Minh Phương/RFI
09/11/2024
Việc cựu tổng thống Donald Trump tái đắc cử vẫn là chủ đề được các tờ báo Pháp số ra hôm nay, 08/11/2024, quan tâm nhiều nhất. Các báo không ngừng đặt câu hỏi về tương lai của châu Âu, châu Á, của chính nước Mỹ và của cả thế giới sẽ ra sao trong bốn năm tới.
Trang nhất các tờ báo đưa tin về tân tổng thống Mỹ Donald Trump. Hình ảnh tại Luân Đôn, Anh, ngày 07/11/2024. AP - Kirsty Wigglesworth
Châu Âu toát mồ hôi lạnh
Cả bốn nhật báo lớn của Pháp gồm Le Monde, Le Figaro, Libération và La Croix đều đưa ra nhận định về viễn cảnh châu Âu với cái nhìn không mấy khả quan. Có thể tóm gọn những mối lo của Liên Âu trong ba vấn đề chính, bao gồm quốc phòng, thuế quan và nội bộ phân cực.
Trước hết với vấn đề phòng thủ châu Âu, theo tờ La Croix, tân tổng thống đã nhiều lần chỉ trích các nước châu Âu cũng như các đồng minh NATO khác không chịu dành đủ 2% GDP cho quốc phòng dù họ đã cam kết như vậy tại thượng đỉnh NATO năm 2014 và theo Trump điều này đã buộc Washington phải chịu phần lớn chi phí. Và trong các chiến dịch tranh cử của mình năm nay, Trump lại đe dọa trong trường hợp Nga xâm lược, Mỹ sẽ không bảo hộ cho các nước không đóng góp đủ theo những gì họ đã cam kết.
Những lời đe doạ này của ông chủ Nhà Trắng cùng nỗi lo sợ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraina đã khiến châu Âu hơn bao giờ hết cảm thấy bị thúc ép phải đầu tư mạnh tay cho quốc phòng. “Châu Âu phải khẩn trương tự chịu trách nhiệm cho an ninh của mình”, lãnh đạo ngoại giao Ba Lan, Radoslaw Sikorski, tuyên bố hôm thứ Tư, 06/11, trong khi hai bộ trưởng Quốc Phòng Đức và Pháp đã gặp nhau tại Paris vào cuối ngày để thảo luận về những thách thức mà châu Âu sẽ phải đối mặt tới đây và tìm kiếm giải pháp. Vào cuối cuộc họp, hai bộ trưởng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “tiếp tục tái vũ trang” và “tự chủ trong các vấn đề an ninh và quốc phòng”.
Đây cũng là giải pháp hữu hiệu cho tình hình an ninh sau này của châu Âu, theo lời nhà nghiên cứu Alexandre de Hoop Scheffer, chuyên gia trong lĩnh vực địa chính trị tại tổ chức German Marshall Fund, được Le Monde trích dẫn. Theo ông, thay vì “mua” sự bảo vệ của Mỹ bằng việc chi trả cho các hiệp định song phương, châu Âu cần phải xem xét một cách tiếp cận phối hợp bằng cách tăng cường năng lực sản xuất vũ khí của chính mình. Đây là ưu tiên hàng đầu, vì EU không còn có thể thuê Hoa Kỳ bảo hộ cho mình nữa.
Không chỉ có quốc phòng, kinh tế cũng là một vấn đề đáng lo ngại khác mà Liên Hiệp Châu Âu phải đối mặt do cơn bão mang tên Trump. Le Monde trích lời kinh tế gia Nizard, thuộc công ty bảo hiểm quốc tế Coface, cho biết : “Đương nhiên Mỹ vẫn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính, nhưng điều này không có gì mới. Mặt khác, về phía các đối tác truyền thống, bao gồm cả châu Âu, nền kinh tế có thể sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất” nếu Trump thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ áp thuế 10 thậm chí là 20% với hàng hoá nhập khẩu. Hơn nữa, châu Âu có thể cũng sẽ phải chịu các hệ quả gián tiếp khác từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Nếu Trump áp thuế 60% với hàng hoá đến từ Trung Quốc, rõ ràng là Bắc Kinh sẽ phải tìm một thị trường khác để đổ tất cả số hàng sản xuất dư thừa của mình và châu Âu hẳn sẽ là nơi Trung Quốc nhắm tới. Trong trường hợp đó, các doanh nghiệp châu Âu sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng đến từ hàng giá rẻ của Trung Quốc. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể cũng sẽ giảm, kéo theo đó là việc xuất khẩu của châu Âu, đặc biệt là Đức, sang nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng sẽ sụt giảm.
