Header Ads

  • Breaking News

    Đọc báo Việt Cộng cuối tuần.

    Luẩn quẩn làm sạch nước bẩn sông Tô

    Một cư dân Hà nội



    "Công cuộc chống tham nhũng, tinh giản bộ máy, nút thắt… hơi giống chuyện làm sạch sông Tô và các hồ. Sạch từ gốc thì đâu còn tham nhũng, bộ máy phình ra hay nút thắt".


    Hôm trước đi dạo qua cống Đõ ở đường Trích Sài (Thụy Khê, Bưởi) ven hồ Tây thấy nước đổ ầm ầm. Hỏi ra mới biết họ bơm nước hồ Tây để làm sạch sông Tô Lịch (sông Tô). Hình như sau vài tiếng phải ngừng vì nước hồ Tây cũng cạn.


    Sau đó UBNDHN có dự án khẩn cấp làm ống thép dẫn nước từ sông Hồng, xuyên qua Hồ Tây để bổ sung cho sông Tô Lịch, dự định hoàn thành dịp 2/9/2025.


    Để làm sạch sông Tô mà dùng nước hồ Tây thì không ổn vì nước hồ Tây cũng thối gần bằng nước sông Tô.


    Dùng nước sông Hồng thì ổn hơn vì có vẻ sạch hơn chút nhưng nước sông Hồng cũng thuộc loại ô nhiễm.


    Có một câu hỏi là sau khi bơm nước sạch hơn vào sông Tô thì nước rất bẩn của sông Tô được đẩy đi đâu? Làm sạch thủ đô mà để ngoại ô bẩn thì sao được.


    Chìa khóa là xử lý nước thải, nguồn gốc của nước thối ở sông Tô, hồ ao ở HN. Hiện tất cả nước thải đổ thẳng vào đây nên ô nhiễm là phải thôi.


    Đây là bài toán ai cũng biết lời giải nhưng chưa có quyết tâm chính trị để làm. Khi nước thải được làm sạch thì “bất chiến tự nhiên thành”, chả cần bơm nước sông Hồng.


    Công cuộc chống tham nhũng, tinh giản bộ máy, nút thắt… hơi giống chuyện làm sạch sông Tô và các hồ. Sạch từ gốc thì đâu còn tham nhũng, bộ máy phình ra hay nút thắt.


    Lấy nước hồ đã bẩn để làm sạch nước sông quá bẩn chỉ là cái vòng luẩn quẩn.


    HM


    'Quyết' xử lý tận gốc nguồn gây ô nhiễm sông Tô Lịch

    Báo Pháp Luật Việt Nam

    18/12/2024106 

    Mới đây, lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Hà Nội có chỉ đạo kiên quyết trong việc xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm sông Tô Lịch, sớm đưa con sông trở lại trong sạch vào dịp 2/9/2025.

    Một đoạn sông Tô Lịch hiện tại. (Ảnh: Văn Sơn)

    Sông Tô Lịch dài hơn 14km, bắt nguồn từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), đổ ra sông Nhuệ - đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Từ quá khứ đến hiện tại, sông Tô Lịch gắn bó với đời sống cư dân nội thành, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, quy hoạch xây dựng không đồng bộ cùng sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông đã làm cho lòng sông bị thu hẹp, một số đoạn hành lang bảo vệ bị lấn chiếm, tập kết rác và xả nước thải bừa bãi; chất lượng nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.

    Trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt. Hầu hết lượng nước thải này không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông.

    Trong những năm qua, TP Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để hồi sinh các dòng sông chết chảy qua nội thành, đặc biệt trong đó là sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, Kim Ngưu.. Hà Nội đã nỗ lực thực hiện một số giải pháp để làm sạch hệ thống sông nói chung, sông Tô Lịch nói riêng.

    Một số trạm xử lý nước thải đã được xây dựng. Năm 2013, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (quận Hoàng Mai) có công suất 200.000m3/ngày đêm đã được TP đưa vào vận hành, với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và Kim Ngưu.

    Một số dự án cũng được tiến hành nhằm thu gom và xử lý nước thải như hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây, công suất lần lượt 45.000m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô công suất 84.000m3/ngày đêm.

