh sau 1978, tăng từ khoảng US$20 tỉ lên hơn $100 tỉ trong 1988. Các hàng xuất khẩu Trung quốc, một cách cụ thể, đã tăng 5 lần, từ chỉ US$10 tỉ lên gần $53 tỉ trong thập niên đó. Từng bước một, Trung Quốc đã muộn màng “gia nhập” châu Á kiến tạo-phát triển bằng việc mở các cửa của nó cho thương mại và đầu tư quốc tế.14
Tuy nhiên là quan trọng để nhấn mạnh rằng những cải cách 1978 của Đặng đã không tương đương với thị trường hóa toàn bộ nền kinh tế Trung quốc. Kế hoạch sản xuất và thu mua của chính phủ đã vẫn là lõi kinh tế của Trung Quốc. ĐCSTQ đã không từ bỏ hoàn toàn sự kiểm soát của nó về định giá, nó cũng đã chẳng từ bỏ sức mạnh điều tiết của nó để thực thi các hạn ngạch sản xuất. Đúng hơn, các cải cách của Đặng đã đưa các cơ chế thị trường vào dọc theo nền kinh tế kế hoạch.
Nhà nước đã không co lại. Chẳng hạn, khu vực doanh nghiệp sở hữu nhà nước tiếp tục to lớn. Các ngân hàng chính phủ tương tự đã giữ lại một bàn tay rất mạnh trong kiểm soát và chỉ dẫn luồng tín dụng và đầu tư trong nước. Tính di động lao động cũng như khả năng của các hãng để thuê và sa thải nhân viên tiếp tục bị ràng buộc bởi các quy định nhà nước. Chính phủ đã đưa vào các khuyến khích như định giá thị trường, nhưng chỉ cho sản xuất thặng dư (vượt kế hoạch). Trong các khía cạnh này, cải cách kinh tế trong cuối các năm 1970 đã là một cố gắng của các nhà cải cách Trung quốc để từ từ vượt quá (và bỏ) kế hoạch nhưng không thay thế nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa. Các nhà nước kiến tạo-phát triển tư bản chủ nghĩa không nao núng và không bối rối của Đông Bắc Á đã vẫn là một thế giới tách biệt xa.
Tuy nhiên, các cải cách của Đặng cũng là một sự rời triệt để khỏi sự phát triển xã hội chủ nghĩa thời Maoist. Năng suất và tiêu dùng đã tăng dưới thời Đặng. Các mức nghèo, đặc biệt ở nông thôn, đã giảm đột ngột, khi thu nhập hộ gia đình nông dân đã tăng sớm trong thời kỳ cải cách. Lạm phát đã dưới sự kiểm soát và giá cả vẫn ổn định. Ngày càng nhiều công nhân từ nông thôn tìm thấy việc làm trong các hãng và các nhà máy bỗng xuất hiện trong các thành phố và các làng. Trung Quốc cũng đã duy trì một cán cân thương mại dương. Nền kinh tế tăng trưởng gần 10 phần trăm trên năm từ 1978 trở đi, phù hợp với các nhà nước kiến tạo-phát triển năng động khác của châu Á. Tóm lại, thu lợi kinh tế ban đầu trên kế hoạch cải cách của Đặng đã đáng kích lệ.
Tăng tốc Cải cách
Các nhà lãnh đạo đảng cầm quyền chia sẻ một đồng thuận rộng rằng Trung Quốc cần từ bỏ nền kinh tế kế hoạch. Quỹ đạo cải cách kinh tế của Trung Quốc đã trên đường đôi, với kế hoạch xã hội chủ nghĩa đại diện một đường dọc theo một đường thứ hai, bổ sung, định hướng-thị trường. Các cải cách 1978, họ đồng ý, là bước thứ nhất đáng khích lệ, mặc dù đã có sự bất đồng giữa họ về pha cải cách tiếp theo. Tranh luận về làm thế nào, một mặt, để duy trì một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong đó nhà nước tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong khi, mặt khác, thực hiện các cải cách tôn trọng-thị trường. Sự bất đồng giữa các nhà lãnh đạo ĐCSTQ trong giữa-các năm 1980 không phải về hướng nền kinh tế đang hướng tới mà đúng hơn về tốc độ và quy mô của cải cách.15
Các nhà cải cách thận trọng trong ĐCSTQ, như lão thành đảng Trần Vân, đề xuất những biện pháp khắc khổ ngắn-hạn để kiềm chế lạm phát trườn lên từ từ bắt đầu trong giữa-các năm 1980.16 Ông cũng tìm cách để áp đặt lại một vai trò kế hoạch trực tiếp hơn cho chính phủ. Đối với phái của Trần, đường xã hội chủ nghĩa cần tiếp tục phát triển, cân xứng với thị trường, không phải co lại. Khu vực kế hoạch nhà nước, kể cả các doanh nghiệp sở hữu nhà nước, phải tiếp tục chi phối khu vực không-nhà nước. Các nhà cải cách đi-chậm này lo lắng rằng thị trường hóa và quốc tế hóa không giới hạn sẽ làm mất ổn định nền kinh tế Trung quốc.
Bên kia của cuộc tranh luận, Thủ tướng Triệu Tử Dương và tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang thúc đẩy tăng tốc và mở rộng quy mô cải cách tự do hóa kinh tế. Họ đề xuất tiêm nhiều, không phải ít, cơ chế thị trường hơn vào nền kinh tế. Còn Trần và các đồng minh của ông trong đảng lập luận ủng hộ đường xã hội chủ nghĩa kế hoạch nhà nước tăng lên, các nhà cải cách như Triệu và Hồ chú ý để đóng băng kích thước của nền kinh tế kế hoạch trong khi tăng tốc sự phát triển của đường thị trường. Theo thời gian, các mảng được thị trường hóa của nền kinh tế sẽ làm còi cọc nền kinh tế kế hoạch.
Tầm nhìn của Triệu đã thắng thế. Trong tháng Mười 1984 đảng cầm quyền đưa pha thứ hai của chương trình cải cách vào, tăng gấp đôi chương trình nghị sự cải cách năng nổ của Triệu. Trong khi các hãng sở hữu nhà nước được yêu cầu đáp ứng các chỉ tiêu sản xuất, chúng đã có khả năng phản ứng với giá thị trường cho sản phẩm vượt kế hoạch. Các nhà quản lý có được nhiều quyền lực hơn trong cách họ vận hành công ty của họ như một kết quả. Sự can thiệp đảng đã giảm, khi vai trò của bí thư đảng bị giảm đi bên trong các công ty. Các doanh nghiệp nhà nước bước vào cơn sốt thị trường, đa dạng hóa và tăng cường các năng lực sản xuất của chúng để thỏa mãn các chỉ tiêu của chính phủ, thêm vào đó để tạo ra thu nhập thị trường bên ngoài kế hoạch. Chính phủ đã mở cửa cho các thử nghiệm về các sơ đồ sở hữu tài sản và quyền sở hữu doanh nghiệp thay thế, kể cả sự đưa vào các hệ thống sở hữu hợp tác xã, cho thuê, và cổ phần. Điều này đã không thể tưởng tượng nổi trong thời Mao.
