Trump hay Harris: Châu Á vẫn là « rường cột » chính sách đối ngoại của Mỹ
Minh Anh /RFI
31/10/2024
Tân tổng thống Mỹ sẽ phải chú ý nhiều đến vấn đề Đài Loan
Nguyễn Giang /RFI
31/10/2024
Ảnh minh họa thế đối đầu Mỹ-Trung. © REUTERS/Dado Ruvic
Ngày 05/11/2024, cử tri Mỹ phải phân định ai sẽ là tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ : Ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris hay Donald Trump, ứng viên đảng Cộng Hòa, hiện đang bám gót trong các cuộc thăm dò. Tuy nhiên, bất kể ai là người chiến thắng, Bắc Kinh vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington. Và trong cuộc đọ sức « dài hơi » này, Đông Nam Á sẽ giữ một vai trò quan trọng.
Nếu như thế giới, đặc biệt là châu Âu, NATO và Ukraina hồi hộp trông đợi kết quả bầu cử, và nhiều nước hy vọng tránh được sự trở lại với sự « xáo động » và tính chất bất định, đánh dấu nhiệm kỳ Donald Trump, thì tại Trung Quốc, giới lãnh đạo dường như đang chuẩn bị tiếp tục đương đầu các tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ, bất kể ai là người thắng cử.
Tính liên tục của chính sách đối ngoại Mỹ
Bởi vì, tại Washington, có một sự đồng thuận lưỡng đảng, xem Trung Quốc là mối đe dọa cho thế thống trị của Hoa Kỳ và do vậy, cả hai ứng viên, Kamala Harris hay Donald Trump, đều hòa theo xu hướng chống Trung Quốc trong chính giới Mỹ, đã hứa hẹn cứng rắn hơn với Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai trên thế giới và là đối tác thương mại quan trọng của Mỹ.
Mục tiêu đặt ra cho cả hai ứng viên, là Hoa Kỳ phải « giành chiến thắng » trong điều mà họ xem như là một cuộc cạnh tranh giữa hai đại cường. Theo nhiều nhà quan sát, tương lai thế giới trong nhiều thập niên sắp tới sẽ do quan hệ Mỹ - Trung, mối quan hệ quốc tế quan trọng nhất, định đoạt.
Nicole Gnesotto, phó chủ tịch Viện Jacques Delors, tại hội thảo mang chủ đề « Hoa Kỳ : Lại bị chao đảo ? », trong khuôn khổ Ngày hội Địa Chính Trị Nantes 2024 (27-28/09/2024) do Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS tổ chức, nhận định, tính chất liên tục trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung, là một trong nét đặc trưng của nền ngoại giao Mỹ trong những thập niên gần đây.
« Năm 2011, Barack Obama là người đầu tiên nói đến xoay trục sang châu Á, người đầu tiên mang đến một ý nghĩa chiến lược cho mối bận tâm hàng đầu về Trung Quốc của Mỹ. Rồi Donald Trump đã mang đến một sắc thái thương mại cho mối ưu tiên hàng đầu này, điểm khởi đầu cho chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch chống nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Tiếp đến, Joe Biden đã biến mối đe dọa này theo chiều hướng công nghệ, với các sắc lệnh được đưa ra năm 2023, cấm các nhà công nghiệp Mỹ chuyển giao hay hợp tác với ngành công nghiệp Trung Quốc trên nhiều hồ sơ nhậy cảm.
