Nguyễn Hoàng Dũng
14/11/2024
Trong gia tài âm nhạc Trịnh Công Sơn để lại cho đời, có thể nói, gây nhức nhối đến tận xương tuỷ cho những ai còn biết “ưu thời mẫn thế” và có lòng quan hoài đến cơ đồ nước Việt nhất vẫn là những nhạc phẩm thuộc “CA KHÚC DA VÀNG” như “Người Con Gái Việt Nam Da Vàng”, “Hát Trên Những Xác Người”, “Tôi Sẽ Đi Thăm” hoặc “Dựng Lại Người, Dựng Lại Nhà”…
Tuy nhiên, nhức nhối nhất trong số các ca khúc trên vẫn luôn là “GIA TÀI CỦA MẸ” với dòng ca từ đầy ám ảnh trôi trên dòng tâm thức và căn tính Việt tộc đến tận hôm nay:
“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, để lại cho con
Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn”
(A thousand years of Chinese reign.
A hundred years of French domain.
Twenty years fighting brothers each day,
A mother's fate, left for her child,
A mother's fate, a land defiled.)
Rõ ràng, trên nền định mệnh chinh chiến liên miên và bị ngoại bang đô hộ không ngưng nghỉ, từ “một ngàn năm Tàu” đến “một trăm năm Tây”, “Gia Tài” lớn lao nhất, bao trùm nhất nhưng cũng đau đớn nhất mẹ Việt Nam để lại cho những đứa con, theo nhãn quan “phản chiến” của Trịnh Công Sơn, là một “NƯỚC VIỆT BUỒN”, được khắc hoạ ngay ở đoạn ca từ mở đầu bài hát: “Gia tài của mẹ, để lại cho con - Gia tài của mẹ, là NƯỚC VIỆT BUỒN”. Tuy nhiên, phải chăng “bị đô hộ” đã là nỗi buồn lớn nhất? Không phải! Ngàn lần không phải.
Nỗi buồn lớn nhất, day dứt nhất, hơn cả “ngàn năm nô lệ giặc Tàu” dài đằng đẵng bóng đêm mất nước và hơn luôn “một trăm năm đô hộ giặc Tây” ngút nghi khói lửa binh đao, phải là các cuộc “NỘI CHIẾN TỪNG NGÀY”, với cơn cuồng điên chém giết điêu linh giữa những người con cùng một mẹ, nhằm tranh giành thái ấp, tông miếu, giang sơn và cả gái đẹp về tay mình. Đây là cả một nỗi đoạn trường nhói lòng mẹ Việt. Lẽ nào lời căn dặn “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” đã được truyền khẩu lại một cách sai lệch với chữ “CHỚ” bị sửa thành “CỨ”? Nếu không, tại sao chia cắt, ly tan, đấu đá, thù hằn, loại trừ nhau vẫn cứ dai dẳng như trước năm 1975?
Không buồn sao được khi lẫn lộn trong đống “gia tài” hoang tàn mẹ Việt Nam để lại cho con cháu có quá nhiều thứ bất xứng, đáng xấu hổ, đáng lãng quên và đáng loại bỏ thế kia? Đó là “Một Rừng Xương Khô” cùng “Một Núi Đầy Mồ” chôn vùi bao thân xác người con nước Việt. Có nỗi đoạn trường nào nhói lòng mẹ Việt hơn không? Chỉ một đoạn ca từ ngắn cũng đủ gợi lại hình ảnh tang thương của cuộc nội chiến “Trịnh - Nguyễn phân tranh” dài ngót nghét 150 năm (1627 - 1786) và cuộc “nội chiến” 20 năm, từ 1945 đến 1965, xảy ra ở cả miền Bắc (Việt Minh vs Chính phủ Trần Trọng Kim, 1945 - 1954) lẫn miền Nam sau này (MTDTGPMN vs QGVN và sau là VNCH, 1954 - 1975): “Hai mươi năm NỘI CHIẾN từng ngày”.
Thế rồi, từ “gia tài” lớn “NỘI CHIẾN” triền miên trên nảy sinh các “gia tài” không mong muốn khác như một điều tất yếu, được Trịnh Công Sơn “kể tội” tiếp qua bốn hình ảnh sống động: “Ruộng Đồng Khô Khan”, “Nhà Cháy Từng Ngàn”, “Một Bọn Lai Căn” và “Một Lũ Bội Tình”. Thế nhưng, ông lại lạc quan, hy vọng và tin tưởng rằng, khi chiến tranh chấm dứt, người Việt sẽ bỏ qua thù hận, chung tay nhau xây dựng lại quê hương đất nước, trước là “dựng lại nhà” đã cháy, sau là “dựng lại người” dù họ có “lai căn”, có “bội tình” đến đâu đi nữa, như hai ca khúc “Tôi Sẽ Đi Thăm” và “Dựng Lại Người, Dựng Lại Nhà” của ông đã diễn bày.
