Nguồn: Mara Karlin, “The Return of Total War”, Foreign Affairs, 22/10/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
07/11/2024
Nhà lý luận quốc phòng Carl von Clausewitz đã viết vào đầu thế kỷ 19: “Mỗi thời đại đều có loại hình chiến tranh, điều kiện hạn chế và những định kiến riêng”. Không còn nghi ngờ gì nữa, Clausewitz đã đúng. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên là rất khó để mô tả đặc điểm chiến tranh tại bất kỳ thời điểm nào; việc làm này chỉ trở nên dễ dàng hơn khi nhìn lại những gì đã xảy ra. Khó hơn nữa là dự đoán loại hình chiến tranh mà tương lai có thể mang lại. Khi chiến tranh thay đổi, hình dạng mới mà nó mang lại hầu như luôn gây bất ngờ.
Trong phần lớn nửa sau của thế kỷ 20, các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ đã phải đối mặt với một thách thức bất biến: Chiến tranh Lạnh, trong đó xung đột siêu cường bị kìm hãm bởi sự răn đe hạt nhân, chỉ nóng lên trong các cuộc chiến ủy nhiệm tốn kém nhưng có thể kiểm soát được. Sự sụp đổ của Liên Xô đã chấm dứt kỷ nguyên đó. Tại Washington trong những năm 1990, chiến tranh trở thành vấn đề tập hợp các liên minh để can thiệp vào các cuộc xung đột riêng biệt khi chủ thể xấu xâm lược nước láng giềng, kích động bạo lực dân sự hoặc sắc tộc, hoặc tàn sát dân thường.
Sau cú sốc của các cuộc tấn công 11/9 năm 2001, sự chú ý chuyển sang các tổ chức khủng bố, quân nổi dậy và các nhóm phi nhà nước khác. “Cuộc chiến chống khủng bố” sau đó đã đẩy suy nghĩ về xung đột giữa các quốc gia sang một bên. Tất nhiên, chiến tranh là một đặc điểm chính của thời kỳ hậu 11/9. Nhưng đó là một hiện tượng bị hạn chế rất nhiều, thường ở quy mô giới hạn và được tiến hành ở những địa điểm xa xôi chống lại những kẻ thù mờ ảo. Trong phần lớn thế kỷ này, triển vọng về một cuộc chiến tranh lớn giữa các quốc gia là ưu tiên thấp hơn đối với các nhà tư tưởng và hoạch định quân sự Mỹ, và bất cứ khi nào nó trở thành trọng tâm, bối cảnh thường là một cuộc cạnh tranh tiềm tàng với Trung Quốc mà sẽ chỉ thành hiện thực trong tương lai xa, nếu có.
Sau đó, vào năm 2022, Nga đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Và đó là cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ CTTG II. Và mặc dù các lực lượng dưới sự chỉ huy của Nga và Ukraine là những đội quân duy nhất chiến đấu trên bộ, nhưng cuộc chiến đã định hình lại địa chính trị bằng cách lôi kéo hàng chục quốc gia khác tham gia. Mỹ và các đồng minh NATO đã cung cấp hỗ trợ tài chính và vật chất chưa từng có cho Ukraine; trong khi đó, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đều hỗ trợ Nga theo những cách quan trọng. Chưa đầy hai năm sau cuộc xâm lược của Nga, Hamas đã thực hiện vụ tấn công khủng bố tàn bạo vào ngày 7 tháng 10 vào Israel, gây ra một cuộc tấn công cực kỳ nguy hiểm và tàn khốc của Israel vào Gaza. Cuộc xung đột nhanh chóng mở rộng thành một vấn đề khu vực phức tạp, liên quan đến nhiều quốc gia và một số tác nhân phi nhà nước có năng lực.
Ở cả Ukraine và Trung Đông, điều đã trở nên rõ ràng là phạm vi xác định chiến tranh tương đối hẹp từ thời kỳ hậu 11/9 đã được mở rộng đáng kể. Kỷ nguyên chiến tranh hạn chế đã kết thúc; kỷ nguyên xung đột toàn diện đã bắt đầu. Thật vậy, những gì thế giới đang chứng kiến ngày nay giống với những gì các nhà lý luận trong quá khứ gọi là “chiến tranh toàn diện”, trong đó các bên tham chiến sử dụng nguồn lực to lớn, huy động xã hội của họ, ưu tiên chiến tranh hơn tất cả các hoạt động khác của nhà nước, tấn công nhiều mục tiêu và định hình lại nền kinh tế của họ và của các quốc gia khác. Nhưng do công nghệ mới và các liên kết sâu rộng của nền kinh tế toàn cầu hóa, các cuộc chiến tranh ngày nay không chỉ đơn thuần là sự lặp lại của mô thức các cuộc xung đột cũ.