Nhưng tất cả những đời tổng thống này, bất kể là Obama, Trump hay Biden, còn có thêm chút sắc thái ý thức hệ, nghĩa là, một cuộc đấu tranh lớn giữa một bên là các nền dân chủ và bên kia là các chế độ chuyên chế độc tài. Do vậy, dù là Trump hay Harris có thắng cử đi chăng nữa, nỗi ám ảnh mối đe dọa Trung Quốc vẫn sẽ là một trong các điểm quan trọng, thậm chí là những rường cột cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Đây sẽ là một vấn đề cho châu Âu. »
Châu Á – Ưu tiên số một, châu Âu – vùng ngoại vi
Kể từ giờ, Trung Quốc được chính giới Mỹ nhất trí phải đối xử như như là địch thủ, đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ. Những biện pháp chính quyền Trump đưa ra để chống Trung Quốc đã được người kế nhiệm Biden duy trì, từ việc áp thuế nhập khẩu, kiểm soát chuyển giao công nghệ cao, cho đến các biện pháp trừng phạt vi phạm nhân quyền nhắm vào Bắc Kinh.
Theo nhiều chuyên gia được AFP trích dẫn, Bắc Kinh không trông đợi một sự đảo hướng nào từ phía Donald Trump lẫn Kamala Harris. Kinh tế gia Adam Slater tại Oxford Economics, trong một ghi chú, cảnh báo rằng, « việc tăng cường chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch sau cuộc bầu cử Mỹ có nguy cơ dẫn đến việc tái cơ cấu lớn nền thương mại toàn cầu. Chính sách thuế quan của Donald Trump có khả năng làm suy giảm trao đổi thương mại Trung – Mỹ đến 70% và có thể gây ra sự biến mất hoặc tái định hướng hàng trăm tỷ đô la trao đổi thương mại. »
Buổi hội thảo về "Hoa Kỳ: Lại bị chao đảo?", do Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS tổ chức tại Nantes, ngày 28/09/2024. © RFI Tiếng Việt
Nhìn chung châu Á vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu cả trên bình diện thương mại lẫn về mặt chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong buổi hội thảo ở Nantes, cựu đại sứ Pháp ở Washington và Tel Aviv, ông Gerard Araud, lưu ý rằng, Hoa Kỳ đang « rón rén » rời khỏi châu Âu và Ukraina là một rào cản, làm Mỹ bị phân tán khỏi điều cốt lõi.
« Đối với Hoa Kỳ, điều cốt lõi được tóm gọn trong ba từ : Trung Quốc, Trung Quốc và Trung Quốc. Người Mỹ cho rằng châu Á mới là nơi mang đến tăng trưởng. Khi châu Âu có mức tăng trưởng 2% họ đã hô hào phấn khởi, nhưng khi Trung Quốc đạt 5% thì họ nói rằng Trung Quốc gặp khủng hoảng.
Tuy nhiên, đối với nhiều người Mỹ, có một thực tế hiển nhiên là tương lai thế giới sẽ được định đoạt trong quãng không gian nằm giữa New Delhi và Los Angeles. Đối với họ, châu Âu đang dần trở thành một vùng ngoại vi của thế giới. Hoa Kỳ rất thực dụng, cuộc chiến xâm lược Ukraina tuy khiến họ phải bận tâm, nhưng như đã nói, Mỹ không ủng hộ và không sẵn sàng tham chiến tại Ukraina ».
Vây hãm và Đối thoại
Trong bối cảnh có sự dịch chuyển kinh tế và địa chính trị sang châu Á, Hoa Kỳ dưới thời Biden đã thiết lập nhiều mối quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược. Cuộc đối đầu trực diện hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc gợi nhắc lại thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, đọ sức giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong những năm 1980, 1990. Hai siêu cường tương lai của thế giới có sẽ xác định một mô hình sống chung ? Hay hai đại cường sẽ lao vào một cuộc chiến đầy rủi ro ?