Tuy nhiên, nếu “ruộng đồng khô khan” hay “nhà cháy từng ngàn” - hai hình ảnh tan hoang thuần về của cải vật chất nhất thiết phải có trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào - sẽ sớm được khắc phục tương đối dễ dàng trong thời bình, thì “một bọn lai căn” và “một lũ bội tình” - hai hậu quả tàn khốc của một nền văn hóa suy đồi, thiếu vắng chiều kích nhân bản, tâm linh và tự tình dân tộc - sẽ khó phục dựng hơn rất nhiều, chưa kể chúng còn di hại lâu dài về sau đối với đời sống tinh thần dân Việt. Quả thật, thực tế diễn ra không như Trịnh Công Sơn mơ ước và dự phóng. Văn hoá và căn tính Việt tộc tiếp tục bị huỷ hoại một cách có hệ thống, có chủ đích; luân lý và công lý bị lộn ngược, bẻ cong và nhân cách con người bị tha hoá, suy đồi tới mức độ báo động đến tận hôm nay, sau gần 50 năm đất nước được hoà bình.
Đã ngót nửa thế kỷ trôi qua rồi mà công cuộc “THỤ NHÂN”, “DỰNG LẠI NGƯỜI” thời thanh bình, hậu chiến vẫn chưa mang lại một chút kết quả khả quan nào đã đành mà trái lại, dường như sự băng hoại trong giáo dục, văn hóa và cả tôn giáo càng ngày càng xô đẩy nòi giống Việt tộc vào guồng xoáy vong thân, vong bản đáng báo động. Xã hội đầy rẫy những con người thiếu "liêm sỉ", chốn thờ tự không thiếu những nhà tu chẳng biết "tàm quý" là gì và không ít các công bộc khi đi công cán nước ngoài sẵn sàng vứt bỏ không thương tiếc hai chữ "QUỐC SỈ" vô thùng rác nước sở tại một cách trâng tráo, không hề tiếc nuối. Không nói về cán bộ các đại sứ quán ở nước ngoài buôn lậu ngà voi, tiền bạc, rượu bia, mỹ phẩm, hàng ăn cắp hoặc các chất ma tuý tổng hợp làm chi nữa vì chúng nhiều quá.
Hãy nói về vấn nạn nhức nhối mang tính thời sự “quan chức Việt phạm tội quấy rối tình dục khi đi công cán ở các nước nói tiếng Y-Pha-Nho” từ năm 2022 đến nay thôi là đủ để mọi con dân nước Việt còn lương tri cảm thấy xấu hổ thay và nhục nhã giùm cho uy tín, danh dự Chính phủ Việt Nam và quốc thể nước Việt trong con mắt các nước khác. Phải nói, bao nhiêu việc tốt hay nghĩa cử người Việt khắp năm châu kiên trì làm suốt bấy nhiêu năm nay nhằm xây dựng một hình ảnh Việt Nam tốt đẹp trước con mắt cộng đồng quốc tế cũng không đủ bù đắp cho nỗi nhục nhơ nhuốc, lem luốc do bọn vô sỉ trên gây ra.
Phải chăng đây là hậu quả tất yếu dân tộc Việt Nam phải gánh chịu khi để “MỘT BỌN LAI CĂN” cùng “MỘT LŨ BỘI TÌNH” sinh sôi nhung nhúc như giòi bọ và nẩy nở tràn lan tựa nấm độc trên đất nước này? Chắc là vậy, bởi đâu có lời giải thích nào chính xác hơn? Ôi! “Lai căn” và “bội tình” chi lắm vậy bọn bây?
Còn nhớ, vào tháng 6/2022, người Việt đón nhận một hung tin khi hai tay nghệ sĩ ất ơ có tên “Đèn Đỏ” và “Gấu Đẹp”, đến từ xứ Kẻ Chợ đậm đà bản sắc dân tộc, từng lên đài truyền hình quốc gia VTV lập ngôn chắc nịch rằng, họ chỉ yêu nhạc đỏ sắt máu và ghét nhạc vàng Bolero, đã bị cảnh sát Y Pha Nho câu lưu, sau được xét xử và trục xuất về nước vì tội ”hiếp dâm” gái trẻ vị thành niên (17 tuổi), trong khi Y Pha Nho lại là quê hương sản sinh ra món nhạc Bolero trữ tình và cây đàn Tây Ban Cầm chơi món nhạc này mới chết chứ! Quá nhục nhã ê chề.
