Từ bỏ cuộc chiến chống các nhà kỹ trị của người tiền nhiệm, ông Tô Lâm trao quyền cho họ để thúc đẩy phát triển kinh tế
Bài viết của Zachary Abuza*
17/12/2024
Adobe Stock (Amanda Weisbrod/RFA)
Bế mạc cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) trong ngày 1/12, Tổng bí thư (TBT) Tô Lâm và những đồng minh của mình đã công bố một loạt những đề xuất sâu rộng nhằm tinh giản bộ máy chính phủ, lập pháp và đảng cầm quyền.
Nếu được tiến hành, đây sẽ là những thay đổi sâu rộng nhất của hệ thống chính quyền Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Nó bao gồm việc tái cơ cấu các bộ ngành, xóa bỏ các ban của Quốc hội, đóng cửa các văn phòng của Chính phủ, các ban bệ của Đảng và hợp nhất các khu vực báo chí, giáo dục và nghiên cứu của Nhà nước.
Ở cấp chính phủ, sẽ xóa bỏ năm trong số 21 bộ bằng việc sáp nhập và đóng cửa.
Bộ Tài chính sẽ tiếp nhận bộ Kế hoạch và Đầu tư trong khi Bộ Giao thông và Bộ Xây dựng sẽ sáp nhập. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sáp nhập với Bộ Khoa học và Công nghệ trong khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ giải thể với các ban bệ riêng lẻ được chuyển sang các bộ khác.
Ba cơ quan Chính phủ cấp trung ương sẽ bị giải thể. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm nhận trách nhiệm của Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Ông Tô Lâm đang tạo dấu ấn
Ủy ban Tôn giáo và Ủy ban Dân tộc sẽ sáp nhập với nhau.
Cũng sẽ có sự hợp nhất trong khu vực giáo dục, nghiên cứu và báo chí của nhà nước. Thậm chí các bộ không bị ảnh hưởng bởi tái cơ cấu cũng được yêu cầu tinh gọn các hoạt động của mình.
Bốn uỷ ban của Quốc hội và một cơ quan cấp dưới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bị xóa bỏ.
Đề án này kêu gọi sáp nhập bốn ủy ban của cơ quan lập pháp cao nhất (Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Ủy ban Văn hóa và Xã hội và Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp) đồng thời xóa bỏ hoàn toàn Ủy ban Đối ngoại.
Điều đáng lo ngại là Viện Nghiên cứu Lập pháp, một cơ quan lấy hình mẫu từ Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ nhằm cung cấp chuyên môn mang tính kỹ thuật về lập pháp, cũng sẽ bị xóa bỏ.
Trong bộ máy của ĐCSVN, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ sáp nhập với Ban Dân vận Trung ương, trong khi đó Ban Đối ngoại Trung ương sẽ bị giải thể và các chức năng, nhiệm vụ của ban này sẽ được chuyển cho Bộ Ngoại giao phụ trách.
Chủ tịch nước Lương Cường (bên trái) và Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh chụp tại khu vực Quốc hội, Hà Nội ngày 21/10/2024. Nguồn ảnh: Minh Hoang/AP
Tương tự, Ban Chăm sóc Sức khỏe sẽ bị giải thể và các chức năng quyền hạn của ủy ban này sẽ được phân chia cho Bộ Y tế và Ủy ban Tổ chức Trung ương.
Ủy ban cấp trung ương mới sẽ được thành lập để giám sát và quản lý các cơ quan trung ương khác - nhánh tư pháp, trong đó có Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao.
Ông Tô Lâm rõ ràng đang cố gắng tạo ra dấu ấn cho dù mới chỉ được bầu làm Tổng bí thư ĐCSVN cách đây năm tháng.
Bộ máy cồng kềnh
Trong khi người tiền nhiệm, ông Nguyễn Phú Trọng, cố gắng chính danh hóa Đảng trong mắt công chúng vốn đang ngày càng chán ngán và thờ ơ [với Đảng], bằng chiến dịch “Đốt lò” chống tham nhũng thì ông Tô Lâm lại cố gắng chính danh hóa Đảng thông qua tăng trưởng kinh tế nhanh.
Một trở ngại đối với tính chính danh dựa trên kết quả công việc/hiệu suất là bộ máy chính quyền cồng kềnh của Việt Nam.
Trong phát biểu của mình trước Ban chấp hành Trung ương, ông Tô Lâm nhắc lại rằng: “Cần phải tăng tốc cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức sống của nhân dân”.
Ông Trọng đã là một nhà tư tưởng giáo điều suốt cả đời. Ông đã dành phần lớn trong 13 năm cầm quyền của mình để xây dựng lại bộ máy Đảng để giám sát và kiềm chế những nhà kỹ trị.
Ông Tô Lâm thì đi theo một con đường hoàn toàn khác, tìm cách xóa bỏ một số cơ quan chủ chốt của Đảng Cộng sản và cố gắng tinh gọn hệ thống song trùng với mỗi cơ quan chính phủ hoặc quân đội đều có cả lãnh đạo Đảng song hành với lãnh đạo điều hành dân sự.
Chỉ có một nơi mà hệ thống lãnh đạo song trùng này sẽ không bị động chạm đến, đó là quân đội. Đảng luôn giữ quyền kiểm soát nòng súng (quân đội).
Ông Tô Lâm hiểu rằng Việt Nam đang bước vào “một kỷ nguyên cách mạng mới” với những thánh thức lớn.