Cựu đại sứ Pháp ở Mỹ Gerard Araud lưu ý rằng trong lĩnh vực địa chính trị, khi phải đối diện với kiểu đối đầu như hiện nay, người ta luôn nói đến hai vế : Ngăn chặn và Đối thoại. Chính quyền Biden cho đến lúc này đã phần nào thành công trong việc kềm hãm khi thiết lập nhiều mối quan hệ đồng minh với nhiều nước trong khu vực như Bộ Tứ - QUAD quy tụ bốn nước Úc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, hay liên minh quân sự AUKUS Anh, Úc, Mỹ,…
« Rồi còn có thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Mỹ và Philippines, giữa Mỹ và Việt Nam. Khi tổng thống Mỹ mời đồng nhiệm Hàn Quốc và thủ tướng Nhật Bản đến Camp David, trong nhãn quan Trung Quốc, cử chỉ này có một ý nghĩa to lớn. Nếu nhìn từ Bắc Kinh, quý vị sẽ thấy rõ ở phía đối diện hình thành một chuỗi quan hệ đồng minh và liên minh chống Trung Quốc một cách rõ ràng và rất mạnh mẽ.
Trong vụ rắc rối tầu ngầm Úc, với Pháp chỉ là viên đạn lạc, là nạn nhân liên đới. Đối với Mỹ, đây là cách thức để cung cấp cho Úc các phương tiện để có thể tiếp cận bờ biển Trung Quốc bằng tầu ngầm hạt nhân trong khi những loại tầu ngầm cổ điển không thể có được tầm với đó. Rõ ràng là Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Trung Quốc. Cho nên thật dễ hiểu vì sao Trung Quốc phải tăng ngân sách quốc phòng ».
Cũng theo ông Gerard Araud, vế thứ hai – cuộc « Đối thoại chính trị » chỉ mới bắt đầu. Nền ngoại giao Mỹ vốn dĩ kín tiếng, nhưng các cuộc tiếp xúc bí mật đã được tiến hành giữa Jack Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc. Mục tiêu là để hai nước xác định các lằn ranh đỏ nhằm tránh những tính toán sai lầm:
« Lằn ranh đỏ lớn, tính toán sai lầm lớn có thể xảy ra là Đài Loan. Đối với Trung Quốc, Đài Loan là lằn ranh đỏ tuyệt đối. Trung Quốc biết rõ là chiến tranh sẽ là một thảm họa, nhưng họ cũng sẽ không để Đài Loan giành độc lập bằng bất cứ giá nào. Nhưng đồng thời họ không nên đánh giá sai lầm quyết tâm của Mỹ. Nhưng tôi có lẽ sẽ kết luận bằng câu trả lời rằng nếu Trump được hỏi "ông nghĩ gì về Đài Loan ?" Câu trả lời duy nhất của ông ấy là "Đài Loan là đối thủ cạnh tranh với ngành công nghiệp Mỹ". Nếu tôi là Bắc Kinh, tôi sẽ nghĩ đèn đỏ đã trở thành đèn mầu cam ! »
Đông Nam Á, Biển Đông – Sự đồng thuận của lưỡng đảng
Đây cũng chính là điều khiến nhiều lãnh đạo châu Á lo lắng. Với chủ trương « Nước Mỹ trên hết », « Donald Trump nếu tái đắc cử sẽ có một cách tiếp cận địa chính trị thế giới hoàn toàn không nhất quán giữa các khu vực, tùy thuộc vào những lợi ích do chính ông xác định và thường bị nhầm lẫn với lợi ích của các công ty của Trump », theo như nhận định của Marie - Cecile Naves, chuyên gia về Mỹ, giám đốc nghiên cứu tại IRIS.
Bầu cử Mỹ diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines gia tăng mạnh mẽ do những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tầm nhìn về quan hệ quốc tế mang tính « giao dịch » của Donald Trump cũng như sự kín kẽ của bà Kamala Harris về chính sách đối ngoại làm dấy lên nhiều nghi vấn về những cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trong vùng Đông Nam Á, khu vực mà Mỹ cũng rất muốn tranh thủ trong cuộc cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, theo nhận định từ nhiều nhà quan sát.
Tuy nhiên, theo Andrew Scobell, chuyên gia về Trung Quốc, Viện Hòa Bình Mỹ,được South China Morning Post trích dẫn, « quan điểm đồng thuận lưỡng đảng ở Washington là Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn nhiều ở Biển Đông và Hoa Kỳ phải chống lại các hành động khiêu khích của Trung Quốc, ủng hộ các đồng minh và đối tác ở vùng biển Đông Nam Á ».
