do Jules Naudet thực hiện ngày 8.6.2022
bản dịch tiếng Pháp của Ariel Suhamy
26/12/2024
Ấn phẩm này là một phần trong quan hệ đối tác của chúng tôi (La Vie Des Idées/Collège de France) với Trung tâm Nghiên cứu Nâng cao về Khoa học Hành vi/Center for Advanced Study in the Behavioral Sciences (CASBS). Danh sách đầy đủ có thể được xem ở đây.
Ý tưởng hợp tác giữa CASBS (Đại học Stanford) và B&I/LVDI (La Vie des Idées/Collège de France) ra đời từ mục tiêu chung của hai tổ chức là làm phong phú thêm cuộc tranh luận công khai với sự trợ giúp của các công trình thực nghiệm tốt nhất trong Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong khi CASBS được thành lập ngay sau Thế chiến thứ hai, La Vie des Idées chỉ được thành lập vào năm 2008, năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính về các khoản nợ bất động sản dưới chuẩn (subprime). Bất chấp khoảng thời gian sáu mươi năm kể từ khi hai tổ chức ra đời, cả hai đều được thiết kế với cùng tham vọng, cung cấp những chìa khóa mới để hiểu một thế giới đang gặp khủng hoảng và đang đối phó với sự biến đổi xã hội toàn diện. Cả hai đều cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông các ý tưởng do nghiên cứu ở các trường đại học tạo ra và đảm bảo phổ biến chúng trong mọi tầng lớp xã hội cũng như xuyên biên giới quốc gia. Những giá trị được chia sẻ này là trọng tâm của mối quan hệ đối tác của chúng tôi và chúng tôi hy vọng rằng các phân tích mà chúng tôi cùng xuất bản sẽ được phổ biến sâu rộng hơn nữa trong thế giới nói tiếng Pháp và thế giới nói tiếng Anh.
Sự hợp tác này bao gồm việc xuất bản đồng thời ba loại nội dung bằng tiếng Pháp và tiếng Anh: các bài tóm lược về những cuốn sách mới được bổ sung vào bộ sưu tập của Ralph W. Tyler; chân dung trí tuệ của các cựu Nghiên cứu sinh CASBS có ảnh hưởng và lỗi lạc; và cuối cùng là các cuộc phỏng vấn với các thành viên của cộng đồng CASBS.
Các sản phẩm kỹ thuật số đang thay đổi cách chúng ta sống. Lớn lên trong một thế giới siêu kết nối, “Thế hệ Z” mới đã phát triển các hành vi, thái độ và giá trị khác.
La Vie des Idées: Dòng đổi mới công nghệ liên tục sau cuộc cách mạng internet đã dần thay đổi cách chúng ta lướt mạng trong thế giới ngày nay. Từ thông tin tốc độ cao đến dư thừa nội dung, từ những cookie đến giám sát hành vi vĩnh viễn, từ ngân hàng trực tuyến đến bitcoin, từ làm việc từ xa đến triển vọng của một thế giới thực tế ảo có mặt khắp nơi, có vẻ như các khung và các cấu trúc của thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay đang trải qua những biến đổi triệt để. Bà có thể nêu lên nét đặc thù của thời điểm chính xác này của lịch sử mà chúng ta đang sống?
Roberta Katz: Tôi tin rằng chúng ta đang trải qua một giai đoạn chuyển tiếp sâu sắc. Nếu bạn sống ở Anh vào đầu thế kỷ 19, chắc có lẽ ở vùng nông thôn, ngay sau khi các động cơ bắt đầu thay đổi cách làm việc, thì quy mô của những thay đổi sắp tới chắc chắn sẽ khiến bạn bối rối. Nhưng ngay cả trong những giấc mơ điên rồ nhất của mình, bạn cũng không thể lường trước được tất cả những tác động xã hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp khi chúng diễn ra vào cuối thế kỷ 20. Cuộc sống trong một thế giới đô thị hóa nơi ô tô, xe tải, máy bay, tủ lạnh, đèn điện, tivi, máy giặt và máy sấy, điện thoại đường dài, trường công lập và thậm chí cả con người trong không gian đều có mặt khắp nơi, đã không tránh được việc được tổ chức rất khác so với cuộc sống trong xã hội tiền công nghiệp.
