Header Ads

  • Breaking News

    Kỹ thuật chuỗi khối, tiền ảo, tài sản ảo và chính sách của Việt Nam

    Vũ Quang Việt (kinh tế gia) và Hồ Văn Tiến (kỹ sư phần mềm)

    11/12/2024


    Bài này đặt câu hỏi chính là tại sao Việt Nam lại muốn trở thành trung tâm của kỹ thuật chuỗi khối và lý do cho việc đặt câu hỏi. Phần phụ lục dành cho độc giả muốn biết thêm chi tiết về nguyên tắc của công nghệ chuỗi số, dù còn sơ lược. 

    Tại sao lại đặt vấn đề?

    Công nghệ chuỗi khối (blockchain) dùng làm gì và tại sao chính phủ Việt Nam lại bỗng nhiên đặt nặng vấn đề công nghệ chuỗi khối ở Việt Nam. Công nghệ chuỗi khối chính là công nghệ dùng để ghi (chứa) và cập nhật trong sổ cái (ledger) tất cả thông tin về các giao dịch (transaction) của một tài sản gì đó (có thể là tiền ảo, chứng chỉ sở hữu tài sản nhà, bằng lái xe hay thông tin gì đó). Hệ thống này có khả năng xác minh tính trung thực của mã địa chỉ từng túi thông tin, thông tin chứa trong túi, tính khả thi của từng trao đổi nếu là tiền ảo (như có đủ tiền không). Xác minh không được làm tập trung, mà làm phân tán ở khối, ở địa chỉ liên quan, rồi cuối cùng ở địa chỉ chứa sổ cái (full node). Một khối ghi một số trao đổi mới nhất trong một thời gian nhất định, và đóng lại với mã thời gian sau khi được kiểm định. Toàn bộ các giao dịch, có thể vượt biên giới, nhanh chóng, không qua trung gian, được máy kiểm chứng, được ghi trong sổ cái (ledger), nhưng chính vì thế người thứ ba (như chính phủ hay bất cứ ai) không thể biết được chủ sở hữu thật của các trao đổi và số chung kết về tài sản của một túi tiền là ai và ở đâu. 

    Tiền ảo với công nghệ chuỗi khối

    Tại sao kỹ thuật chuỗi số lại được nói tới nhiều như hiện nay? Đó là vì kỹ thuật này được dùng để tạo ra tiền ảo như Bitcoin, cho phép trao đổi trực tiếp giữa một sở hữu chủ và đối tác, tránh sự nhòm ngó của bất cứ ai. Mà cơ bản là chính quyền không biết người sở hữu thực là ai (có nghĩa là có địa chỉ thực để bị đánh thuế hay xem xét tính hợp pháp) và mục đích trao đổi của họ là gì. Do đó cơ bản Bitcoin dùng để đầu cơ là chính và sau đó có thể là buôn lậu và tài trợ các hoạt động bất chính khác, vượt biên giới quốc gia. 

    Bitcoin do một cá nhân tạo ra, người đó cho đến nay cũng không biết rõ là ai, nhưng với tên là Satoshi Nakamoto. Ông ta hay nhóm của ông ta tạo ra Bitcoin vào năm 2009, và lúc đầu tự quyết định số lượng đầu 1 triệu Bitcoins và phần mềm ông ta tạo ra hạn chế tổng số lượng là 21 triệu Bitcoins với tỉ giá $0.00099 cho một Bitcoin. Ông ta tự cho mình 5,050 Bitcoins, tức là chỉ có $5.0. Bây giờ (8/11/2024) giá một Bitcoin là $US76,730, ông ta đã có số tiền giá trị hơn $US387 triệu. Tổng số 18.780 triệu Bitcoins được tạo thêm ra từ giao dịch, tiền thưởng những người có máy tham gia vào giải quyết trao đổi giữa những người có tiền, công việc được gọi là đào mỏ (mining). Số Bitcoins có giá trị trên thị trường lúc viết này là US$1.5 ngàn tỷ. Theo thiết kế, mỗi bốn năm số Bitcoins cần đào sẽ giảm khoảng phân nửa. Thí dụ năm 2009 là 21 triệu Bitcoins, năm 2012 là 10.5 triệu, … năm 2024 chỉ còn 1.3 triệu. Vì thế số Bitcoins tiền thưởng cũng giảm, thí dụ 50 cho năm 2009, 25 cho năm 2012, … 3.125 cho năm 2024. Hiện nay Bitcoins đã gần đạt lượng tối đa. Chi phí trao đổi trong tương lai sẽ không còn dựa vào đào mỏ mà phải dựa vào phí chuyển nhượng. 