    Tuy nhiên, những giải pháp nêu trên vẫn chưa đạt kỳ vọng, đặc biệt là với sông Tô Lịch. Vì vậy, khi gói thầu số 1 Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000m3/ngày đêm) đã hoàn thành và bắt đầu vận hành thử nghiệm từ ngày 1/12/2024, kỳ vọng lộ trình cải tạo môi trường nước sông Tô Lịch sẽ sớm thành hiện thực; trong đó có công việc quan trọng là triển khai dự án bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, dự kiến bắt đầu vận hành từ 2/9/2025.

    Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá bước vào giai đoạn 6 tháng vận hành thử nghiệm. (Ảnh: Di Linh) 

    Đại diện Sở Xây dựng cho biết, về việc làm ống ngầm dẫn nước từ sông Hồng vào Hồ Tây để làm sạch sông Tô Lịch, Sở đã tính toán các phương án. Phương án tốt nhất hiện nay để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch là lấy nước từ sông Hồng đưa vào ngõ 464 Âu Cơ, đi ngầm qua đường Âu Cơ.

    Hiện Hà Nội đã thu gom nước thải ở các cổng xả thải dọc sông Tô Lịch để chuyển về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Sau khi đưa vào vận hành thử nghiệm, dự kiến phát sinh khoảng 200 tấn bùn thải/ngày.

    Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ lập báo cáo dự án xử lý, tái chế bùn thải thoát nước đặt ở huyện Thường Tín. Mục tiêu của dự án trên là để xử lý từ 1.500 tấn, sau đó nâng công suất lên là 3.000 tấn bùn thải/ngày đêm. Bùn thải sau xử lý sẽ được vào tái sử dụng tại các nhà máy làm xi măng, hoặc để trồng cây…

    PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cùng với các dự án xử lý nước thải, cấp nước cho các dòng sông; thì để hồi sinh các dòng sông chết, Hà Nội cần tập trung nâng cao nhận thức về môi trường cho các chuyên gia, người làm chuyên môn, đặc biệt là người dân. “Cần minh bạch phương án, kinh phí, đơn vị thực hiện… để các nhà khoa học, giới chuyên môn giám sát, phản biện. Làm rõ công tác quản lý, phân cấp quản lý sông Tô Lịch sau tiến hành cải tạo, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ phương án… để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân”, bà An nói.

    Văn Sơn

    " Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn 16.293 tỉ đồng, trong đó 84,14% là vốn vay ODA (Chính phủ Nhật Bản). Khi hoàn thành, nhà máy sẽ xử lý phần lớn nước thải đổ ra sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.

    Dự án bao gồm một nhà máy xử lý nước thải với công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha.

    Tuy nhiên sau 8 năm xây dựng, dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá vẫn chưa đi vào hoạt động chính thức. Vì chậm tiến độ dự án trên, các con sông trong lòng TP Hà Nội vẫn chưa thể hồi sinh, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân thủ đô.".

    Châu Nam Việt - Tinh gọn: trống đánh xuôi kèn thổi ngược

     15/12/2024

    https://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2024/12/tinh-gian-bien-che-.jpg

     (VNTB) – Tô Lâm đang không đủ uy để chỉ đạo cấp dưới hay ông ta nói một đằng để cấp dưới làm một nẻo?

    Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch biên chế và chỉ tiêu hợp đồng lao động khối chính quyền thành phố năm 2025. Theo đó, năm 2025, số lượng tuyển dụng mới dành cho biên chế công chức hành chính cấp huyện trở lên là 7.940. Trong đó có 7.864 chỉ tiêu biên chế phân bổ và 76 chỉ tiêu dự phòng.

    Sau tuyển dụng, tổng biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập ở Hà Nội năm 2025 là 117.555 chỉ tiêu (trong đó chỉ tiêu biên chế phân bố là 117.275 và 280 chỉ tiêu dự phòng). Theo ký giải của Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh thì việc phân bổ biên chế đã bảo đảm khoa học, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, phù hợp với vị trí việc làm, khối lượng, mức độ phức tạp, tính chất đặc thù của công việc. (1)

    Việc tuyển dụng thêm tới 8.000 công chức trong bối cảnh Tổng bí thư Tô Lâm đang kêu gọi tinh gọn bộ máy nhà nước khiến người dân nghi ngờ về chủ trương tinh gọn của đảng cộng sản. Tại nhiều đại hội nghị và cuộc họp quan trọng, Tổng bí thư Tô Lâm đã khẳng định việc tinh gọn bộ máy chính không chỉ là yêu cầu của Đảng mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ông này thường xuyên kêu gọi giảm biên chế, cắt giảm các vị trí không cần thiết để tránh lãng phí ngân sách, tăng cường hiệu quả quản lý, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, ưu tiên đào tạo có thể có năng lực và nghề nghiệp đạo đức…