ĐCSTQ đã mày mò với cách chính phủ thực hiện phần kế hoạch của nền kinh tế như thế nào để kích thích các điều kiện thị trường cho các hãng sở hữu nhà nước. Thay cho việc thống nhất với các kế hoạch sản xuất hàng năm, nhà nước đã thực hiện từ từ một hệ thống thầu cho các nhà sản xuất công nghiệp. Dưới sơ đồ này, thay cho các hạn ngạch sản xuất, các hãng ký các hợp đồng dài hạn nhiều năm với nhà nước. Trong khi các nhà quản lý hãng chịu rủi ro để thỏa mãn các nghĩa vụ hợp đồng của họ, họ cũng có được sự tự trị để quản lý công ty một cách chiến lược. Sơ đồ thầu đã tăng cường cạnh tranh giữa các hãng, mà đến lượt khuyến khích các doanh nghiệp để tăng các năng lực sản xuất và tính hiệu quả sản xuất của chúng.
Cải cách lao động đã đi cùng nhữngcải cách thị trường. Trước kia, lương bị kiểm soát và chính phủ kiềm chế tính di động của lao động. Sau 1984, tuy vậy, các hợp đồng, lương, và thưởng của công nhân ngày càng gắn với thu nhập và tính sinh lời của hãng. Sự thay đổi này cho phép các nhà quản lý doanh nghiệp đưa ra các quyết định thị trường duy lý khi nói đến việc định tiền lương và các hợp đồng lao động. Một thị trường lao động cạnh tranh hơn và ít cứng nhắc hơn đã có lợi cho các hãng, vì chúng ít bị ràng buộc hơn trong cách chúng quản lý người lao động.
Từ quan điểm của những người lao động, tuy vậy, cải cách lao động là một con dao hai lưỡi. Một mặt, các hợp đồng thay thế việc làm được bảo đảm cho lao động công nghiệp, là sự không chắc chắn hơn cho những người hưởng lương. Mặt khác, bởi vì các hợp đồng và tiền lương được thu nhập và tính sinh lời của doanh nghiệp quyết định, các công nhân được khuyến khích để tăng năng suất của họ với kỳ vọng về thu nhập cao hơn.
Hiện đại hóa thứ Năm của Trung Quốc đến Đâu
Trong một cố gắng để củng cố quyền lực của đảng cầm quyền, một trong những ưu tiên then chốt của Đặng sau các năm hỗn độn dưới Mao, ĐCSTQ đã tìm ra cách để tạo ra tính chính danh bình dân bằng việc mang lại thành tích kinh tế. Nền kinh tế Trung quốc đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm 11,5 phần trăm giữa 1983 và 1988, còn nhanh hơn thời kỳ cải cách ban đầu bắt đầu trong 1978. Trong các năm 1980, sự phát triển công nghiệp đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Trong khi khu vực nông nghiệp đình trệ một chút, sự tăng trưởng công nghiệp đã vút lên cao. Sản lượng công nghiệp tăng từ 8 phần trăm hàng năm trong thời kỳ cải cách đầu tiên giữa 1978 và 1983 đã tăng lên gần 18 phần trăm hàng năm trong 5 năm từ 1983 đến 1988. Mặc dù Trung Quốc vẫn còn xa mới giàu, nhiều người Trung quốc đã trở nên giàu hơn. Họ thừa nhận vai trò của sự lãnh đạo của Đặng và của ĐCSTQ trong việc hướng dẫn sự phát triển đáng chú ý của Trung Quốc.
Chúng ta biết từ phần còn lại của châu Á kiến tạo-phát triển rằng sự phát triển xã hội và kinh tế dẫn đến những kỳ vọng mới giữa các công dân và những đòi hỏi mới với nhà nước. Sự phát triển, như chúng tôi đã lập luận trong cuốn sách này, tạo ra các công dân đòi hỏi khắt khe hơn. Sự phát triển, nghịch lý thay, sinh ra sự bất mãn của riêng nó. Trung Quốc cũng vậy. Các cải cách kinh tế bao quát đó không đi cùng với cải cách chính trị có tính biến đổi ngang thế có nghĩa rằng đã không có các van-xả áp lực chính trị nào cho các công dân để cất lên những lời than phiền của họ và không vũ đài nào cho các lời than phiền đó được giải quyết. Từ đầu thời kỳ cải cách, các tiếng nói phê phán đôi khi đã xuất hiện và công khai thách thức tính chính danh của đảng cầm quyền.
Trong 1978, nhà hoạt động chính trị Wei Jingsheng (魏京生Ngụy Kinh Sinh) vận động cho một “hiện đại hóa thứ năm” và đã huy động phong trào Tường Dân chủ, đòi cải cách dân chủ. Các nhà hoạt động đã muốn tham gia vào đời sống chính trị. Phong trào phản kháng đã có sự hấp dẫn dân chúng bởi vì nó nhận ra sự đau khổ của nhân dân dưới Mao và sự thất vọng của họ với Cách mạng Văn hóa và sự tàn phá bỏ lại sau nó. Phong trào Tường Dân chủ cũng đã quyến rũ các nhà phản kháng bởi vì lời hứa bắt đảng cầm quyền chịu trách nhiệm giải trình trong tương lai, để bảo đảm các thảm họa của các năm 1950 và 1960 không xảy ra lần nữa.
Không ngạc nhiên, chế độ ĐCSTQ đã nghiền nát phong trào cùng năm đó. Các cuộc phản kháng chính trị đã nổ ra đều đặn suốt phần đầu của các năm 1980, mặc dù chế độ đã dễ dàng xử lý những sự bùng nổ chính trị. Các cuộc phản kháng đã có khuynh hướng địa phương và xa Bắc Kinh, trụ sở của quyền lực chính trị. Sau khi vừa nổi lên từ sự hỗn loạn của chế độ Mao, đảng đã quá không được lòng dân, yếu về chính trị, đổ vỡ về tổ chức, và không có tính chính danh chính trị để thừa nhận cải cách chính trị. Quả thực, để thừa nhận lúc đó có thể đã báo hiệu cái chết sắp xảy ra của đảng, như diễn ra chẳng bao lâu khắp phần lớn thế giới cộng sản.
Áp lực Tăng lên, Chế độ Yếu đi
Các cuộc phản kháng chống-chế độ nổ ra vài năm muộn hơn trong 1986 ở Bắc Kinh, tuy vậy, đã gây ra một sự lo lắng sâu hơn bên trong đảng. Tháng Mười Hai đó, các sinh viên lại xuống đường để phản đối chế độ độc đoán. Fang Lizhi (Phương Lệ Chi-方励之), một giáo sư đại học ở Bắc Kinh và bản thân ông là một đảng viên ĐCSTQ, đã lãnh đạo phong trào. Ông chỉ trích các nhà lãnh đạo đảng vì hành vi vô đạo đức và tham nhũng của họ. Ông chỉ ra sự thiếu dân chủ của Trung Quốc vì sự thất bại và lời hứa không được thực hiện của đảng cầm quyền để hiện đại hóa quốc gia.