Giờ hãy nghĩ về tất cả những thay đổi mà chúng ta đã chứng kiến chỉ trong 25 năm qua, khi cuộc cách mạng kỹ thuật số ngày càng định hình lại cách chúng ta sống trong thời đại công nghiệp. 25 năm này là một khoảng thời gian đáng chú ý của sự đổi mới liên tục và thường là ngoạn mục, đã giúp chúng ta khám phá kỹ thuật di truyền, trí tuệ nhân tạo, robot, tiền mã hoá và truy cập trực tuyến vào mọi thứ, từ ngân hàng đến trường học, mua sắm và giải trí. Trong môi trường đổi mới không ngừng này, chúng ta bối rối, mất ổn định và không còn khả năng tưởng tượng được, ngoài trừ trong khoa học viễn tưởng, tất cả những công nghệ mới này sẽ dẫn dắt loài người đến đâu. Một số nhà tương lai học thậm chí còn đi xa hơn khi dự đoán rằng tương lai của loài người như chúng ta biết sẽ biến đổi, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, thành một thứ gì đó giống máy móc hơn, hoặc mang tính siêu nhân.
Các byte và octet tạo nên xương sống của các công nghệ kỹ thuật số có thể được kết hợp và thao tác theo nhiều cách đến mức triển vọng khám phá và sáng tạo trong tương lai dường như là vô hạn; khả năng thích ứng cực cao này là một trong những lý do tại sao chúng ta đã thấy rất nhiều công cụ kỹ thuật số mới xuất hiện trên thị trường trong một thời gian ngắn như vậy. Trong số những công cụ mạnh nhất, tất nhiên chúng ta có Internet và Web, những công cụ giúp kết nối với hàng tỷ người ở một thời điểm nhất định. Rồi một mạng lưới mạnh mẽ như vậy đã tạo ra hàng triệu công cụ giao tiếp khác được nối mạng – những “ứng dụng” mà chúng ta sử dụng để làm việc, vui chơi, giao lưu và học hỏi. Điều cốt yếu là phải nhận ra rằng tất cả các công cụ kỹ thuật số này đã tạo ra một môi trường hàng ngày với tốc độ, quy mô và phạm vi chưa từng có đối với con người chúng ta, điều này góp phần lớn vào cảm giác chung của chúng ta về việc bị choáng ngợp bởi những trải nghiệm của chính mình giữa cuộc cách mạng công nghệ và xã hội này.
Giống như các cuộc cách mạng công nghệ vĩ đại trong quá khứ, cuộc cách mạng kỹ thuật số này đang kích thích một cuộc cách mạng xã hội sâu sắc không kém, làm cho sự rối loạn của chúng ta đứng trước tương lai càng tăng. Các thể chế và các giá trị xã hội mà nhiều người coi là đương nhiên trong thế kỷ 20 dường như không còn vững chắc nữa. Ở Hoa Kỳ, ít nhất, gia đình hạt nhân từ nay có thể rất khác so với “chuẩn mực” trước đây bao gồm cha, mẹ và con cái; “nền kinh tế của những việc làm tạm bợ/phân mảnh” (gig economy) đã thay thế ngày làm việc “9 giờ đến 5 giờ” và sự đảm bảo việc làm suốt đời cho nhiều người lao động; giới tính và tình dục ngày càng được coi là vấn đề lựa chọn cá nhân hơn là quy ước xã hội; và các giá trị lâu đời, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư và bảo mật, đang bị thách thức trong thế giới Dữ liệu lớn, nơi phần lớn những gì chúng ta làm hoặc nói có thể được người khác ghi lại, theo dõi, phân tích và công khai. Nếu lịch sử là một sự hướng dẫn, thì xã hội cuối cùng sẽ trở nên quen thuộc với các công nghệ mới và còn có khả năng đối phó tốt hơn với những hậu quả không mong muốn của việc sử dụng chúng và rồi xã hội sẽ tự tạo lại cho mình các cấu trúc và quy ước xã hội ổn định (mà một số sẽ rất khác so với các cấu trúc và quy ước ngày nay), nhưng trong thời gian chờ đợi, chúng ta đang cố gắng thích nghi với tất cả những thay đổi này.
