BBC News
09/11/2024
Một cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ Trump 2.0 sẽ tác động tới Việt Nam như thế nào? Và dự án 1,5 tỷ USD của Trump Organization ở tỉnh Hưng Yên có ý nghĩa gì?
Kể từ khi Donald Trump áp thuế cao hơn đối với Trung Quốc vào năm 2018, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài kỷ lục và nổi lên như một cường quốc sản xuất.
Các khu vực phía bắc của Việt Nam hiện rải rác các nhà máy lớn sử dụng hàng ngàn công nhân sản xuất đồ điện tử cho các nhà cung cấp của Apple Inc. và các thương hiệu toàn cầu khác, sau khi Samsung Electronics Co. và Intel Corp. đã đến nước này trước đó, theo Bloomberg.
Nhà máy của IBE Electronics tại tỉnh Bắc Ninh, miền bắc Việt Nam, với một trong những khách hàng là Tesla, gã khổng lồ sản xuất xe điện của Hoa Kỳ, đã mất sáu tháng để chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nếu không, khách hàng Mỹ của công ty sẽ phải trả 25% thuế, theo CNA.
Theo số liệu chính thức của Việt Nam, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ gần 4,5 tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam - tăng 78 phần trăm so với năm trước.
Việt Nam cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Xuất khẩu linh kiện máy tính và điện tử của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 13 tỷ đô la trong bảy tháng đầu năm nay, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Trong một báo cáo vào tháng trước, ngân hàng đa quốc gia của Singapore OCBC cho biết Việt Nam đã thúc đẩy thương mại với Hoa Kỳ trong thập kỷ qua và Mỹ hiện chiếm hơn một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tính đến năm ngoái, theo Bloomberg.
Khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu
Tuy nhiên, chính quyền Trump nhiệm kỳ hai đã đe dọa áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và thuế lên tới 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng Việt Nam có thể là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Á do thặng dư thương mại tăng vọt với Hoa Kỳ và quyết tâm của Trump trong việc đưa nhiều việc làm trong ngành sản xuất trở lại Hoa Kỳ.
Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại trên thế giới, xuất khẩu chiếm khoảng 85% nền kinh tế và Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam.
Việt Nam cũng phải đối mặt với thực tế là thặng dư với Hoa Kỳ đã đạt 55 tỷ đô la vào năm 2019 khi Trump nhận xét rằng họ là "kẻ lạm dụng lớn nhất" thương mại của Hoa Kỳ. Tính đến năm ngoái, con số này đã tăng lên hơn 83 tỷ USD, theo báo cáo do Bộ Công thương công bố.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc hiện đang chuyển nhiều hàng hóa hơn qua Việt Nam đến Hoa Kỳ để thoát khỏi thuế quan và lệnh trừng phạt, điều này thực sự có thể khiến Washington phản ứng dưới thời Trump.
Ngân hàng OCBC cho biết rằng thuế quan mới của Mỹ sẽ cắt giảm tăng trưởng trong nước tới 4 điểm phần trăm, đưa hoạt động kinh doanh trở lại mức thời đại dịch.
Tháng trước, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch ước tính rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể làm suy yếu tăng trưởng GDP hằng năm của Việt Nam 1 phần trăm vào năm 2028.
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của Việt Nam sẽ là liệu Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, được công bố rầm rộ khi Tổng thống Joe Biden đến thăm Việt Nam vào năm ngoái, và việc Việt Nam đang thúc đẩy Mỹ xếp nước này vào "nền kinh tế thị trường" nhằm thu hút thêm nhà đầu tư, có tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump sắp tới hay không.
Các chuyên gia cho rằng các lĩnh vực như dệt may, điện tử và đồ nội thất có thể phải chịu nhiều rủi ro do các biện pháp bảo hộ của Mỹ.
Trong khi đó, các công ty như Samsung, vốn phụ thuộc nhiều vào các nhóm công nhân lắp ráp lớn, khó có thể bị ngăn cản bởi thuế quan và dự kiến sẽ duy trì hoạt động tại Việt Nam, hưởng lợi từ chi phí lao động thấp.