Đối với Andreyka Natalegawa, cộng tác viên cho Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc, Đông Nam Á sẽ đóng một vai trò quan trọng. Do vậy, « bất kể ai thắng cử tháng 11 này, chính quyền tiếp theo phải đối mặt với một số ưu tiên rõ ràng trong năm tới: củng cố mối quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng, quản lý căng thẳng ở Biển Đông và đưa ra kế hoạch kinh tế tích cực cho khu vực. »
Nhìn chung, giới quan sát hầu hết có chung một nhận định, sẽ chẳng có nhiều khác biệt trong chính sách đối ngoại giữa Kamala Harris và Donald Trump. Có khác chăng là phương thức thực hiện, giữa « một chính quyền Harris sử dụng con dao mổ » và « một chính quyền Donald Trump dùng búa tạ », như hình ảnh ví von của nhà nghiên cứu Thibault Denamiel, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, Washington với hãng tin Pháp AFP.
Minh Anh
https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20241031-trump-hay-harris-ch%C3%A2u-%C3%A1-v%E1%BA%ABn-l%C3%A0-r%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%E1%BB%99t-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-%C4%91%E1%BB%91i-ngo%E1%BA%A1i-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9
Tân tổng thống Mỹ sẽ phải chú ý nhiều đến vấn đề Đài Loan
Nguyễn Giang /RFI
31/10/2024
Dù cách xa Hoa Kỳ hơn 11,000 km, hơn 23 triệu người dân Đài Loan rất chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vì kết quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và kinh tế của Đài Loan. Bất kể ai lên làm tổng thống, vấn đề Đài Loan sẽ trở nên nóng hơn trong thời gian tới.
(Ảnh minh họa) - Kamala Harris, nữ ứng cử viên tổng thống Mỹ đại diện cho đảng Dân Chủ và cựu tổng thống, ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump. AP - Charles Rex Arbogast
Vì sao người dân Đài Loan có những lo ngại trước bầu cử tổng thống Mỹ ?
Người Đài Loan hiện rất lo lắng về tính bất định trong chính sách của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump, vì ba lý do.
Thứ nhất là về thương mại. Trong một phát biểu tuần này, ông Trump đã chỉ trích Đài Loan, nói là Đài Loan “đánh cắp công nghệ bán dẫn” của Hoa Kỳ, khiến thủ tướng Đài Loan Trác Vinh Thái phải lên tiếng phản bác. Tháng 7 vừa qua, Trump công kích ngành bán dẫn (semiconductor) toàn cầu, nhắm vào các công ty Đài Loan, Anh và Hà Lan, khiến cả ngành này sụt đi 500 tỷ đô la giá cổ phiếu.
Thứ nhì là các tính toán bất thường của ông Trump khiến môi trường quốc tế bất ổn. Ông Trump từng phá lệ ngoại giao, nhận điện thoại của nữ tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn năm 2016, nhưng sau đó lại đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hứa Mỹ sẽ thông báo với Trung Quốc về các động thái ở Đài Loan.
Mới đây, ông lại nói “Trung Quốc sẽ không đánh Đài Loan do biết ông là kẻ điên (crazy)”, chứ ông không để ý gì đến việc bảo vệ Đài Loan vì các giá trị tự do, dân chủ. Trang Taipei Times hồi tháng 9 có đăng bài của giáo sư Thang Tiên Đôn (Simon Tang) nói rằng với người Đài Loan, ông Trump là kẻ không đáng tin cậy (not trustworthy). Người Đài Loan lo rằng ông Trump sẽ chỉ coi hòn đảo là lá bài để đổi chác với Trung Quốc.