Fang chỉ trích cái gọi là các định chế đại diện của chế độ như đồ trang trí độc đoán, từ Hội nghị Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) nghị gật ở trên đỉnh đến các cuộc bầu cử làng cố định ở dưới đáy. Ông nghi ngờ mức độ mà đảng đã cải cách bản thân mình, và liệu luật trị (rule of law, nhà nước pháp quyền) và các định chế chính thức bên trong đảng có thay thế hiệu quả cho chính trị cá nhân của thời Mao hay không. Trong nhiều khía cạnh, Fang và những người theo ông đã chỉ trích đảng theo cách rất công khai.
Mặc dù đảng cầm quyền đã đối mặt với các phong trào phản kháng thường xuyên, các cuộc biểu tình sinh viên 1986 đặc biệt gây lo lắng cho chế độ vì các lý do đa dạng, nhất là bởi vì chúng thu hút sự chú ý toàn quốc. Chính phủ đã cố bịt miệng báo chí nhưng với ít thành công. Các sinh viên có được ngày càng nhiều đồng minh trong xã hội, kích động sự thất vọng với chế độ. Vào 1986, cải cách chính trị đã không còn là một mong muốn trừu tượng nữa—cái gì đó tầng lớp trí thức tranh luận giữa bản thân họ—mà đúng hơn là một chương trình nghị sự cải cách thật được nhiều người theo đuổi. Vào cuối tháng Mười Hai năm đó, các phong trào phản kháng chống-chế độ đã huy động tại các thành phố khắp Trung Quốc, lên đỉnh điểm vào 20 tháng Mười Hai, khi 30.000 sinh viên, cùng với hàng chục ngàn người địa phương biểu tình khác, đã diễu hành ở Thượng Hải đòi cải cách chính trị.
Các cuộc biểu tình 1986 phản ánh các thách thức tính chính danh sâu sắc đối mặt với chế độ.17 Bất chấp sự tăng trưởng kinh tế phi thường trong phần đầu thập niên, nền kinh tế bắt đầu cho thấy các dấu hiệu đáng lo ngại về các vấn đề cấu trúc. Sự đưa các cải cách thị trường vào, và cụ thể sự cạnh tranh thị trường, đã đóng góp cho sự không chắc chắn kinh tế khi các vụ phá sản công ty tăng lên cùng với thất nghiệp và thu nhập công nhân giảm sút. Sự tăng tiền lương trong khu vực công nghiệp đã đình trệ sau 1986. Đồng thời, khắp nền kinh tế dòng tăng lên của vốn và tín dụng công nghiệp mới—mà tăng hơn 25 phần trăm trên năm sau 1984—đã đẩy tỷ lệ lạm phát tiêu dùng lên. Lạm phát trong 1985 gần 12 phần trăm, một sự tăng nghiêm trọng từ lạm phát chỉ hơn 2 phần trăm trong các năm trước. Giá cả tiêu dùng cho thực phẩm đã tăng 23 phần trăm, làm cho các công nhân công nghiệp khó để sống qua ngày.
Sau nhiều năm tập trung vào phát triển công nghiệp, sự tăng trưởng trong nền kinh tế nông nghiệp, mà lúc đó vẫn tạo việc làm cho tuyệt đại đa số người lao động ở Trung Quốc, đã chậm lại đáng kể vào giữa-những năm 1980. Năng suất nông nghiệp đã không tăng, vì sự sao lãng của khu vực về mặt đầu tư và tích hợp những công nghệ mới góp phần cho cơ sở hạ tầng xuống cấp ở nông thôn. Sự lập kế hoạch tồi đã dẫn đến sự giảm lượng đất được tưới tiêu, có thể canh tác được. Làm cho tình hình tồi hơn, các đảm bảo thu mua của chính phủ đã co lại vì các hợp đồng sản xuất nhiều năm đã thay thế các hạn ngạch hàng năm. Giá nhà nước cho các sản phẩm nông nghiệp cũng đã giảm, vì chính phủ bị kẹt trong một ràng buộc tài khóa. Trong một số trường hợp được báo cáo, chính phủ đã trao cho các nông dân các IOU (giấy ghi nợ) thay cho sự trả tiền mặt. Vì thế, thu nhập nông thôn đã không tăng từ 1985 đến 1988, làm trầm trọng thêm các tác động của lạm phát. Cơn bùng nổ phát triển của Trung Quốc đã để các nông dân lại phía sau.
Bất chấp các cố gắng của nó để từ bỏ dần kế hoạch, nền kinh tế Trung quốc bắt đầu trải nghiệm những nỗi đau của cải cách kinh tế trong giữa-các năm 1980. Các cải cách tăng tốc được thực hiện trong 1984 đã đưa vào các cơ chế thị trường mới, nhưng mà không có việc hủy bỏ hay cải cách kế hoạch nhà nước. Như một kết quả, các cải cách tự do hóa của ĐCSTQ giữa-các năm 1980 đã là một sự chắp vá của các thỏa hiệp và, đôi khi, các chính sách mâu thuẫn nhau. Ví dụ, nền kinh tế bị tràn ngập trong tín dụng, mà là một cú kích thích khiến công nghiệp hóa tiến triển, nhưng cũng đẩy lạm phát lên. Trong một ví dụ khác, sự áp đặt kiểm soát giá cả mà không có năng lực tài khóa của chính phủ để điều chỉnh giá cả và thu nhập đã tác động xấu rồi đến các nông dân nghèo hơn và các công nhân tại các hãng sở hữu nhà nước.
Bởi vì được dự định để thay thế cả các tiếng nói tự do hơn và thận trọng hơn trong đảng, chương trình cải cách đã không giải quyết nhiều thách thức cơ cấu sâu hơn của thị trường hóa và sự thực hiện cái gọi là những cải cách khó khăn. Những cải cách giữa-các năm 1980 đã đá chiếc bình cải cách khó khăn vào tương lai. Không chỉ là sự thiếu ý chí chính trị để tiến hành cải cách kinh tế khó khăn, nhưng cũng thiếu năng lực hành chính trong nhà nước, đã cản trở cải cách. Việc thực hiện những cải cách khó đòi hỏi một nhà nước mạnh để hướng dẫn quá trình. Tuy nhiên, vẫn quay cuồng từ các thập niên thao túng và lạm dụng của Mao và các quán quân chống-quan liêu của ông, nhà nước đã thiếu năng lực để thực hiện.
Nhà nước vẫn yếu. Các cải cách thị trường hóa đòi hỏi sự phân tán quyền lực khỏi bộ máy nhà nước trung ương. Các chính quyền tỉnh và chính quyền địa phương đã có được nhiều thẩm quyền hơn và do đó đã phát triển các chiến lược địa phương của chúng cho sự tăng trưởng kinh tế. Các nhà chức trách tỉnh, thay vì nhà nước trung ương, đã tận dụng các quyền hạn điều tiết của chúng, chẳng hạn, để đặt ra các mục tiêu mua sắm và giá cả, chuyển đầu tư công nghiệp, ươm mầm các ngành công nghiệp và khu vực mới, phát triển các liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài, và thật quan trọng, thu thuế và các thu nhập khác cho kho bạc tỉnh, không phải kho bạc trung ương. Các chính quyền kiến tạo-phát triển tỉnh và địa phương đã thay thế nhà nước quốc gia kiến tạo-phát triển. Như một kết quả, phần thu nhập thuế của nhà nước trung ương đã giảm đột ngột sau 1978, giảm từ tương đương với 35 phần trăm của GDP xuống 20 phần trăm một thập niên sau.