Tưởng vậy là xong, ai dè, hôm qua (10/11/2024), lại có thêm một tin tức động trời khác: một quan chức cảnh vệ, và cũng là bác sĩ tháp tùng CTN Lương Cường thăm Chi Lê, vừa bị cảnh sát nước sở tại bắt giữ, đem ra toà xét xử, xong cho trục xuất, cũng vì tội tương tự như hai ông nghệ sĩ vừa nêu cách đây hai năm. Được biết, Chi Lê cũng là nước dùng tiếng Y-Pha-Nho làm ngôn ngữ chính thức. Thế là thế nào? Trùng hợp? Hay không biết rút kinh nghiệm và biết nhục?
Cần nói thêm, cùng thời điểm (30/6/2022) hai ông nghệ sĩ làm nhục quốc thể ở Y-Pha-Nho ấy, Thứ trưởng BCA Lương Tam Quang, nay đã là Bộ trưởng, đã cho công bố một thông tin còn đáng xấu hổ hơn: đã có hơn 25.000 người Việt phạm pháp ở nước ngoài bị trục xuất về nước từ năm 2018 đến thời điểm đó. Dù ông Thứ trưởng không tiết lộ chi tiết, tuy nhiên, theo giới thạo tin, phần lớn trong số 25.000 người bị trục xuất ấy là lực lượng đi “xuất khẩu lao động” ở hai nước Đông Á Nhật Bản và Hàn Quốc! Nhục nhã và xót xa biết chừng nào! Nỗi nhục này thuộc loại quốc sỉ, không thể xem nhẹ cho được. Không biết từ đó đến nay, đã có thêm bao nhiêu người Việt bị các nước khác trục xuất về Việt Nam nữa, vì BCA không bạch hoá thông tin.
Không chỉ trục xuất, hai nước này còn cấm hẳn người Việt ở vài tỉnh thành có hồ sơ phạm tội cao sang nước họ làm việc. Đi làm Ô-sin thôi mà còn bị cấm nhục nhã đến vậy sao? Thử hỏi, đã có bao giờ trong lịch sử Việt Nam, hai chữ “QUỐC SỈ” lại bị rẻ rúng đến mức độ này chưa?
Uy tín và danh dự người Việt Nam, thông qua cuốn hộ chiếu cầm tay, đã giảm BA BẬC trong xếp hạng năm nay so với năm ngoái. Lại thêm một nỗi xót xa nữa.
Với tai tiếng của vụ ông LẠI ĐẮC TUẤN (tên của ông sĩ quan cảnh vệ) như thế này, xếp hạng hộ chiếu Việt Nam có thể sẽ rơi vào cuối bảng trong năm 2025, sau cả Lào và Campuchia, là điều không thể tránh khỏi. Không thể không đặt ra câu hỏi cốt tủy này cho nhà chức trách: bởi đâu căn tính Việt tộc và văn hoá Việt quốc lại bị huỷ hoại đến như vậy chỉ trong vòng 70 năm nay ở miền Bắc và gần 50 năm nay ở miền Nam? Đừng nói “hỏi là đã trả lời”! Lẽ nào QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC hay TỔ QUỐC này chẳng gợn chút âm hưởng hay gợi chút ý nghĩa gì đối với bọn VONG THÂN, THA HOÁ, LAI CĂN, BỘI TÌNH, chỉ biết đến quyền, tiền kia sao? Xin kết thúc bài viết bằng một bài thơ cũ nhưng còn mang tính thời sự “QUÊ HƯƠNG LÀ GÌ HỞ MẸ?”, gióng lên niềm trăn trở cho những người Việt có lương tri mà thôi, bởi vì “GIA TÀI CỦA MẸ VẪN LÀ MỘT NƯỚC VIỆT RẤT BUỒN”:
Quê hương là gì hở mẹ?
Tàu Phù tu hú đẻ thuê
Chích bông Việt Nam nuôi nấng
Nước non kiệt quệ tứ bề
Quê hương là gì hở mẹ?
Cháu con bao kẻ u mê
Quốc sỉ kể sao cho xiết
Ố danh tiên tổ ê chề
Quê hương là gì hở mẹ?
Lai căn bọn ấy đáng chê
Bội tình lũ kia bất hiếu
Xít - Mao khờ khạo mang về!
Lami Nguyễn Hoàng Dũng
https://www.facebook.com/dungnh5
Không có nhận xét nào