La Vie des Idées: Nhân học cấu trúc theo truyền thống đã trình bày một cách kinh điển giả thuyết về sự tương đồng hoặc tương ứng giữa một bên là thế giới vật chất được kiến tạo mà chúng ta đang sống và bên kia là sự sắp xếp của các nhóm xã hội và “các hình thức phân loại” qua đó chúng ta nhận thức về bản thân và thế giới. Bà có đi tới mức mở rộng phép loại suy này đến một quan niệm kiến trúc về các cấu trúc kỹ thuật số của chúng ta không? Trong chừng mực nào bà cho rằng hệ thống máy tính, internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh, v.v. biến đổi cách chúng ta gắn ý nghĩa cho thế giới chúng ta đang sống và cách chúng ta cố gắng hành động trong thế giới đó?
Roberta Katz: Có một châm ngôn về kiến trúc luôn làm tôi ấn tượng: “Đầu tiên bạn tạo ra tòa nhà, sau đó tòa nhà tạo nên bạn”. Một ngôi nhà sáng sủa và thoáng mát có thể gợi ra một loại phản ứng cảm xúc và hành vi nhất định từ những người ở trong ngôi nhà đó và tương tự như vậy, một ngôi nhà tối tăm và nặng nề có thể tạo ra một môi trường hoàn toàn khác cho những người sống ở đó. Không có gì ngạc nhiên khi các nhà công nghệ nói về “kiến trúc” của các sản phẩm kỹ thuật số mà họ tạo ra và cũng giống như các tòa nhà thực, những kiến trúc này có tác động đáng kể đến những người sau đó sử dụng các sản phẩm này.
Tất cả các sản phẩm phần mềm đều chứa “các quy tắc” để sử dụng chúng, cho dù các quy tắc đó là rõ ràng (đây là ngoại lệ) hay ngầm định (điều này phổ biến hơn). Điều này đặc biệt rõ ràng khi việc cập nhật phần mềm hoặc ứng dụng quan trọng đến mức bạn phải học lại cách sử dụng – điều này thoạt đầu có vẻ khá khó chịu. Trong mỗi trường hợp, bạn phải điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với những thay đổi mà người tạo ra phần mềm áp đặt cho bạn. Người sáng tạo có thể cho bạn biết rằng những thay đổi này là vì lợi ích của bạn và đôi khi điều này là đúng (ví dụ: việc cập nhật sự bảo mật), nhưng thường thì những thay đổi đó là vì lợi ích của người sáng tạo, bổ sung các lựa chọn mới cho mục đích kinh doanh của riêng họ. Phần mềm về sự “cá nhân hóa” là một ví dụ điển hình: nó cho phép người tạo ra nó xác định nhóm hoặc các nhóm người dùng giống nhau nhất để hướng các nhà quảng cáo đến các nhóm có nhiều khả năng nhất mua những gì họ bán và hướng các nhà cung cấp thông tin đến các nhóm có phản ứng thuận lợi nhất với những tin nhắn của họ. Sự “cá nhân hóa” này ảnh hưởng đến thái độ và hành vi sau này của người dùng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các sản phẩm kỹ thuật số đang thay đổi đáng kể cách sống của chúng ta. Như tôi đã nói, cách mạng kỹ thuật số là chúng ta đang sử dụng những loại công cụ mới, cực mạnh. Người ta nói rằng các công cụ của thời đại công nghiệp về cơ bản là các công cụ cơ bắp – động cơ thay thế ngựa và tăng cường sức mạnh cơ bắp của con người – và các công cụ của thời đại kỹ thuật số về cơ bản là các công cụ trí óc – các thuật toán cải thiện tốc độ, quy mô và phạm vi của những gì chúng ta có thể xử lý bằng trí tuệ của mình. Máy tính và điện thoại thông minh của chúng ta là những công cụ rất đa năng; chúng vừa là điện thoại, vừa là máy ảnh, máy đánh chữ, bảng điều khiển trò chơi, máy tính, v.v., tất cả trong một thiết bị di động mà bạn có thể mang theo bên mình mọi lúc mọi nơi. Một mặt, sở hữu tất cả những công cụ này trong tầm tay có thể giúp một người làm việc hiệu quả và năng suất hơn, nhưng mặt khác, nó có thể khiến một người trở nên kém suy nghĩ hơn, kém kiên nhẫn hơn và nói tóm lại là không nhạy cảm với các sắc thái.