Chính phủ trung ương phải dựa vào việc vay từ các nhà chức trách địa phương và tỉnh, dẫn đến tình hình thâm hụt ngày càng thảm khốc cho nhà nước trung ương. Đã không cho đến giữa-các năm 1990 khi chính phủ trung ương cải cách hệ thống thuế. Tuy vậy, cho đến lúc đó nhà nước đã yếu rõ rệt, mà không có năng lực hành chính hay tài khóa để chỉ huy quá trình cải cách của Trung Quốc qua những chấn động khó khăn nó đã nếm trải trong giữa-các năm 1980.18 Không giống ở Nhật Bản, Đài Loan, và Hàn Quốc, đã không có triển vọng nào về một bộ máy quan liêu kiến tạo-phát triển mạnh ở Trung Quốc để ổn định hóa và vượt qua những bão tố của các cải cách chính trị và kinh tế khó khăn hơn.
Làm cho tình hình tồi tệ hơn, lạm phát tăng vọt và thu nhập đình trệ đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng xã hội-kinh tế. Ngược với cam kết của chế độ đối với một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, các lợi ích của sự tăng trưởng trong các năm 1980 đã không đến với đa số nhân dân. Các vấn đề kinh tế đã làm xói mòn sự đoàn kết xã hội. Các chiến dịch tiêu dùng bình dân như “có Tám cái Lớn” (sở hữu một TV màu, một tủ lạnh, một xe máy, và các hàng hóa tiêu dùng dễ thấy) đã nhấn mạnh những sự cách biệt xã hội trong các năm của Đặng, ngược lại hoàn toàn với sự khắc khổ chung của chủ nghĩa xã hội Maoist. Tham nhũng giữa các quan chức đảng và các doanh nhân đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát, cụ thể tại các thành phố duyên hải và các đặc khu kinh tế, nơi sự móc ngoặc kinh doanh là đặc biệt rõ rệt. Việc tường thuật về tham nhũng ngày càng tràn lan đã khuếch đại sự chia rẽ giữa những kẻ-có và người không-có và làm xói mòn thêm tính chính danh mỏng manh của đảng.19
Nói cách khác, sự tăng trưởng kinh tế xuất sắc của Trung Quốc đã không có khả năng che giấu các xu hướng rắc rối trong nền kinh tế và xã hội và các cải cách khó khăn cần được thực hiện. Một mình sự tăng trưởng kinh tế tổng hợp đã không có khả năng làm dịu bớt và xoa dịu làn sóng triều dâng của những người biểu tình chống-chế độ. Khế ước kiến tạo-phát triển của chế độ—sự khăng khăng về sự ưng thuận chính trị giữa lời hứa phát triển kinh tế—đã bắt đầu sổ ra từng sợi vào giữa-các năm 1980, chỉ vài năm sau khi nó bắt đầu. Các trí thức, các sinh viên, các công nhân, và những người Trung quốc bình thường đã hướng sự thất vọng của họ tới ĐCSTQ. Áp lực chính trị lên chế độ đang tích tụ, thế mà không có bất kể van-xả áp lực nào trong hệ thống chính trị, tình hình dường như có khả năng bùng nổ.
Đà của các cuộc biểu tình tháng Mười Hai được chuyển sang tháng Giêng 1987 và cho thấy không dấu hiệu chậm lại nào. Chế độ đã hết chịu nổi và quyết định để chấm dứt sự nổi dậy. Phái cứng rắn đã kích động quanh một phản ứng độc đoán tàn nhẫn và đã dập tắt phong trào sinh viên. Đại học đã sa thải Giáo sư Fang Lizhi khỏi chức vụ của ông, và đảng đã khai trừ ông khỏi hàng ngũ của nó. Các nhà chức trách ĐCSTQ đã dọn sạch các sinh viên khỏi Quảng Trường Thiên An Môn và khỏi nơi khác khắp đất nước.
Sự đàn áp thẳng tay chống những người biểu tình trên đường phố đã không đủ. Các đảng viên cũng phải trả giá. Tháng đó, tổng bí thư đảng Hồ Diệu Bang bị buộc phải từ chức và sự lãnh đạo ĐCSTQ của ông. Danh tiếng của ông như một nhà cải cách tự do đã biến ông thành con dê tế thần cho những người cứng rắn của chế độ. Sự giáng chức công khai của Hồ cũng gửi đi một tín hiệu rõ ràng cho các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ rằng ĐCSTQ sẽ không khoan dung bất cứ đòi hỏi cải cách chính trị nào. ĐCSTQ sau đó đã bổ nhiệm Triệu Tử Dương làm người đứng đầu đảng. Sự liên kết quá khứ của Triệu với Hồ, tuy vậy, đã khiến ông trở thành một người bị đánh dấu, và sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi phái cứng rắn trong đảng cũng sẽ quay sang chống lại ông.
Năm tiếp, 1988, đã là năm rất khó khăn cho nền kinh tế Trung quốc. Tất cả các thách thức xuất hiện vài năm trước đã lên đỉnh điểm. Sản xuất ngũ cốc tiếp tục sụt do thời tiết và các vụ thu hoạch kém. Nhân dân đang đói. Thu nhập nông dân giảm sút vì giá nhà nước cho các sản phẩm chính đã giảm. Bất ổn lao động tăng lên, khi các công nhân đối mặt với mối đe dọa thất nghiệp và sự cắt giảm lương khắp các khu vực công nghiệp của Trung Quốc. Bất bình đẳng cũng tiếp tục tăng, và xã hội Trung quốc ngày càng bị phân tầng ngang các vùng, giữa các thành phố và nông thôn, và giữa các công nhân và tầng lớp chuyên nghiệp và trung lưu. Tỷ lệ lạm phát vút lên trên 20 phần trăm năm đó, mà, kết hợp với lương và thu nhập hộ gia đình nông thôn giảm sút, khiến đời sống khốn khổ cho hầu hết mọi người. Mùa hè đó, những người tiêu dùng tuyệt vọng tích trữ các mặt hàng thiết yếu, đẩy các áp lực lạm phát lên chi phí của các hàng thiết yếu. Về mặt quốc tế, các hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị giảm, dẫn đến thâm hụt thương mại. Dòng FDI chảy vào cũng không đạt chỉ tiêu năm đó.
Có lẽ dễ bùng nổ nhất cho chế độ là khi một báo cáo tiết lộ rằng 150.000 đảng viên bị điều tra và bị trừng trị vì tham nhũng trong 1987, và rằng 25.000 trong số họ đã được ân xá. Nếu các thách thức xã hội, kinh tế, và chính trị năm đó là nguyên nhân trực tiếp của cái đến trong 1989—hộp mồi lửa châm ngòi các cuộc biểu tình Thiên An môn—thì những sự tiết lộ công khai về tham nhũng tràn lan của đảng đã là ngòi châm nó nổ tung.