Và cuối cùng, một vấn đề không thể không kể tới đó là sự chia rẽ trong chính các thành viên Liên Âu. EU đang loay hoay tìm cách thống nhất lại một nội bộ đã bị phân cực sâu sắc, đặc biệt thể hiện rõ sau màn tái xuất với “đầy những hăm doạ” của Trump, là nhận định từ nhật báo La Croix. Bài viết được mở đầu bằng hàng loạt tính từ như “chán nản”, “tuyệt vọng”, “khủng khiếp” và thậm chí là “rùng rợn” để miêu tả bầu không khí u ám trong phiên họp Hội Đồng Châu Âu diễn ra hôm qua, 07/11 tại Hungary. Mục tiêu hàng đầu hiện nay của 27 nước là thông qua “Tuyên bố Budapest” về các hồ sơ như củng cố thị trường nội địa, hoàn thiện liên minh thị trường vốn hay tự chủ về mặt năng lượng, v.v. Tuy nhiên đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng và các thành viên có thể sẽ tiếp tục phải tranh cãi rất lâu để có thể tìm được tiếng nói chung, nhất là khi mà một số nước như Hungary hay Ý lại có lập trường khác biệt. Tổng thống Hungary Viktor Orban và thủ tướng Ý Giorgia Meloni được coi là những đồng minh cùng chí hướng với Trump và giữ mối quan hệ thân thiết với vị tân tổng thống. Nhà nghiên cứu Agathe Demarais bày tỏ lo ngại rằng : “Không loại trừ khả năng Trump sẽ sử dụng điều này để chia rẽ châu Âu, chẳng hạn như bằng cách áp dụng thuế hải quan thấp hơn đối với hàng hóa đến từ Hungary và Ý”.
Nga nửa mừng nửa lo
Nhật báo Le Monde nhận định việc Trump quay trở lại Nhà Trắng là một tin tuyệt vời cho tổng thống Nga Vladimir Putin vì tân tổng thống thứ 47 đã hứa sẽ không cho Kiev “một xu” nào nữa và ông sẽ chấm dứt cuộc chiến tại Ukraina “trong vòng 24 giờ”. Nhưng ta đều biết, việc chấm dứt này sẽ khiến người dân Ukraina, những người đã sống và chiến đấu trong suốt hơn 2 năm qua, phải nhượng lại 20-25% lãnh thổ của mình cho quân Nga. Đồng thời, theo Le Monde, với tình thế đó, Matxcơva sẽ tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình sang các nước Liên Xô cũ như Gruzia hay Moldova và thậm chí tính đến việc xâm lược một nước vùng Baltic vì Le Figaro nhận định, Nga sẽ tận dụng cơ hội khi Mỹ không mấy mặn mà với tình hình ở lục địa già và cho rằng việc phòng thủ của châu Âu sẽ là “chuyện của riêng châu Âu”.
Mặt khác, theo chuyên gia Alexandre Baunov tại viện nghiên cứu Carnegie được Le Figaro trích dẫn, thì đây không hoàn toàn là tin tốt với Putin vì “nếu Trump đề xuất được các điều khoản ngừng bắn, thì các nhà lãnh đạo Ukraina sẽ không phải là những người duy nhất đau đầu. Những đề xuất cụ thể cũng sẽ đẩy Putin vào thế rất khó khăn.” Theo ông, tổng thống Nga “không muốn một giải pháp hòa bình hay công bằng” vì Matxcơva đã bình phục sau những đòn trừng phạt kinh tế, lấy lại được niềm tin về quân sự. Hơn nữa, trong cuộc chiến tranh tiêu hao này, “thời gian đang đứng về phía Nga”, càng kéo dài thì Matxcơva lại càng chiếm ưu thế.
Trung Quốc đau đầu với cuộc chiến thương mại mới
Vậy còn với Trung Quốc thì sao? Tin tức vị tỷ phú tái đắc cử khiến cho Bắc Kinh phần nào lo lắng vì họ sẽ phải đối mặt với cơn bão mang tên Trump một lần nữa. Le Monde nhắc lại rằng trước đó, khi trả lời phỏng vấn, tổng thống tương lai đã không ít lần đe doạ sẽ áp thuế hải quan 60% đối với tất cả các sản phẩm của Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Ngân hàng UBS ước tính một biện pháp như vậy có thể làm giảm một nửa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. So với năm 2018, Bắc Kinh tin rằng mình đã có kinh nghiệm và được trang bị tốt hơn để đối phó với chiến tranh thương mại với Mỹ, tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận rằng nước này sẽ bị hao tổn nhiều hơn nếu cuộc chiến này xảy ra lần nữa vì tổng giá trị hàng hoá mà Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ cao gần gấp 3 lần so với những gì mà Hoa Kỳ xuất sang Trung Quốc.
