Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
17/11/2024
Quyền ra đi tìm một vùng đất hứa là của tất cả mọi người, đặc biệt là đến nước Mỹ, đất nước được mệnh danh là thế giới tự do
Người phụ nữ gốc Việt Tien Nguyen, 30 tuổi và con trai Ethan - 16 tháng tuổi - cầm cờ Mỹ tại một lễ tuyên thệ trở thành công dân Hoa Kỳ ở Los Angeles, California, Mỹ, hôm 17/12/2013 (minh hoạ)
REUTERS/Lucy Nicholson
Phong thủy thế nào, chỉ quay đi quay lại vài tháng không gặp, nhoằng một phát tính lại cả ba bốn người quen, bạn bè của tôi-đều công việc ổn định, thu nhập sống tốt ở Việt Nam - đã sang Mỹ.
Giấc mơ Mỹ chưa bao giờ tắt
Người chưa có gia đình thì đi theo chồng.
Người đã có gia đình con cái thì bốc hết cả nhà đi.
Người một mình nuôi con sau ly hôn cũng đã gác chân chụp ảnh cảnh rừng thu lá vàng rụng rơi trong khi ở nhà nấu cơm chờ con đi học về.
Mỗi người một cách, người rất dễ dàng nhanh chóng, người phải đi đường vòng… nhưng đều đã sang Mỹ, một cách chính thức và bình an. Không phải làm “thùng nhân” do họ đều có nghề nghiệp chuyên môn và tài chính để bắt đầu cuộc sống mới ở Mỹ một cách hợp pháp.
Và lạ lùng là, mặc dù đã có cuộc sống rất ổn định tại Việt Nam, nhưng khi biết họ đã sang Mỹ, hầu như tất cả mọi bình luận của người quen, bạn bè dưới bài post trên trang mạng cá nhân đều mang nội dung chúc mừng.
Mừng điều gì vậy?
Mừng vì đời sống ở Mỹ cao hơn Việt Nam nhiều lần, kiếm tiền tốt hơn, hưởng thụ cuộc sống vật chất sung sướng hơn?
Mừng vì được sống trong môi trường kinh doanh lành mạnh hơn Việt Nam, khi không phải lập cả cái sớ dài như trái đất đến mặt trăng những chức vụ phải đút lót hối lộ để được yên ổn làm ăn, từ chú công an khu vực, em cán bộ kiểm tra phòng cháy chữa cháy đến sếp ngành ngang, ngành dọc?
Mừng vì từ nay không phải chạy trường, không phải nghĩ mua quà tặng thầy cô, vì con cái có môi trường học tập hứa hẹn giúp nó tìm ra và phát triển những thế mạnh sở trường nhất của nó, vì nó sẽ có được tấm thẻ công dân toàn cầu?
Biểu diễn điệu múa truyền thống của Việt Nam nhân một lễ kỷ niệm 40 năm Chiến dịch gió lốc diễn ra ở San Diego, California hôm 26/4/2015. REUTERS/Mike Blake
Mừng vì môi trường sống trong lành, nhiều cây xanh, sông thì sạch hồ thì trong, thiên nhiên và con người gần gũi?
Mừng vì được tự do suy nghĩ và biểu đạt?
Hóa ra cuộc sống trong nước tuy đã khấm khá hơn rất nhiều so với thời mới thống nhất đất nước, nhưng số người ra đi-tuy không đến nỗi kiểu cái cột điện mà có chân thì nó cũng đi-nhưng vẫn không hề ít. Thậm chí, được định cư ở Mỹ có thể gọi là một giấc mơ hồng, và giấc mơ ấy chưa bao giờ tắt đi.
Quyền ra đi tìm một vùng đất hứa là của tất cả mọi người, đặc biệt là đến nước Mỹ, đất nước được mệnh danh là thế giới tự do, nơi con người được sống và phát triển tự do nhất có thể. Những tưởng người đồng cảm nhất, dễ dàng chia sẻ niềm vui đó nhất chính là những đồng hương đã sang đất hứa từ trước. Thế nhưng tưởng vậy mà hổng phải vậy.
Ghét đồng bào nhất chính là đồng hương
Chị họ tôi lấy chồng, theo chồng sang Mỹ sinh sống từ rất nhiều năm trước. Trước khi qua Mỹ, chị đã là giáo viên, rồi nhân viên công tác xã hội của một tổ chức Anh rất lớn, hoạt động trên toàn thế giới. Qua đến Mỹ, chị vẫn tiếp tục công việc, thường xuyên đi đi về về ở một số nước châu Á như Thái Lan, Lào, Philippines, Malaysia. Chồng chị là nhân viên kinh doanh bất động sản. Cứ thế việc ai nấy làm, chủ nhật hay ngày lễ mà chị có mặt ở Mỹ thì đi nhà thờ.
