Header Ads

  • Breaking News

    Người Việt có phản ứng khác nhau về bầu cử tổng thống Mỹ

    VOA Tiếng Việt 

    07/11/2024

    Ông Donald Trump phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quận Palm Beach ở West Palm Beach, Florida, Hoa Kỳ, ngày 6/11/2024.


    Ông Donald Trump phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quận Palm Beach ở West Palm Beach, Florida, Hoa Kỳ, ngày 6/11/2024. 

    Dù cách xa Mỹ đến tận 12 múi giờ nhưng một số người Việt Nam vẫn theo dõi diễn biến bầu cử tổng thống ở xứ sở cờ hoa với niềm háo hức cho đến khi truyền thông công bố người đắc cử, cùng theo đó là những tâm tư về một tương lai khó đoán định cho đất nước Hoa Kỳ và tình hình thế giới, khu vực.

    Sáng ngày 6/11, ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris gọi điện thoại chúc mừng cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11 thu hút sự chú ý của người dân nước Mỹ và trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

    Bà Kamala Harris phát biểu tại Đại học Howard ở thủ đô Washington, ngày 6/11/2024.


    Bà Kamala Harris phát biểu tại Đại học Howard ở thủ đô Washington, ngày 6/11/2024. 

    Bầu cử tự do, công bằng

    Ông Vũ Văn Hùng ở Hà Nội nhận xét rằng cuộc bầu cử ở Mỹ không ảnh hưởng gì đến ông, tuy vậy, ông vẫn chăm chú theo dõi vì nó mô tả một cuộc bầu cử dân chủ, công bằng.

    “Kết quả đó do người dân Mỹ lựa chọn, điều đó là ý chí của những công dân Hoa Kỳ đã đưa cựu Tổng thống Donald Trump lên địa vị đó”, ông Hùng đưa ra ý kiến.

    “Tôi cũng mong muốn một điều tốt đẹp nhất cho Việt Nam để Việt Nam thượng tôn pháp luật, để Việt Nam cũng có những cuộc bầu cử sôi động công bằng, chọn được những người vì nước, vì dân, vì quyền lợi chung lên những cương vị cao nhất. Đó là niềm mong mỏi của một công dân Việt Nam”, ông Hùng bày tỏ ước vọng.

    “Đúng là nước Mỹ! Bầu cử của họ gây cấn đến phút chót, chứ không phải như một số nước độc tài thì ‘chưa bầu đã biết’. Hồi chiều, tôi thấy phiếu cử tri đoàn của ông lên đến 277 thì quá mừng!”, ông Huỳnh Trương Ca ở Đồng Tháp thuật lại giây phút khi các hãng truyền thông thế giới đưa ra kết quả dự phóng là ông Trump vượt qua ngưỡng 270 phiếu đại cử tri để được xem đã thắng cử vào sáng sớm ngày 6/11, giờ Hoa Kỳ.

    Kìm tỏa Trung Quốc?

    “Ông ấy có chính sách giúp mang lại hòa bình cho thế giới, không để cho Trung Quốc mạnh lên, vì đảng cộng sản mạnh lên sẽ làm khốn khổ cho cả thế giới, trong đó có Việt Nam, cho nên tôi ủng hộ ông”, ông Trương Minh Tuấn ở Đồng Nai đưa ra nhận xét cá nhân.

    Ông Tuấn nói thêm rằng trong nhiệm kỳ trước đây (2016-2020), ông Trump đã có nhiều biện pháp thuế quan nhằm vào Bắc Kinh để giảm sự phụ thuộc về kinh tế của Mỹ vào Trung Quốc, cũng như việc ông Trump nhiều lần lên án và cảnh báo về nguy cơ lớn mạnh của chủ nghĩa cộng sản.

    “Ông cân bằng thương mại với Trung Quốc thì ít nhiều sẽ làm cho nền kinh tế Trung Quốc bị suy giảm, yếu đi và như vậy đó là điểm lợi cho Việt Nam, vì sức ảnh hưởng [của Trung Quốc] đè lên [Việt Nam] cũng bớt đi, tôi nghĩ là như vậy”, ông Ca ở Cần Thơ đưa ra quan sát.

