Tác giả: Marta Torre-Schaub
Giám đốc nghiên cứu CNRS, luật gia, chuyên gia về biến đổi khí hậu và luật về môi trường
và sức khỏe, Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Climat: le Tribunal international du droit de la mer livre un arrêt historique”, The Conversation, 11.6.2024.
01/11/2024
Để nêu lên ý kiến của mình, Toà Án Quốc tế về Luật Biển đã dựa vào báo cáo mới nhất của Groupe d'experts intergouvernemental sur l'évolution du climat (GIEC) - Nhóm chuyên gia liên chính phủ về diễn biến khí hậu - Shutterstock
Ngày 21 tháng tư 2024, Toà Án Quốc tế về Luật Biển (TIDM, gọi tắt là Toà Án trong bài báo này) đã đi vào lịch sử khi trở thành cơ quan pháp luật quốc tế đầu tiên đưa ra một ý kiến tư vấn về khí hậu. Qua đó, Toà Án đã trả lời một câu hỏi được đặt ra năm 2022 bởi Uỷ ban các Quốc gia đảo nhỏ (Cosis) trong khuôn khổ một yêu cầu về ý kiến tư vấn.
Ý kiến nêu kết luận về nghĩa vụ các quốc gia liên quan đến bảo vệ và bảo tồn các đại dương của hành tinh khỏi các hiệu ứng của biến đổi khí hậu. Đây là lần đầu tiên một toà án quốc tế chú tâm đến những nghĩa vụ của các quốc gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, gọi là “Montego Bay” - sẽ gọi là Công ước trong bài báo này.
Ý kiến này nằm trong đợt các văn bản được chờ đợi trong những tháng sắp tới từ các cơ quan pháp lý quốc tế, họ đã được nhiều lần yêu cầu lên tiếng về những nghĩa vụ của các quốc gia liên quan đến biến đổi khí hậu:
Toà Án Công lý Quốc tế sắp tới phải đưa ra một ý kiến sau một yêu cầu do Vanuatu nêu ra vào tháng ba 2023 trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ý kiến này phải nói về nghĩa vụ của các quốc gia về hạn chế khí hậu nóng lên và các trách nhiệm của họ đối với những thiệt hại do khí hậu nóng lên gây ra.
Toà Án Nhân quyền Liên Mỹ đã thụ lý vụ việc của Chile và Colombia vào tháng 1 năm 2023, cũng cần phải làm sáng tỏ trách nhiệm của các nước về đáp ứng khẩn cấp khí hậu trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh này, cũng cần nhắc lại tầm quan trọng của ý kiến tư vấn này. Ngay cả
khi ý kiến này là không bắt buộc, nó vẫn có thể có một ảnh hưởng không nhỏ cả đối với luật pháp quốc tế lẫn những quyết định của toà án quốc gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Lập luận của các quan toà quốc tế
Trước khi phân tích chi tiết câu trả lời của Toà Án, trước hết chúng ta hãy xem xét câu hỏi đã được đặt ra cho Toà. Uỷ ban các Quốc gia đảo nhỏ (Cosis) đã chất vấn Toà Án về sự tồn tại của những nghĩa vụ đặc thù, đối với các quốc gia thành viên của Công ước, về phòng ngừa, giảm thiểu và khống chế ô nhiễm biển. Điều này liên quan đến những hiệu ứng có hại – hoặc có thể gây ra hậu quả - của biến đổi khí hậu do phát thải khí từ con người (có nghĩa là hậu quả của các hoạt động của con người), khí gây hiệu ứng nhà kính thải vào khí quyển.
Toà Án đã nhận định rằng trước tiên cần xác định có phải khí gây hiệu ứng nhà kính từ con người thải vào khí quyển đúng là thuộc phạm vi định nghĩa về “ô nhiễm môi trường biển” theo nghĩa của điều 1.1.4 của Công ước không.
Toà Án nhận xét rằng điều khoản này không cung cấp một cách rõ ràng một danh sách những chất gây ô nhiễm cho môi trường biển, mà nêu danh sách ba tiêu chí để xác định chất gây ô nhiễm môi trường biển:
Đó phải là một vật chất hay một năng lượng,
Vật chất hay năng lượng này phải do con người đưa vào môi trường biển, trực tiếp hoặc gián tiếp,
Hành động này phải có (hoặc có khả năng) những hiệu ứng gây hại.
Định nghĩa này thật chung chung, theo nghĩa là nó bao gồm tất cả những gì đáp ứng các tiêu chí này. Cũng như vậy, các thuật ngữ “chất” và “năng lượng” phải được hiểu theo một nghĩa khá rộng.
Những luận chứng khoa học tại Toà Án
Ba điểm quyết định đã cho phép Toà Án khẳng định nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn đối với các quốc gia:
Vai trò của đại dương trong bảo vệ chống lại biến đổi khí hậu,
Đánh giá phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như là những “chất gây ô nhiễm” môi trường biển,
Nghĩa vụ của các quốc gia phải bảo tồn đại dương tránh khỏi tình trạng ô nhiễm.
Đối với việc này, những luận chứng khoa học đã chiếm một vị trí trung tâm. Trong lập luận của mình, Toà Án đã đựa vào báo cáo mới nhất của Nhóm liên chính phủ về diễn biến khí hậu (GIEC) qua nhiều lập luận chủ yếu, đáng chú ý là:
đại dương là “yếu tố điều hoà khí hậu chủ yếu trên nhiều quy mô thời gian theo mùa đến hàng thiên niên kỷ”,
tích tụ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do con người đưa vào khí quyển (được các quan toà xác định là “hậu quả của hoạt động của con người hay do các hoạt động này gây ra”) đã gây ra nhiều tác động lên đại dương. Phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do con người “đã đưa đến tập trung trong không khí các khí dioxit carbon, mê-tan và oxit nitơ với khối lượng chưa từng thấy từ ít nhất là 800.000 năm qua”.
“Những rủi ro và hậu quả tai hại được dự báo cũng như những mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu đang gia tăng.”
“Sự gia tăng tần suất các đợt nóng lên của đại dương sẽ gia tăng những rủi ro mất đa dạng sinh học trong các đại dương.”
Nói cách khác, nhờ những luận chứng khoa học của GIEC, Toà Án thiết lập một mối liên hệ nhân quả giữa một mặt phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và mặt khác với sự nóng lên của đại dương và mất đa dạng sinh học biển. Đó là những yếu tố tiếp theo đã cho phép các quan toà kết luận rằng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển do con người tạo thành ô nhiễm môi trường biển.
Một nghĩa vụ bảo vệ
Hãy trở lại với ba tiêu chí giúp xác định tính chất của ô nhiễm môi trường biển trong Công ước: đánh giá các chất hoặc năng lượng, việc con người đưa vào môi trường biển một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, và những tác động gây hại, thực tế hoặc được xác nhận, hậu quả của việc đưa các chất hoặc năng lượng vào môi trường.
Ở đây, Toà Án đã cho rằng ba tiêu chí này đã được đáp ứng. Toà Án đánh giá rằng khí gây hiệu ứng nhà kính do con người, và đặc biệt là khí CO2, đúng là các “chất” và sức nóng tích tụ bởi các đại dương là nhiệt năng, là một dạng năng lượng. Hơn nữa đó là một cách diễn giải được chia sẻ bởi Uỷ ban Luật pháp quốc tế trong bình luận của Uỷ ban về định nghĩa “ô nhiễm không khí”.
Vì các khí gây hiệu ứng nhà kính được con người thải ra một cách gián tiếp giữ nhiệt trong khí quyển, và sau đó đại dương tích trữ nhiệt này, vậy là điều kiện thứ hai đã được thoả mãn.
Sự nóng lên của các đại dương, như ta đã thấy ở trên, làm gia tăng những mất mát và thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu, cùng với sự mất đa dạng sinh học biển. Vậy là những hậu quả tai hại của điều kiện thứ ba đã được xác định.
San hô là nạn nhân của biến đổi khí hậu.
Chỉ còn một giai đoạn cuối trong lập luận của các quan toà: những nghĩa vụ đặc thù của các quốc gia thành viên về bảo vệ và bảo tồn đại dương đối mặt với ô nhiễm môi trường biển như đã xác định.
Trước hết Toà Án trích dẫn điều 192 của Công ước khẳng định rằng “các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn môi trường biển”.
Toà Án cũng thừa nhận, theo điều 193, rằng các quốc gia có quyền tự chủ về khai thác các nguồn tài nguyên tự nhiên phù hợp với các chính sách về môi trường của mình, nhưng phải “phù hợp với nghĩa vụ của họ về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển”, đó là một ràng buộc đối với việc thực hiện quyền tự chủ của họ.
Trong thực tế, chính điều 194 tạo thành điều quy định chủ yếu trong ý kiến tư vấn này.
Đặc biệt, ý kiến yêu cầu các quốc gia phải dùng “tất cả các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, giảm thiểu, và khống chế ô nhiễm môi trường biển “từ bất kỳ nguồn nào”. Đối với Toà Án, đó là nghĩa vụ chung cho tất cả các nguồn gây ô nhiễm mà các quốc gia phải tôn trọng – nhất là, như ta đã thấy ở trên, các khí gây hiệu ứng nhà kính.
Sẽ là một ý kiến quan trọng
Ý kiến này là quan trọng, vì nó xác nhận rằng luật biển có thể được sử dụng để đánh giá việc có hành động và không hành động của các quốc gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển khỏi mọi nguồn gây ô nhiễm biển sẽ không còn bị tranh cãi. Từ thực tế này, một quốc gia có thể phải chịu trách nhiệm trước Toà Án nếu quốc gia này không triển khai những biện pháp phòng ngừa và bảo vệ các biển và đại dương khỏi những hoạt động phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Ví dụ, ở đây hãy nghĩ đến việc khai thác các năng lượng hoá thạch ở ngoài khơi, thuỷ triều đen do các tàu dầu gây ra, hay ngay cả những hoạt động tạo ra khí CO2, dù là gián tiếp. Từ thực tế đó, có lẽ các quốc gia sẽ chú ý nâng cao cảnh giác đối với việc cho phép những hoạt động trên biển.
Ta thấy tầm ảnh hưởng lớn của ý kiến tư vấn. Ý kiến này có một tiềm năng to lớn nhằm thúc đẩy nghĩa vụ của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chắc chắn rằng trong tương lai, tại sao không, ý kiến có thể trở thành nền tảng để chiến đấu chống lại những “hành động vô trách nhiệm” đối với môi trường.
http://www.phantichkinhte123.com/2024/10/khi-hau-toa-quoc-te-ve-luat-bien-ua-ra.html
Không có nhận xét nào