Internet và tất cả các sản phẩm truyền thông được kết nối mạng mà nó sinh ra, từ ứng dụng mua sắm trực tuyến, mạng xã hội đến Zoom, cũng đã thay đổi hoàn toàn sự hiểu biết của chúng ta về thế giới xung quanh, bao gồm cả nhận thức về thời gian và không gian. Vào năm 1980, gọi điện thoại quốc tế là một công việc lớn và tốn kém, nhưng ngày nay nhiều người trong chúng ta có tương tác trực tuyến với gia đình, đồng nghiệp và nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ trên khắp thế giới. Nhờ các phương tiện thông tin kỹ thuật số, chúng ta có thể tạo ấn tượng rằng mình đang thực sự hiện diện ở những nơi cách xa nơi chúng ta đang hiện diện về thể chất.
Còn về thời gian, chúng ta không chỉ bị ảnh hưởng bởi tốc độ của các công cụ kỹ thuật số, mà còn bởi sự rối loạn ngày càng tăng của các hoạt động trực tuyến, đặc biệt là khi chúng ta có nhiều “cửa sổ” mở trên màn hình. Không giống như thế giới vật chất, nơi công việc và giải trí thường diễn ra ở những thời điểm và địa điểm khác nhau, với sự trực tuyến, chúng ta có thể tích hợp công việc và giải trí một cách liền mạch trong suốt một ngày, bằng cách tham gia vào các hoạt động đồng thời với những người ở nhiều múi giờ. Có thể là 8 giờ sáng đối với một người tham gia trò chơi trực tuyến và 8 giờ tối đối với một người khác, nhưng điều quan trọng đối với cả hai người chơi là họ chia sẻ cùng một khoảnh khắc trong không gian điều khiển. Một ví dụ khác về cách các công cụ kỹ thuật số này đang thay đổi chúng ta là các ứng dụng phần mềm khuyến khích và tạo điều kiện hợp tác. Wikipedia, GoFundMe và rất nhiều trang web khác cho phép cộng tác rộng rãi, thường là ẩn danh, đang thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về cách mọi người có thể làm việc và thực hiện cùng nhau.
La Vie des Idées: Có phải tính vật chất của thế giới “cũ” đang trở nên lỗi thời vì những cách trải nghiệm thế giới mới của chúng ta? Bà xem xét nỗi sợ hãi của những người nhìn thấy nguy cơ trong sự chuyển sang tình trang mọi sự việc đều là ảo và trở thành xa lạ với thực tại như thế nào?