Tuy nhiên, tham vọng thu hút sản xuất công nghệ cao của Việt Nam có thể gặp trở ngại nếu các công ty đa quốc gia có quy trình tự động hóa cao hơn quyết định di dời hoặc ở lại Hoa Kỳ.
Sân gôn của Trump và 'phe Hưng Yên'
Đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, một cách để điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại ngày càng tăng là mua các mặt hàng có giá trị lớn như khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nhà sản xuất của Hoa Kỳ, theo Bloomberg.
Có một điều khác về Trump mà Việt Nam biết quá rõ: nỗi ám ảnh của ông với sự giàu có của gia đình mình, và Việt Nam có thể tận dụng điều này để làm ăn với chính quyền Trump, theo cây bút David Hutt của The Diplomat.
Ngày 8/10, Trump Organization, doanh nghiệp gia đình của ông Trump, đã ký một thỏa thuận với công ty phát triển bất động sản Việt Nam Kinh Bắc City Development (Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, KBC) để xây dựng một sân gôn và khu nghỉ dưỡng trị giá 1,5 tỷ đô la tại tỉnh Hưng Yên.
Một biên bản ghi nhớ đã được ký kết bởi các bên gồm: Trump Organization, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên và Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, trong thời gian Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đang có chuyến công tác tại Hoa Kỳ.
Bản thân Trump đã tham dự lễ ký kết và được chụp ảnh ngồi cạnh con trai ông là Eric Trump và Đặng Thành Tâm, chủ tịch KBC.
Ông David Hutt cho rằng sự kiện này chắc chắn làm dấy lên khả năng xung đột lợi ích dưới nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của Trump.
"Hưng Yên là tỉnh nhà của Tô Lâm và phe của ông, bao gồm Bộ trưởng Công an mới Lương Tam Quang và Bộ trưởng Tư pháp mới Nguyễn Hải Ninh. Thông qua thỏa thuận này, công ty gia đình của Trump hiện đã gắn liền với phe phái đang lên trong Đảng Cộng sản Việt Nam," ông David Hutt viết.
Dự án kinh doanh mới tại Việt Nam chắc chắn mang lại cho Trump Organization – và, do đó, cho chính Trump – một lợi ích cố hữu trong việc cải thiện ngành du lịch của Việt Nam, theo ông Hutt.
Sân bay quốc tế Hà Nội là nơi gần nhất với khu nghỉ dưỡng mà Trump Organization dự định xây dựng, và không khó để tưởng tượng Trump sẽ thường xuyên đến thăm Việt Nam hơn để kết hợp giữa công việc và cá nhân, kiến nghị các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tổ chức một hoặc hai cuộc họp tại sân gôn Việt Nam của ông.
Theo ông David Hutt, điều này sẽ giúp các nhà ngoại giao Việt Nam và những người vận động hành lang được thuê dễ dàng đặt chân vào Nhà Trắng của ông bằng cách nói về các khoản đầu tư của ông.
Cho dù khu nghỉ dưỡng chơi gôn có thành công hay không, thì đó là một động thái khôn ngoan của Hà Nội và những người có ảnh hưởng để khiến Trump Organization cam kết đầu tư. Điều này giúp phe quyền lực nhất của Việt Nam [phe Hưng Yên] giành được ảnh hưởng trong chính quyền tiếp theo của MMỹ, ông David Hutt bình luận.
Sau khi ông Trump đắc cử, cổ phiếu của KBC tại Việt Nam đã có phản ứng “hoan hỉ”. Trong phiên giao dịch ngày 6/11, cổ phiếu KBC ghi nhận mức tăng trần ấn tượng 6,85%, đóng cửa tại mức giá 28.850 đồng.
Không chỉ tăng kịch biên độ, cổ phiếu này còn ghi nhận khối lượng giao dịch lớn với gần 20,3 triệu cổ phiếu được sang tay, tương ứng giá trị giao dịch lên đến hơn 577 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản cao nhất của KBC kể từ phiên ngày 22/3.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cp81jle8r6po
Không có nhận xét nào