Dù ít giao tiếp với cộng đồng Việt Nam vì đặc thù công việc hay vắng nhà, nhưng chị rất quảng giao, chu đáo và khéo léo trong việc giữ mối quan hệ với mọi người. Thế mà chả hiểu vì sao, có lẽ vì không biết chị làm việc gì nhưng thấy chị cứ (có tiền) đi đi về về châu Á suốt, bắt đầu có tin đồn chị là cộng sản nằm vùng (!)
Ối giời ơi chắc ai cũng biết ảnh hưởng của tin đồn kiểu này trong một số nhóm người có thù hận sâu sắc với cộng sản rồi đó. Chị tôi bị tẩy chay, ngấm ngầm và công khai. Bị lườm nguýt, nói xấu, khiêu khích khi người ta đụng mặt chị ở nhà thờ.
Một người bạn của tôi sang Mỹ và tiếp tục làm việc trong ngành truyền thông. Khi đứng tên để chịu trách nhiệm xuất bản nguyệt san Tết, bạn tôi nhận được rất nhiều lời khuyên của cả đồng nghiệp trong công ty lẫn bạn đọc bên ngoài. Họ góp ý không nên dùng những từ đang phổ biến ở Việt Nam mà nên dùng những từ được sử dụng trước 1975, ví dụ không dùng “máy bay, sân bay, đường băng” mà phải dùng “phi cơ, phi trường, phi đạo”. Không dùng “bóng đá” mà phải gọi “túc cầu”. Không “chữa cháy” mà phải “cứu hỏa”. Không được “diễu binh, diễu hành” mà phải là “diễn binh, diễn hành”. Không được dùng “tài khoản” mà phải là “trương mục”, không được nói “triều cường” mà phải nói “thủy triều”…
Còn vô số từ ngữ khác mà bạn tôi được khuyên dùng, để “mọi người biết mình là người quốc gia chân chính, chỉ dùng chữ (của) Việt Nam, không dùng chữ (của) Việt cộng. Để mọi người không hiểu lầm mình là cộng sản nằm vùng” (cũng lại cộng sản nằm vùng!).
Khổ một nỗi, những từ mà các cố, các ông, các bác, các chú yêu cầu dùng thì nó đã thuộc về một thời xa xưa, không còn phổ biến trong ngôn ngữ Việt đương đại nữa. Nếu cứ khăng khăng từ chối những từ ngữ đang được dùng phổ biến ở Việt Nam thì người đọc ở Việt Nam, hay người đọc trẻ ở Mỹ, ở các nước khác dần dần sẽ thấy xa lạ và không hiểu được.
Những người tham dự một buổi lễ ở Little Saigon, California hôm 4/2/2017. AP Photo/Nick Ut
Một phản ứng thường thấy khác là người qua trước cười cợt, chế giễu người qua sau là “quê”, “cù lần” vì chưa thông thuộc nhiều điều nơi cuộc sống mới.
Nào đâu sự gần gũi, thân tình, sẻ chia, hướng dẫn… như những người Mỹ hay người dân các nước khác đã đối xử với người Việt Nam khi họ mới đặt chân sang tị nạn.
Đồng hương nơi xứ người đã vậy. Đồng bào trong nước cũng chẳng rộng lòng hơn tí nào.
“Nhìn lại bờ nước non mình muối mặn”
Nhạc sĩ Châu Đình An viết như vậy trong bài Đêm chôn dầu vượt biển, tả nỗi lòng xót xa quặn thắt của người phải bỏ nước ra đi. Giờ thì người bên kia đại dương vẫn xót xa quặn thắt, nhưng là xót xa vì những lời chửi rủa của người ở lại bên bờ nước non mình.
Mới đây có những nghệ sĩ Việt Nam sang Mỹ sinh sống như vợ chồng diễn viên xiếc Quốc Nghiệp – ca sĩ Ngọc Mai, người mẫu Trang Trần. Trước đó có Kasim Hoàng Vũ. Còn rất nhiều người khác nhưng dư luận gần đây đổ dồn vào ba người này, nên tôi xin phép chỉ phân tích về họ.
Thiệt là tôi cũng ngạc nhiên khi thấy Quốc Nghiệp bồng con đi biểu diễn ở (hình như là) sân chùa, chỉ có vài chục khán giả, có lẽ trong một dịp vui nhỏ của cộng đồng Việt Nam.