Những diễn biến này sẽ buộc các nhà chiến lược và hoạch định phải suy nghĩ lại về cách thức chiến đấu ở hiện tại và quan trọng là cách họ nên chuẩn bị cho chiến tranh trong tương lai. Chuẩn bị sẵn sàng cho loại hình chiến tranh mà Mỹ có thể sẽ phải đối mặt trong tương lai trên thực tế có thể giúp đất nước tránh được một cuộc chiến như vậy bằng cách tăng cường khả năng răn đe đối thủ chính của mình. Để ngăn chặn một Trung Quốc ngày càng quyết đoán thực hiện các bước đi có thể dẫn đến chiến tranh với Mỹ, chẳng hạn như phong tỏa hoặc tấn công Đài Loan, Washington phải thuyết phục Bắc Kinh rằng làm như vậy sẽ không đáng và Trung Quốc có thể không thắng trong cuộc chiến sau đó. Nhưng để răn đe một cách đáng tin cậy trong thời đại xung đột toàn diện, Mỹ cần cho thấy rằng họ đã sẵn sàng cho một loại hình chiến tranh khác – rút ra bài học từ các cuộc chiến tranh lớn ngày nay để ngăn chặn một cuộc chiến thậm chí còn lớn hơn trong tương lai.
Sự tiếp nối của xung đột
Cách đây chưa đầy một thập kỷ, đã có sự đồng thuận ngày càng tăng giữa nhiều chuyên gia về cách thức xung đột sẽ tự tái định hình trong những năm tới. Xung đột sẽ diễn ra nhanh hơn, được tiến hành thông qua sự hợp tác giữa con người và máy móc thông minh, và phụ thuộc nhiều vào các công cụ tự động như drone. Không gian và không gian mạng sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Xung đột thông thường sẽ liên quan đến sự gia tăng khả năng “chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực” – các công cụ và kỹ thuật sẽ hạn chế phạm vi tiếp cận và khả năng cơ động của quân đội ngoài đường bờ biển, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các mối đe dọa hạt nhân sẽ vẫn tồn tại, nhưng chúng sẽ bị hạn chế khi so sánh với các mối nguy hiểm hiện hữu trong quá khứ.
Một số dự đoán kể trên đã được chứng minh là đúng; một số khác thì không. Trên thực tế, trí tuệ nhân tạo đã tiếp tục cho phép việc phổ biến và triển khai các hệ thống không người lái cả trên không và dưới nước. Drone thực sự đã thay đổi chiến trường – và nhu cầu về khả năng chống drone đã tăng vọt. Và tầm quan trọng chiến lược của không gian, bao gồm cả lĩnh vực không gian thương mại, đã được thể hiện rõ ràng, gần đây nhất là việc Ukraine phụ thuộc vào mạng lưới vệ tinh Starlink để kết nối Internet.
Mặt khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần đưa ra những lời đe dọa trá hình về việc sử dụng vũ khí hạt nhân và thậm chí còn bố trí một số ở Belarus. Trong khi đó, quá trình hiện đại hóa và đa dạng hóa khả năng hạt nhân mang tính lịch sử của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về khả năng một cuộc xung đột thông thường có thể leo thang lên mức độ cực đoan nhất. Việc mở rộng và cải thiện kho vũ khí của Trung Quốc cũng đã biến đổi và làm phức tạp thêm động lực của sự răn đe hạt nhân, vì điều mà trước đây là thách thức lưỡng cực giữa Mỹ và Nga giờ đây đã trở thành tam cực.
Điều mà ít nhà lý luận quốc phòng thấy trước được là sự mở rộng của hình thái chiến tranh xảy ra trong những năm vừa qua, khi hàng loạt các đặc điểm hình thành nên xung đột được mở rộng. Cái mà các nhà lý luận gọi là “quang phổ xung đột” đã thay đổi. Trong thời đại trước, người ta có thể thấy chủ nghĩa khủng bố và nổi dậy của Hamas, Hezbollah và Houthis nằm ở mức độ thấp của quang phổ, các đội quân tiến hành chiến tranh thông thường ở Ukraine nằm ở giữa quang phổ trong khi các mối đe dọa hạt nhân hình thành nên cuộc chiến của Nga và kho vũ khí ngày càng tăng của Trung Quốc nằm ở vị trí cao nhất. Tuy nhiên, ngày nay, sự loại trừ lẫn nhau kể trên dường như không còn nhiều ý nghĩa; sự tiếp biến của chiến tranh đã quay trở lại nhưng cũng nhanh chóng sụp đổ. Ở Ukraine, “chó robot” tuần tra trên mặt đất và drone tự động phóng tên lửa từ trên trời giữa một dạng thức chiến tranh chiến hào giống như CTTG I – và tất cả đều bị ám ảnh bởi vũ khí hạt nhân. Ở Trung Đông, các chiến binh đã kết hợp các hệ thống phòng không và tên lửa tinh vi với các cuộc tấn công mang tính đơn lẻ của những chiến binh vũ trang đi xe máy. Ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các lực lượng Trung Quốc và Philippines đối đầu nhau chỉ vì một con tàu ọp ẹp cũ kỹ trong khi bầu trời và vùng biển xung quanh Đài Loan bị siết chặt bởi các cuộc tập trận đe dọa từ không quân và hải quân Trung Quốc.