Thảm sát Thiên An Môn
Các sinh viên biểu tình huy động trong đầu 1989 để đòi cải cách chính trị. Phong trào được kích động khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Diệu Bang qua đời vào 15 tháng Tư. Các nhà hoạt động dân chủ tôn vinh Hồ như một nhà cải cách tự do—một hình ảnh tiến bộ mà, thật mỉa mai, đảng đã tăng cường khi nó biến ông thành dê tế thần vì sự nổi dậy sinh viên 1987—và cái chết của ông đã huy động các sinh viên biểu tình khắp Trung Quốc. Đảng đã gián tiếp tạo ra một người tử vì dân chủ. Các sinh viên đã tập hợp ở Quảng Trường Thiên An Môn để tang Hồ và đòi chế độ bắt đầu cải cách chính trị.20
Suốt mùa xuân 1989, các sinh viên đã phản kháng ôn hòa trên quảng trường. Họ yêu cầu hỏi ý kiến các nhà lãnh đạo đảng cấp cao, dù cho chế độ phần lớn đã bỏ qua các yêu cầu của họ. Đôi khi các nhà lãnh đạo sinh viên đã gặp các quan chức ĐCSTQ, họ và các đòi hỏi của họ bị bác bỏ ngay tức khắc. Trong tháng Năm, các sinh viên bắt đầu tuyệt thực, tạo ra sự đồng cảm và sự ủng hộ hơn khắp đất nước. Tổng Bí thư Triệu Tử Dương đã ra quảng trường để mang một thông điệp đồng cảm cho các sinh viên. Ông đã cầu xin họ chấm dứt sự phản kháng của họ và đi về nhà. Các đồng chí của Triệu trong ĐCSTQ xem lời đề nghị của ông như một sự phản bội lại đảng và lập trường ngày càng cứng rắn của nó về cải cách chính trị. Mặc dù ông là một trong những nhà lãnh đạo của đảng đã táo bạo đặt Trung Quốc lên con đường phát triển của nó, ĐCSTQ đã tranh trừng ông và đặt ông dưới sự quản thúc tại gia vào cuối tháng Năm.
Sự suy vong của Hồ và Triệu đã tiết lộ không chỉ sự mau lẹ tàn bạo của ĐCSTQ mà cả việc đảng cầm quyền đã thiếu các định chế chính thức để quản lý và hòa giải các xung đột chính trị nội bộ đến thế nào. Bất chấp mục tiêu của Đặng để củng cố đảng cầm quyền ngay sau Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ đã tiếp tục cai trị và quản trị chủ yếu qua các cơ chế phi chính thức. Sự không chắc chắn, ngược với các thực hành chính thức được thường nhật hóa, cho biết các quan chức đảng đã thao túng và huy động sự ủng hộ như thế nào bên trong ĐCSTQ. Các cố gắng của Đặng để thể chế hóa một phong cách tập thể, xây dựng-đồng thuận hơn của việc ra quyết định đã tan vỡ khi đảng trải qua các cuộc khủng hoảng. Đáng chú ý, mặc dù nó đã nắm quyền trong gần bốn mươi năm, ĐCSTQ thiếu một quy trình chính thức cho sự kế vị lãnh đạo. Vào các năm 1980, bản thân Đặng đã không có bất cứ chức vụ lãnh đạo chính thức nào trong đảng hay chính phủ, mặc dù ông thực hiện một lượng to lớn quyền lực chính trị trong vai trò không chính thức của ông như lãnh tụ tối cao.
Sự thiếu tính kiên cường tổ chức của ĐCSTQ đã có hậu quả, vì đảng bị chia rẽ sâu sắc trong khủng hoảng 1989. Ranh giới giữa phái cải cách tự do và phái cứng rắn bắt đầu cứng lại trong 1987, khi đảng về mặt chính trị biến Hồ thành dê tế thần. Vào mùa xuân 1989, sự chia rẽ nội bộ đảng rõ rệt và không thể hòa giải đến mức khi ĐCSTQ đối mặt một thách thức chính trị tăng lên, nó đã quy trở lại cách cũ của nó để quản lý xung đột nội bộ bằng việc thanh trừng và trục xuất người của chính nó. Nó không có khả năng để thống nhất, và thay vào đó phơi bày công khai những rạn nứt của nó bằng việc công khai hy sinh các nhà lãnh đạo nổi tiếng bị thất sủng. Các ghi chép từ các cuộc họp nội bộ đảng sau sự đàn áp Thiên An môn cho thấy rằng các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đổ lỗi sự không thống nhất bên trong ban lãnh đạo đảng cho “sự nổi loạn” 1989, và rằng sự chia rẽ sâu sắc bên trong phản ánh sự yếu của ĐCSTQ. Thậm chí bản thân ĐCSTQ thừa nhận nó đã không là một đảng cố kết.21
Vào giữa-tháng Năm, được ước lượng một triệu người biểu tình đã tập hợp trong và quanh Quảng Trường Thiên An Môn. Phong trào lan ra khắp cả nước, huy động các sinh viên, các công nhân, và các công dân Trung quốc bình thường ủng hộ các sinh viên. Những người biểu tình đã công khai và trâng tráo đòi Đặng từ chức và rút lui như lãnh tụ của Trung Quốc. Bên trong ĐCSTQ, những người cứng rắn được Thủ tướng Lí Bằng lãnh đạo đã tập hợp để dứt khoát chấm dứt các cuộc biểu tình Thiên An môn bằng vũ lực. Khoảng cách giữa hai phái đã lớn và không thể hòa giải đến mức “sự mâu thuẫn” và xung đột giữa họ đã là cuộc tranh đua “tất cả-hay-không gì cả”.22 Sự thỏa hiệp, vào thời điểm này, đã là không thể. Những người cứng rắn đã thắng cuộc chiến nội bộ đảng khi Đặng ủng hộ kế hoạch của Lí để đàn áp. Chế độ thiết quân luật vào 20 tháng Năm và binh lính PLA mau chóng bao vây quảng trường.
Bất chấp sự phô trương vũ lực có thể gây chết người của quân đội, binh lính ban đầu đã không thể giải tán những người biểu tình. Trong tuần tiếp hay khoảng thế, sự hỗn loạn và sự mất trật từ đổ xuống đường phố Bắc Kinh, báo hiệu sự bất ổn định hơn cho chế độ, cái gì đó ĐCSTQ vô cùng sợ. Vào đầu tháng Sáu, áp lực từ thế bế tắc giữa binh lính PLA và những người biểu tình đã không thể giữ được. Các quan chức nước ngoài theo dõi cảnh diễn ra ở Bắc Kinh đã lo chế độ ĐCSTQ có ít sự lựa chọn còn lại. Đảng cầm quyền đã đi đến cùng kết luận. Thật bi thảm, vào đêm 3 tháng Sáu và đến sáng 4 tháng Sáu, ĐCSTQ đã ra lệnh cho binh lính PLA tiến vào quảng trường và xả súng vào những sinh viên biểu tình, mang lại một cơn khủng hoảng bi thảm mà lịch sử sẽ được biết như vụ Thảm sát Thiên An Môn.
