Header Ads

  • Breaking News

    Trần Doãn Nho: Cái thú…dân chủ

    11/2024


    https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2024/11/ai-generated-8820202_1920.jpg


    Hình minh hoạ: Vilkasss

    Tôi bắt đầu tham gia bầu cử vào năm học lớp Ba, với tư cách là người đi cổ động. Nhiều lần. Khoái và vui. Được xếp hàng với nhau, bọn học trò trẻ con chúng tôi giương cao những tấm bảng với các dòng chữ “đi đông, bầu đúng cử xứng” và “xanh bỏ giỏ đỏ bỏ bì” viết bằng phấn hay mực, vừa đi trên đường phố vừa hô khẩu hiệu “Đả đảo Bảo Đại”, “Hoan hô chí sĩ Ngô Đình Diệm”. Với thằng nhỏ, ngoại trừ những tấm hình người đi kèm, những đả đảo hoan hô bảo đại ngô đình diệm chỉ là những con chữ thuần túy, không hơn không kém. Đến cuộc bầu cử tổng thống năm 1961, nhiệm kỳ 2, Đệ Nhất Cộng Hòa, tôi chưa đủ tuổi đi bầu, nên hôm đó, đạp xe đạp chạy vòng vòng quanh thành phố nghe ngóng tin tức (chỉ để giải trí), vì chưa bầu đã biết trước người đắc cử rồi. Mãi cho đến năm 1967, Đệ Nhị Cộng Hòa, tôi mới thực sự làm nhiệm vụ công dân. Không những thế, tôi còn tình nguyện làm đại diện cho một liên danh ứng cử Tổng Thống-Phó Tổng Thống, phụ trách vận động tranh cử ở tỉnh Chương Thiện (khu trù mật Vị Thanh-Hỏa Lựu). Năm 1971, Đệ Nhị Cộng Hòa, tôi lại được đi bầu, nhưng khi vào phòng phiếu, tôi bỏ phiếu trắng, vì cuộc bầu cử chỉ có một liên danh, bầu và không bầu hoàn toàn đồng nghĩa. Sau 1975, dưới chế độ cộng sản, như mọi người, tôi bị đi bầu. Như cái máy, tôi vào phòng phiếu, chẳng cần nhìn, cứ lấy bút gạch qua gạch về một số tên ai đó ghi sẵn trên tờ giấy, bỏ vào thùng rồi bước ra, e dè nhìn quanh…

    Nhìn trở lại, kể cả cuộc bầu cử tương đối sôi nổi và hào hứng năm 1967 với sự tham gia của 11 liên danh, tất cả chỉ là hình thức hợp pháp hóa người đang nắm quyền. 

    Bầu giả! 

    Mãi đến năm 2000, tôi mới được đi bầu trở lại, lần này là ở Hoa Kỳ. 

    Thật hay giả chưa biết, nhưng ít ra cũng hưởng được cái thú vui tối thiểu khá trẻ con: chẳng biết ai là kẻ thắng.

    Mỹ tổ chức bầu cử dài dài. Bầu tổng thống, quốc hội, thống đốc, bầu thị trưởng, nghị viên, giám sát viên, bầu cảnh sát trưởng, thẩm phán quận hạt, vân vân và vân vân. Không những bầu người mà còn bầu “đề luật” (propositions) phát sinh từ đủ loại đòi hỏi lăng nhăng trong đời sống. Tất tần tật, gì cũng bầu. Không người cầm quyền nào, cũng không điều luật nào được áp đặt một cách tiền chế.

    Trước hết, đó là một “trò chơi” ném tiền qua cửa sổ. Cả núi tiền. Thuê diễn giả, thuê ca sĩ, thuê trí thức chuyên môn, thuê nhà báo, thuê người thăm dò dư luận, thuê công nhân bưng bàn ghế, thuê chỗ, thuê quảng cáo và thuê làm trăm, ngàn thứ công việc linh tinh vô danh khác, thứ nào cũng tiền, tiền và tiền. Theo ước tính [1], chỉ riêng những cuộc bầu cử liên bang diễn ra từng bốn năm một (tổng thống, thượng và hạ viện) hay từng hai năm một (thượng viện, hạ viện) đã tiêu tốn hàng nhiều tỷ đô la. Năm 2020: hơn 18 tỷ; năm 2022: 9,5 tỷ; năm 2024: 16 tỷ. Đó là chưa kể đến vô vàn chi phí khác của từng cá nhân có dính líu xa gần đến bầu cử: đi dự những cuộc mít tinh vận động, chơi cá độ, tổ chức tiệc tùng chờ xem kết quả, vân vân. Tốn thì tốn mà chơi thì vẫn cứ chơi. Không chơi hết mình là không dân chủ.