    Tuy nhiên, ngay tại thủ đô Hà Nội lại xảy ra việc tuyển dụng quy mô lớn như vậy thì chứng tỏ nhiều điều. Một là Tô Lâm không đủ uy để chỉ đạo cấp dưới, theo kiểu trên bảo dưới không nghe. Hai là Tô Lâm nói một đường rồi để cấp dưới làm một nẻo, đưa ra những lời tuyên bố mỹ miều để tạo ra cái bánh vẽ cho người dân mơ tưởng về một viễn cảnh nhà nước tinh gọn, hiệu quả, nhưng thực tế là bày ra càng ngày càng rườm rà, rối rắm hơn.

    Còn nói như Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh ở trên, việc phân bổ biên chế đã bảo đảm khoa học, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Nếu thật sự các cơ quan, đơn vị cần bổ sung nhân sự để đáp ứng khối lượng công việc… Thì chẳng lẽ chủ trương tinh giản biên chế của Tô Lâm là không khoa học, không khách quan, không dân chủ… Hoá ra Tổng bí thư Tô Lâm lại nói năng vô căn cứ, không hiểu tình hình địa ph mà chỉ tay năm ngón rồi để ai muốn làm gì thì làm hay sao?

    Chuyện trên muốn tinh gọn, dưới đòi mở rộng cũng cho thấy mâu thuẫn giữa chính quyền trung ương và địa phương. Khi một bên thúc đẩy cắt giảm biên chế, một bên lại tuyển dụng số lượng lớn, gây ra cảm giác thiếu nhất quán trong quản lý, phối hợp không hiệu quả giữa các cấp. Và dĩ nhiên là khi mà hai nguy cơ song song nhau thì sẽ có hai hậu quả song song. Một là tăng nặng ngân sách nếu mở rộng nhân sự nhưng không hiệu quả, hay là cố gắng giảm biên chế khiến công việc ách tắc, trì trệ, không đủ người xử lý.

    Nguy cơ nào cũng có hại nếu không tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng. Một số người dân còn nghi ngờ rằng những hứa hẹn cải cách, tinh gọn này lại là chiêu trò để đấu đá nội bộ, triệt hạ phe nhóm. Đưa những thân tín vào để xây dựng bè phái, phục vụ lợi ích nhóm chứ không thật sự muốn cải cách triệt để. Nếu chuyện này xảy ra thì nhân tài khó lòng tham gia bộ máy nhà nước, mà vẫn lại là cảnh con ông cháu cha giành ghế, xâu xé ngân sách!

     

    _______________________

    Tham khảo:

    (1) https://laodong.vn/thoi-su/ha-noi-du-kien-tuyen-gan-8000-cong-chuc-hanh-chinh-cap-huyen-vao-nam-2025-1433720.ldo?

    https://vietnamthoibao.org/vntb-tinh-gon-trong-danh-xuoi-ken-thoi-nguoc/

    Nhập siêu từ Trung Quốc vào VN tăng kỷ lục, có đáng ngại?

    Dương Hưng / Báo Tiền Phong

    Vươn mình hay vặn mình? 

    Năm nay kinh tế vẫn khởi sắc, tin mừng là xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh và cân đối xuất nhập ta có cán cân xuất siêu 86 tỷ $ với Mỹ.

    Nhưng đổi lại, tin buồn là Việt Nam lại nhập siêu của Trung Quốc gần 80 tỷ $! 

    Phải chăng, Việt Nam đang là nước “rửa nguồn” cho TQ?

    Kim Van Chinh

    TPO – Theo chuyên gia, việc nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh thể hiện nhu cầu nguyên liệu phục vụ các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đang trên đà khởi sắc. Tuy nhiên, với con số nhập siêu kỷ lục cho thấy hàng giá rẻ Trung Quốc đang ồ ạt vào nước ta. Việt Nam cần lưu ý tránh trở thành nơi “rửa nguồn” cho một số mặt hàng. 

    Nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay

    Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, tính đến hết tháng 11, Việt Nam đã chi hơn 130,5 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng hơn 30,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng là mức nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam từ thị trường tỷ dân.