Sự xuất hiện của các cuộc đấu tranh trên biển đánh dấu một sự thay đổi lớn so với thời kỳ hậu 11/9, khi xung đột chủ yếu xoay quanh các mối đe dọa trên bộ. Trước đó, hầu hết các cuộc tấn công trên biển là mang tính hải đối đất và hầu hết các cuộc tấn công trên không mang tính chất không đối đất. Tuy nhiên, ngày nay, môi trường hàng hải đã trở thành không gian cho xung đột trực tiếp. Ví dụ, Ukraine đã hạ gục hơn 20 tàu của Nga ở Biển Đen và quyền kiểm soát tuyến đường thủy quan trọng này vẫn đang bị tranh chấp. Trong khi đó, các cuộc tấn công của Houthi phần lớn đã “đóng cửa” Biển Đỏ đối với vận tải thương mại. Bảo vệ quyền tự do hàng hải trong lịch sử là nhiệm vụ hàng đầu của Hải quân Mỹ. Nhưng việc họ không thể đảm bảo an ninh cho Biển Đỏ đã đặt ra câu hỏi liệu họ có thể hoàn thành nhiệm vụ đó ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng bất ổn hay không.
Đặc điểm đa dạng của xung đột cũng nhấn mạnh nguy cơ các quốc gia bị hấp dẫn bởi một loại vũ khí được lựa chọn duy nhất, thứ có thể chỉ là một tia sáng lóe lên nhất thời. So với thời kỳ hậu 11/9, hiện nay nhiều quốc gia có khả năng tiếp cận nguồn vốn lớn hơn và năng lực R&D tốt hơn, cho phép họ ứng phó nhanh chóng và khéo léo hơn với các loại vũ khí và công nghệ mới bằng cách phát triển các biện pháp đối phó. Điều này làm trầm trọng thêm một động lực quen thuộc mà học giả quân sự J. F. C. Fuller mô tả là “yếu tố chiến thuật không đổi” – thực tế là “mọi cải tiến về vũ khí cuối cùng đều bị phản ứng bằng một cải tiến đối trọng khiến cho cải tiến đó trở nên lỗi thời.” Ví dụ, vào năm 2022, các chuyên gia quốc phòng đã ca ngợi hiệu quả của đạn dược dẫn đường chính xác của Ukraine như một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến chống Nga. Nhưng đến cuối năm 2023, một số hạn chế của những vũ khí đó đã trở nên rõ ràng khi việc gây nhiễu điện tử của quân đội Nga đã hạn chế nghiêm trọng khả năng tìm kiếm mục tiêu trên chiến trường của chúng.
Chiến tranh tổng lực
Một đặc điểm khác của thời đại xung đột toàn diện là sự thay đổi về nhân khẩu học của chiến tranh: nhân lực tham chiến ngày càng trở nên đa dạng. Các cuộc chiến hậu 11/9 đã chứng minh tác động quá lớn của các nhóm khủng bố, lực lượng ủy nhiệm và dân quân. Khi những xung đột đó diễn ra, nhiều nhà hoạch định chính sách mong muốn họ có thể quay trở lại trọng tâm truyền thống là quân đội nhà nước – đặc biệt là khi một số quốc gia đang đầu tư rất lớn vào việc phòng thủ. Họ nên cẩn thận với những gì họ mong muốn: quân đội nhà nước đã trở lại, nhưng các nhóm phi nhà nước hầu như không biến mất khỏi sàn diễn. Môi trường an ninh hiện tại mang đến sự xui rủi khi các quốc gia phải đối phó với cả hai chủ thể này cùng một lúc.
Ở Trung Đông, nhiều quân đội nhà nước đang ngày càng chiến đấu hoặc vướng vào các tác nhân phi nhà nước có ảnh hưởng. Hãy xem xét nhóm Houthis. Mặc dù về bản chất vẫn là một phong trào nổi dậy tương đối nhỏ, nhưng Houthis vẫn phải chịu trách nhiệm về hàng loạt các cuộc giao tranh trên biển dữ dội nhất mà Hải quân Mỹ phải đối mặt kể từ CTTG II, theo các quan chức hải quân. Với sự giúp đỡ từ Iran, Houthis cũng đang thể hiện vượt quá tưởng tượng ở trên không bằng cách sản xuất và triển khai drone của riêng họ. Trong khi đó, tại Ukraine, các lực lượng chính quy của Kyiv đang chiến đấu cùng với các tình nguyện viên quốc tế với số lượng chưa từng thấy kể từ Nội chiến Tây Ban Nha. Và để giúp sức cho lực lượng truyền thống của Nga, Điện Kremlin đã kết hợp lính đánh thuê từ công ty bán quân sự Wagner và đưa hàng chục nghìn tù nhân ra chiến trường – một hành động mà quân đội Ukraine gần đây đã bắt đầu sao chép.