    Bầu cử còn là một cái thú “tọa sơn quan hổ đấu”. Bầu xong, ung dung quan sát và ung dung chờ biết tên người sắp lãnh đạo nước Mỹ là ai. Tôi là cử tri độc lập, siêng thì đi bầu mà nhác thì nằm nhà. Chỉ đến phòng phiếu khi thích phong cách của một ứng cử viên hay tán thành một chính sách nào đó. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 với hai ứng cử viên George Bush (Con) và Al Gore, tôi đi bầu trong tâm trạng của một người vừa mới nhập quốc tịch: hào hứng. Mà không ngờ, hào hứng thiệt. Tôi được sống qua những giờ phút hồi hộp thú vị khi theo dõi diễn tiến đầy kịch tính của nó vào lúc kết thúc. Chuyện là như thế này: dựa trên kết quả kiểm phiếu đã hoàn tất của 49 tiểu bang kia, thì không ứng cử viên nào đạt được đủ số 270 phiếu “cử tri đoàn” (College Vote) để đắc cử tống thống theo luật: Bush, 246 và Gore, 266. Thế là, tiểu bang Florida với 25 “cử tri đoàn” trở thành nơi quyết định. Cuộc kiểm phiếu và tái kiểm phiếu cùng những tranh cãi pháp lý liên hệ kéo dài đến 35 ngày trước khi kết thúc với nhiều hệ lụy về sau. Xin tạm tóm tắt như sau:

    Màn một (truyền thông ấp úng): truyền thông đưa tin “Gore thắng”, rồi cải chính là “chưa biết ai thắng” (too close to call) vì chênh lệch phiếu quá nhỏ; không lâu sau đó, lại đưa tin “Bush thắng” rồi lại cải chính là “chưa biết ai thắng”. 

    Màn hai (Gore ấp úng): Khi nghe tin Bush thắng, Gore gọi điện thoại cho Bush chúc mừng, nhưng một thời gian ngắn sau, khi nghe tin “chưa biết ai thắng”, Gore lại gọi Bush, rút lại lời chúc. 

    Màn ba (Florida ấp úng): Florida tiến hành kiểm phiếu (cả máy lẫn tay) nhiều lần, chênh lệch phiếu nhỏ dần đi và trồi lên trụt xuống bất thường.  

    Màn bốn (Tối Cao Pháp Viện ấp úng): Tối Cao Pháp Viện Florida chấp thuận cho tiếp tục đếm phiếu bằng tay (hand recount), nhưng Tối Cao Pháp Viện Liên Bang (có xu hướng thiên về Bush) ra lệnh đình chỉ đếm phiếu. 

    Màn năm: George Bush được tuyên bố đắc cử với chênh lệch: 537 phiếu. 

    Màn sáu: Gore lại gọi Bush chúc mừng. Trong bài diễn văn thừa nhận thất bại, Gore nói: “Bây giờ Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã lên tiếng. Không nghi ngờ gì nữa, trong lúc tôi hoàn toàn [strongly] không đồng ý với quyết định của tòa án, nhưng tôi chấp nhận nó.” [2] Và lặng lẽ biến mất khỏi ánh đèn sân khấu. Êm re!

    Bầu cử còn là cái thú chọn phe. Chọn rồi, là lăn xả vào, góp người góp của vào cuộc chơi, vui buồn theo cuộc thăng trầm của phe mình trong suốt thời gian tranh cử. Y như thể bản thân mình là ứng cử viên. Cũng cãi nhau, cũng chỉ trích, cũng hoan hô đả đảo đủ kiểu. Bình thường thôi, không tranh cãi sao gọi là dân chủ. Nhưng trong ba cuộc bầu cử tổng thống từ năm 2016 đến nay, xuất phát từ hai xu hướng chính trị tả, hữu bị đẩy đến mức cực đoan, tranh cãi biến thành đụng độ gay cấn, căng thẳng, thậm chí đi đến chỗ…thánh chiến, một mất một còn, làm xáo trộn mọi loại quan hệ nhân sinh. Cuộc vận động bầu cử 2024 diễn ra như cơn sốt đạt đến đỉnh điểm. Hai phe đấu chữ, đấu tiền, đấu lý, rủa sả nhau như những kẻ thù…cùng đội trời chung. Ví dụ: một nam nhân trẻ nói với người yêu, cũng trẻ: Nếu em không MAGA như anh thì tình ta chấm dứt từ đây! Tưởng như nước Mỹ sắp “banh càng”, tan rã. Ấy thế, nhưng vào khuya và rạng sáng ngày 6/11, kết quả kiểm phiếu cho thấy người thắng kẻ thua đã rõ ràng. Nghe có tiếng thở phào khắp thế giới. Người thắng đọc diễn văn mừng thắng, người thua cũng nhanh chóng đọc diễn văn nhận thua. Khác hẳn lần trước, lần này, người thua không tố cáo gian lận, không kiện cáo, không đòi đếm phiếu đi đếm phiếu lại và nhất là, không gây bạo loạn. Mọi việc ổn thỏa, trông rất văn minh, rất Mỹ, chẳng khác gì trường hợp của ứng cử viên Al Gore trong cuộc bầu cử năm 2000.