Tuy nhiên cuộc chiến này còn phụ thuộc nhiều vào đội ngũ chính trị mà Trump sẽ thành lập trong thời gian tới. Bắc Kinh có thể sẽ phải đau đầu hơn nếu những cái tên như Robert Lighthizer, người đã kiến tạo cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trước đó, hay cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, người luôn kịch liệt phê phán sự tồn tại của đảng Cộng Sản, tham gia vào hàng ngũ này. Tuy nhiên theo Le Monde, nếu đó là Elon Musk, vị tỷ phú có công lớn góp phần vào chiến thắng của Trump, thì có thể tình thế sẽ không quá tăm tối cho Bắc Kinh, nhất là khi mà thị trường Trung Quốc chiếm tới 1/3 doanh thu của Tesla và hãng này cũng xây dựng một nhà máy khổng lồ tại Thượng Hải. Nhưng theo Le Figaro, dù ca ngợi Elon Musk là thiên tài, Donald Trump sẽ không để ông chủ tập đoàn Tesla có tên chính thức trong nội các. Nhưng rõ ràng là điều này không cấm cản Musk chiếm vị trí trung tâm trong chính quyền mới, và chính tân tổng thống cũng đã hứa sẽ để Elon Musk đứng đầu một uỷ ban đặc biệt chuyên trách về vấn đề tối ưu hoá bộ máy chính quyền của Hoa Kỳ.
Tương lai nào cho nước Mỹ?
Việc Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng đương nhiên gây ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp nhất tới người dân Mỹ. Đầu tiên có thể kể tới các vấn đề sinh thái sẽ bị xem nhẹ. Le Monde ghi nhận những nhà hoạt động vì môi trường không giấu nổi sự lo lắng cực độ sau khi xem kết quả bầu cử tổng thống. Với họ, đó là một “đòn giáng mạnh”, “một ngày đen tối”, “một bước thụt lùi cho khí hậu và nền văn minh nhân loại”, v.v. Donald Trump từng gọi các cảnh báo về biến đổi khí hậu là “một trong những trò lừa bịp lớn nhất mọi thời đại” để có cớ bãi bỏ hơn một trăm tiêu chuẩn môi trường được ban hành dưới thời Barack Obama và đưa Mỹ ra khỏi hiệp định Paris. Hơn nữa vẫn theo Le Monde, nhận được tiền tài trợ từ các tập đoàn dầu mỏ, Trump đã tuyên bố sẽ hồi sinh ồ ạt hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Theo chuyên gia Frances Colon, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tiến bộ Hoa Kỳ, thì với việc Trump tái đắc cử, nước Mỹ “sẽ không thể thực hiện các biện pháp bổ sung cần thiết cũng như không thể duy trì tất cả các biện pháp hiện có” về việc giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Trong khi đó nhật báo công giáo La Croix thì đề cập đến vấn đề quyền của phụ nữ sẽ bị đe doạ thế nào trong 4 năm tới tại Mỹ. Theo giảng viên Claire Delahaye tại trường Gustave-Eiffel, nghiên cứu trong lĩnh vực phân biệt giới tại Hoa Kỳ, thì Donald Trump là một nhân vật bài nữ quyền. Chiến dịch của ông tôn vinh cái gọi là nam tính bá quyền, nghĩa là nhấn mạnh đến quyền lực của đàn ông đối với phụ nữ hoặc đối với những người đàn ông khác bị coi là thấp kém hơn họ. Hơn nữa, việc Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng còn tạo ra rào cản lớn với các quyền phá thai của phụ nữ tại Mỹ. Vẫn theo chuyên gia Delahaye, vấn đề này được Trump sử dụng như một cơ hội chính trị để vận động những người Cơ đốc giáo bầu cho mình.
Dù đa số các báo Pháp mang theo cái nhìn khá tiêu cực trước viễn cảnh mà nước Mỹ sắp phải trải qua, nhưng không có nghĩa là ta nên bỏ qua những chấm sáng tích cực mà Trump mang tới, đặc biệt là về vấn đề kinh tế. Theo nhật báo tài chính Les Echos, việc vị tỷ phú quay trở lại Nhà Trắng sẽ thổi một làn gió tích cực cho các ngân hàng Mỹ. Chuyên gia kinh tế Benoit Valleaux nhấn mạnh các ngân hàng có thể được hưởng lợi từ việc kinh tế đất nước tăng trưởng cũng như được Trump nới lỏng các quy định trong lĩnh vực này.
Viễn cảnh thế giới dưới thời Donald Trump
Không có nhận xét nào