BBC News
14/12/2024
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội tổng thống Yoon Suk Yeol, với 204 nhà lập pháp ủng hộ động thái này hôm 14/12.
Điều đó có nghĩa là ông Yoon sẽ ngay lập tức bị đình chỉ chức vụ và thủ tướng sẽ trở thành quyền tổng thống.
Ngay khi kết quả được công bố, tiếng reo hò vang lên từ Đảng Dân chủ, trong khi các thành viên của đảng cầm quyền lặng lẽ rời khỏi phòng họp.
Trong quá trình kiểm phiếu, một số nhà lập pháp của đảng cầm quyền được mô tả là đang chắp tay cầu nguyện.
Tất cả 300 nghị sĩ quốc hội đã tham gia, và kết quả có 204 phiếu thuận, 85 phiếu chống, ba phiếu trắng và bốn phiếu không hợp lệ.
Đề nghị luận tội đã chính thức được thông qua.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Tuy nhiên, động thái Quốc hội bỏ phiếu đồng ý luận tội không nhất thiết đảm bảo cho việc ông Yoon sẽ bị cách chức vĩnh viễn.
Toàn bộ quá trình luận tội có thể mất nhiều tuần do vẫn phải chờ Tòa án Hiến pháp ra phán quyết. Nếu sáu trong chín thành viên của tòa bỏ phiếu duy trì luận tội, thì khi đó tổng thống mới bị cách chức.
Trong trường hợp này, cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo sẽ được triệu tập trong vòng 60 ngày kể từ phán quyết.
Nguồn hình ảnh, BBC/Richard Kim
Trước đó, hàng ngàn người biểu tình đã bắt đầu tụ tập trước Quốc hội Hàn Quốc, nơi cuộc bỏ phiếu luận tội dự kiến diễn ra vào chiều nay.
Không khí rất yên bình, mọi người phát báo và túi chườm nóng miễn phí cho những người tham dự - điều rất cần thiết ở Seoul khi nhiệt độ dự kiến sẽ xuống mức thấp là -4C.
Nhưng đó không phải là cuộc biểu tình duy nhất.
Đáng chú ý là một cuộc biểu tình quy mô lớn khác cũng diễn ra ở Gwanghwamun, quảng trường chính của Seoul và họ ủng hộ ông Yoon.
Họ yêu sách bãi bỏ cuộc bỏ phiếu luận tội, đồng thời yêu cầu bắt giữ lãnh đạo đối lập Lee Jae Myung.
Người biểu tình này cầm những tấm biển ghi: "Phản đối luận tội... hãy bắt giữ Lee Jae-myung".
Ông Lee, người đứng đầu Đảng Dân chủ đối lập, đã thúc đẩy việc luận tội ông Yoon.
Nhưng bản thân ông đang vướng vào nhiều thách thức pháp lý sau khi bị truy tố về các tội danh hình sự.
Những người ủng hộ ông Yoon cũng vẫy cờ Mỹ vì họ ủng hộ Hoa Kỳ trong khi cho rằng phe đối lập có thiện cảm với Triều Tiên.
Tuy nhiên, khi đề nghị luận tội được quốc hội thông qua, đám đông biểu tình này trở nên im ắng.
Các diễn biến chính trước đó
Chụp lại video, Hàn Quốc: Thiết quân luật, tại sao và hậu quả như thế nào?
Hôm 12/12, trong bài phát biểu đầy bất ngờ trên truyền hình, ông Yoon Suk-yeol khẳng định nỗ lực của ông là một quyết định hợp pháp nhằm "ngăn chặn sự sụp đổ" của nền dân chủ và chống lại "quốc hội độc tài" của phe đối lập.
Mặc dù có nhiều lời kêu gọi luận tội tổng thống cũng như yêu cầu từ chức, ông Yoon nói rằng mình sẽ không rời bỏ vị trí.
Ông Yoon cũng nhắc lại nhiều luận điểm tương tự mà ông đã sử dụng vào đêm ban bố thiết quân luật: phe đối lập rất nguy hiểm và bằng cách nắm quyền kiểm soát, ông tìm cách bảo vệ công chúng cũng như bảo vệ nền dân chủ.
Tuy nhiên, ông Yoon cũng nói thêm rằng mình sẽ không trốn tránh "trách nhiệm pháp lý cũng như chính trị".
"Tôi vẫn sẽ kiên định dù bị luận tội hay điều tra. Tôi sẽ chiến đấu đến cùng," ông nói.
Hôm 11/12, cảnh sát Hàn Quốc đã đột kích văn phòng tổng thống để điều tra theo sau vụ việc Tổng thống Yoon Suk-yeol ban bố thiết quân luật vào tuần trước.
Cựu bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, người chịu trách nhiệm về thiết quân luật, đã tìm cách tự tử khi bị giam giữ, theo lời một quan chức Bộ Tư pháp nói với Quốc hội.
Ông Kim Yong-hyun cố tự sát vào đêm 10/12 nhưng đã từ bỏ ý định sau khi bị phát hiện. Bộ Tư pháp cho biết ông "hiện không có vấn đề nào về sức khỏe". Cựu Bộ trưởng Kim được cho là đã đề xuất quyết định ban bố thiết quân luật với tổng thống.
Tổng thống Yoon đã xin lỗi về hành động của mình nhưng không từ chức theo yêu cầu từ chính giới và dân chúng.
Theo hãng tin Yonhap, ông Yoon không có mặt tại văn phòng khi cuộc đột kích diễn ra.
Ngoài văn phòng tổng thống, cảnh sát Hàn Quốc cũng đã đột kích vào các văn phòng của Cảnh sát Thủ đô Seoul và Cảnh sát Bảo vệ Quốc hội.