    Dẫu vậy, đối với những ai đã chọn phe, và ủng hộ hết mình phe đã chọn, thì niềm hạnh phúc và nỗi đắng cay vẫn tiếp tục kéo dài cho đến…không biết khi nào.

    https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2024/11/unnamed-11.jpg

    MAGA Hương Lan mừng Trump thắng cử
    (Hình: chụp từ FB Hương Lan)

    Đối với phe chiến thắng, MAGA, thì đó là cái thú được đồng hóa, đuợc thể nhập mình vào niềm hạnh phúc ngất trời của người chiến thắng. 

    Nhiều nhóm cử tri Việt ủng hộ Trump cũng tưng bừng ăn mừng chiến thắng, hát nhạc chế “Anh [Trump] về thủ đô” tràn đầy hứng khởi. Ca sĩ Hương Lan đội mũ MAGA viết trên Facebook: “Cách đây 2 tuần trong một sự kiện Hương Lan đội mũ có tên Tổng thống Trump và giờ đây ngài đã chiến thắng. Chúc mừng Tổng thống Trump.” “Ngài”, thiệt là trân trọng.

    Ngược lại, ở phía bên kia, đó lại là cái thú…đau thương. Nancy Pelosi, nguyên chủ tịch Hạ Viện – người đã từng xé toạt làm hai bài diễn văn liên bang của cựu tổng thống Donald Trump trước mặt thế giới ngày 4/2/2020 – miệng mếu và mắt rướm lệ khi đến dự buổi đọc diễn văn thừa nhận thất bại của ứng cử viên Kamala Harris tại Đại Học Howard.

     Facebooker Thanh Bình Thân Mến viết: “Coi như Ngài đã thắng & chỉ thắng đàn bà chúng tôi 2 lần. À thì ra đờn ông thượng đẳng Mỹ chưa sẵn sàng cho đàn bà da màu làm Tổng thống. Dù sao cũng bớt lo là những kẽm sắt an ninh làm đau bầu trời xanh nơi thủ đô sớm được tháo gỡ, yên ổn. Tội Ukraine, xứ Đài…Trump là tổng thống của các bạn fan của Trump, không phải tổng thống của tôi. Tôi chúc mừng các bạn không có nghĩa là tôi ủng hộ Trump. Tôi tin là Trump tài năng nhưng tôi không tin Trump là người tử tế. Tôi ước nước Mỹ có một tổng thống mạnh mẽ, tài năng như Trump nhưng đức độ và tử tế hơn Trump.” (Xem ở: https://www.facebook.com/thanhbinh.thinguyen.92)

       Facebooker Hoàng Thị Kim, viết: “Ánh sáng thì mãi mãi là ánh sáng. Một ngày và hai đêm rất buồn, chưa bao giờ buồn như hôm nay. [Năm] 2016 thất vọng, [năm] 2024 mới nhận ra: một nhà lãnh đạo không có tư cách đạo đức thua xa một người không được lãnh đạo có tư cách đạo đức. Cuộc cách mạng nào bao giờ cũng gian nan. Harris, một người kiên cường, chúng tôi kính yêu bà.” (Xem ở: https://www.facebook.com/hoang.t.mai.391

    Tan nát cõi lòng nhất, chính là người trực tiếp tranh cử. Nhưng lại có một cách phát biểu rất …không giống ai: 