Trong môi trường này, nhiệm vụ giúp đỡ xây dựng lực lượng cho các đối tác thậm chí còn trở nên phức tạp hơn so với trong các cuộc chiến hậu 11/9. Các chương trình của Mỹ nhằm xây dựng quân đội Afghanistan và Iraq tập trung vào việc chống lại các mối đe dọa khủng bố và nổi dậy với mục đích cho phép các chế độ thân thiện thực thi chủ quyền đối với lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, để giúp xây dựng lực lượng của Ukraine cho cuộc chiến chống lại một quân đội nhà nước khác, Mỹ và các đồng minh đã phải học lại cách dạy. Lầu Năm Góc cũng phải xây dựng một kiểu liên minh mới, triệu tập hơn 50 quốc gia từ khắp nơi trên thế giới để điều phối các khoản quyên góp vật chất cho Ukraine thông qua Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine – nỗ lực phức tạp và nhanh chóng nhất từng được thực hiện để hỗ trợ quân đội của một quốc gia.
Gần một thập kỷ trước, tôi đã lưu ý rằng mặc dù Mỹ đã xây dựng quân đội ở các quốc gia mong manh kể từ CTTG II, nhưng khả năng của họ rất mờ nhạt. Điều này không còn đúng nữa. Hệ thống mới của Lầu Năm Góc đã chứng minh rằng nó có thể hoạt động nhanh chóng đến mức việc hỗ trợ vật chất cho Ukraine đôi khi được thực hiện chỉ trong vòng vài ngày. Khả năng của hệ thống này đã tăng vọt theo những cách mà nhiều chuyên gia (bao gồm cả tôi) cho là không thể. Đặc biệt, khía cạnh kỹ thuật của việc trang bị quân đội đã được cải thiện. Ví dụ, việc Quân đội Mỹ sử dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp quân đội Ukraine dễ dàng nhìn thấy và hiểu được chiến trường, đồng thời đưa ra quyết định và hành động phù hợp. Các bài học từ việc nhanh chóng cung cấp hỗ trợ cho Ukraine cũng đã được áp dụng cho cuộc chiến Israel-Hamas; trong vòng vài ngày sau các cuộc tấn công ngày 7 tháng 10, khả năng phòng không và đạn dược do Mỹ cung cấp đã có mặt ở Israel để bảo vệ bầu trời của họ và giúp họ ứng phó.
Nhưng mặc dù Washington hiện đã chứng minh rằng họ có thể xây dựng một đạo quân nước ngoài một cách nhanh chóng, nhưng câu hỏi sẽ luôn là liệu Mỹ có nên làm như vậy hay không. Chi phí chuyển giao thiết bị có giá trị cho đối tác liên quan đến việc xem xét mức độ sẵn sàng và uy tín chiến đấu của chính quân đội Mỹ. Hơn nữa, sự hỗ trợ như vậy không chỉ đơn thuần là một nỗ lực mang tính kỹ thuật mà còn là một hành vi chính trị, và hệ thống đôi khi bị chậm lại khi phải vật lộn với những tình huống khó xử liên quan đến các hàm ý đầy đủ của viện trợ an ninh Mỹ. Ví dụ, để tránh chạm vào lằn ranh đỏ của Nga, Washington đã dành quá nhiều thời gian để tranh luận về việc Ukraine nên sử dụng hỗ trợ quân sự của Mỹ ở đâu, khi nào và trong hoàn cảnh nào. Câu hỏi hóc búa này không phải là mới, nhưng với khả năng hủy diệt tới từ các đối thủ mà Washington hiện đang đối mặt hoặc chuẩn bị đối đầu, thì lợi ích của việc giải quyết vấn đề đó một cách chính xác là cao hơn nhiều so với thời kỳ hậu 11/9.
Vai trò của các cơ sở công nghiệp quốc phòng ở các quốc gia đối thủ cũng đã định hình nên những đường nét mới của việc tạo dựng chiến tranh. Ở hàng chục quốc gia hỗ trợ Ukraine, các ngành công nghiệp quốc phòng trong nước đã không thể đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga đã được hồi sinh sau khi những suy đoán về sự sụp đổ của nó được chứng minh là bị phóng đại rất nhiều. Mặc dù sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga dường như không bao gồm các loại vũ khí tấn công, nhưng nó vẫn liên quan đến việc Bắc Kinh cung cấp cho Moscow các công nghệ quan trọng. Và cả Iran và Triều Tiên đều đã hỗ trợ các ngành công nghiệp quốc phòng của họ bằng cách bán đạn dược và các mặt hàng khác cho Moscow. Mỹ không phải là cường quốc duy nhất nhận ra giá trị (cả trên chiến trường và ở quê nhà) của việc cung cấp hỗ trợ cho các lực lượng đối tác và xây dựng năng lực của họ; kẻ thù của Mỹ cũng vậy.
Hiểu được tính đa dạng mới mẻ này của các bên tham chiến và sự phức tạp ngày càng tăng trong mối quan hệ của họ với nhau sẽ là điều quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các bài học từ Ukraine đã giúp ích cho nỗ lực tăng cường sức mạnh cho Đài Loan của chính quyền Biden, vốn lần đầu tiên nhận được hỗ trợ tài chính quân sự nước ngoài vào năm 2023. Nói rộng ra, các nhà chiến lược nên xem xét cách thức chiến tranh giữa các quốc gia trong tương lai có thể được kết hợp với các cuộc nổi dậy. Họ cũng nên suy nghĩ kỹ về cách thức mà một loạt các tác nhân trong và ngoài chiến trường, bao gồm các nhóm phi nhà nước và các thực thể thương mại, có thể hỗ trợ những kẻ thù chính.