    Với kim ngạch nhập khẩu này, hiện hàng Trung Quốc chiếm tới 38% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Trong khi đó, năm ngoái kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này chỉ đạt gần 111 tỷ USD và năm 2022 chỉ gần 118 tỷ USD. Tính đến hết tháng 11 năm nay, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 75 tỷ USD.

    Những mặt hàng Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc phải kể đến máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt 31 tỷ USD (chiếm 23,8% kim ngạch nhập khẩu từ nước này); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 26 tỷ USD (chiếm 20%); vải đạt hơn 9 tỷ USD, điện thoại các loại đạt 8 tỷ USD, sắt thép đạt gần 7 tỷ USD…

    Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – cho rằng, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhằm phục vụ các đơn hàng xuất khẩu vẫn đang trên đà phục hồi. Hàng hóa nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chủ yếu là những sản phẩm, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn, nhà máy Samsung tại Việt Nam luôn phải nhập khẩu nhiều phụ kiện từ Trung Quốc về lắp ráp.

    Tuy nhiên, ông Doanh lưu ý, việc nhập siêu từ Trung Quốc tăng vọt có thể do hệ quả của xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư và các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang trong những năm gần đây, sau khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng Trung Quốc. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tận dụng Việt Nam như là quốc gia trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, nhằm lách các hàng rào thuế quan thương mại mà nước này dựng lên đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

    Tránh thành nơi “rửa nguồn” hàng Trung Quốc

    Theo các chuyên gia, hiện nền kinh tế số 2 thế giới đang trong giai đoạn dư thừa công suất và phải tìm cách xuất sang các nước khác. Đặc biệt, với xu hướng thương mại điện tử ngày càng phổ biến, hàng giá rẻ từ Trung Quốc càng có nhiều cơ hội để đến tay người tiêu dùng Việt Nam khiến hàng nội địa đang bị cạnh tranh rất gay gắt.

    Điển hình, trong lĩnh vực ô tô, hiện đã có hơn 10 thương hiệu Trung Quốc nhập khẩu trực tiếp hoặc lắp ráp tại Việt Nam. Số lượng ô tô nhập khẩu trong 11 tháng từ Trung Quốc trong năm nay tăng vọt gấp 2,9 lần so với năm ngoái đã thể hiện điều này. Ngay cả hãng xe điện BYD của Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về quy mô và sản lượng, cũng liên tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống phân phối tại Việt Nam.

    Đặc biệt, thị trường pin năng lượng mặt trời gần như đã nằm trong tay các doanh nghiệp Trung Quốc từ 3-4 năm trước và Việt Nam đang có nhu cầu mặt hàng này.

    Với pin năng lượng mặt trời chủ yếu do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất, Việt Nam có nhu cầu lớn. 

    Ngoài ra, tình trạng thép giá rẻ và dư thừa ở Trung Quốc cũng ồ ạt vào Việt Nam đến mức báo động. Mới đây, Tổng cục Hải quan liên tục cảnh báo việc thép nhập khẩu từ Trung Quốc khai sai tên hàng, chủng loại, mã số để gian lận trốn thuế nhập khẩu và các loại thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá.

    Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có một thực tế các doanh nghiệp Việt cần đối mặt là hàng Trung Quốc giá rẻ với chất lượng ngày càng cao đang phủ khắp các thị trường. Với Việt Nam, thị trường ngay bên cạnh với nhu cầu lớn nên mức độ cạnh tranh càng gay gắt hơn.

    Theo ông Hiếu, trước tình trạng hàng Trung Quốc đổ bộ nhiều vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt cần có kế hoạch và nỗ lực lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh. Sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp Việt suy yếu khiến cuộc đua càng thêm khó, do đó, Chính phủ cần có những biện pháp hỗ trợ, trong đó xem xét thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp về vốn…

    TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc nhưng lại xuất siêu sang Mỹ là điều cần lưu ý. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao tỷ lệ sản xuất và tăng hàm lượng giá trị hàng trong nước, tránh trở thành nơi “rửa nguồn” cho hàng Trung Quốc. Nếu không làm thế, rất có thể một số mặt hàng sẽ rơi vào tình trạng bị xem xét đánh thuế ở mức cao dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump.

    D.H.

    Nguồn: Tienphong.vn

    https://vietluan.com.au/124438/nhap-sieu-tu-trung-quoc-vao-vn-tang-ky-luc-co-dang-ngai/


    Không có nhận xét nào