    “Kết quả của cuộc bầu cử này không phải là điều chúng ta mong muốn, không phải điều chúng ta đấu tranh, không phải điều chúng ta bầu chọn. (…) Một nguyên tắc căn bản của nền dân chủ Mỹ là khi thua cuộc bầu cử, chúng ta chấp nhận kết quả của nó. Nguyên tắc đó, cũng như bất kỳ nguyên tắc nào khác, phân biệt chế độ dân chủ với chế độ quân chủ hay chế độ chuyên chế. (…) Tôi biết nhiều người cảm thấy y như thể chúng ta đang bước vào một thời kỳ đen tối, nhưng vì lợi ích của tất cả chúng ta, tôi hy vọng điều đó không xảy ra.” [3]

    Vài trích đoạn trên lấy từ “diễn văn nhận thua” (concession speech) của người thua cuộc: Kamala Harris. Đắng cay mà sao nghe nhẹ nhàng, thanh thản y như vừa vượt qua được một sự kiện chẳng…đặng đừng vậy. Thực ra, đó chẳng phải chỉ là thứ lịch lãm gượng gạo bất chợt của ứng cử viên vừa bị quật ngã khỏi đấu trường lịch sử, mà là sự nối tiếp của một truyền thống đặc thù kiểu Mỹ trong vòng hơn một thế kỷ qua: tập làm người thua cuộc. 

    Như ta biết, các cuộc vận động bầu cử Mỹ thường là những màn đấu đá kéo dài, có khi diễn ra rất nặng nề và thô lỗ; nó được chấm dứt không chỉ bằng kết quả việc đếm phiếu, mà còn bằng màn trình diễn cuối cùng màu mè như thế, xem như là một cách xác định điểm dừng. Tuy thế, nó không phải là một yếu tố pháp lý gắn liền với cuộc bầu cử. Nói cho đúng, đó chỉ là một cách hành xử lịch sự cần thiết để khép lại nỗi cay đắng của người thua, đồng thời, giúp xác nhận sự minh bạch và lương thiện của một cuộc tranh giành quyền hành không đổ máu.  

    Truyền thống nhận thua này khởi đầu từ cuộc bầu cử tháng 11/1896 giữa hai ứng cử viên William McKinley và William Bryan. McKinley đánh bại Bryan, trở thành tổng thống thứ 25 của Mỹ. Từ thành phố Lincoln, tiểu bang Nebraska, ứng cử viên thua Bryan viết thư cho ứng cử viên thắng: 

    Kính gửi ngài William McKinley, Canton, Ohio. 

    Thượng Nghị Sĩ Jones vừa thông báo cho tôi biết là kết quả cuộc bầu phiếu cho thấy ngài đã thắng, và tôi vội vàng gửi lời chúc mừng ngài. Chúng ta đã đệ trình vấn đề lên người dân Mỹ và ý muốn của họ chính là luật pháp.” [4]

    Chỉ vỏn vẹn có hai câu, nhưng tính cách đặc thù của nó khiến lá thư trở thành “diễn văn nhận thua” đầu tiên trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, tạo thành một tiền lệ cho các ứng cử viên thua cuộc về sau.  Hành vi lịch sự tự nguyện này, theo thời gian, trở thành một nghệ thuật, nghệ thuật nhận thua (art of concession), một phong cách “đáng yêu” của truyền thống dân chủ Mỹ. Trong 120 năm qua, có tất cả 32 “diễn văn nhận thua” như thế, một số trong đó gây nhiều tiếng vang hơn cả “diễn văn nhận thắng” (victory speeches). Thay vì hổ thẹn, trốn tránh dư luận, người thua đọc diễn văn trước những ủng hộ viên của mình như để chia xẻ sự hãnh diện của những người đã cùng nhau làm việc hết mình, và hứa hẹn sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu cho những giá trị mà họ yêu mến. Chả thế mà, trong nỗi thất vọng và rưng rưng nước mắt, cuộc tụ họp, đôi khi lại nhuốm không khí cảm động của một tiệc mừng. Mừng…thua. 

