Tác giả, Mallory Moench
BBC News
11/12/2024
Nguồn hình ảnh, GettyImages
Nhóm vũ trang nổi dậy Syria đã đạt bước tiến đáng kinh ngạc, đặt dấu chấm hết đối với chế độ cai trị kéo dài hàng thập kỷ của Bashar al-Assad, khi đánh chiếm thủ đô và buộc tổng thống phải chạy khỏi đất nước vào ngày 8/12.
Cuộc lật đổ diễn ra sau cuộc nội chiến kéo dài 13 năm, bắt đầu sau khi Assad tiến hành đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ, vốn đã khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa, kéo các cường quốc trên thế giới cùng lực lượng ủy nhiệm vào cuộc.
Thế giới hiện đang theo dõi để xem cục diện chính trị của Syria sẽ thay đổi như thế nào sau khi chế độ cai trị kéo dài nửa thế kỷ của gia đình Assad chấm dứt.
Những bên có lợi ích gắn liền với cuộc xung đột và tương lai của đất nước bao gồm, một bên là Nga và Iran – những nước ủng hộ Assad – và bên kia là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước hỗ trợ các nhóm phiến quân khác nhau.
Ở đây, chúng ta sẽ tìm hiểu xem các quốc gia này, cùng với Israel, đã và sẽ đóng vai trò như thế nào ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ
Nguồn hình ảnh, EPA
Chụp lại hình ảnh, Một người đàn ông vẫy cờ để ăn mừng sự cáo chung của chế độ al-Assad
Trong cuộc nội chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ các lực lượng đối lập - chủ yếu là Quân đội Quốc gia Syria (SNA) bằng cách cung cấp vũ khí, hỗ trợ quân sự và chính trị.
Quốc gia láng giềng phương bắc của Syria chủ yếu quan tâm đến việc sử dụng quân nổi dậy để kiềm chế lực lượng dân quân YPG người Kurd, lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là sự mở rộng của nhóm phiến quân người Kurd bị cấm trong nước.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn khoảng ba triệu người Syria đang tị nạn tại quốc gia này trở về quê nhà.
YPG là lực lượng dân quân lớn nhất nằm trong một nhóm nổi dậy khác, đó là liên minh Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn và do lực lượng người Kurd lãnh đạo.
Trong chiến tranh, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân nổi dậy đồng minh đã chiếm giữ các vùng lãnh thổ từ những nhóm này dọc theo biên giới phía bắc của Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có liên quan về mặt chính trị. Vào năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn để ngăn chặn nỗ lực của chính phủ nhằm chiếm lại tỉnh Idlib, thành trì của quân nổi dậy ở miền tây bắc Syria.
Idlib đã nằm dưới sự quản lý kể từ năm 2017 của chính quyền của nhóm quân nổi dậy Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng đã dẫn dắt cuộc lật đổ cuối cùng đối với chế độ Assad.
Nhiều người cho rằng cuộc tấn công này không thể diễn ra nếu không có sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận việc hậu thuẫn HTS.
Trong khi đó, cuộc xung đột ở miền bắc Syria vẫn tiếp diễn: Khi Assad sụp đổ, SNA đã phát động một cuộc tấn công riêng nhằm vào các khu vực do lực lượng SDF chiếm giữ.
Nga
Nguồn hình ảnh, VALERY SHARIFULIN/POOL/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nay đã bị lật đổ, trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Điện Kremlin vào ngày 24/7/2024
Nga đã có mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ với chính quyền Assad và đặt các căn cứ quân sự ở quốc gia này trước khi xảy ra cuộc nội chiến.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng sự hiện diện của đất nước mình tại Syria và sự ủng hộ dành cho Assad để thách thức quyền lực và sự thống trị của phương Tây trong khu vực.
Năm 2015, Nga đã phát động một chiến dịch không kích và cử hàng ngàn quân đến hỗ trợ chế độ Assad.
Đổi lại, Nga đã nhận được hợp đồng thuê 49 năm đối với một căn cứ không quân và căn cứ hải quân, thiết lập các đầu mối quan trọng ở đông Địa Trung Hải, giúp các nhà thầu quân sự di chuyển vào và ra khỏi châu Phi.
Sự kiện này đánh dấu giai đoạn quan trọng trong nỗ lực khẳng định vai trò một cường quốc toàn cầu của Nga, vốn trước đây chỉ tập trung nỗ lực vào các quốc gia Liên Xô cũ
Nhưng cuộc chiến tranh Ukraine bùng phát từ năm 2022 đã khiến đồng minh của Assad bận rộn, góp phần dẫn tới thất bại nhanh chóng của Syria trước các nhóm quân nổi dậy vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12.