    Ngoài ra, ông Ca còn dự báo rằng với nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo, ông Trump sẽ tiếp tục hạn chế sự phát triển công nghệ bán dẫn của Trung Quốc, tiếp tục bảo vệ Đài Loan, và can thiệp vào xung đột ở Biển Đông, nhằm làm giảm sự bá quyền của Trung Quốc trong khu vực.

    Trong chiến dịch trang cử, ông Trump đe dọa sẽ áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, gây ra rủi ro lớn về sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

    Tương lai bất định?

    Ngược lại, một số người bày tỏ sự lo ngại về các chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump.

    Một nam sinh viên ở thành phố Hồ Chí Minh, viết cho VOA hôm 6/11, nhưng yêu cầu không nêu tên vì lý do an ninh: “Tôi cảm thấy lo ngại sau kết quả bầu cử này. Tôi thấy Trump là một người khá tùy tiện trong hành động và cả lời nói, ông có thể tuyên bố một điều gì đó hết sức hùng hồn như tăng thuế vào hàng nhập khẩu Trung Quốc nhưng sau đó có thể âm thầm gỡ bỏ các hạn chế thương mại khi đạt được một số thỏa thuận ‘có lợi’ cho thương mại Mỹ”.

    Nam sinh viên này dự báo rằng thế giới sẽ bất định hơn trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump vì không ai biết “Trump sẽ làm gì với các hiệp ước đã được ký kết”, đồng thời, “các chế độ độc tài sẽ có thêm 4 năm để củng cố lực lượng trong khi phe dân chủ sẽ phải lui về thế thủ”.

    “Với tôi dù bà Harris hay ông Trump lên làm tổng thống thì tôi đều chúc mừng, ông Lê Văn Sơn, một người Việt ở bang Tennessee, Mỹ, chia sẻ. “Tuy nhiên, tôi mong muốn ông Trump quan tâm nhiều hơn đến vấn đề Ukraine, các cuộc chiến đang xảy ra trên thế giới để làm sao cho thế giới trở nên hòa bình hơn, trong nước, người dân được bình an, không có xáo trộn về chính trị, công ăn việc làm tốt hơn, giảm lạm phát”.

    Trong chiến dịch tranh cử, các vấn đề được ông chú trọng trong nhiệm kỳ thứ hai, bao gồm nhập cư, kinh tế, thuế, khí hậu, phá thai, chính sách đối ngoại và đối thủ chính trị.

    “Kết quả của cuộc bầu cử này không phải là điều chúng ta mong muốn, không phải điều chúng ta đã đấu tranh, không phải điều chúng ta đã bỏ phiếu, nhưng hãy nghe tôi khi tôi nói, chừng nào chúng ta chưa bao giờ từ bỏ và luôn tiếp tục chiến đấu thì ánh sáng lời hứa của nước Mỹ sẽ luôn chói lọi”, bà Harris nói trong bài phát biểu chấp nhận thất cử vào chiều ngày 6/11 tại Đại học Howard ở thủ đô Washington, nơi đặt tổng hành dinh chiến dịch bầu cử của đảng Dân chủ.

    Phó tổng thống nói thêm: “Sáng hôm nay, tôi đã nói chuyện với Tổng thống đắc cử Trump và chúc mừng chiến thắng của ông ấy. Tôi cũng nói với ông rằng chúng tôi sẽ giúp ông và nhóm của ông trong quá trình chuyển giao và rằng chúng tôi sẽ tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình”, theo nội dung bài phát biểu của bà đăng trên VOA News.

    “Tổng thống Donald J. Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đã nói chuyện qua điện thoại vào sáng nay và bà chúc mừng ông ấy về chiến thắng lịch sử”, ông Steven Cheung, Giám đốc Truyền thông Chiến dịch của ông Trump, cho biết trong thông cáo hôm 6/11. “Tổng thống Trump ghi nhận sự mạnh mẽ, tính chuyên nghiệp và sự kiên trì của Phó Tổng thống Harris trong suốt chiến dịch tranh cử và cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí về tầm quan trọng của việc thống nhất đất nước”.

    https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-co-phan-ung-khac-nhau-ve-bau-cu-tong-thong-my/7854714.html


    Không có nhận xét nào