Và như ở Ukraine, việc xây dựng liên minh khu vực sẽ rất quan trọng đối với bất kỳ sự hỗ trợ nào mà Washington cung cấp cho Đài Loan khi đối mặt với sự gây hấn của Trung Quốc. Mặc dù số lượng các quốc gia ủng hộ quân đội Đài Loan vẫn còn ít, nhưng các đồng minh châu Âu của Washington dường như ngày càng sẵn sàng thừa nhận tầm quan trọng vượt trội của Đài Bắc đối với an ninh và ổn định khu vực. Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc chiến gây bất ổn của Nga đã triệt tiêu hầu hết những quan điểm sai lệch của các nhà lãnh đạo châu Âu rằng Bắc Kinh coi trọng sự ổn định hơn tất cả. Sự phát triển này trong quan điểm của châu Âu đã được phản ánh trong “khái niệm chiến lược” mà NATO đưa ra vào năm 2022, trong đó lưu ý rằng “các chính sách cưỡng ép” của Trung Quốc thách thức “lợi ích, an ninh và giá trị” của liên minh.
Sự trở lại của năng lực răn đe
Trong hai thập kỷ của thời kỳ hậu 11/9, khái niệm răn đe hiếm khi được viện dẫn ở Washington vì ý tưởng này dường như không liên quan đến các cuộc xung đột chống lại các tác nhân phi nhà nước như al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (còn được gọi là ISIS). Vài năm qua tình hình đã đổi khác: ngày nay, hầu hết mọi cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ đều tập trung vào thách thức răn đe, đây là chìa khóa để quản lý leo thang – nhiệm vụ này, mặc dù không hào nhoáng và cũng không tạo ra cảm giác hài lòng, nhưng về cơ bản định hình chính sách của Washington ở cả Ukraine và Trung Đông.
Trong môi trường mới này, các cách tiếp cận truyền thống về răn đe đã trở nên ngày càng phù hợp hơn. Một là răn đe thông qua ngăn chặn (deterrence by denial) – hành động gây khó khăn cho kẻ thù trong việc đạt được mục tiêu dự định. Hành động ngăn chặn có thể dập tắt leo thang ngay cả khi nó không ngăn cản được hành động gây hấn ban đầu. Ở Trung Đông, Israel đã không thể cản được cuộc tấn công thông thường lớn đầu tiên của Iran vào lãnh thổ Israel vào đầu năm nay, nhưng phần lớn đã từ chối cho Iran những lợi ích mà nước này hy vọng đạt được. Quân đội Israel đã đẩy lùi hầu hết hàng trăm tên lửa và drone của Iran nhờ các hệ thống phòng không và tên lửa tinh vi cũng như sự hợp tác của Mỹ và các quốc gia trên khắp Trung Đông và Châu Âu. (Thiết bị kém chất lượng của Iran cũng đóng một phần vai trò.) Hậu quả hạn chế của cuộc tấn công cho phép Israel đợi gần một tuần để đáp trả và làm như vậy theo cách hạn chế hơn so với khả năng xảy ra nếu chiến dịch của Iran thành công hơn.
Tuy nhiên, chiến thắng đã phải trả giá đắt. Mỹ và Israel có thể đã chi tiêu gấp khoảng mười lần để ứng phó với cuộc tấn công của Iran so với số tiền Iran đã chi để phát động nó. Tương tự, Houthi đã sử dụng các công cụ tương đối rẻ tiền và quy mô nhỏ để tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ hàng chục lần, làm gián đoạn một tuyến đường vận chuyển chính và tạo ra chi phí khổng lồ cho nền kinh tế toàn cầu. Để đối phó với các cuộc tấn công chi phí thấp, tác động lớn của Houthi, các tàu Hải quân Mỹ thường xuyên sử dụng cạn kiệt đạn dược mà không thể làm giảm đáng kể mối đe dọa. Tính đến các đợt triển khai kéo dài mà hải quân đã thực hiện ở Trung Đông cho mục đích răn đe, bao gồm cả việc đối đầu với Houthis bằng cách sử dụng đạn dược để chống lại các cuộc tấn công của họ và tấn công các tài sản của họ ở Yemen, việc xây dựng lại và khôi phục khả năng sẵn sàng của tàu sau cuộc đối đầu với một lực lượng dân quân địa phương nhỏ trong bối cảnh xung đột khu vực rộng lớn hơn sẽ khiến hải quân tiêu tốn ít nhất 1 tỷ USD trong vài năm tới.