    Các loại tiền ảo khác như Ethereum, trước đây không hạn chế số lượng, nhưng từ tháng 8, 2021 các người đào mỏ đã đạt đồng thuận đốt tiền (burn) bằng cách các máy đào mỏ sau khi nhận thưởng gửi tới “trạm đốt” để giảm một tỷ lệ nhất định. Cách này (lạ là mang tính tự nguyện) nhằm hạn chế số lượng, để giữ hay làm tăng giá đồng Ethereum. Ngoài việc đốt, phần mềm thiết kế mới đưa vào cũng tăng phí trao đổi khi lượng trao đổi trên mạng vượt 50% khả năng của mạng. Đây cũng giống cách các ngân hàng trung ương sử dụng nhằm giảm lạm phát là giảm lượng tiền tệ và tăng phí trao đổi (tức là lãi suất). Tuy nhiên, giá đồng bạc ảo chủ yếu hiện nay tùy thuộc hoàn toàn vào lượng cầu của những người sẵn sàng mua để đầu cơ và trốn tránh sự kiểm soát và đánh thuế của chính quyền. 

    Khó biết có bao nhiêu loại tiền ảo đã từng ra đời, vì đó là một thị trường không kiểm soát; có nguồn thông tin nói hàng triệu,i có nơi nói trên 13 ngàn, ii tuy nhiên hiện nay có hơn gần 10 ngàn loại tiền ảo khác nhau còn sống sót và đang được mua bán trên thị trườngiii, trong số này, có 430 loại tiền ảo có giá trị trên thị trường thế giới từ 100 triệu USD trở lêniv. Tổng số giá trị bitcoins, tiền ảo ra đời đầu tiên, là hơn $US 1.5 ngàn tỷ, và của toàn các loại tiền ảo là $US 2.41 ngàn tỷ (bằng gần 6 lần GDP Việt Nam, và 8% GDP Mỹ).

    Tiền ảo cơ bản không bị cấm ở nhiều nước và các trao đổi về nguyên tắc bị đánh thuế như các trao đổi thương mại khác. Hiện nay, nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc, Pháp, v.v. cho phép tiền ảo và coi nó như tài sản và phải chịu thuế.v Sở thuế Mỹ mới đây mới ra thông báo về việc nộp thuế.vi Pháp mới ra luật đánh thuế 30% tiền lợi nhuận khi bán tài sản (capital gain) và ngược lại được trừ thuế khi lỗ.vii Tuy nhiên chưa thế tìm được số liệu thu thuế của sở thuế Mỹ đối với các trao đổi dựa vào tiền ảo.

    Còn Singapore nơi nhà nước có chính sách muốn Singapore thành trung tâm của tiền ảo và chuỗi khối số thì lại muốn hạn chế chính người dân tham gia bằng luật cấm quảng cáo về tiền ảo và lợi ích của nó vì tính chất rủi ro cao của nó, và không có luật bảo vệ người sở hữu trao đổi qua các doanh nghiệp trung gian tiền ảo ở đó.viii 

    Tuy nhiên, thực tế là nhà nước chỉ có thể đánh thuế được các trao đổi cũng như lợi nhuận tạo ra do thay đổi giá (capital gain) nếu tiền ảo được chuyển thành tiền mặt ở trong nước, chứ khó mà thu thuế nếu như thực hiện ở nước ngoài, nhất là ở một đảo quốc sẵn sàng chứa chấp hoạt động phi kiểm soát như tiền ảo để làm tiền. Như thế, tiền ảo là do cá nhân tạo ra để tránh sự kiểm soát của chính quyền, để đầu cơ, đánh bạc và chi trả cho các hoạt động bất chính, hoặc nhằm tránh đóng thuế. Tiền ảo cũng khó lòng có thể dùng làm phương tiện chi trả các các mua bán thường xuyên, nhất là giá trị đơn vị của nhiều đồng quá lớn, và chi phí trả cho các thanh toán cũng rất lớn, dù ở Thụy Sĩ chính phủ và một số doanh nghiệp chấp nhận chi trả bằng tiền ảo, không biết có bao nhiều người sử dụng nhưng chi phí không nhỏ.ix 

    Như thế, không thể nghĩ rằng tiền ảo có thể thay thế tiền quốc gia. Tiền mặt hiện nay ở bất cứ nước nào, có 3 nhiệm vụ là dùng làm phương tiện trao đổi, đơn vị đo lường giá trị đáng tin cậy, và để dành. Nền kinh tế hiện hành chấp nhận nguyên tắc là để có thể thực hiện được các mục đích trên, nhà nước các nước đã giao cho mình quyền in tiền quốc gia và Ngân hàng trung ương nhiệm vụ quản lý chính sách để bảo đảm giá trị sức mua của đồng tiền, qua việc quyết định lượng tiền cần có trong nền kinh tế. Tất nhiên kinh tế càng cao thì lượng tiền đòi hỏi cũng cao lên. 