    Xin ghi lại vài trường hợp nhận thua đáng ghi nhớ:

    Ửng cử viên hai lần thua: Walter Mondale. Mondale, phó tổng thống của Jimmy Carter, tái ứng cử phó tổng thống trong cùng liên danh Jimmy Carter-Walter Mondale chống lại liên danh Ronald Reagan-George H.W Bush (Cha) năm 1980. Và thua. Vì là phó tổng thống, kiêm nhiệm chủ tịch Thượng Viện, ông phải đứng ra chuẩn thuận kết quả bầu cử trước lưỡng viện quốc hội. Đếm phiếu xong, ông tuyên bố với một nụ cười (có lẽ) không mấy thoải mái, “George Bush của tiểu bang Texas đã nhận được 489 phiếu. Còn Walter Mondale nhận được 49 phiếu [cử tri đoàn].” Đến năm 1984, Mondale lại ra ứng cử lần hai chống lại cùng liên danh Reagan-Bush. Và thất bại, lần này còn thê thảm hơn. Ông chỉ thắng ở Washington DC và tiểu bang nhà Minnesota với tổng số 13, trong lúc Reagan ẵm hết 525 phiếu cử tri đoàn toàn quốc. Cay đắng như thế, nhưng trong bài diễn văn nhận thua, ông viết: “Một lần nữa tối nay, nhân dân Mỹ, trong các tòa thị chính, trong nhà, trong sở cứu hỏa, trong thư viện, đã chọn người chiếm giữ văn phòng quyền lực nhất trên trái đất. Sự lựa chọn của họ đã được thực hiện một cách hòa bình, với phẩm giá và uy nghiêm, và mặc dù tôi thích chiến thắng hơn, tối nay chúng ta vui hưởng nền dân chủ của chúng ta, chúng ta vui hưởng sự tự do của một dân tộc tuyệt vời, và chúng ta chấp nhận phán quyết của họ. Tôi cảm ơn người dân Mỹ đã lắng nghe trường hợp của tôi.” [5]

    George H. W. Bush (Cha), hai lần phó tổng thống, đương kim tổng thống ra tái ứng cử nhiệm kỳ 2 vào năm 1991, thua Bill Cliton, thống đốc trẻ tuổi của một tiểu bang nhỏ, chưa có tiếng tăm gì. Trong diễn văn nhận thua, ông khẳng định: “Vâng, đây là cách tôi nhìn nhận, đây là cách chúng ta nhìn nhận, và cách đất nước nên nhìn nhận, rằng người dân đã lên tiếng và chúng tôi tôn trọng sự uy nghiêm của hệ thống dân chủ. Tôi đã gọi Thống Đốc Clinton ở Little Rock và gửi lời chúc mừng đến ông ấy. Ông đã tiến hành một cuộc tranh cử mạnh mẽ. Tôi cầu chúc ông sức khỏe khi làm việc ở toà Bạch Ốc, và tôi muốn báo cho xứ sở biết rằng toàn thể chính quyền chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với đội ngũ của ông để bảo đảm một sự chuyển quyền êm thấm.” [6]

    John McCain, anh hùng quân đội Mỹ, một chính trị gia lão luyện, trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008, đã thua Barack Obama, một người da đen nhỏ tuổi, thiếu kinh nghiệm chính trường. Trong bài diễn văn nhận thua, ông nói: “Thượng Nghị S. Obama đã hoàn thành điều vĩ đại cho chính ông và cho xứ sở của ông. Tôi chúc mừng ông và thành thật tiếc rằng rằng người bà yêu dấu của ông đã không còn sống để nhìn thấy thành quả ngày hôm nay.” [7] McCain thúc giục những người ủng hộ đừng xì xào chế giễu (boos) khi nghe nhắc đến tên Obama, vì người dân Mỹ đã lên tiếng nói của họ một cách rõ ràng qua cuộc bầu cử. “Tôi kêu gọi tất cả những người Mỹ đã ủng hộ tôi hãy cùng tôi, không chỉ chúc mừng ông ấy, mà còn dành cho tổng thống kế tiếp của chúng ta thiện chí và nỗ lực nghiêm túc để tìm cách đến với nhau, để tìm ra những thỏa hiệp cần thiết, để vượt qua những khác biệt và giúp khôi phục sự thịnh vượng và an ninh của xứ sở trong một thế giới nguy hiểm, và để lại cho con cháu chúng ta một đất nước mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn những gì chúng ta được thừa hưởng.” 

    Truyền thống nhận thua này bị lỗi nhịp nhiều lần. Năm 1916, ứng cử viên Charles Hughes đợi đến hai tuần sau mới gửi điện tín nhận thua cho tổng thống Woodrow Wilson. Năm 1944, ứng cử viên Thomas Dewey chỉ đọc diễn văn trên đài phát thanh nhận thua, nhưng không trực tiếp gọi điện thoại cho người đắc cử là tổng thống Franklin Roosevelt. Năm 1960, ứng cử viên Richard Nixon từ chối nhận thua lúc đầu, nhưng rồi thay đổi thái độ, sau khi hiểu rằng việc trì hoãn nhận thua chỉ có hại cho sự nghiệp chính trị về sau của mình. 