Năng suất lao động đang trượt dốc và trong khi thu hút được mức vốn đầu tư nước ngoài cam kết lên tới $36 tỷ USD, Việt Nam vẫn chỉ là một nhà lắp ráp. Nước này vẫn chưa có được một hệ sinh thái đầy đủ cho hoạt động sản xuất.
Có một lý do khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc gần như bằng thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ, đó là: Xuất khẩu của Việt Nam được làm từ các nguyên liệu, cấu phần nhập khẩu. Ông Tô Lâm ý thức sâu sắc về những hiểm họa của việc bị mắc vào bẫy thu nhập trung bình.
Lê Minh Hưng – Ngôi sao đang lên
Người đứng sau tất cả những đề xuất này là ông Lê Minh Hưng, ngôi sao đang lên trong ĐCSVN đồng thời là một đồng minh chủ chốt của ông Tô Lâm – người chỉ đạo việc cất nhắc ông Hưng vào Bộ Chính trị gần đây.
Ông Hưng từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – người trẻ tuổi nhất từng nắm giữ vị trí này ở Việt Nam.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng tại Hà Nội ngày 31/5/2017. Nguồn ảnh: Kham/Reuters
Ông hiện đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương – cơ quan phụ trách toàn bộ các vấn đề nhân sự - một nhiệm vụ then chốt trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.
Bố ông Hưng là cựu Bộ trưởng Bộ Công an và khi ở trên cương vị này, ông là người dìu dắt ông Tô Lâm đi lên trong bộ máy quan liêu của ngành an ninh.
Và công cuộc cải tổ này được dàn dựng bởi Ban bí thư ĐCSVN – nơi ông Lâm đã sắp đặt rất nhiều đồng minh.
Kế hoạch lớn của ông Tô Lâm dường như nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên của Ban Chấp hành Trung ương. Các bài xã luận trên báo chí Nhà nước tán thành và nhấn mạnh về tính cấp bách của kế hoạch này. Nhưng rõ ràng không phải tất cả mọi người trong Đảng đều đồng tình và thuận theo.
Thông thường thì có rất ít thay đổi hoặc rất ít chính sách được triển khai trong năm ngay trước Đại hội toàn quốc ĐCSVN.
Việc ông Tô Lâm sẵn sàng thúc đẩy kế hoạch này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông tự tin vào sự tin tưởng của Ban Chấp hành Trung ương đối với sự lãnh đạo đất nước của ông. Ông không hẳn là một nhà tư tưởng giáo điều mà phần nhiều là một nhà độc tài có thiên hướng “tư bản chủ nghĩa có sự dẫn dắt của nhà nước”.
Động thái tham vọng này cũng cho thấy ông Lâm tự tin rằng ông sẽ được tái đắc cử làm Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ đầy đủ tại Đại đội Đảng lần thứ 14 diễn ra vào đầu năm 2026.
Trao quyền cho các nhà kỹ trị
Ông Tô Lâm đã kêu gọi tất cả các cơ quan Đảng hoàn thành rà soát nội bộ cũng như hoàn thành bản dự thảo hướng dẫn cải tổ, tinh gọn bộ máy vào cuối năm nay.
Các báo cáo này sẽ được nghiên cứu vào giữa tháng 2/2025 và được ban chỉ đạo trình Bộ Chính trị vào đầu tháng 3/2025, trước thềm Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương tới dự kiến diễn ra vào giữa tháng 3/2025.
Nhưng điều đó cũng có nghĩa là không có cơ quan Chính phủ nào làm việc ít nhất cho tới tận tháng 3/2025.
Việc tái sắp xếp lại các cơ quan Đảng và Chính phủ không chỉ là vấn đề hiệu lực, hiệu quả. Đây rõ ràng còn là cách để tống khứ những người có hiệu suất làm việc thấp và vô hiệu hóa một số đối thủ.
Nhưng quan trọng hơn, việc tái tổ chức còn là cách để ông Tô Lâm trao quyền cho những đồng minh thân cận và những nhà kỹ trị thực sự.
Người ta tin rằng ông Lê Hoài Trung, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Trung ương, thành viên Ban Bí thư ĐCSVN đồng thời là cố vấn thân cận của ông Tô Lâm, sẽ trở thành Bộ trưởng Ngoại giao mới của Việt Nam.
Ông Hưng rõ ràng được sắp đặt cho một vị trí điều hành kinh tế quan trọng. Mặc dù trước đây nhiều người cho rằng ông ta được chuẩn bị cho vị trí Thủ tướng nhưng việc hợp nhất đã biến Bộ Tài chính trở thành một siêu bộ và ông Hưng sẽ là người phù hợp để lãnh đạo bộ này.
Sau cuộc chiến chống lại các nhà kỹ trị của ông Trọng, ông Tô Lâm đang nâng cao quyền năng cho họ. Ông hiểu rằng: Việt Nam rất cần có họ để có thể chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.
Bộ Công an rõ ràng là một người giành chiến thắng - một bộ không những không bị tổn thương [trong cuộc cải tổ này] mà còn được bổ sung thêm một số quyền tự chủ.
Trong khi việc tái tổ chức này có vẻ hữu ích cho các nhà đầu tư nước ngoài, người dân Việt Nam vẫn chưa thấy những cải cách này sẽ ảnh hưởng hay cải thiện mối quan hệ và tương tác hàng ngày của họ đối với chính quyền như thế nào. Chẳng phải chính họ mới là những người cần được hưởng lợi chính?
*Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/to-lam-shakes-up-vietnam-with-a-government-restructuring-plan-12162024205207.html
Không có nhận xét nào