    Lượng tiền ảo hiện nay do doanh nghiệp tạo ra nó quyết định lượng cung tối đa, như Bitcoin đã được quyết định bởi người viết phần mềm chạy máy và không thể thay đổi được, còn lượng tiền Ethereum thì lúc đầu hoàn toàn dựa vào số lượng trao đổi: nó thưởng tiền cho máy đào mỏ giúp giải quyết việc xác minh, và trừ đi phí trao đổi, nhưng từ năm 2021 như đã giải thích là để nhằm hạn chế cung, chặn giảm giá, giới đào mỏ đã quyết định tự nguyện “đốt” tiền và tăng phí xác minh trao đổi. 

    Giả thiết nếu có tiền ảo quốc gia thì công nghệ chuỗi khối không phải là tạo ra tiền ảo mà là giúp vận hành việc trao đổi. Không rõ các ngân hàng trung ương đang nghĩ gì nhưng có thể là đồng tiền ảo quốc gia là một mã tiền quốc gia (national token) được Ngân hàng trung ương bảo chứng và chính phủ có quyền giảm hoặc tăng lượng cung cũng như phí trao đổi (lãi suất) . Và nếu nó chứa trong túi tiền, thì mọi sở hữu chủ túi tiền ảo phải có địa chỉ cá nhân cụ thể, được kiểm chứng được rõ ràng, và chịu thuế tùy theo trao đổi và tất nhiên có thể được cho vay lãi với lãi suất rõ ràng. Mã tiền quốc gia có thể trao đổi giữa các ngân hàng thương mại, và Ngân hàng Trung ương, trên cơ sở chuỗi khối, thay thì tập trung như hiện nay. Giả thiết tiền ảo quốc gia khó xảy ra trong giai đoạn trước mắt vì chi phí điều hành đắt, như kinh nghiệm trao đổi chuỗi khối không phải tiền cho thấy (xem ở dưới), nhất là việc dùng quá nhiều điện để kiểm kê trao đổi trong chuỗi khối, và nhất là việc điều chỉnh lượng tiền bằng phần mềm không đủ nhanh chóng khi cần áp dụng áp dụng chính sách tiền tệ cần thiết. 

    Công nghệ chuỗi khối và tài sản không phải là tiền

    Mục đích của công nghệ chuỗi khối không tạo tiền chỉ nhằm trao đổi các tài sản không phải là tiền, và lưu giữ thông tin, và bảo đảm thông tin không bị thay đổi, bằng một mã tóm tắt nội dung (hash value). Công nghệ chuỗi khối loại này cũng chưa thấy thành công vì vài vấn đề: lấy chi phí ảo gì để chi trả cho dịch vụ đào mỏ nhằm xác minh trao đổi, như vậy phải có túi tiền mua từ ngoài và chuyển vào chuỗi khối? Nếu là dùng nội bộ, để kiểm soát chuỗi cung ứng vật tư và sản phẩm trong một công ty, một ngân hàng, hay một vài doanh nghiệp làm ăn thường xuyên với nhau thì chuỗi khối phân tán chưa chắc đã hiệu quả hơn hệ thống kiểm tra tập trung vì trong chuỗi cung ứng có rất ít túi, chứ không như tiền ảo có hàng triệu túi tham gia. 

    Giới chuyên môn cũng đã chỉ ra 16 khuyểt điểm của công nghệ chuỗi khối, x quan trọng nhất là dùng quá nhiều điện, với nhiều người tham gia thì rất chậm, khó tổng hợp với các khối chuỗi khác và nếu được thì rất tốn kém và mất thời gian, lại cần chuyên gia điều hành nên càng thêm tốn kém. Dù kinh nghiệm cho đến nay có thể chưa đủ để đánh giá, tuy nhiên một tác giả đã vạch ra các trường hợp cụ thể là Microsoft, IBM, v..v. đã phải không kèn không trống đóng cửa chuỗi khối số không phải tiền ảo của họ.xi Kiểm chứng lại thì thấy đúng là Azure của Microsoft xây dựng trên cơ sở chuỗi khối và muốn là một dịch vụ nhằm giúp các doanh nghiệp tạo, quản lý và điều hành mạng lưới blockchain cũng đã thông báo chấm dứt dịch vụ chuỗi khối từ tháng 10 năm 2021 vì ít khách hàng.xii Hợp tác giữa IBM với Doanh nghiệp Tầu biển Maersk cũng tuyên bố chấm dứt năm 2022 vì ít khách hàng và không tạo được hợp tác rộng.xiii 

    Mục đích của chiến lược phát triển công nghệ khối chuỗi ở Việt Nam

    Vậy mục đích của chiến lược phát triển công nghệ khối chuỗi ở Việt Nam là gì qua những tuyên bố rất mạnh của nhà cầm quyền Việt Nam, nhất là khi công nghệ này không mấy thành công và kinh tế khi áp dụng chỉ để lưu giữ và trao đổi thông tin hay tài sản không phải tiền ảo?

    Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong cuộc họp khai mạc Hội nghị chuyển đổi số 12/7/2023 và nhấn mạnh “Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu đang được cả thế giới thực hiện và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.” 

    Theo báo Vietnam.vn của Thông Tấn Xã Việt Nam, chính ông Phó Thủ tướng đã phát biểu về chính sách quốc gia về công nghệ chuỗi khối (Blockchain) này.  

    Ngày 22/10 [2024], Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg, công bố Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu 3 trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về blockchain tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia; Có đại diện nằm trong Bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á.

    Vấn đề chưa thấy lãnh đạo đặt ra là mục tiêu của công nghệ khối chuỗi, nhất là về vấn đề tiền ảo. Và nếu là tiền ảo kiểu bitcoin thì đây là điều đáng lo ngại. 

    Tiền ảo hiện nay đang được sử dụng khá rộng rãi ở Việt Nam, như báo VietnamPlus.vn của Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, dựa vào thông tin của nước ngoài là đã có 120 tỷ USD tiền ảo dùng trong trao đổi là của người Việt Nam (có lẽ nằm ở đảo quốc nào đó). Theo tin của hội tiền ảo, 17% dân Việt đã nắm tiền ảo chủ yếu là từ 25-34 tuổi. Việt Nam là nước đứng thứ tư thế giới về dùng tiền ảo, theo chỉ số sử dụng, cơ bản là dựa vào số lượng có trọng số phản ánh thu nhập đầu ngưới tính theo sức mua thấp của Việt Nam. 

    Không biết việc dùng tiền ảo này có quan hệ như thế nào với rửa tiền và hoạt động bất chính? Lý do của câu hỏi này là do việc Việt Nam năm 2024 bị tổ chức chống rửa tiền và tài trợ khủng bố quốc tế Financial Action Task Force (FATF), đưa vào danh sách xám nghi ngờ rửa tiền gồm 24 nước, dù chưa vào danh sách đen do Việt Nam sẵn sàng hợp tác. Việt Nam cũng nên học tập thêm về sự kiện năm 2023 là việc công ty FTX quản lý tiền ảo của khách hàng và sử dụng chúng cho việc riêng mà không ai biết họ. Khách hàng mất 8 tỷ còn chủ sở hữu cổ phiếu FTX mất 1.7 tỷ. (Có thể đọc chi tiết về vụ FTX ở đây.)

    Có lẽ chính phủ Việt Nam nên giải trình đầy đủ vấn đề về vấn đề sử dụng tiền ảo ở Việt Nam và mục đích của chính sách quốc gia về công nghệ chuỗi khối. 

    Một điều đáng lo ngại nữa là việc sử dụng điện rất cao của các máy đào mỏ. Một giao dịch bitcoin tiêu thụ khoảng 1.224 kWh điện, tương đương với mức tiêu thụ điện của một hộ gia đình trung bình ở Hoa Kỳ trong 41.97 ngày.xiv Phải chăng nhiều công ty khối chuỗi muốn vào Việt Nam vì giá điện ở Việt Nam rẻ hơn nhiều nước khác. xv Cũng vì rất tốn điện TQ đã ra luật năm 2021 cấm đào mỏ ở TQ, và với chính sách kiểm tra của TQ, những người muốn sử dụng tiền ảo và tin rằng đó là cách bảo vệ giá trị tài sản phải làm việc thông qua một công ty trung gian trong bóng tối ở nơi khác.xvi 

    Phụ lục về công nghệ blockchain ở dưới giải thích thêm về công nghệ chuỗi số blockchain và việc ứng dụng vào việc tạo tiền và trao đổi tiền. 

    Phụ lục về công nghệ Blockchain 

    Hệ thống mạng tập trung

    Hệ thống phi tập trung

    https://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/ky-thuat-chuoi-khoi-tien-ao-tai-san-ao-va-chinh-sach-cua-viet-nam/Blockchain7_tien_html_44f92130.png

    https://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/ky-thuat-chuoi-khoi-tien-ao-tai-san-ao-va-chinh-sach-cua-viet-nam/Blockchain7_tien_html_e885ebed.png

    Tất cả thông tin, trao đổi đều đưa về một trung tâm lưu giữ tư liệu để kiểm tra, xác minh, lưu giữ 

    Thông tin được lưu giữ ở một vài trung tâm giữ toàn bộ một loại tư liệu (thí dụ chỉ có 1 vùng hay 1 quốc gia) nhưng có trao đổi với nhau


    Công nghệ chuỗi khối nói chung

    Công nghệ chuỗi khối Blockchain là việc tạo ra các túi giữ tài sản ảo – có thể là tiền ảo hay vật giá trị gì đó (wallet of digital assets) để sở hữu chủ trao đổi với nhau không cần qua trung gian như ngân hàng, mà không một ai (kể cả chính phủ) có thể biết được ai trao đổi với ai (như cho vay, lãnh lương hay trả tiền mua bán bằng tài sản ảo, tài sản ảo lên giá), để đánh thuế hay kiểm soát. Lợi ích của tiền ảo qua công nghệ chuỗi số không chỉ là giữ bí mật sở hữu chủ mà còn là nhanh chóng, ít tốn kém. 

