BBC News
14/11/2024
Nguồn hình ảnh, TANG CHHIN SOTHY/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet tham dự lễ kỷ niệm 71 năm Quốc khánh và ngày thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia ở Đài Độc lập, thủ đô Phnom Penh, vào ngày 9/11
Campuchia đang có một số bước đi đáng chú ý theo sau quyết định rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Cùng lúc xuất hiện cáo buộc “Mỹ làm cách mạng màu”.
Câu chuyện Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV-DTA) lại nóng lên sau khi báo Khmer Times dẫn lại một bài viết ngày Chủ nhật 10/11 trên trang The Sunday Guardian (Ấn Độ).
Trong bài viết có nhan đề Các tổ chức do chính quyền Tổng thống Biden hậu thuẫn đã âm mưu tiến hành "cách mạng màu" tại Campuchia, báo The Sunday Guardian nêu rằng đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy các cơ quan của Mỹ đã cùng với các nhóm đối lập ra sức lật đổ chính phủ của Campuchia.
"Theo các email, thông tin và tài liệu nội bộ được chia sẻ với The Sunday Guardian, một nhóm các cơ quan nằm ở nước Mỹ và các nước khác, đã phối hợp với những người phản động chính trị từ Campuchia, sử dụng CLV-DTA để dồn chính phủ Campuchia vào tình thế bất lợi và tiếp sau đó là tiến hành một chiến dịch đã được nung nấu từ lâu, nhằm cài cắm một chính phủ thân Washington tại Phnom Penh."
BBC News Tiếng Việt vào hôm thứ Tư 13/11 đã gửi email đến Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến vấn đề này.
Theo phần tự giới thiệu, The Sunday Guardian là một tờ báo Chủ nhật của Ấn Độ, do nhà báo, chính trị gia M.J. Akbar sáng lập vào năm 2010. Các đồng nghiệp của BBC từ Ấn Độ cho biết The Sunday Guardian không nằm trong số những "tờ báo uy tín nhất" nhưng cũng "được biết đến" tại đất nước này.
Cáo buộc Mỹ kích động
Nguồn hình ảnh, BASTIEN OHIER/Hans Lucas/AFP/Getty Image
Chụp lại hình ảnh, Một cuộc biểu tình tại thủ đô Paris (Pháp) vào ngày 26/10 do Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia tổ chức, trong đó, ngoài khẩu hiệu đòi quyền chính trị, còn có những khẩu hiệu phản đối Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV-DTA)
Vào ngày 20/9, cựu Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet đã tuyên bố Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển.
Quốc hội Campuchia đã thông qua quyết định này vào ngày 8/11. Bước đi của Campuchia được giới quan sát đánh giá là "đơn phương" và khiến Việt Nam bất ngờ.
Campuchia dường như đạt được mục tiêu kép khi vừa đảm bảo ổn định chính trị vừa có thể tìm được lựa chọn thay thế cho CLV-DTA, theo nhận định của các chuyên gia với BBC News Tiếng Việt hồi tháng 9.
Các cơ quan của Mỹ được báo The Sunday Guardian nhắc đến bao gồm Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quỹ Xã hội Mở (OSF) và Viện Dân chủ Quốc gia (NDI) đang “làm việc với các nhóm chống chính phủ như Phong trào Dân chủ Khmer (KMD) và các phong trào do các cựu lãnh đạo của Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) là Sam Rainsy và Mu Sochua lãnh đạo".
Cũng theo tờ báo này, gần đây, ông Sam Rainsy, cựu lãnh đạo Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia, sống lưu vong tại Pháp kể từ năm 2015, đã kêu gọi người dân Campuchia cùng tham gia phong trào ở nước ngoài nhằm thành lập một chính phủ lâm thời, đại diện cho các lợi ích của Campuchia trên trường quốc tế và ủng hộ cải cách dân chủ, lật đổ chính phủ hiện do Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền và thay thế bằng một chính phủ thân Mỹ.
Tác giả bài viết trên The Sunday Guardian đã không nêu rõ tài liệu nào hoặc chính xác nội dung nào liên quan đến những cáo buộc nghiêm trọng trên.
Nguồn hình ảnh, TANG CHHIN SOTHY/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Lễ kỷ niệm 71 năm Quốc khánh và ngày thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia ở Đài Độc lập, thủ đô Phnom Penh, vào ngày 9/11
Trả lời Khmer Times, ông Pou Sothirak, một học giả đã nghỉ hưu và là cố vấn cấp cao danh dự của Trung tâm nghiên cứu khu vực Campuchia (CCRS), đã gọi thông tin từ báo cáo là "gây tranh cãi và không đáng tin cậy".
"Tôi nghi ngờ thông tin cho rằng Tổng thống Joe Biden quan tâm đến một vấn đề như vậy," ông Sothirak nói.
"Tôi nghĩ rằng đây là hậu quả của một số người cố tình phá hoại quan hệ Mỹ -Campuchia. Thực ra thì đó là thông tin không đáng quan tâm."
Ông giải thích rằng chìa khóa để hiểu được độ tin cậy của bất kỳ ấn phẩm nào liên quan đến các vấn đề đối ngoại mà Hoa Kỳ tham gia là phân tích bản chất lợi ích của siêu cường liên quan đến các vấn đề và các bên liên quan.