Thứ ba, thái độ thân thiện của ông Trump với tổng thống Nga Vladimir Putin cũng làm Đài Loan lo ngại. Tuyên bố của Trump rằng ông ta có khả năng “chấm dứt chiến tranh ở Ukraina” trong vòng một ngày khiến một số nhà bình luận Đài Loan cho rằng đó là cách Trump giúp Putin. Và theo họ, nếu Nga thắng ở Ukraina thì địa chính trị quốc tế sẽ xấu đi cho các nước dân chủ, khiến Trung Quốc mạnh bạo hơn trong chiến lược tương lai, tấn công Đài Loan.
Dư luận Đài Loan nghĩ sao về bà Kamala Harris và chính sách của Hoa Kỳ nếu bà đắc cử tổng thống vào tuần tới?
Người Đài Loan tin rằng phó tổng thống Kamala Harris nếu đắc cử tổng thống sẽ tiếp tục đường lối của chính quyền Joe Biden là ủng hộ Đài Loan mọi mặt, cả về quốc phòng và ngoại giao. Hôm 25/10, Hoa Kỳ chuẩn thuận gói vũ khí 2 tỷ đô la cho Đài Loan và những năm qua, nhiều quan chức Mỹ, đương chức và cựu lãnh đạo đều thăm Đài Loan.
Washington còn khuyến khích các đồng minh, đối tác ở châu Âu và châu Á hỗ trợ để Đài Loan có vị thế quốc tế cao hơn, có không gian đại diện rộng hơn trên thế giới, để bù vào chỗ thiếu công nhận ngoại giao cấp nhà nước của đại đa số các nước trên thế giới với Đài Loan, bởi họ chính thức chỉ công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Ví dụ, mới hôm 24/10, Nghị Viện Châu Âu thông qua một nghị quyết (không ràng buộc pháp lý) diễn giải vấn đề Một nước Trung Hoa (One China) rằng Nghị quyết Liên Hiệp Quốc 2758 năm 1971 đúng là công nhận CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho Trung Quốc, nhưng không hề nói rằng CHND Trung Hoa “có chủ quyền ở Đài Loan”. Đây là một cách diễn giản mới mà Trung Quốc không đồng ý.
Các nước Liên Âu ở cả Tây Âu và Đông Âu đều tăng cường quan hệ với Đài Loan và 18 tiểu bang của Hoa Kỳ đã hoặc đang có kế hoạch mở văn phòng đại diện ở Đài Loan để xúc tiến thương mại.
Bản thân bà Kamala Harris ở cương vị phó tổng thống, khi thăm căn cứ không quân Yokota của Mỹ ở Nhật Bản vào tháng 9/2022, đã nói rõ về cam kết ủng hộ Đài Loan chống lại việc bị tấn công, bị đe dọa và yêu cầu bên thứ ba (được hiểu là Trung Quốc) duy trì tình trạng hiện hữu ở eo biển Đài Loan. Như thế ta có thể hiểu là người Đài Loan tin cậy bà Harris hơn là ông Trump, tuy chính giới ở Đài Bắc không thể nói công khai như vậy.
Trong quan hệ Mỹ-Đài, ngoài chính trị và thương mại thì kinh tế đóng vai trò quan trọng như thế nào ?
Người Đài Loan tin rằng nhờ là một đối tác kinh tế quan trọng cho Hoa Kỳ, ở trao đổi mậu dịch (đạt gần 140 tỷ đô la năm 2020), và trong vấn đề công nghệ bán dẫn, nên dù cho ai lên làm tổng thống Mỹ tới đây cũng sẽ không thể bỏ rơi Đài Loan.
Nhưng nghịch lý ở đây là công nghệ bán dẫn (semiconductor) hay chip điện tử của Đài Loan vừa đem lại uy tín, tiền bạc rất lớn cho kinh tế xứ Đài, vừa là nguyên nhân khiến ông Trump chỉ trích Đài Loan
Chưa kể vì đây là ngành hái ra tiền cho Đài Loan, có trị giá 154 tỷ đô la năm 2024, nên cũng dễ gặp những rủi ro như bị Trung Quốc bao vây, chặn đường cung ứng hàng hóa, khí đốt và các hóa chất cần thiết cho sản xuất chíp.