Roberta Katz: Tôi không lo lắng về việc con người mất liên lạc với thế giới vật chất khi chúng ta ngày càng dành nhiều thời gian hơn để lên mạng. Tôi biết rằng một số người đã xem bộ phim Ready Player One hoặc nghe Marc Zuckerberg nói về tầm nhìn của anh ấy đối với metaverse, ngày càng lo sợ về một tương lai như vậy, nhưng tôi cũng biết rằng con người, khi nào chúng ta vẫn tiếp tục là con người, sẽ tiếp tục có những nhu cầu sinh tồn cơ bản chỉ có thể được đáp ứng trong thế giới vật chất. VR (thực tế ảo) và AR (thực tế tăng cường) chắc chắn có thể khiến các giác quan và cảm xúc của chúng ta trải nghiệm thế giới trực tuyến giống như cách chúng ta trải nghiệm thế giới thực, nhưng ta có thể nói điều tương tự với con người trong thời kỳ tiền kỹ thuật số – bị thu hút bởi một cuốn sách, một chương trình truyền hình hoặc một phim cũng có thể mô phỏng một tình huống “đời thực”.
Nếu tôi lo lắng về VR, AR và các sản phẩm kỹ thuật số khác cho phép chúng ta thao túng thực tế theo cùng một cách, thì đó là do những hậu quả không mong muốn khi sử dụng chúng. Bởi vì chúng có thể cho chúng ta cảm tưởng là rất gần với thực tế và bao gồm mọi thứ, nên chúng có thể thay đổi cách hiểu của mọi người về những gì thực sự có thật. Các nhà sản xuất sản phẩm VR khẳng định một cách đúng đắn rằng đây là một điều tốt: ví dụ, điều này có thể giúp mọi người nhận thức được tác động của biến đổi khí hậu hoặc những thành kiến vô thức của họ. Nhưng điều ngược lại cũng đúng: các sản phẩm VR có thể được sử dụng để thao túng mọi người trở nên thiên vị hơn và có xu hướng bạo lực hơn. Các phần mềm khác có thể bóp méo thực tế hoặc quảng bá thông tin sai lệch cũng là điều đáng lo ngại. Ví dụ, phần mềm giờ đây có thể dán đầu của một người vào cơ thể của người khác và lời nói của một người trong miệng của người khác trên các phương tiện truyền thông, một sự thao túng hầu như không thể phát hiện được. Chúng ta còn một chặng đường dài phía trước để soạn thảo các quy tắc và tiêu chuẩn giúp chúng ta tự bảo vệ mình và kiểm soát loại hành vi lạm dụng và tiềm tàng rất có hại này, cả ở cấp độ cá nhân và xã hội.
La Vie des Idées: Nghiên cứu của bà giúp hiểu hoặc quản lý hậu quả của những biến đổi này như thế nào? Chúng cho chúng ta biết gì về những tác động của những biến đổi này đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta?
Roberta Katz: Vài năm trước, tôi và ba đồng nghiệp đại học đã bắt đầu nghiên cứu về lứa Thế hệ Z (thường được định nghĩa là những người sinh từ giữa những năm 1990 đến thập kỷ đầu tiên của những năm 2000) (các thành viên của Gen Z còn được gọi là “thế hệ hậu thiên niên kỷ” và “thế hệ Zoom”). Chúng tôi đã bối rối và đôi khi cảm thấy thất vọng vì những hành vi mà chúng tôi quan sát được – ví dụ: sinh viên báo cáo không hoàn thành bài tập đúng hạn vì họ cần thời gian để “chăm sóc bản thân”. Những sinh viên này không lo lắng về ảnh hưởng đến điểm số của họ; họ chấp nhận điểm thấp hơn, điều mà các thế hệ trước đã cố gắng tránh bằng cách thức cả đêm nếu cần để hoàn thành bài tập đúng hạn. Bốn nhà nghiên cứu của nhóm đã có thể tận dụng các phương pháp kỹ thuật khác nhau của chúng tôi trong khuôn khổ của dự án này. Chúng tôi đã thực hiện các cuộc phỏng vấn dân tộc học với hơn 100 sinh viên đại học, các cuộc khảo sát quy mô lớn về các nhóm ngẫu nhiên gồm những người trẻ thuộc Thế Hệ Z sống ở Mỹ và Anh, đồng thời sự phân tích ngôn ngữ dựa trên kho ngữ liệu gồm 70 triệu từ được chọn lọc từ các trang web trực tuyến yêu thích của nhóm tuổi này, sau đó chúng tôi đã áp dụng lăng kính lịch sử vào những kết luận của mình. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi được mô tả trong cuốn sách có tiêu đề Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age/Thế Hệ Z, Giải thích: Nghệ thuật sống trong thời đại kỹ thuật số, do Nhà xuất bản Đại học Chicago xuất bản vào năm 2020.