Hôm 9/12: Công tố viên trưởng của Cơ quan Điều tra tham nhũng Hàn Quốc đã ra lệnh cấm xuất cảnh đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol khi ông này hiện đang bị điều tra về việc ban bố thiết quân luật gây chấn động vào tuần trước.
Một số quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Yoon cũng chịu lệnh cấm tương tự.
Hôm 7/12: Ông Yoon Suk-yeol xin lỗi về việc ban bố thiết quân luật vào đầu tuần và cho biết chuyện này sẽ không lặp lại.
Bên cạnh đó, một nỗ lực luận tội tổng thống đã thất bại, sau khi phần lớn thành viên trong chính đảng cầm quyền từ chối bỏ phiếu chống lại ông Yoon. Kết quả là Đảng Dân chủ đối lập đã không thể có đủ 200 phiếu bầu để đưa ông Yoon ra luận tội chính thức.
Đêm 3/12: Ông Yoon bất ngờ tuyên bố thiết quân luật. Ông Yoon giải thích rằng lệnh thiết quân luật được áp dụng để chống các phần tử cộng sản Triều Tiên đang phá hoại đất nước.
Tuy nhiên, các nhà phân tích và giới chính trị gia ngay lập tức chỉ ra rằng lệnh thiết quân luật mà ông ban hành là nhằm chống lại các áp lực chính trị trong nước.
Trong nhiều tháng qua, vị tổng thống sinh năm 1960 này đã vấp phải nhiều sự chỉ trích và các rắc rối liên quan tới cáo buộc tham nhũng nhằm vào vợ ông. Nhiều quan chức trong chính quyền của ông cũng bị đề nghị luận tội với cáo buộc đã không điều tra chuyện quà cáp và thao túng cổ phiếu của đệ nhất phu nhân.
Ông Yoon đã là một tổng thống "vịt què", tức không còn nhiều quyền lực, kể từ khi phe đối lập giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Tư. Chính phủ của ông đã không thể thông qua các dự luật họ muốn khiến cho ông, thay vào đó, đã phải phủ quyết các dự luật mà phe đối lập đề xuất.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Ông Lee Jae-myung, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập
Theo Chủ tịch quốc hội Woo Won-shik, quyền hạn và nhiệm vụ của tổng thống Yoon sẽ bị đình chỉ sau khi bản nghị quyết luận tội được chuyển đến ông và Tòa án Hiến pháp.
Thủ tướng Han Duck-soo sẽ đảm nhiệm vai trò quyền tổng thống.
Ngay cả sau khi quyền hạn của ông bị đình chỉ, ông Yoon vẫn sẽ tại vị cho đến khi Tòa án Hiến pháp quyết định liệu họ có duy trì việc luận tội ông hay không.
Động thái thông qua đề nghị luận tội "không phải là hồi kết cho tình hình chính trị bất ổn ở Hàn Quốc," Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, cho biết.
"Đây thậm chí còn chưa phải là khởi đầu cho hồi kết, mà cuối cùng sẽ liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống mới," ông nhận định.
Tòa án hiến pháp sẽ có tới 180 ngày để ra phán quyết liệu Tổng thống Yoon sẽ bị luận tội hay phục chức. Nếu tòa ra phán quyết luận tội, một cuộc bầu cử cho tổng thống tiếp theo phải được triệu tập trong vòng 60 ngày kể từ phán quyết.
Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung, người đã thua sít sao trước ông Yoon vào năm 2022, được cho là sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử để thay thế ông. Nhưng Giáo sư Easley lưu ý rằng ông Lee cũng đang gặp nguy hiểm về mặt pháp lý.
Ông Lee có một bản án đang kháng cáo và một số phán quyết khác đang chờ xử lý - điều có thể khiến ông không đủ tư cách giữ chức vụ cao nhất.
"Vì vậy, trước cuộc đua cuối cùng trong cuộc bỏ phiếu, sẽ có một cuộc đua tại tòa án," ông Leif-Eric Easley cho biết.
'Không còn là tổng thống của tôi nữa'
Trong những ngày qua, hàng trăm ngàn người dân Hàn Quốc đã biểu tình đòi Tổng thống Yoon Suk-yeol từ chức và kêu gọi luận tội ông.
Bà Yang Soon-sil, 50 tuổi, là chủ một cửa hàng hải sản tại chợ Namdaemun ở thủ đô Seoul,
Bà nói với BBC rằng bản thân đã cảm thấy sợ hãi và không tin nổi chuyện tổng thống ban bố thiết quân luật.
"Tôi đã đánh mất hoàn toàn niềm tin vào ông ta [Yoon] với tư cách là một vị tổng thống, tôi không nghĩ ông ta còn là tổng thống của tôi nữa," bà nói.
"Chúng tôi cần phải chiến đấu đến cùng, chúng tôi không thể để ông ta giữ cái ghế tổng thống của mình."
Cũng tại đây, Han Jung-mo, một người dân đi chợ, nói với BBC rằng lời xin lỗi của ông Yoon là chưa đủ.
"Ông ta phải tự nguyện từ chức hoặc bị luận tội nếu ông ta không sẵn sàng rời ghế," ông chia sẻ và nói thêm rằng Tổng thống Yoon đã đánh mất niềm tin của người dân.
"Nếu ông ta tiếp tục bám lấy chiếc ghế tổng thống, thì đây sẽ là một tình huống rất vô vọng cho ông ta, vì tôi cho rằng đối với ông tổng thống này, chuyện ban bố thiết quân luật này không phải là hành vi sai trái duy nhất mà ông ta đã phạm phải."
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4gp6w7x6xwo
Không có nhận xét nào