Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ không còn tin vào toàn cầu hóa nhưng nền kinh tế vẫn ổn định

    Phan Minh /RFI

    12/11/2024

    Sau nhiều thập niên tích cực áp dụng chính sách thương mại quốc tế, đặc biệt là với Trung Quốc, Mỹ đang giảm tiến độ mở cửa thị trường. Điều này lẽ ra phải khiến cho nền kinh tế suy thoái, nhưng ngược lại, thị trường nội địa đã thúc đẩy tăng trưởng ở Hoa Kỳ. 

    Ảnh minh họa : Biển hiệu phố Wall phía trước sàn giao dịch chứng khoán New York, Hoa Kỳ, ngày 31/01/2020.


    Ảnh minh họa : Biển hiệu phố Wall phía trước sàn giao dịch chứng khoán New York, Hoa Kỳ, ngày 31/01/2020. AP - Mark Lennihan 

    Vào đầu những năm 2000, nhà sử học người Anh, Niall Ferguson, đã ca ngợi sự xuất hiện của “Chimerica” (Mối liên kết Mỹ-Trung), quan hệ kinh tế cộng sinh giữa Washington và Bắc Kinh. Mỗi bên đều được hưởng lợi từ sự sáp nhập này, thể hiện qua việc hai nước phụ thuộc nặng nề lẫn nhau về kinh tế : Trung Quốc xuất khẩu các sản phẩm chế tạo giá rẻ sang Mỹ. Hoa Kỳ nhập khẩu các sản phẩm này và kích cầu tiêu dùng nội địa với chi tiêu công bằng việc đi vay ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc.

    Mối quan hệ này có lẽ là minh họa tốt nhất cho một trong những bài học từ lý thuyết thương mại quốc tế cổ điển. Trao đổi thương mại quốc tế có lợi cho tăng trưởng bằng cách cho phép các chủ thể kinh tế hưởng lợi từ ưu thế so sánh của tất cả các khu vực trên thế giới. Trong khuôn khổ của Chimerica, Bắc Kinh đang tận dụng hiệu quả lợi thế về lao động giá rẻ và chi phí sản xuất cạnh tranh để trở thành “công xưởng của thế giới”, xuất khẩu sản phẩm chế tạo trên quy mô lớn, đặc biệt là sang Hoa Kỳ.

    Chimerica tan vỡ

    Tuy nhiên, mối quan hệ cộng sinh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã nêu bật những hạn chế và rủi ro của sự phụ thuộc nặng nề vào nhau cũng như nguy cơ phân mảnh của nền kinh tế quốc tế. Ngày trước, khái niệm toàn cầu hóa đi đôi với sự phụ thuộc lẫn nhau và hội nhập thị trường, trong khi giờ đây, logic chiếm thế thượng phong là quyền tự chủ và chủ quyền. Về vấn đề này, sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc cũng như sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng kinh tế và địa chính trị hiện nay.

    Chimerica do đó không còn tồn tại. Nó đã được thay thế bằng một hình thức cạnh tranh được thể chế hóa ở cả Bắc Kinh lẫn Washington. Hơn nữa, trong vòng một thập kỷ qua, độ mở cửa của nền kinh tế Mỹ, thước đo tỷ lệ thương mại quốc tế (xuất nhập khẩu) so với GDP, đã giảm 6%.

    Do vậy, có thể dự kiến rằng độ mở cửa của nền kinh tế Mỹ sụt giảm sẽ đi kèm với tình trạng suy thoái kinh tế, phù hợp với lý thuyết cổ điển về thương mại quốc tế. Thực tế là nền kinh tế Mỹ không những không bị suy thoái mà còn hoạt động tốt hơn nhiều, đặc biệt là so với nền kinh tế châu Âu. Đây hoàn toàn là một nghịch lý trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ ngày trước còn rất phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới và Trung Quốc.

    Trao đổi thương mại quốc tế đi kèm với tăng trưởng tốt có phải là một nghịch lý ?

    Nhưng nghịch lý này trên thực tế chỉ ở vẻ bề ngoài. Đầu tiên cần lưu ý rằng tiêu dùng nội địa ở Hoa Kỳ đóng một vai trò đáng kể trong tăng trưởng của đất nước trong bối cảnh Washington có lãi suất hợp lý và tỷ lệ tiết kiệm rất thấp (ngoại trừ trong thời kỳ đại dịch). Tỷ lệ tiết kiệm của Mỹ hiện ở dưới mức 5%, thấp hơn ba lần so với mức trung bình của châu Âu. Tương tự như vậy, sức mạnh tăng trưởng của Mỹ một phần được giải thích bởi chi tiêu hộ gia đình vẫn ở mức đáng kể trong hơn một thập kỷ.