Những gì chúng tôi học được từ nghiên cứu trên đã thay đổi thái độ của chúng tôi đối với Thế Hệ Z. Thay vì coi những người trẻ tuổi này là có vấn đề và lầm đường lạc lối, chúng tôi bắt đầu hiểu rằng họ đã phát triển những hành vi, thái độ và giá trị khác với chúng ta, chính xác là vì họ đã lớn lên trong một thế giới siêu kết nối bởi Internet và Web, mạnh mẽ và nhanh chóng. Thế giới được nối mạng là “nước trong đó họ đã học bơi” là một thế giới thay đổi nhanh chóng và liên tục, cả về mặt công nghệ và xã hội. Ngay từ khi sinh ra, bộ não đang phát triển của họ đã học cách xử lý tốc độ, quy mô và phạm vi chưa từng có liên quan đến tất cả các công cụ sản xuất và giao tiếp kỹ thuật số mới này. Các cuộc phỏng vấn của chúng tôi đã dạy chúng tôi rất nhiều về cách các thành viên của Thế Hệ Z thích nghi với cuộc sống trong thời đại kỹ thuật số, điều này khiến chúng tôi nhận ra nhu cầu cấp thiết đối với sự đối thoại giữa các thế hệ về những chuyển đổi xã hội mà tất cả chúng ta đang trải qua. Chúng tôi được khích lệ khi thấy rằng những người trẻ này, những người rất thành thạo trong việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số, dù sao cũng là những người bảo vệ nhiệt thành các giá trị tiêu biểu nhất của con người, chẳng hạn như sự tôn trọng và sự quan tâm đến người khác. Khi chúng tôi yêu cầu những người trả lời cho chúng tôi biết về phương thức giao tiếp ưa thích của họ, chúng tôi dự kiến sẽ nghe họ đề cập đến email, nhắn tin, nhắn tin trực tiếp và trò chuyện video, nhưng thật ngạc nhiên, hầu hết tất cả những người được hỏi đều cho biết phương thức giao tiếp ưa thích của họ là cuộc trò chuyện trực diện.
Chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ thúc đẩy sự hiểu biết và sự tôn trọng giữa các thế hệ, bởi vì trong thời điểm chuyển tiếp sâu sắc này, tất cả chúng ta, già cũng như trẻ, phải cùng nhau suy ngẫm về cách giữ gìn những gì tốt đẹp nhất của quá khứ trong khi hướng tới tương lai. Như chúng tôi đã giải thích trong cuốn sách của mình:
Thay đổi xã hội hiếm khi dễ dàng và các thành viên của Thế Hệ Z đã trải qua những xung đột giữa các giá trị, kỳ vọng sâu sắc nhất của họ và thực tế cuộc sống của họ. Họ đặt câu hỏi làm thế nào để mang lại sự thay đổi, về cơ hội và cách thức để làm như vậy bên trong hay bên ngoài các thể chế mà họ đã kế thừa. Những câu hỏi này không phải là của riêng họ; tất cả các thế hệ đều thắc mắc về tương lai của nền dân chủ đại nghị, quyền riêng tư, chủ nghĩa tư bản và tự do ngôn luận trong thời đại kỹ thuật số. Biết khi nào và làm thế nào để ưu tiên một số giá trị của họ đối với những giá trị khác vẫn là một chủ đề thử nghiệm đối với các thành viên của Thế Hệ Z. Điều tương tự cũng xảy ra với quá trình trả lời các câu hỏi sâu về vấn đề liệu – hay như thế nào – những ý tưởng và những giá trị cũ vẫn giữ được giá trị trong thời đại kỹ thuật số. Việc phát triển các cấu trúc xã hội mới cho