Một phương tiện răn đe truyền thống khác đã xuất hiện trở lại là trừng phạt, đòi hỏi đe dọa đối phương bằng những hậu quả nghiêm trọng nếu họ thực hiện một số hành động nhất định. Tại một số thời điểm quan trọng, việc Putin rung chuông hạt nhân đã đưa khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân lên mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Trong một giai đoạn đặc biệt căng thẳng vào tháng 10 năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhóm của ông lo ngại rằng có 50% khả năng Putin sẽ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình. Trong các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Nga, các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ đã đưa ra những lời cảnh báo nghiêm khắc và kịp thời về hậu quả “thảm khốc” nếu Moscow tiến hành thực thi các mối đe dọa của mình. Những lời cảnh báo đó đã có tác dụng, cũng như nỗ lực nhằm thuyết phục các quốc gia châu Á và châu Âu quan trọng, đáng chú ý nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, công khai và có khả năng lên án bất kỳ vai trò nào của vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Việc kéo Putin xuống thang đòi hỏi phải hiểu rõ một cách cơ bản về cách ông ta nhìn nhận các mối đe dọa, chú ý nghiêm túc đến các tín hiệu được gửi đi từ khắp các cơ quan chính phủ Mỹ cũng như các phản hồi tích cực để đảm bảo rằng những đánh giá đó là chính xác – tất cả đều kết hợp với các cuộc tiếp xúc ngoại giao mạnh mẽ.
Bắn tín hiệu về thành tựu đã đạt được
Sự trở lại của chiến tranh tổng lực, với nhiều yếu tố phức tạp và rủi ro leo thang, đã phục hồi sự hiểu biết về cách thức hoạt động của việc đưa ra tín hiệu trong một cuộc khủng hoảng. Chính quyền Biden tạm hoãn một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine để cho thấy các cường quốc hạt nhân có trách nhiệm thế nào vào thời điểm leo thang tiềm tàng. Cuộc thử nghiệm có thể vô tình truyền đến Putin một tín hiệu không chính xác đối với chính sách của Mỹ trong tương lai tại thời điểm nhạy cảm – đặc biệt khi cuộc xâm lược Ukraine đang gặp khó khăn, thì có nhiều nước đang chung tay giúp đỡ Kyiv, và quân đội Ukraine đang chiến đấu kiên cường. Mỹ muốn đảm bảo rằng Putin nhận được đúng tín hiệu về ý định của Mỹ và không bị phân tâm bởi tác động mà một cuộc thử nghiệm tên lửa có thể gây ra.
Việc ra tín hiệu cũng đã trở nên quan trọng trong việc ngăn chặn leo thang tại Trung Đông. Trong ba thời khắc quan trọng – cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, cuộc tấn công bằng drone và tên lửa vào Israel vào tháng tư, và những ngày sau khi Israel thực hiện cuộc ám sát thủ lĩnh Ismail Haniyeh tại Tehran hồi tháng bảy – sự kết hợp khéo léo giữa ngoại giao tinh tế, tăng cường khí tài quân sự, xây dựng liên minh và thông điệp công khai rõ ràng đã ngăn chặn một cuộc xung đột quy mô lớn trong khu vực. Sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10, ông Biden phát đi một thông điệp đến thủ lĩnh tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei, cảnh báo về việc tấn công quân nhân Mỹ tại khu vực, và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin triển khai hai tàu sân bay cộng với nhiều máy bay chiến đấu đến Trung Đông để cho thấy rõ rằng Iran không nên leo thang bằng cách trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột. Sự hiện diện của các năng lực của Mỹ như phòng không cũng quan trọng trong việc ngăn chặn leo thang hơn nữa sau cuộc tấn công quy mô lớn của Iran vào Israel hôm tháng tư. Nhưng nếu không có sự hợp tác của Mỹ với các quốc gia trên khắp Trung Đông và châu Âu, thì những giới hạn của các khả năng đó sẽ trở nên rõ ràng, vì hiệu quả của các khả năng đó một phần tới từ sự hợp tác và tham gia của các quốc gia này. Sau cuộc ám sát thủ lĩnh Haniyeh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken yêu cầu thủ tướng Qatar và ngoại trưởng Jordan, cùng các quan chức khác giúp ngăn Iran trả đũa. Lầu Năm Góc cũng gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực, bao gồm việc tuyên bố công khai triển khai tàu ngầm hạt nhân đến Trung Đông.