    Chính sách đẩy mạnh chi tiêu ngân sách của Mỹ, đặc biệt được nêu bật bởi Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và các kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chất bán dẫn, cũng giúp kích thích tăng trưởng kinh tế. IRA có kế hoạch tiến hành những dự án đầu tư công lớn lên tới 891 tỷ đô la, bao gồm 783 tỷ đô la cho năng lượng và biến đổi khí hậu.

    Đạo luật CHIPS (khuyến khích sản xuất chất bán dẫn), luật liên bang Hoa Kỳ năm 2022, nhằm mục đích củng cố vị thế của Washington trong việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất chất bán dẫn. Đặc biệt, đạo luật cung cấp nguồn tài trợ mới trị giá 280 tỷ đô la để hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn ở Hoa Kỳ, trong đó 52,7 tỷ đô la được phân bổ riêng cho hoạt động sản xuất.

    Biện pháp này không chỉ đơn thuần hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong thời gian ngắn mà còn hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu và giảm sự phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới. Ngoài ra, còn phải kể đến việc các doanh nghiệp có thể dựa vào nguồn điện rẻ bằng một nửa so với ở Đức vào tháng 06/2023, cho phép nền kinh tế Mỹ thách thức ngành công nghiệp Đức để giành danh hiệu cường quốc công nghiệp chế biến.

    Toàn cầu hóa có thể không còn hấp dẫn đối với Hoa Kỳ

    Ngoài ra, việc giảm độ mở cửa đi kèm với sự đa dạng hóa thương mại của Hoa Kỳ, qua việc Mêhicô trở thành đối tác thương mại lớn nhất và Việt Nam có thị phần tăng mạnh nhất tại Mỹ, gây bất lợi cho Trung Quốc và Đức. Động thái này là kết quả của việc những công ty Trung Quốc tìm cách lách các lệnh trừng phạt của Mỹ, còn Mêhicô thì tiến gần hơn đến thị trường Mỹ. Đó cũng là một minh chứng rõ rệt rằng những đường biên giới đã thay đổi rất nhiều trên bản đồ thương mại quốc tế của Mỹ.

    Như vậy là nền kinh tế Mỹ đã có sự chuyển đổi cơ cấu. Sự thay đổi rất quan trọng này cho phép chính phủ, của cả đảng Cộng Hòa lẫn đảng Dân Chủ, tự xác định lại về lịch sử phát triển đất nước, và tạo ra một sự chuyển đổi cơ cấu chính trị.

    Quả thực, kể từ năm 2006 và hai năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của George W. Bush, các chính sách đối ngoại của Mỹ dường như có chung một hướng đi - những gì có lợi cho phần còn lại của thế giới không nhất thiết sẽ có lợi cho Hoa Kỳ. Quốc gia này đã thu được tất cả lợi ích có thể có được từ quá trình toàn cầu hóa mà Washington đã góp phần xây dựng kể từ năm 1945. Toàn cầu hóa giờ đây đã trở thành một trò chơi có tổng bằng 0, với việc nếu Hoa Kỳ thắng thì phần còn lại của thế giới sẽ thua và ngược lại - do đó, các bên sẽ rất khó đạt được thỏa hiệp. Các tổng thống George W. Bush, Barack Obama, Donald Trump hay Joe Biden tuy có khác nhau, nhưng tất cả đều bày tỏ sự hoài nghi đối với quá trình toàn cầu hóa, vốn không còn phục vụ lợi ích của Mỹ.

    Washington sẽ khó có thể chấp nhận việc trao đổi thương mại quốc tế của Mỹ suy giảm mà dẫn đến suy thoái kinh tế. Do vậy, Joe Biden đã có thể tổng hợp sự đồng thuận này bằng cách áp dụng một chính sách đối ngoại phục vụ tầng lớp trung lưu, được bảo vệ trước sự hỗn loạn của quá trình toàn cầu hóa đi kèm với sự cạnh tranh từ nước ngoài. Có thể chắc chắn rằng sự tổng hợp này, kết quả của sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và chính trị, sẽ được áp dụng lâu dài.

    Nguồn : The Conversation – 28/10/2024

    (https://theconversation.com/les-etats-unis-ne-croient-plus-en-la-mondialisation-et-leur-economie-se-porte-bien-malgre-tout-241966)

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào