Nguồn: “Économie mondiale: l’Asie plafonne, les États-Unis rebondissent”,
Asialyst, 2.11.2024.
Tác giả: Hubert Testard
Phạm Như Hồ dịch
18/11/2024
Trong dự báo mới nhất của IMF về kinh tế toàn cầu, Châu Á vẫn là lục địa có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất, với sự tái cân bằng rõ ràng giữa Trung Quốc và các nước Châu Á mới nổi khác. Nhưng nhìn chung, Châu Á đã ngừng tăng trưởng xét về tỷ trọng trong GDP toàn cầu kể từ năm 2020. Trong cuộc cạnh tranh Trung Quốc/Mỹ/khu vực đồng euro, nền kinh tế Mỹ đang trải qua một sự phục hồi ngoạn mục. Nhìn ngược lại từ năm 1980 cho thấy rõ ràng một loạt liên tiếp các quốc gia chủ chốt cho tăng trưởng ở Châu Á: Nhật Bản cho đến năm 1995, Trung Quốc từ 1995 đến 2021 và từ nay là năng động kép Ấn Độ-ASEAN.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới/ World Economic Outlook mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào ngày 22 tháng 10 bao gồm các dự báo ngắn hạn thông thường cho năm 2024 và 2025, nhưng nó cũng đi kèm với một cơ sở dữ liệu đáng kể về 44 năm qua của nền kinh tế toàn cầu kể từ 1980 và những dự đoán cho 5 năm tới đến 2029 dựa trên phân tích của IMF về tiềm năng tăng trưởng của các quốc gia khác nhau. Một cái nhìn chi tiết về nền kinh tế Châu Á và về sự cạnh tranh quốc tế với Phương Tây mang lại kết quả bất ngờ.
Nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn suy giảm mang tính cơ cấu
Ghi nhận đầu tiên của IMF: tăng trưởng toàn cầu đang trong tình trạng suy giảm kéo dài sau cú sốc năm 2020 và sự phục hồi tạm thời của năm 2021. Tính đến năm 2029, các nhà kinh tế của IMF ước tính một mức tăng trưởng hàng năm giới hạn ở mức 2,5%, tức là thấp hơn nửa điểm so với thập kỷ 2010. Sự suy giảm có nhiều nhân tố: tăng trưởng năng suất chậm hơn bất chấp các cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra, nhịp độ theo đuổi của các nước mới nổi bị chậm lại (và đặc biệt là Trung Quốc), dân số già đi, tốc độ đô thị hóa chậm hơn và tác động của những hiểm họa khí hậu.
Châu Á vẫn năng động, khởi đầu của sự tái cân bằng trong nội bộ
IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ tương đối ổn định trong ngắn hạn, ước tính ở mức 2,7% vào năm 2024 và 2,8% vào năm 2025. Nếu chúng ta phân tích mức trung bình này theo châu lục, Châu Á đang phát triển vẫn là thành tố năng động nhất trong sự tăng trưởng toàn cầu (5,3% năm 2024), rõ ràng là vượt xa khu vực Châu Phi cận Sahara (3,6%), Trung Đông (2,4%) và Châu Mỹ Latinh (2,1%). Phân tích 5 năm của IMF cho thấy lợi thế này của Châu Á đang bị xói mòn: tăng trưởng có thể bị giới hạn ở mức 4,5% vào năm 2029 trong khi các khu vực đang phát triển khác phần nào bắt kịp. Trong khi, lợi thế của Châu Á đang phát triển còn ngoạn mục hơn nhiều trong giai đoạn 2006-2015: tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt gần 8% trong khi không có châu lục nào khác vượt được mức trung bình 5%.
Sự thay đổi cấu trúc khác mà IMF lưu ý là sự tái cân bằng trong nội bộ Châu Á của tăng trưởng gây bất lợi cho Trung Quốc và có lợi cho cặp đôi Ấn Độ-ASEAN.
Nếu Trung Quốc dẫn đầu rất xa cho đến năm 2014 thì Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng tương đương trong giai đoạn 2015-2019, sau đó cao hơn đáng kể sau cú sốc kinh tế do Covid-19 gây ra (rất dữ dội đối với Ấn Độ). Chênh lệch tăng trưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đạt hơn 3 điểm mỗi năm thiên về cho Ấn Độ vào năm 2029, khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc ở gần mức trung bình thế giới. ASEAN 5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) sẽ lần lượt vượt tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc từ năm 2024. Trong nội khối ASEAN, hai nước – Việt Nam và Philippines – có tiềm năng tương đương Ấn Độ, trong khi Thái Lan làm cho tốc độ tăng trưởng của khối ASEAN 5 bị chậm lại với tốc độ tăng trưởng yếu (2,7% vào năm 2029).