Assad và gia đình đã được cấp quyền tị nạn tại Moscow sau khi chạy trốn khỏi thủ đô Damascus, truyền thông Nga đưa tin.
Mỹ
Nguồn hình ảnh, Chip Somodevilla/Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng 1/2025, từng tuyên bố Syria là một "mớ hỗn độn" mà Washington nên tránh xa
Sau khi các cuộc biểu tình đòi dân chủ của Syria vào năm 2011 bị đáp trả bằng vũ lực, tổng thống Mỹ vào thời điểm đó là Barack Obama đã chỉ trích chính quyền Assad - nhưng Mỹ chỉ thực sự can dự về mặt quân sự để chống Nhà nước Hồi giáo (IS).
Một liên minh toàn cầu do Mỹ đứng đầu đã thực hiện các cuộc không kích và triển khai lực lượng đặc biệt kể từ năm 2014 để giúp liên minh quân nổi dậy do người Kurd lãnh đạo là SDF chiếm được lãnh thổ từng do IS chiếm giữ ở vùng đông bắc.
Sau khi chính quyền Assad sụp đổ, chính phủ Mỹ cho biết họ đã tiến hành hàng chục cuộc không kích nhằm vào các doanh trại và cơ sở của IS ở miền trung Syria để đảm bảo IS không thể trục lợi từ tình trạng bất ổn này.
Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng 1/2025, từng tuyên bố Syria là một "mớ hỗn độn" mà Washington nên tránh xa.
Thời Donald Trump làm tổng thống vào năm 2019, ông đã rút quân đội Mỹ khỏi Syria, một động thái mà các quan chức của ông dần dần đảo ngược.
Mỹ hiện có khoảng 900 quân đồn trú ở Syria.
Iran
Nguồn hình ảnh, AREF TAMMAWI/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Abu Mohammed al-Jolani phát biểu trước những người ủng hộ tại Nhà thờ Hồi giáo Umayyad ở Damascus vài giờ sau khi lật đổ Bashar al-Assad
Iran và Syria đã là đồng minh kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo của Iran hồi năm 1979. Syria đã ủng hộ Iran trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980.
Trong cuộc nội chiến Syria, Iran được cho là đã triển khai hàng trăm binh sĩ và chi hàng tỷ đô la để trợ giúp Assad.
Hàng ngàn chiến binh Hồi giáo Shia được Iran trang bị vũ khí, huấn luyện và tài trợ - chủ yếu từ phong trào Hezbollah tại Lebanon, nhưng ngoài ra còn có các lực lượng từ Iraq, Afghanistan và Yemen sát cánh với quân đội Syria.
Nhưng giống như Nga, Hezbollah đã bị suy yếu trong cuộc xung đột với Israel ở Lebanon, từ đó có lẽ đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ của quân đội Syria.
Israel
Chụp lại video, Nội chiến Syria: Triều đại Assad sụp đổ như thế nào?
Israel có chung đường biên giới với Syria. Trong Chiến tranh Sáu ngày vào năm 1967, Israel đã chiếm Cao nguyên Golan, nằm cách thủ đô Damascus khoảng 60 km về phía nam, trước khi sáp nhập cao nguyên này vào năm 1981.
Việc sáp nhập này không được Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia khác công nhận.
Israel đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến Iran tại Syria trong cuộc chiến, mặc dù quốc gia này hiếm khi lên tiếng thừa nhận đã có các cuộc không kích như vậy.
Kể từ khi lực lượng quân nổi dậy lật đổ Assad, Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc tấn công trên khắp Syria. Các mục tiêu bao gồm hạ tầng quân sự, các đơn vị hải quân và các địa điểm sản xuất vũ khí của Syria.
Israel cho biết họ đang hành động để ngăn chặn vũ khí rơi "vào tay những kẻ cực đoan".
Quân Israel đã chiếm giữ vùng đệm phi quân sự ở Cao nguyên Golan và có thể đã tràn sang lãnh thổ Syria gần đó.
BBC Verify đã xác định vị trí địa lý của hình ảnh một người lính thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đứng cách vùng đệm này hơn nửa cây số, nằm bên trong lãnh thổ Syria, trên một sườn đồi gần làng Kwdana.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cdr0xe1l7jeo
Không có nhận xét nào