Chống lại Dân chủ
Chế độ ĐCSTQ không sụp đổ trong mùa hè 1989, nó cũng đã chẳng chịu theo các đòi hỏi của những người biểu tình Thiên An Môn để lãnh đạo Trung Quốc trong một chuyển đổi sang nền dân chủ. Một diễn giải các sự kiện 1989 là việc đảng cầm quyền kháng cự dân chủ đã là một sự hoạt động của tính kiên cường và sức mạnh chế độ. Diễn đạt theo cách khác, bất chấp ĐCSTQ bị sốc về mặt chính trị, nó đã không đủ yếu để bị lật đổ bởi những người biểu tình ủng hộ dân chủ, chế độ cầm quyền cũng đã chẳng mất lòng dân đến mức nó tự sụp đổ dưới trọng lượng của tính bất chính danh hay bị chia rẽ đến mức sụp đổ qua làn sóng đào ngũ nội bộ.
Khẳng định rằng ĐCSTQ đã không đủ yếu để chuyển đổi dân chủ cho biết quan điểm chi phối hay hiểu biết thông thường xung quanh các triển vọng dân chủ ở Trung Quốc: rằng cải cách dân chủ sẽ xảy ra khi chế độ yếu đến mức nó không thể sống sót. Nền dân chủ, trong kịch bản này, nổi lên từ đống tro tàn của chế độ ĐCSTQ đã sụp đổ. Sự sụp đổ-với-triển vọng dân chủ đã vẫn là quan điểm chi phối giữa các nhà quan sát Trung Quốc ở Trung Quốc và phần còn lại của thế giới kể từ đó.
Theo logic này, một số người cho rằng bởi vì chế độ ĐCSTQ đã không sụp đổ trong mùa hè 1989, và cho thấy thậm chí ít dấu hiệu hơn về sự đang yếu đi và suy sụp khi đất nước trở nên giàu hơn, phát triển hơn, và hùng mạnh hơn, cho nên việc kỳ vọng dân chủ đến Trung Quốc là trò chơi của một kẻ ngu ngốc. Chế độ thậm chí còn ít có khả năng sụp đổ ngày nay bởi vì nó mạnh hơn. Những người biện hộ cho chế độ độc đoán cho rằng Trung Quốc và ĐCSTQ không cần dân chủ hóa, vì “mô hình Trung quốc” kiên cường cung cấp một con đường thay thế, và một số người có thể cho là con đường ưu việt, tới tính hiện đại. Dân chủ, họ khăng khăng, không phải là một đặc tính xác định sự hiện đại hóa chính trị của một nước.23 Trong khi đó, những người có hy vọng dân chủ săn tìm những sự rạn nứt trong quyền lực của đảng cầm quyền và các dấu hiệu về chế độ sắp sụp đổ.24 Theo cả hai cách, Trung Quốc sẽ dân chủ hóa chỉ khi đảng cầm quyền là yếu.
Trong lý thuyết của chúng tôi, mà rút ra các bài học cho Trung Quốc từ Đông Á hơn là từ Đông Âu, Trung Quốc chắc có khả năng hơn để dân chủ hóa khi—và một phần bởi vì—đảng cầm quyền là mạnh. Hiển nhiên, chế độ độc đoán của Trung Quốc đã không sụp đổ trong tháng Sáu 1989, những người biểu tình Thiên An Môn cũng đã chẳng lật đổ chính phủ. Nhưng sụp đổ không phải là cách duy nhất mà nền dân chủ nảy sinh; những sự nhượng bộ độc đoán cũng là có thể. Và chúng tôi cho rằng vào 1989, ĐCSTQ đã không đủ mạnh để thừa nhận dân chủ với sự tự tin, và điều này giúp giải thích vì sao chế độ chọn để né tránh một con đường dân chủ khi đó.
Đảng, trong khi đó đủ mạnh để đàn áp dữ dội những người biểu tình Thiên An Môn trong 1989, đã yếu về mặt tổ chức, đã không thể chế hóa các cơ chế để dàn hòa chính trị đảng và giảm nhẹ xung đột nội bộ. Hơn nữa, nhà nước quan liêu đã thiếu năng lực tài khóa và hành chính để thực hiện các cải cách xã hội, kinh tế, và hành chính khó khăn. ĐCSTQ đã thiếu các sức mạnh có trước đó và như thế thiếu sự tự tin để thừa nhận dân chủ. Nó đã trông không giống các chế độ kiến tạo-phát triển độc đoán ở Đài Loan, Hàn Quốc, và Nhật Bản, mà đã chọn thừa nhận dân chủ qua sức mạnh.
ĐCSTQ đã không được lòng dân lúc đó, thiếu sự tự tin chiến thắng mà khuyến khích các chế độ mạnh để thừa nhận cải cách chính trị. Sự thực rằng các sự kiện mùa xuân và mùa hè 1989 đã xảy ra không lâu sau khi Trung Quốc và đảng cầm quyền nổi lên từ sự tàn phá của Cách mạng Văn hóa và các hậu quả tai hại của Đại Nhảy Vọt có nghĩa là chế độ ĐCSTQ ở trong các giai đoạn đầu của việc xây dựng sự đáng tin và tính chính danh chính trị của nó. ĐCSTQ trong 1989 vẫn chưa có một “quá khứ có thể sử dụng được” mạnh, một hồ sơ thành tích phát triển mà nó có thể dựa vào để hướng dẫn sự phát triển của Trung Quốc một cách ổn định; có lẽ, sự gần của các năm thời Mao đã chất gánh nặng lên vai đảng với một “quá khứ không thể sử dụng được.” ĐCSTQ một cách dễ hiểu đã sợ sự hỗn loạn và sự xâu xé, và đã thiếu sự tự tin ổn định rằng đất nước và đảng có thể quản lý khủng hoảng chính trị hỗn độn của nó mà không sẵn sàng nhờ vả đến một bộ đầy đủ của những sự kiểm soát đàn áp.
So với QDĐ và các đảng bao quát thống trị khác ở Đông Á kiến tạo-phát triển, ĐCSTQ đã thiếu năng lực tổ chức và sự hấp dẫn chính trị.25 Mặc dù các chế độ QDĐ Đài loan và DJP Hàn quốc đã đối mặt với các áp lực dân chúng từ dưới, đặc biệt ở Hàn Quốc, chẳng trong kịch bản nào đối lập đã gây mất ổn định như các làn sóng biểu tình nổ ra kế tiếp nhau ở Trung Quốc suốt các năm 1980. Thật đáng nhớ lại rằng ở Nhật Bản sau chiến tranh và ở Đài Loan và Hàn Quốc trong cuối các năm 1980, chuyển đổi dân chủ đã xảy ra trong các giai đoạn tăng trưởng kinh tế và ổn định, hơn là khủng hoảng. Nửa sau của các năm 1980 đã là bất cứ thứ gì trừ ổn định ở Trung Quốc.