    Nhưng lỗi nhịp nhất được tạo ra bởi một ngoại lệ: Donald Trump. Là một người phá cách, phi truyền thống, khi thua Joe Biden trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2020, ông không thừa nhận thất bại vì cho là bầu cử gian lận. Sau nhiều tháng tìm cách lật ngược kết quả bầu cử, kể cả gây bạo loạn, mà không thành công, cuối cùng, Trump – qua một băng ghi hình từ tòa Bạch Ốc vào ngày 7/1/2021 -, lên án cuộc bạo động mà ông chỉ đạo một ngày trước đó, thừa nhận rằng vai trò tổng thống của ông sẽ sớm chấm dứt. Ông nói: “Một chính quyền mới sẽ làm lễ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1. Trọng tâm của tôi bây giờ là đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, có trật tự và liền mạch. Lúc này là lúc hàn gắn và hòa giải.” [8]

    Mặc dù không thừa nhận thất bại, nhưng lời phát biểu ngắn ngủi này của Trump vẫn được (tạm) xem là một hình thức của “diễn văn nhận thua”, theo một số nhà nghiên cứu. Đó có lẽ là lời nói tử tế khá hiếm hoi của một người vốn chẳng hề xem cách ăn nói tử tế là lối xử sự cần thiết của người lãnh đạo.

    Cái thú dân chủ, nói cho cùng, cũng là cái thú được nói và được nghe những lời tử tế, dù thắng hay thua.  

    Trần Doãn Nho 

    (11/2024)

    —————

    [1] https://www.opensecrets.org/elections-overview/cost-of-election

    [2] Al Gore: “Now the U.S. Supreme Court has spoken. Let there be no doubt, while I strongly disagree with the court’s decision, I accept it.” 

    [3] Kamala Harris: “The outcome of this election is not what we wanted, not what we fought for, not what we voted for. (…) A fundamental principle of American democracy is that when we lose an election, we accept the results. That principle, as much as any other, distinguishes democracy from monarchy or tyranny. (…) I know many people feel like we are entering a dark time, but for the benefit of us all, I hope that is not the case.” (Concession Speech)

    [4] Hon. Wm. McKinley, Canton, Ohio: Senator Jones has just informed me that the returns indicate your election, and I hasten to extend my congratulations. We have submitted the issue to the American people, and their will is law.”

    [5]  “Again tonight, the American people, in town halls, in homes, in fire houses, in libraries, chose the occupant of the most powerful office on earth. Their choice was made peacefully, with dignity and with majesty, and although I would have rather won, tonight we rejoice in our democracy, we rejoice in the freedom of a wonderful people, and we accept their verdict. I thank the people of America for hearing my case.”

    https://www.presidency.ucsb.edu/documents/remarks-conceding-the-presidential-election-st-paul-minnesota

    [6] “Well here’s the way I see it, here’s the way we see it, and the way the country should see it, that the people have spoken and we respect the majesty of the democratic system. I just called Gov. Clinton over in Little Rock and offered him my congratulations. He did run a strong campaign. I wish him well in the White House, and I want the country to know that our entire administration will work closely with his team to ensure the smooth transition of power.”https://www.chicagotribune.com/1992/11/04/bush-the-people-have-spoken-and-we-respect-the-majesty-of-the/

    [7] “Sen. Obama has achieved a great thing for himself and for his country. I applaud him for it, and offer my sincere sympathy that his beloved grandmother did not live to see this day.(…) I urge all Americans who supported me to join me in not just congratulating him, but offering our next president our goodwill and earnest effort to find ways to come together, to find the necessary compromises, to bridge our differences and help restore our prosperity, defend our security in a dangerous world, and leave our children and grandchildren a stronger, better country than we inherited.”

    Transcript Of John McCain’s Concession Speech : NPR

    [8] “A new administration will be inaugurated on Jan. 20. My focus now turns to ensuring a smooth, orderly and seamless transition of power. This moment calls for healing and reconciliation.” 

    The Denvar Post, Trump finally faces reality, concedes to Biden and condemns Capitol riot:https://www.denverpost.com/2021/01/07/trump-condemns-capitol-riot-concedes-biden/

    https://diendantheky.net/tran-doan-nho-cai-thudan-chu/


    Không có nhận xét nào