"Đúng là Mỹ, thông qua CIA, tham gia vào nhiều vụ việc bên ngoài đất nước, nhưng chỉ khi có liên quan đến lợi ích của mình, đặc biệt là khi liên quan đến an ninh quốc gia," ông Sothirak nói với Khmer Times.
"Chúng ta không thể biết được những vụ việc có Mỹ tham gia cho đến khi chính quyền Washington chính thức công bố, chẳng hạn các vụ ném bom ở Campuchia trong những năm 1970".
“Với vai trò là một siêu cường lớn nhất thế giới, nước Mỹ thường bị coi là kẻ xấu và có những nỗ lực nhằm bôi nhọ nước Mỹ về vấn đề này.”
Chính sách ngoại giao độc lập
Nguồn hình ảnh, Bộ Ngoại giao Campuchia
Chụp lại hình ảnh, Trong thời gian qua, Việt Nam luôn xác định quan hệ với hai nước láng giềng Campuchia và Lào là mối quan hệ hữu nghị, gắn bó mật thiết. Ảnh hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 diễn ra tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) từ ngày 6-7/11.
Trong một bài viết được đăng trên tạp chí Think China vào ngày 11/11, nhà nghiên cứu độc lập Rim Sokvy từ Campuchia viết:
"Việt Nam chắc chắn không vui trước chuyện Campuchia quyết định đột ngột rút khỏi Tam giác Phát triển, đặc biệt xét trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng lên Campuchia. Việc Campuchia rút khỏi CLV-DTA sẽ cho chúng ta chỉ dấu về chính sách ngoại giao của Campuchia sẽ như thế nào trong tương lai gần."
Theo số liệu do Việt Nam công bố, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các nước đầu tư hàng đầu tại Campuchia và Lào với 205 dự án đầu tư vào Campuchia (tổng giá trị khoảng 2,95 tỷ đô la Mỹ) và 245 dự án tại Lào.
Ngày 12/11, trong một bài viết trên chuyên trang Asia Times với nhan đề Campuchia nhẹ nhàng nhưng dứt khoát tách khỏi người anh Việt Nam, hai tác giả gồm Tiến sĩ Chandarith Neak là giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chính sách Công (IISPP) của Đại học Hoàng gia Phnom Penh (RUPP) và Chhay Lim từ Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) viết:
"Việc rút khỏi khuôn khổ hợp tác này nhằm phục vụ hai mục đích chính: tăng cường tính chính danh trong nước cho chính quyền của Thủ tướng Hun Manet và báo hiệu với cộng đồng quốc tế rằng Campuchia đang mở ra một kỷ nguyên mới về chính sách đối ngoại độc lập."
"Việc Campuchia rút khỏi CLV-DTA đã hiện thực hóa tuyên bố của Thủ tướng Hun Manet về việc Campuchia 'thở bằng mũi của chính mình', đồng thời cho thấy chính sách đối ngoại được hiệu chỉnh của ông. Là một quốc gia ngoại giao đi dây thông minh, Campuchia đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ nước láng giềng nào, đặc biệt là nước có thể bị coi là mối đe dọa tiềm tàng."
Việt Nam hiện còn tham gia các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương khác trong khu vực, có thể kể đến như Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) ra đời vào năm 2003, Hợp tác Campuchia-Lào - Myanmar-Việt Nam (CLMV) với mục tiêu tăng cường thương mại, đầu tư, nông nghiệp và công nghiệp.
Trả lời BBC News Tiếng Việt vào cuối tháng 9, Phó Giáo sư kinh tế chính trị Sophal Ear, Trường Quản lý toàn cầu Thunderbird (Thunderbird School of Global Management), Đại học bang Arizona (Mỹ), cho rằng quyết định của Campuchia sẽ làm nảy sinh những vấn đề phức tạp khác trong hợp tác khu vực.
"Động thái này có thể giảm những căng thẳng trong nước, nhưng cũng làm nảy sinh những vấn đề phức tạp mới cho hợp tác khu vực. Tam giác Phát triển được thành lập để thúc đẩy phát triển, ổn định và hội nhập kinh tế giữa ba quốc gia. Việc Campuchia rút khỏi khuôn khổ hợp tác này có thể gây tác động đến các dự án đa phương hiện tại, làm gia tăng quan ngại cho cả Việt Nam và Lào về cam kết dài hạn của Campuchia trong hợp tác khu vực."
Hiện chưa rõ Campuchia đã có lựa chọn nào khác thay Việt Nam cho việc phát triển hạ tầng các tỉnh biên giới, cụ thể là đối với 4 tỉnh từng thuộc CLV-DTA gồm Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratié hay chưa, cũng như vai trò của Trung Quốc.
Theo Khmer Times, vào ngày 1/11, Thủ tướng Hun Manet cho biết hơn 720.000 người Campuchia đã đóng góp tổng cộng gần 27 triệu đô la Mỹ cho Quỹ phát triển Cơ sở hạ tầng Biên giới.
"Nếu thành công, những hợp tác này hứa hẹn sẽ tạo dựng hình ảnh Thủ tướng Hun Manet là một nhà cải cách có tiềm năng và phản ứng nhanh," Tiến sĩ Chandarith Neak và Chhay Lim viết trên Asia Times.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cm20vy351nvo
Không có nhận xét nào