Công nghệ AI chip, tức mạng bán dẫn do trí tuệ nhân tạo thiết kế, rất hiện đại và đang có ứng dụng dân sự (điện thoại smartphone, xe chạy điện EV) và quân sự như tên lửa, phi cơ, vệ tinh, tàu ngầm, nên là mũi nhọn cho kinh tế Đài Loan, đồng thời giúp lãnh đạo Đài Loan có thêm uy lực ngoại giao.
Những năm qua, Đài Loan đã “bỏ trứng vào nhiều giỏ”, như cho xây nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn (semiconductor) ở Arizona, Mỹ, để vừa lòng Hoa Kỳ và cũng để tránh nguy cơ bị Trung Quốc bao vây hoặc tấn công “con gà đẻ trứng vàng” này ngay trên đảo Đài Loan...Tuy nhiên, quan hệ tay ba Mỹ-Trung-Đài căng thẳng sẽ tạo ra rủi ro lớn cho ngành này những năm tới.
Những năm qua, Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á đã ngày càng công khai ủng hộ chính phủ của Dân Tiến Đảng ở Đài Loan, cụ thể họ đã làm những gì ngoài việc bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan?
Ngoài việc bán vũ khí, Hoa Kỳ trên thực tế đã cử một đơn vị quân đội nhỏ tới đóng ở Đài Loan, với danh nghĩa là huấn luyện quân đội Đài Loan sử dụng vũ khí Mỹ.
Ngoài ra, Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa mở cuộc tập trận Keen Sword 2024, bắt đầu từ 25/10 kéo dài đến ngày 1/11, với 45 nghìn quân và đối tác Úc và Canada tham gia, gồm cả phần “đổ bộ, giải vây và ứng cứu” ở đảo Yonaguni của Nhật, chỉ cách Đài Loan 110km.
Hoa Kỳ nói đây là cuộc tập trận để bảo vệ an ninh khu vực, nhưng dư luận Đài Loan tin rằng đây là cách Hoa Kỳ đáp trả gián tiếp cuộc tập trận bao vây Đài Loan hồi tháng 10 vừa qua của Trung Quốc ở 6 điểm quanh đảo Đài Loan và thể hiện quyết tâm không cho Trung Quốc tấn công hoặc bao vây, bóp nghẹt kinh tế, giao thông hàng hải, hàng không của Đài Loan.
Để trấn an người Đài Loan, ông Raymond Greene, Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Bắc, tuần này đã nhấn mạnh về tính liên tục trong chính sách bảo vệ Đài Loan, rằng từ năm 2010 đến nay, Hoa Kỳ đã phê duyệt 56 tỷ đô la vũ khí bán cho Đài Loan nhằm tăng cường khả năng phòng vệ. Trả lời báo Nhật Nikkei Asia hôm 23/10, ông Greene nhắc tới các phần khác của Luật quan hệ với Đài Loan của Mỹ (Taiwan Relations Act 1979), gồm phần nói rằng Hoa Kỳ “có năng lực răn đe đủ để chống lại bất cứ hình thức gây sức ép quân sự hay bằng cách khác” của bên thứ ba với Đài Loan.
Tuy thế, giới quan sát cho rằng dù cả Hoa Kỳ và Đài Loan có đủ phương tiện quân sự để ngăn ngừa Trung Quốc, quyết định để Hoa Kỳ tham chiến hay không lại thuộc về tổng thống và đây là một câu hỏi lớn sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ 05/11/2024.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241031-t%C3%A2n-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-s%E1%BA%BD-ph%E1%BA%A3i-ch%C3%BA-%C3%BD-nhi%E1%BB%81u-%C4%91%E1%BA%BFn-v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-%C4%91%C3%A0i-loan
Không có nhận xét nào