Lý thuyết của chúng tôi về dân chủ qua sức mạnh kỳ vọng rằng các đảng cầm quyền mạnh hơn chắc có khả năng nhất để thừa nhận dân chủ và thúc đẩy một sự chuyển đổi ổn định khi chúng vượt quá đỉnh điểm quyền lực của chúng chỉ một chút. QDĐ ở Đài Loan đã là mạnh nhất trong các trường hợp xác nhận được khảo sát trong cuốn sách này cho đến giờ, trong khi DJP của Hàn Quốc đã yếu nhất. Nhưng trong cả hai trường hợp, cùng với các chính trị gia bảo thủ ở Nhật Bản, các chế độ đương nhiệm tuy nhiên đã đủ mạnh để thừa nhận dân chủ với sự tự tin. ĐCSTQ trong 1989, tuy vậy, đã là yếu nhất trong số chúng.
Nhìn về phía trước, chúng ta cũng có thể kết luận rằng ĐCSTQ trong 1989 đã vẫn chưa ở đâu gần với cái sẽ trở thành đỉnh điểm quyền lực của nó trong thời kỳ cải cách. Đảng đã chẳng là một quyền lực chính trị đang tàn đi, một chế độ độc đoán lao nhanh qua cái chúng tôi gọi là vùng buồn vui lẫn lộn. Đúng hơn, ĐCSTQ trong 1989 đã là một đảng đang lên, và một đảng cần tạo một khoảng cách xa hơn giữa thành tích kiến tạo-phát triển của nó và sự tàn phá của thập niên trước, để tích tụ nhiều sức mạnh tổ chức và thể chế hơn, tiếp tục lãnh đạo sự phát triển của Trung Quốc và tạo ra một quá khứ có thể sử dụng được có sức thuyết phục hơn, và đặt đảng cầm quyền vào một vị thế nơi dân chủ qua sức mạnh thậm chí là một lựa chọn hợp lý. Khi ĐCSTQ sẽ trở nên mạnh hơn nhiều sau 1989, chúng ta có thể nghĩ về phần kết Thiên An Môn bi thảm không như một sự kết thúc của đường cho cuộc đấu tranh dân chủ hóa của Trung Quốc, mà như một phần mở đầu cho giai đoạn phát triển chính trị và kinh tế tiếp của Trung Quốc.
7. Chủ nghĩa quân phiệt Kiến tạo-Phát triển
CÁC LỐI RA CÓ THỂ ĐẢO NGƯỢC
CÁC TRƯỜNG HỢP TRONG cụm nhà nước chủ nghĩa kiến tạo-phát triển được giới thiệu trong các chương 3–5 đã là bất thường về sức mạnh độc đoán lịch sử của chúng, mà đã cho phép chúng khởi xướng và thực hiện những con đường dân chủ hóa tương đối suôn sẻ. Tuy vậy, sự thực là ít chế độ độc đoán đã từng xây dựng các sức mạnh ấn tượng như vậy, về mặt hoặc các định chế của chúng hay các thành tích kinh tế của chúng, ngay cả trong châu Á kiến tạo-phát triển. Đấy là bài học trung tâm của chương 6, nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thiếu “quá khứ có thể sử dụng được” cần thiết để ủng hộ sự thừa nhận dân chủ trong các cuộc biểu tình Quảng Trường Thiên An Môn 1989. Khi bây giờ chúng ta chuyển vào cụm quân phiệt chủ nghĩa kiến tạo-phát triển của chúng ta—Indonesia, Thái Lan, và Myanmar—chúng ta bắt gặp các trường hợp thêm với các sức mạnh thể chế và “quá khứ có thể sử dụng được” cấp trung hơn là hết sức ấn tượng.
Tuy nhiên, bất chấp các sự yếu kém độc đoán tương đối này, ba chế độ quân phiệt về mặt lịch sử của Đông Nam Á đã đều theo đuổi dân chủ qua sức mạnh, lúc này hay lúc khác, theo một cách giống với cái chúng ta đã thấy ở Nhật Bản, Đài Loan, và Hàn Quốc. Tại Thái Lan trong các năm 1980, Indonesia trong cuối các năm 1990, và Myanmar trong đầu các năm 2010, các chế độ quân sự đã giảm sự đàn áp một cách đáng kể, đã mở không gian chính trị, và đã cho phép các cuộc bầu cử cạnh tranh như một cách chia sẻ quyền lực với các chính trị gia dân sự. Quá trình này có khuynh hướng diễn ra vào những thời khắc khi các quân đội tương đối tự tin rằng sự ổn định chính trị có thể được duy trì hay được cải thiện bằng việc tăng sự cạnh tranh bầu cử, không phải bằng việc dập tắt nó.
Liệu thử nghiệm có thể đảo ngược này thực sự lên đến tột độ trong sự biến đổi dân chủ và sự sống sót dài hạn của chế độ đương nhiệm chủ yếu phụ thuộc vào liệu sự tự tin ổn định của quân đội có được thỏa mãn hay không. Điều này, đến lượt, chủ yếu phụ thuộc vào các di sản thay đổi của sự phát triển thể chế dưới sự cai trị quân sự. Indonesia có được thành công dân chủ hơn cả Myanmar và Thái Lan kể từ sự chuyển giao thiên niên kỷ bởi vì sức mạnh được thừa kế của đảng và các định chế nhà nước được xây dựng dưới Trật tự Độc đoán Mới của Suharto trong thiên niên kỷ trước. Myanmar và Thái Lan, mặt khác, đã thiếu một cách kinh niên các đảng mạnh và bình dân để đại diện các elite cũ đồng tình với các lợi ích quân sự và đã bị các cuộc nổi dậy khu vực đe dọa sự ổn định quốc gia bao vây dai dẳng hơn. Chúng như thế đã trải qua những lối ra gập ghềnh hơn, chưa hoàn thành hơn, và cuối cùng dễ bị đảo ngược hơn khỏi sự cai trị quân sự so với Indonesia.
Từ một góc nhìn, ba trường hợp quân phiệt chủ nghĩa kiến tạo-phát triển của chúng ta đơn giản là các phiên bản yếu hơn của cái chúng ta đã gặp trong ba trường hợp trong cụm nhà nước chủ nghĩa kiến tạo-phát triển. Tuy nhiên mục đích và kết quả của phân tích cụm của chúng tôi nằm trong việc soi sáng các trường hợp trong các cụm khác nhau cũng là những kiểu khác nhau của các nền kinh tế chính trị và các chế độ độc đoán. Các trường hợp quân phiệt chủ nghĩa kiến tạo-phát triển về mặt chất lượng là khác với các trường hợp nhà nước chủ nghĩa kiến tạo-phát triển theo ít nhất bốn cách quan trọng. Điều này đòi hỏi một loại chuyện kể khác với loại được đưa ra trong các trường hợp dân chủ-qua-sức mạnh mẫu mực nhất của chúng ta.