thời đại kỹ thuật số sẽ đòi hỏi một quá trình tìm kiếm sự thỏa hiệp, vẫn chưa được xác định và thử nghiệm, giữa các giá trị cạnh tranh nhau và, với tư cách là xã hội, chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình phức tạp này. Các thành viên của Thế hệ Z đã tiến xa hơn trong quá trình thích ứng với thời đại kỹ thuật số so với những người đi trước họ và do đó sẵn sàng dẫn đầu trong nhiều vấn đề mà chúng ta đã thảo luận. Giống như những người trẻ tuổi đã định hình lại các thể chế và chuẩn mực xã hội khi họ chuyển từ nông thôn lên thành phố trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, các công dân thuộc Thế Hệ Z ngày nay đang phải nổ lực để tìm ra cách tốt nhất để đáp ứng những thách thức của thời đại kỹ thuật số. Họ cố gắng xác định những gì nên giữ lại từ quá khứ, những gì nên bỏ lại phía sau và cách xây dựng các cấu trúc và quy ước xã hội hoàn toàn mới.
La Vie des Idées: Việc các công ty công nghệ lớn và các Quốc gia có thể đạt đến khả năng toàn thị có tạo ra mối đe dọa thực sự đối với nền dân chủ không? Bà có thấy có những cách nào mà những công nghệ mới này có thể trao quyền cho công dân và củng cố nền dân chủ không?
Roberta Katz: Câu hỏi lớn! Như tôi đã nói, ở giai đoạn tương đối sớm này của quá trình chuyển tiếp sang thời đại kỹ thuật số, chúng ta khó biết được những thay đổi kinh tế xã hội nào sẽ xảy ra theo thời gian, kể cả về mặt cai quản. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta nên tập trung vào các giá trị xã hội làm nền tảng cho nền dân chủ để quan sát và hiểu rõ hơn cách các giá trị này bị phá hoại hoặc thúc đẩy không chỉ bởi các tính năng kỹ thuật số mà còn bởi các thực thể tư nhân và công cộng, các tổ chức kiểm soát việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số mới này về sản xuất và truyền thông.
Tôi rất vui khi thấy rằng nhiều nhà khoa học xã hội cuối cùng cũng quan tâm đến những vấn đề này, khảo sát kỹ lưỡng cả các công nghệ và những người tạo/chủ sở hữu những công nghệ này để xác định tác động của chúng đối với các giá trị nền tảng của xã hội chúng ta. Trong một thời gian quá dài, các nhà công nghệ đã đảm bảo với chúng ta về sự an toàn của chúng, và các nhà khoa học xã hội đã cảm thấy quá thiếu hiểu biết về kỹ thuật số để đặt lại vấn đề về sự đảm bảo đó, nhưng thời đại “lạc quan về công nghệ” đã qua, và giờ đây chúng ta có thể đảm nhận nhiệm vụ nghiêm túc là khảo sát có phê phán các tác động kinh tế-xã hội (bao gồm của cả chính phủ) trong hiện tại và tương lai của các công cụ kỹ thuật số mới và cơ sở hạ tầng nối mạng của chúng ta.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Le numérique restructure le social”, La vie des idées, 8.6.2022.
----
Hồ sơ:
Faut-il avoir peur de la révolution numérique?/Có nên sợ cuộc cách mạng kỹ thuật số không?
http://www.phantichkinhte123.com/2024/12/ky-thuat-so-ang-tai-cau-truc-xa-hoi.html#more
Không có nhận xét nào