    Tài sản trong túi giữ tài sản ảo (wallet of digital assets) có thể tiền ảo (crypto coins), ảnh, bản thảo, dữ liệu. Toàn bộ các trao đổi được giữ trong nhiều khối (blocks), có liên kết với nhau (vì vậy mới gọi là blockchain) và cùng lúc được lưu giữ ở rất nhiều địa điểm (nodes) khác nhau. Khi có trao đổi mới, máy đào mỏ xác minh (thí dụ thông tin có bị thay đổi không, túi trả tiền phải có đủ tiền, và tiền trừ đi từ túi chi được cộng thêm vào túi thu), thông tin mới ở khối (block) mới được thông báo cho toàn hệ thống, sau khi được xác minh bởi các máy đào mỏ (mining) ở mọi địa điểm (nodes) khác trong hệ thống, khối mới này được xác định như bị đóng đinh và không thể thay đổi, và được cho ký hiệu hash value (mã tóm tắt của một văn bản) nhất định - không thể thay đổi. Với kỹ thuật toán, mỗi khối với nội dung giống nhau, sẽ chỉ có thể có một mã tóm tắt hash value giống nhau. Vì vậy, khi có ai đó chui vào thay đổi nội dung, thì lập tức khối đó được máy đào mỏ dựa vào thuật toán cho một mã tóm tắt khác và toàn hệ thống biết và bác bỏ nó.


    https://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/ky-thuat-chuoi-khoi-tien-ao-tai-san-ao-va-chinh-sach-cua-viet-nam/Blockchain7_tien_html_ab85357c.png

    Các trao đổi trong một khoảng thời gian nhất định sau khi được xác minh bởi các máy đào mỏ (miners) của bất cứ ai có khả năng sẽ được đưa vào một khối mới (new block) trong hệ thống với một mã số hash mới. 

    Xác minh đơn giản là xem địa chỉ có thật không. Xác minh phức tạp tiếp theo là ở một địa điểm (node) có đầy đủ trao đổi trước đó, nhằm xem xét yêu cầu trao đổi giữa 1 túi này với các túi khác. Nếu là tiền thì xem túi trả có đủ tiền trả không, từ các các khối (block) trước đó trong hệ thống, và số mã hash của túi có giống như cũ không. Các máy đào mỏ chỉ được dùng và chỉ biết chìa khóa công để vào khi sở hữu chủ muốn trao đổi với túi khác. Trong chuỗi khối số (block chain) có địa điểm có đầy đủ toàn bộ thông tin (full node – mầu đỏ trong hình ở trên) làm công tác xác minh toàn diện lại. 

    Tại sao lại cần nhiều nodes như thế? Lý do là nếu một block trong một node bị ngoại xâm, thay đổi thông tin thì nó sẽ đối nghịch với thông tin ở node khác. Và như thế hệ thống có thể biết ngay khối (block) nào bị thay đổi và loại trừ thông tin bị thay đổi. Máy đào mỏ nào xác minh sự chính xác của một trao đổi trước tiên sẽ được thưởng bằng Bitcoin, xác minh của máy đào mỏ đầu tiên cũng phải được máy đào mỏ khác xác định lại là chính xác. Block được xác minh sẽ được nối kết với block trước nó và coi như được xác định trong hệ thống blockchain. Cứ mỗi 10 phút một block hoàn thành. Các trao đổi thường được coi là chính xác sau khi được xác minh khoảng 3 lần, các trao đổi với giá trị cao có thể đòi hỏi 6 lần xác minh. Các máy khác khi xử lý các trao đổi sau đó vẫn tiếp tục xác minh các trao đổi trước đó. Các khối block có liên hệ với nhau khi block sau ra đời có địa chỉ của các block trước (với quan hệ được gọi là Merkle root hay Hash tree root). Mỗi khi có thêm trao đổi, thì block mới có số hiệu Hash mới. 

    Để trao đổi, dù là tiền hay thông tin, thì người có túi tài sản ảo phải có ký tự mật mã do chính mình tạo ra để có thể vào túi.   Một người có thể vào website thí dụ bitcoin.com để tạo ra túi của mình.  Mỗi túi có 2 chìa khóa mật mã (keys): chìa khóa riêng (private key) chỉ có cá nhân sở hữu biết và chìa khóa công (public key) được máy tạo ra và là mật mã riêng (hash) của chia khóa riêng. Chìa khóa công dùng như địa chỉ để trao đổi. 