Tỷ trọng của Châu Á trong nền kinh tế toàn cầu đã giảm kể từ năm 2019
Nếu Châu Á tiếp tục đuổi kịp nền kinh tế về khối lượng thì Châu Á đã tạm thời ngừng đuổi kịp về mặt giá trị. Tỷ trọng của Châu Á trong GDP toàn cầu tính bằng đô la hiện tại đã tạm thời giảm. Đó là một nghịch lý bởi vì, trong dài hạn, việc các nước mới nổi bắt kịp đã diễn ra thông qua sự kết hợp hiệu ứng/khối lượng và hiệu ứng/giá cả, hoặc do giá trong nước tăng nhanh hơn mức trung bình thế giới, hoặc do tỷ giá hối đoái của đồng tiền quốc gia tăng lên, hoặc do sự kết hợp của hai nhân tố này.
Tuy nhiên, trong thập kỷ 2014-2023, Hoa Kỳ đã vừa có một đồng tiền mạnh – đồng đô la tăng 13% so với đồng nhân dân tệ Trung Quốc và 25% so với đồng yên Nhật – nhưng cũng vừa có một nền kinh tế lạm phát cao hơn các nền kinh tế châu Á kể từ năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ giai đoạn 2020-2023 tăng 18% so với chỉ 3% ở Trung Quốc và 6% ở Nhật Bản. Hai tác động này rất có thể sẽ giảm bớt hoặc biến mất trong những năm tới. Lạm phát ở Hoa Kỳ đang quay trở lại xu hướng dài hạn và hiệu ứng trú ẩn an toàn mà đồng đô la luôn giữ trong thời kỳ khủng hoảng sẽ giảm đi (trừ phi có một cú sốc địa chính trị hoặc y tế mới).
Kết quả là tỷ trọng tương đối của Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới, đã phải chịu một cú sốc đáng kể tính theo đồng đô la hiện hành kể từ năm 2020.
Mười hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á, chiếm 90% GDP ở Châu Á-Thái Bình Dương, đã chứng kiến tỷ trọng của chúng trong GDP toàn cầu tính theo đồng đô la hiện hành đạt trần 33% trong giai đoạn 2020-2021 trước khi giảm xuống còn 30% vào năm 2024. Theo dự báo hiện tại của IMF, tỷ trọng này sẽ tăng lên hơn 32% một chút vào năm 2029. Do đó, “lỗ hổng” của việc bắt kịp tính theo đồng đô la hiện hành có thể sẽ kéo dài một thập kỷ.
Xét về mặt sức mua, bức tranh rõ ràng là khác. Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2015 và Ấn Độ hiện đã bằng một nửa GDP của Hoa Kỳ. Khoảng cách giàu nghèo giữa người Châu Á và người Phương Tây tiếp tục thu hẹp. Nhưng việc đánh giá bằng đồng đô la hiện hành có ý nghĩa quyết định trong việc so sánh trọng lượng quốc tế của các nền kinh tế và khả năng ảnh hưởng toàn cầu của chúng.
Hơn nữa, việc quay trở lại 44 năm về trước và dự báo 5 năm mà IMF đề xuất cho chúng ta trong cơ sở dữ liệu của họ nêu bật rõ ràng những quốc gia chủ chốt trong lịch sử đuổi kịp của các nền kinh tế Châu Á.
Làn sóng bắt kịp đầu tiên này được Nhật Bản xác định từ năm 1980 đến năm 1995. Nền kinh tế Nhật Bản chiếm 10% nền kinh tế thế giới vào năm 1980 và gần 18% vào năm 1994-1995, trước khi bắt đầu suy giảm cấu trúc làm tỷ trọng của nó giảm xuống còn 3,6% vào năm 2024.
Làn sóng thứ hai được quyết định bởi việc Trung Quốc đuổi kịp trong giai đoạn 1995 đến 2021, năm mà GDP của Trung Quốc đạt 18,3% GDP thế giới, tương đương tỷ trọng của nền kinh tế Nhật Bản vào năm 1995. Sự dịch chuyển Nhật Bản - Trung Quốc xảy ra từ năm 2010.