Thứ nhất, trong chương này, phân tích của chúng tôi tập trung vào sự tự tin ổn định hơn sự tự tin chiến thắng. Không giống các đảng cầm quyền, các quân đội cầm quyền không cần thắng các cuộc bầu cử để bảo vệ các đặc ân và các đặc quyền của chúng. Ngay cả khi chúng không rất tự tin rằng việc đưa các cuộc bầu cử dân chủ vào sẽ mang lại thắng lợi cho các đảng ủng hộ-quân đội nhất, các nhà lãnh đạo quân sự tuy nhiên có thể ủng hộ dân chủ hóa nếu họ tự tin rằng sự ổn định sẽ không bị tổn thương trong sự chuyển đổi chính trị. Sự ổn định gồm sự phát triển kinh tế tiếp tục, các cơ hội tham nhũng không bị gián đoạn, quyền miễn trừ được bảo đảm khỏi bị truy tố vì các sự vi phạm các quyền con người quá khứ, xung đột có thể quản lý được với các đối thủ của quân đội, và hòa bình tương đối với các vùng nổi loạn về mặt lịch sử. Trong cả ba trường hợp quân phiệt chủ nghĩa, các thử nghiệm dân chủ phòng ngừa ban đầu ít nhất đã dựa nhiều vào sự tự tin của quân đội trong các lĩnh vực này hơn là vào những kỳ vọng về các kết quả tích cực trong các cuộc bầu cử dân chủ toàn quốc. Sự tự tin chiến thắng vẫn quan trọng, nhưng sự tự tin ổn định là tối cao khi nói đến thế giới quân phiệt chủ nghĩa kiến tạo-phát triển.1
Thứ hai, hơn trong bất kể cụm nào khác, sự tự tin ổn định này tập trung vào tính có thể quản lý được của các cuộc nổi dậy khu vực và ly khai trên ngoại vi lãnh thổ. Trong tất cả ba trường hợp quân phiệt chủ nghĩa, các mối đe dọa vũ trang và được tổ chức đối với trung tâm chính trị hoặc đã vắng mặt (như ở Thái Lan) hay đã bị đánh bại (ở Indonesia và Myanmar) trong quá trình ban đầu của sự củng cố độc đoán. Không thể nói cùng thế cho các mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, đang cháy âm ỉ trong ngoại vi quốc gia. Hãy nhớ lại rằng một lý do chính cho sự tự tin ổn định ở Nhật Bản, Đài Loan, và Hàn Quốc là mối đe dọa cộng sản đã chủ yếu là bên ngoài hơn là bên trong. Mặc dù mối đe dọa nội bộ đã không vắng mặt ở Indonesia, Thái Lan, và Myanmar, nó đã trở nên có thể quản lý được trong tất cả ba trường hợp trong tiến trình Chiến tranh Lạnh. Mối đe dọa cộng sản teo đi đã là một nguồn chính của sự tự tin ổn định khắp cụm quân phiệt chủ nghĩa. Các mối đe dọa ly khai nói chung hiện ra lớn hơn nhiều và gây ra một mối đe dọa nhất quán đối với sự củng cố dân chủ mà đã vắng bóng trong cụm nhà nước chủ nghĩa kiến tạo-phát triển.
Thứ ba, dân chủ hóa qua sức mạnh cũng đã dẫn đến những kết cục khác về chất lượng trong cụm quân phiệt chủ nghĩa với các kết cục trong cụm nhà nước chủ nghĩa. Trong khi dân chủ hóa đã thấy các nhà lãnh đạo dân sự chuyển từ sức mạnh đến sức mạnh ở Nhật Bản, Đài Loan, và thậm chí ở Hàn Quốc nửa-quân phiệt hóa, các thử nghiệm dân chủ đã mở ra một thời đại của cái chúng tôi gọi là sự sống chung dân sự-quân sự ở Indonesia, Myanmar, và Thái Lan. Với dân chủ hóa vào những thời khắc sức mạnh tương đối, các nhà lãnh đạo quân sự có thể đóng một vai trò dẫn dắt trong việc thiết kế các quy tắc trò chơi dân chủ, kể cả sự bảo tồn các đặc quyền quân sự đáng kể bên cạnh các ban lãnh đạo dân sự mới được bàu một cách dân chủ.2
Chúng tôi nhắc đến những dàn xếp này như sự sống chung bởi vì dân chủ hóa không có nghĩa là lớp véc ni phi quân sự hóa cũng chẳng là một vai trò người giám thị cho quân đội; thay vào đó, nó có nghĩa nhiều hơn về một mối quan hệ ngang hàng giữa các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự như những người tương đối ngang hàng, với mỗi bên có được phạm vị hoạt động chính trị khá lớn của riêng nó. Sự thực rằng các nhà lãnh đạo quân sự có thể vẫn đứng bên cạnh các nhà dân sự được bàu một cách dân chủ trong sự chỉ định các ghế quốc hội, ít nhất trong những ngày đầu của các thử nghiệm dân chủ trong tất cả ba trường hợp, đã đóng góp cho sự tự tin ổn định rất cơ bản cho dân chủ qua sức mạnh. Như chúng ta đã thấy trong chương 3, thời đại dân chủ-Taisho trong các năm 1920 ở Nhật Bản đã giống sự sống chung như vậy, chứng minh những dàn xếp sống chung dân chủ như vậy rốt cuộc là mong manh và, như chúng ta đã thấy ở Nhật Bản trong các năm 1930, có thể đảo ngược đến thế nào.
Thứ tư, dân chủ hóa đã có nghĩa là kết cục khác nhau đáng kể cho kinh tế chính trị của cụm quân phiệt chủ nghĩa. Mặc dù tham nhũng đã và vẫn là một vấn đề trong cả ba trường hợp nhà nước chủ nghĩa kiến tạo-phát triển, nó không phải là động lực cốt lõi làm cho các nền kinh tế của chúng hoạt động. Nhật Bản, Đài Loan, và Hàn Quốc tất cả đều là các nước nghèo-tài nguyên nơi chủ nghĩa dân tộc-kỹ trị và sự chế tác hết sức hiệu quả đã lót “các con đường từ ngoại vi” tương tự của chúng3 Ngược lại, Indonesia, Myanmar, và Thái Lan đều là các nước giàu-tài nguyên, hết sức phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để chuyển từ địa vị thu nhập-thấp tới địa vị thu nhập-trung bình trong các thập niên gần đây.
Kết quả cuối cùng là các cơ hội tham nhũng tràn lan cho các sĩ quan quân đội, cả khi họ nắm quyền và khi họ đã đứng cạnh các nhà lãnh đạo dân chủ dân sự trong những dàn xếp sống chung. Vì thế, tính liên tục được kỳ vọng về các cơ hội cho tham nhũng lớn đã củng cố các thử nghiệm dân chủ phòng ngừa trong cụm quân phiệt chủ nghĩa. Các quân đội trong cụm Á châu kiến tạo-phát triển này như thế là cái Barrington Moore, lặp lại Karl Marx và Friedrich Engels, một thời đã lập luận rằng giai cấp tư sản cuối cùng phải bảo vệ sự giàu có của nó—trao đổi quyền để cai trị lấy quyền để kiếm tiền.4
https://vandoanviet.blogspot.com/2024/12/tu-phat-trien-en-dan-chu-su-bien-oi-cua_01504939122.html
Không có nhận xét nào