    Chìa khoá riêng là để người sở hữu túi dùng để vào túi của mình khi muốn chuyển tài sản ảo vào túi của người khác. Chìa khóa công được gửi đến đối tác để họ chuyển tài sản vào túi của mình. Đối tác không thể biết chìa khóa riêng mà chỉ biết tài khóa công. Không ai có thể biết được chủ từng túi là ai, ở đâu, dù biết được chìa khóa công vì chúng không có thông tin này.

    Sau khi trao đổi, các trao đổi được đưa vào một khối mới (new block). Mỗi khối đều được máy đào mỏ, dựa vào thuật toán đóng dấu mật mã riêng gọi là hash value. Khối mới cũng giữ hash value của khối trước nó. Nếu khối cũ nào đó bị thay đổi, lập tức máy đào mỏ có thể xác định là bị xâm nhập, và cả hệ thống được thông báo và loại trừ khối đó. 

    Người muốn chuyển phải trả dịch vụ phí. Dịch vụ đề nghị càng cao càng khuyến khích máy đào mỏ nhận giao dịch. Khối mới sâu chuỗi (chain) với thông tin trong khối cũ bằng mật mã gọi là hash value, nhưng trên cơ sở là thông tin trong khối cũ hoàn toàn được bảo đảm là không có gì thay đổi.

    Mục đích của blockchain là bảo đảm sự độc lập của cá nhân đối với nhà cầm quyền hay bất cứ ai để họ không bị soi mói, và bảo đảm không ai có thể thay đổi thông tin trong các túi thông tin. 

    Việc cho mã số hash rất khác cách dùng mật mã (encription) trước đây. Mật mã là viết lại một thông điệp với ngôn ngữ thông dụng thành mật mã mà chỉ có người biết mật mã, mới có thể giải mãi thông điệp bằng ngôn ngữ thường. Không có mật mã thì không thể đọc được thông điệp. Trong hệ thống chuỗi khối, bất cứ ai có chìa khóa công (public key) đều có thể đọc được mọi thông tin trong túi chứa và các trao đổi giữa các túi nhưng không biết sở hữu chủ thực tế là ai mà thôi. Mục đích của Hash value là bảo đảm rằng túi đó trong một khối (block) vẫn nguyên dạng, vì nếu ai xâm nhập thay đổi thì lập tức hệ thống biết là túi bị thay đổi đó có một mã hash khác, và hệ thống sẽ bác bỏ khối đó.

    https://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/ky-thuat-chuoi-khoi-tien-ao-tai-san-ao-va-chinh-sach-cua-viet-nam/Blockchain7_tien_html_67b8ca3e.png


    Công nghệ chuỗi khối áp dụng với tiền ảo

    Về nguyên tác, tiền ảo có thể dùng để trả lương, mua hàng hóa, lưu giữ và do đó giá lên và do đó phải chịu thuế. Nhưng có thể dễ nhận thấy là chính phủ chỉ có thể biết để đánh thuế khi tiền ảo được chủ sở hữu rút ra thành tiền mặt và rất khó tin được là chính phủ có thể lấy được thông tin đáng tin cậy về các loại thu nhập (lãi do tăng giá, tiền thu từ bán hàng, tiền lương,...) vì thuế suất khác nhau hoàn toàn. Nếu rút chủ sở hữu chuyển tiền ảo thành tiền thật ở nước ngoài, tại một đảo quốc nào đó sẵn sàng phục vụ trao đổi bất chính thì chính phủ chịu thua.

    Nhưng làm sao blockchain biết được chủ sở hữu túi có đủ tiền để trao đổi và trên cơ sở đó xác minh trao đổi đó, trừ đi tiền gửi khỏi túi người gửi và cộng tiền gửi vào túi người nhận. Máy làm việc xác minh này gọi là máy đào mỏ (miners) chỉ cần xem xét các trao đổi (transactions) trong quá khứ của chìa khóa công để có thể làm xác minh mà không cần và không thể vào túi của người sở hữu túi. Thông tin về các trao đổi trong quá khứ nằm ở nhiều khối (block) trong blockchain. Khối là một thùng chứa thông tin. Nếu được xác minh, khối đó sẽ được chứa ở mọi node, nếu chỉ một node không xác minh, khối đó sẽ bị loại. Và như thế, tất cả khối thông tin (blocks) trong blockchain lại được chứa trong mọi nodes, hay nói khác đi là mỗi node trong hệ thống chứa toàn bộ thông tin của blockchain. Chính vì thế, node là nơi được sử dụng để đào mỏ, tức là xác minh sự chân thật của trao đổi, loan truyền kết quả của trao đổi đó với mọi node trong hệ thống.

    Máy đào mỏ được thưởng một số tiền ảo, người muốn chuyển phải trả dịch vụ phí. Dịch vụ đề nghị càng cao càng khuyến khích máy đào mỏ nhận giao dịch.