Làn sóng thứ ba xảy ra kể từ năm 2021. Tỷ trọng tương đối của Ấn Độ bắt đầu tăng bền vững hơn và theo IMF, tỷ trọng của nền kinh tế Ấn Độ trong GDP toàn cầu có thể tăng từ 3,1% vào năm 2020 lên 4,5% vào năm 2029. ASEAN 5 tiếp tục tăng trưởng chậm hơn (3,35% GDP toàn cầu vào năm 2029) và Trung Quốc sẽ quay trở lại xu hướng tích cực từ năm 2025, thông qua việc tái cân bằng lạm phát toàn cầu hơn là thông qua sự năng động kinh tế của chính nước này. Do đó, làn sóng thứ ba này phân tán hơn và kém mạnh mẽ hơn những làn sóng trước.
Sự kháng cự đáng kinh ngạc của nền kinh tế Mỹ
Nếu chúng ta xem xét cuộc chạy đua giữa Trung Quốc/Hoa Kỳ/khu vực đồng euro, khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ thật là quá rõ ràng. Năm 2024, Hoa Kỳ sẽ có GDP tính bằng đô la hiện hành, chiếm 26,5% nền kinh tế thế giới, nhiều hơn một điểm so với năm 1980. Đây không phải là trường hợp khu vực đồng euro vốn cạnh tranh với nền kinh tế Mỹ vào thời điểm được thành lập năm 1992, nhưng tỷ trọng của nó trong nền kinh tế thế giới ngày nay đã giảm một nửa, với sự chuyển dịch khu vực đồng euro/Trung Quốc diễn ra từ năm 2018. Pháp tương ứng với 1/4 nền kinh tế Mỹ vào năm 1980. Hiện nay, Pháp chỉ còn là 11% của nền kinh tế Mỹ.
Trung Quốc chắc chắn đã có sự bắt kịp ngoạn mục. Trung Quốc tương ứng với 3/4 nền kinh tế Mỹ vào năm 2021 so với 11% vào năm 1980. Nhưng những cú sốc kinh tế liên tiếp trong những năm gần đây đã làm giảm tỷ trọng tương đối của nó so với Hoa Kỳ xuống còn 63% vào năm 2024, IMF dự báo năm 2029 là khoảng 70%.
Như chúng ta đã thấy, một phần sự phục hồi của Mỹ là giả tạo, với sự kết hợp giữa hiệu ứng tỷ giá hối đoái và chênh lệch lạm phát. Nhưng một phần khác lại mang tính cấu trúc. Tăng trưởng của Mỹ cao gấp đôi so với khu vực đồng euro từ năm 2006 đến năm 2015. Mức tăng trưởng này đạt gần 3% vào năm 2023 và sẽ đạt 2,8% vào năm 2024 so với mức tương ứng là 0,4 và 0,8% cho khu vực đồng euro. Theo IMF, tiềm năng tăng trưởng của Mỹ sẽ duy trì ở mức trên 2% mỗi năm cho đến năm 2029, trong khi con số này ở mức 1,2% đối với khu vực đồng euro và 3,3% đối với Trung Quốc. Sự suy giảm mạnh của nền kinh tế Trung Quốc được IMF dự đoán có thể trì hoãn vô thời hạn triển vọng Trung Quốc trở thành nền kinh tế dẫn đầu thế giới trước Mỹ.
Bối cảnh toàn cầu này nêu bật tầm quan trọng cốt yếu của kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Một nền kinh tế vẫn là trung tâm của thế giới, có dấu ấn địa chính trị và môi trường toàn cầu, cùng tồn tại với những rạn nứt chính trị và xã hội chưa từng có, viễn cảnh choáng váng của sự co mình và về phía Trump, sự cám dỗ của chủ nghĩa phát xít.
Về tác giả
Hubert Testard là chuyên gia về Châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính cho ASEAN, trong 20 năm, ở các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Ông cũng đã tham gia soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho WTO hay cho các cuộc đàm phán với các nước Châu Á. Từ 8 năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học của châu Á. Ông là tác giả của cuốn sách “Đại dịch, sự chuyển dịch của thế giới/Pandémie, le basculement du monde” được NXB Aude xuất bản vào tháng 3 năm 2021 và đã đóng góp vào số tháng 12 của tạp chí “Revue économique et financière” dành cho các hậu quả kinh tế và tài chánh của cuộc chiến ở Ukraine.
Phạm Như Hồ dịch
http://www.phantichkinhte123.com/2024/11/kinh-te-toan-cau-chau-a-ung-tran-my-hoi.html#more
Không có nhận xét nào