Tất nhiên, việc quá phụ thuộc và phụ thuộc quá lâu vào sức mạnh quân sự để theo đuổi răn đe cũng có những hạn chế. Cho đến nay, Mỹ gia tăng khí tài quân sự tại Trung Đông cho mục đích răn đe là một lối tiếp cận đúng; trong tháng chín, Hezbollah đã giữ các cuộc tấn công vào Israel dưới ngưỡng nhất định thay vì can thiệp quá mức để hỗ trợ Hamas. Tuy nhiên, theo thời gian, giá trị răn đe của việc tăng cường quân sự giảm dần, và chúng dễ bị rơi vào sai lầm chi phí ẩn – đó là, đối thủ dần quen với các mối đe dọa gây ra bởi các hành vi tăng cường quân sự hơn là sợ hãi chúng, và họ học được cách lập kế hoạch để đối phó. Ngoài ra, còn có chi phí cho việc sẵn sàng mang tính quân sự, điều này có thể tạo cơ hội cho các đối thủ đặt câu hỏi về tính tin cậy của các mối đe dọa vì họ biết rằng Washington không thể duy trì mãi việc tăng cường hiện diện. Và cần phải xem xét đến chi phí cơ hội. Quân đội Mỹ phải cân nhắc nhiều mối đe dọa trên toàn thế giới trong khi tự điều chỉnh cho một cuộc cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc. Việc tăng cường răn đe ở Trung Đông trong năm qua là quan trọng, nhưng nó đã hạn chế thời gian, sự chú ý và nguồn lực mà Washington dành cho an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Giúp đỡ từ đồng minh
Khi Mỹ đang vật lộn với thách thức răn đe trên các chiến trường châu Âu và Trung Đông, nước này đang hướng mắt về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi quân đội đang được hiện đại hóa của Trung Quốc đang làm suy yếu an ninh khu vực. Trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, cách tiếp cận của Lầu Năm Góc sẽ dựa vào một hình thức răn đe khác, được Chiến lược Quốc phòng Mỹ năm 2022 gọi là “răn đe bền bỉ” (deterrence by resilience) – nghĩa là “khả năng chịu đựng, chiến đấu và phục hồi nhanh chóng trong trường hợp bị gián đoạn”. Tính bền bỉ là cơ sở lý thuyết cho việc phân tán các căn cứ quân sự của Mỹ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, cho phép lực lượng Mỹ sống sót trước một cuộc tấn công và tiếp tục chiến đấu. Nỗ lực này bao gồm việc tiếp cận bốn căn cứ quân sự ở Philippines; thúc đẩy các năng lực mới của Thủy quân Lục chiến Mỹ và Lục quân Mỹ tại Nhật Bản; thiết lập một số sáng kiến lớn với Úc, bao gồm tăng cường các chuyến thăm của tàu ngầm và luân chuyển máy bay, hợp tác sâu rộng trong không gian vũ trụ và đầu tư đáng kể của Mỹ và Australia vào việc nâng cấp căn cứ; và ký kết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Papua New Guinea cho phép Mỹ hỗ trợ nâng cấp quân đội của nước này, tăng khả năng tương tác với quân đội Mỹ và thực hiện nhiều cuộc tập trận chung hơn. Trong khi đó, trong hơn một năm rưỡi qua, một tàu ngầm Mỹ có khả năng phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân đã ghé thăm Hàn Quốc và một máy bay ném bom B-52 của Mỹ có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân đã hạ cánh tại đó.
Sự hiện diện ngày càng nhiều của các khí tài quân sự Mỹ có khả năng cao phân tán khắp khu vực (cùng với khí tài của các quân đội đồng minh và đối tác) làm phức tạp hóa kế hoạch của Trung Quốc. Ở một mức độ nào đó, cách tiếp cận này đảo ngược lý thuyết răn đe của Thomas Schelling. Schelling nhấn mạnh tính hữu dụng của sự chắc chắn trong việc phát tín hiệu. Ngược lại, những gì Washington đang làm với quân đội của mình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tạo ra một số con đường tiềm năng để ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc nhằm đảo ngược hiện trạng, làm tăng độ phức tạp của những tình huống đó và gây ra sự không chắc chắn về việc đâu có thể là vấn đề liên quan nhất. Đúng là sẽ khó biết liệu bất kỳ đối tác nào của Mỹ sẽ sẵn sàng sử dụng hoặc cho phép sử dụng tài sản quân sự từ lãnh thổ của mình trong một cuộc xung đột. Nhưng sự không chắc chắn đó là một đặc điểm, không phải là lỗi. Nói đơn giản, mặc dù Mỹ có thể không có sự rõ ràng hoàn toàn về vai trò cụ thể mà các đồng minh và đối tác sẽ thể hiện nếu xảy ra xung đột, Trung Quốc cũng sẽ hoàn toàn không biết gì.
Làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn là cách thức ngoại giao Mỹ trong những năm gần đây đã kết nối các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tạo ra mối liên hệ giữa các khu vực. Ví dụ điển hình là tiến bộ lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc do Mỹ làm trung gian, dẫn đến hơn 60 cuộc họp và hoạt động quân sự chung giữa hai nước và Mỹ kể từ năm 2023; ví dụ khác là sự ra đời của AUKUS, một liên minh quân sự lớn giữa Úc, Anh và Mỹ. Những mối quan hệ không chính thức nhưng có ý nghĩa cũng đã được hình thành. Một nhóm được đặt biệt danh là “Bộ Tứ” bao gồm Úc, Nhật Bản, Philippines và Mỹ; các bộ trưởng quốc phòng của họ đã gặp nhau một vài lần và quân đội của họ đã tiến hành tuần tra Biển Đông vào đầu năm nay. Và gần 30 quốc gia ở châu Á, Trung Đông, châu Âu và Tây bán cầu đã tham gia RIMPAC 2024, một cuộc tập trận quân sự do Mỹ dẫn đầu được tổ chức ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tất cả những chiến dịch này chứng minh một cách tiếp cận hiện đại hơn để hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm phục vụ mục đích răn đe. Chúng ngày càng được tích hợp một cách có chủ đích và do đó đòi hỏi một khối lượng công việc khổng lồ. Ví dụ, việc chuyển đổi hệ thống kiểm soát xuất khẩu để kích hoạt quan hệ đối tác AUKUS đã tốn rất nhiều thời gian thảo luận giữa cả ba quốc gia và liên quan đến việc vượt qua những trở ngại lớn về mặt hành chính, mặc dù thỏa thuận này liên quan đến hai đồng minh lâu đời của Mỹ.
Các mối quan hệ đối tác mở rộng như vậy có thể khó quản lý, và các đối thủ cạnh tranh sẽ làm mọi cách để phá vỡ chúng. Các đối tác của Mỹ có thể chấp nhận rủi ro khi đối mặt với các đối thủ nếu họ tin rằng họ nắm giữ một chính sách bảo hiểm dưới hình thức hỗ trợ của Mỹ. Và sự hợp tác sâu rộng hơn giữa Washington và nước bạn bè có thể được hiểu theo cách vô tình làm leo thang nhận thức về bất an từ một đối thủ cạnh tranh. Nhưng nhìn chung, những mối quan hệ chặt chẽ hơn này là một điểm tích cực, và việc tăng quy mô, phạm vi và mức độ hợp tác khiến thách thức trở nên khó khăn hơn cho những kẻ tìm cách đảo lộn môi trường an ninh.
Ngăn chặn chiến tranh tổng lực
Đạt được ưu thế trong thời đại xung đột toàn diện đòi hỏi một ý thức cấp bách và cảnh giác, và hơn hết là một tầm nhìn rộng lớn. Những cuộc đấu tranh hạn chế của thời kỳ hậu 9/11 đã qua đi, và những cuộc chiến ngày nay ngày càng trở thành hiện tượng toàn xã hội. Tập trung vào các khả năng chuyên biệt là thiếu tầm nhìn xa; cả hệ thống cũ và mới đều có liên quan. Những chủ thể tham chiến ở trong và ngoài chiến trường ngày càng nhiều, và các bên ngày càng hợp tác với nhau nhiều hơn. Hành động và hoạt động hiếm khi chỉ ảnh hưởng đến một chiến trường duy nhất; sự lan tỏa dường như không thể tránh khỏi.
Đối với Washington, hiểu rõ được loại chiến tranh toàn diện mới này sẽ là điều cần thiết để chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp ở Ấn Độ Dưng – Thái Bình Dương. Mỹ phải tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thế trận quân sự của mình trong khu vực. Ngăn chặn và, nếu cần thiết, thắng lợi trong xung đột sẽ có nghĩa là tiếp cận được nhiều căn cứ hơn ở nhiều nơi hơn. Hỗ trợ quân sự của Washington cho Đài Loan sẽ là rất quan trọng. Mỹ phải tiếp tục cải thiện tốc độ hỗ trợ Đài Loan và sử dụng các kịch bản xung đột thực tế hơn để thông báo loại thiết bị mà mình sẽ hỗ trợ. Sự hỗ trợ này nên tiếp tục được tiến hành song song với các nỗ lực khuyến khích cải cách nhân sự và tổ chức có ý nghĩa đối với quân đội Đài Loan, bao gồm ưu tiên và đầu tư đầy đủ cho đào tạo (bao gồm chuẩn bị cho binh sĩ đối phó với các tình huống thực tế hơn) và tiếp tục đầu tư vào các nền tảng bất đối xứng và khái niệm tác chiến mới.
Xây dựng các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ trong khu vực sẽ đòi hỏi sự quan tâm nghiêm túc và kiên định. Một số mối quan hệ đang chín muồi để hồi sinh. Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đã tiến triển chậm kể từ khi hai nước công bố quan hệ đối tác chiến lược gần 20 năm trước. Nhưng những cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Ấn Độ kể từ năm 2020 đã định hình lại cơ bản quỹ đạo tiếp cận của New Delhi đối với Bắc Kinh; Ấn Độ hiện nhận ra đây là một cuộc cạnh tranh căng thẳng.
Môi trường an ninh toàn cầu ngày nay là phức tạp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Học hỏi từ những cuộc chiến mà người khác tiến hành có thể khó khăn, nhưng cuối cùng vẫn tốt hơn là học những bài học đó một cách trực tiếp. Sự tàn phá cả về người và của ở Ukraine và Trung Đông là rất đau lòng. Ngoài việc giúp các đồng minh thắng lợi trong những cuộc xung đột đó và thúc đẩy hòa bình, Washington nên chuẩn bị chiến đấu với loại chiến tranh toàn diện đang xé nát những khu vực đó – đó là cách tốt nhất để tránh một cuộc chiến như vậy.
MARA KARLIN là Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins, Nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện Brookings, đồng thời là tác giả cuốn sách Người thừa kế: Quân đội Mỹ sau hai thập kỷ chiến tranh. Từ năm 2021 đến năm 2023, bà giữ chức Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chiến lược, Kế hoạch và Năng lực.
https://nghiencuuquocte.org/2024/11/07/su-tro-lai-cua-chien-tranh-tong-luc/#more-59214
Không có nhận xét nào