    Cũng nên nói qua là thông tin về trao đổi trong chuỗi khối không có tính bí mật, vì địa điểm đầy đủ (full note) giữ toàn bộ thông tin này. Hệ thống chỉ bảo đảm không ai có thể vào để thay đổi thông tin. Cho nên thông tin bí mật đòi hỏi mật mã hóa (encryption), tức là dùng các mật mã để chuyển đổi toàn bộ thông tin thành các mật mã mà để đọc thì phải dùng cùng hệ thống mật mã để chuyển ngược lại. Đây là phương thức cổ điển chuyển thông đã được sử dụng trong chiến tranh hay ngoại giao trước đây. Tóm tắt nội dung bằng mã tóm tắt (Hashing) là phương pháp toán học như SHA-256 cho một ký hiệu dài 256 bit cho một túi thông tin và bảo đảm rằng túi thông tin đó chưa bị sửa nếu như túi thông tin đó cho cùng một ký hiệu dài 256 bit. Tất nhiên người có chìa khóa công đều có thể đọc được thông tin.

    Cryptocurrency wallet (túi để tiền ảo)

    Có 2 loại túi tiền ảo: custodial wallet và non-custodial wallet. 

    1. Non-custodial wallet (túi tự quản): túi tự giữ, người sở hữu vì phải nhớ ký tự mã của túi. Nếu quên hay mất thì mất hết tài sản. Muốn có 1 túi tự quản bitcoin thì phải lên mạng, download xuống. https://wallet.bitcoin.com/  Quan trọng là tạo ra các ký tự mật mã mà chỉ mình biết.  Túi tự quản (Non-custodial wallet) cũng được gọi là cold wallet. Toàn bộ thông tin chứa ở máy ở nhà và không link với mạng internet. Vậy làm sao người trả tiền biết được wallet của mình? Họ phải thông qua mật mã công cộng mà mật mã công cộng được tạo ra bởi máy thông qua phương pháp toán học từ mật mã riêng mà người khác dù có mật mã công cộng cũng không thể đi ngược để tìm ra mật mã riêng.  Vì không thông qua trung gian nên Non-custodial wallet không phải trả phí như Custodial wallet, nhưng phải trả phí cho network mà mình dùng để tạo wallet.  Nhưng như đã nói nếu quên hoặc mất các khoá thì coi như mất hết tài sản. Đây là phương cách làm chính phủ mù mắt.

    2. Custodial wallet (túi bị quản) là túi tiền giao cho người thứ ba giữ (công ty trung gian trao đổi) và khi mua chỉ cần ra lệnh cho họ thực hiện. Công ty này tất nhiên đòi hỏi tên người, địa chỉ, và phương tiện trả (như credit card, số tài khoản,...). Nhà nước có thể đòi các thông tin này. Chính vì thế mà các công ty trung gian muốn lập văn phòng ở một nước nào đó không có luật kiểm soát.    Hiện nay ngay ở Mỹ cũng chưa có luật rõ ràng để kiểm soát, quản lý túi bị quản nên trò bịp đã xảy ra với FTX. Có nhiều công ty làm công ty trung gian (custodial) như thế như  Binance, Coinbase, and Krake, etc.

    Muốn có túi bị quản thì phải lên mạng tạo ra cái app. Nếu là túi tự quản thì không phải cung cấp thông tin cá nhân. Nếu là túi bị quản thì phải cung cấp ảnh, ngày và nơi sinh, tờ khai như hộ chiếu, bằng lái xe, chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi cư ngụ. 

    Các loại tiền ảo hiện nay và giá trị của chúng 

    Có thể xem từ thông tin của Forbes với tổng số lượng tiền ảo mỗi loại và giá trên thị trường mới đây ở dưới. Thông tin mới nhất hàng ngày có thể xem ở https://finance.yahoo.com/. 

    https://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/ky-thuat-chuoi-khoi-tien-ao-tai-san-ao-va-chinh-sach-cua-viet-nam/Blockchain7_tien_html_1ed7483f.png


    Và có thể thấy rằng giá của tiền ảo Bitcoin trồi trụt rất mạnh tính từ khi ra đời đến nay. Giá có thể ước là giá giữ nguyên hay tăng nếu như lượng cầu giữ nguyên hay tăng vì lượng cung đã đến giới hạn. Nhưng vấn đề giá còn tùy thuộc vào lòng tin của thị trường từ đó ảnh hưởng đến cầu. Ta bất ngờ thấy giá giảm từ $68 ngàn xuống $18 ngàn trong năm 2022 rồi lại vọt lên $73 ngàn năm 2024. Đúng là một dạng đánh bạc, đầu cơ. 

    https://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/ky-thuat-chuoi-khoi-tien-ao-tai-san-ao-va-chinh-sach-cua-viet-nam/Blockchain7_tien_html_42233454.png


    Giá của đồng ảo Ethereum cũng trồi trụt rất lớn không khác gì đồng Bitcoin

    https://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/ky-thuat-chuoi-khoi-tien-ao-tai-san-ao-va-chinh-sach-cua-viet-nam/Blockchain7_tien_html_3ee45149.png

    Vũ Quang Việt và Hồ Văn Tiến


    Tài liệu tham khảo


    i How many cryptocurrencies are there? Lyle Daly 2023. https://www.fool.com/investing/stock-market/market-sectors/financials/cryptocurrency-stocks/how-many-cryptocurrencies-are-there/

    ii How Many Cryptocurrencies are There In 2024? Josh Howarth. https://explodingtopics.com/blog/number-of-cryptocurrencies. 

    iii Number of cryptocurrencies worldwide from 2013 to November 2024, Statista. https://www.statista.com/statistics/863917/number-crypto-coins-tokens/. 

    iv Crypto currencies prices today by market cap. https://www.forbes.com/digital-assets/crypto-prices/?sh=12ae406a2478 

    v Countries where bitcoins legal and illegal, Investopedia, 2024. https://www.investopedia.com/articles/forex/041515/countries-where-bitcoin-legal-illegal.asp. 

    vi Taxpayers need to report crypto, other digital asset transactions on their tax returns, IRS (Sở thuế Mỹ): https://www.irs.gov/newsroom/taxpayers-need-to-report-crypto-other-digital-asset-transactions-on-their-tax-return#:~:text=For%20example%2C%20an%20investor%20who,)%2C%20Capital%20Gains%20and%20Losses. 

    vii How France taxes cryptocurrency and NFTs. https://www.simmons-simmons.com/en/features/tax-on-cryptocurrency/clb0yenue0056tsrk3eyavwxi/how-france-taxes-cryptocurrency-nfts. 

    viii Singapore: New MAS guidance restricts public marketing of cryptocurrencies, Baker-Mckenzie, 2023
    https://insightplus.bakermckenzie.com/bm/financial-institutions_1/singapore-new-mas-guidance-restricts-public-marketing-of-cryptocurrencies_1#:~:text=Background,suitable%20for%20the%20general%20public. 

    ix With Bitcoins in Switzerland: Questions and Answers, 2024. https://www.moneyland.ch/en/bitcoin-payments-switzerland#:~:text=Since%202021%2C%20the%20canton%20of,paying%20your%20bills%20using%20bitcoin. 

    x 16 Disadvantages of Blockchain: Limitations and Challenges, https://webisoft.com/articles/disadvantages-of-blockchain/ 

    xi Dirk, Songuer, Why I don’t believe in the Blockchain technology narrative, https://dirksonguer.medium.com/why-i-dont-believe-in-the-blockchain-technology-narrative-d0655f6eabe4#:~:text=Want%20to%20buy%20a%20Zonda,of%20participants%20with%20write%20access. 

    xii https://azure.microsoft.com/en-us/updates/action-required-migrate-your-azure-blockchain-service-data-by-10-september-2021/#:~:text=Based%20on%20recent%20changes%20in,by%20registering%20at%20their%20website. 

    xiii Action Required: Migrate your Azure Blockchain Service data by 10 September 2021, Azure. https://www.theregister.com/2022/11/30/ibm_and_maersk_tradelens_shutdown/#:~:text=IBM%20and%20shipping%20giant%20Maersk,and%20simplifying%20global%20supply%20chains. 

    xiv Block Reward: Definition, How They Provide Incentive, and Future, investopedia.
    https://www.investopedia.com/terms/b/block-reward.asp#:~:text=While%20both%20incentivize%20users%20to,miner%20who%20successfully%20validates%20it. 

    xv Vũ Quang Việt: Không nên duy trì giá điện rẻ, https://thegioihoinhap.vn/thoi-su/doi-song/vu-quang-viet-khong-nen-duy-tri-gia-dien-re/.
    Giá mới vào cuối năm 2023 là 2006.79 đồng/kwh, chỉ tương đương với 8.4 xu mỹ, dù đã lên từ 7.5 xu vẫn còn rất rẻ so với giá 8 xu ở TQ và 25 xu ở Singapore. Coi ở đây về giá điện ở các nước: Cũng có thể xem thêm ở đây: https://worldpopulationreview.com/country-rankings/cost-of-electricity-by-country. 

    xvi Bruised by stock market, Chinese rush into banned bitcoin, By Vidya Ranganathan and Summer Zhen, Reuters, 2024. https://www.reuters.com/technology/bruised-by-stock-market-chinese-rush-into-banned-bitcoin-2024-01-25/#:~:text=Crypto%20trading%20and%20mining%20has,like%20gold%2C%22%20says%20Run. 

    https://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/ky-thuat-chuoi-khoi-tien-ao-tai-san-ao-va-chinh-sach-cua-viet-nam


    Không có nhận xét nào