Vì ở Việt Nam, họ nổi danh lắm. Quốc Nghiệp (và anh trai mình, cũng là diễn viên xiếc), được gọi là hoàng tử xiếc. Ngọc Mai thì chạy show ná thở sau khi thắng giải quán quân tại games show Ca sĩ Mặt nạ. Sau lưng họ còn là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại dầu xoa, cao xoa bóp thảo dược của gia đình, do cha mẹ của Quốc Cơ-Quốc Nghiệp làm chủ. Ông Giang Kiếm Thanh (người cha) vốn là một võ sĩ đồng thời là lương y cộng tác lâu năm với Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM. Dựa trên danh tiếng về những thành tích thể thao (chồng đầu đi cầu thang), Quốc Cơ và Quốc Nghiệp còn có một doanh nghiệp riêng tên là Giang’s, cũng bán cao xoa thảo dược và một số mỹ phẩm-dược phẩm. Quốc Cơ kín đáo hơn em trai, còn Quốc Nghiệp và Ngọc Mai thì phủ sóng truyền thông, luôn xuất hiện trong đồ hiệu đẹp đẽ đắt tiền, tại những sự kiện góp mặt đông đúc nhiều ngôi sao trong giới biểu diễn, báo chí khai thác từng ngóc ngách đời sống. Nên khi thấy ảnh Quốc Nghiệp diễn tại “sân chợ”, có những người Việt Nam rất khoái tỉ, vào châm biếm, giễu cợt hết lời.
Hai nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ và Quốc Nghiệp sau một buổi biểu diễn phá kỷ lục Guinness về leo thang chồng đầu ở Nhà thờ Girona hôm 22/12/2016. PAU BARRENA / AFP
Hay mới đây là vụ ca sĩ Kasim Hoàng Vũ bế tắc tài chính khiến một số nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại phải tổ chức show quyên góp tiền giúp đỡ anh để trả tiền phẫu thuật chữa bệnh. Cứ như đã bị đổi người: Kasim bây giờ suy nhược bệnh tật, mắt sâu hõm, khuôn mặt vêu vao vàng vọt, không còn chút nào dấu tích của chàng ca sĩ có dòng máu lai, da nâu bóng, mái tóc quăn đen để dài buộc túm sau gáy, đôi mắt to đen rõ nét và vóc người khỏe mạnh ngày nào ở Việt Nam.
Thời đó Kasim Hoàng Vũ làm mưa làm gió các sàn diễn, các chương trình tivi, báo chí về nghệ sĩ, sống rất sung túc. Kasim Hoàng Vũ đi Mỹ vì lý do gì không rõ, chỉ biết anh nói với truyền thông anh sống rất giàu có. Kasim khoe có nhà hàng, tiệm nail, studio riêng, mấy ngôi nhà toàn thuộc loại cao cấp mắc tiền trong những khu biệt lập ở Mỹ, ngoài ra còn nhiều bất động sản khác.
Thế nhưng các thông tin này không trùng với thông tin mà diễn viên hài Thúy Nga chia sẻ khi làm show cho Kasim Hoàng Vũ. Cô Thúy Nga nói Kasim Hoàng Vũ chỉ có một ngôi nhà, quán ăn cũng do mình anh tự nấu bếp và đôi lúc kiêm cả phục vụ nên thu nhập không đủ để trả tiền phẫu thuật.
Cũng giống như vụ Quốc Nghiệp – Ngọc Mai, dưới các thông tin về Kasim Hoàng Vũ, rất nhiều bình luận bằng tiếng Việt rất hả hê. Họ nói có những ca sĩ cùng thời với Kasim Hoàng Vũ, thậm chí không nổi tiếng bằng anh thời điểm đó nhưng ở Việt Nam sinh sống nên đã tích cóp được khối tài sản đủ sống giàu có cả đời, mấy tỷ tiền chữa bệnh chỉ là cái bọt nước. So với những người đó, Kasim Hoàng Vũ sống quá nghèo khổ lay lắt. Ai biểu ham đi Mỹ?
Cựu người mẫu Trang Trần cũng gặp thị phi y như Kasim Hoàng Vũ. Khi còn ở Việt Nam, Trang Trần làm chủ quán bún đậu mắm tôm rất đắt khách và bán hàng online, ngoài ra không biết có làm thêm nghề gì nữa không. Nhưng trên mạng xã hội, Trang Trần luôn thể hiện cuộc sống giàu có và cực kỳ tự do. Đến khi sang Mỹ thì – không biết là sự thực hay cô cố ý làm các video như vậy để hút người xem – Trang Trần kể mình và mẹ chồng phải đi nhổ lông gà thuê, được người ta trả công và cho đầu gà, chân gà, trứng, lòng gà về ăn với vẻ mặt rất thỏa thuê. Hay việc cô phải đi dọn WC thuê để kiếm tiền. Việc cô đi lấy thức ăn từ thiện, cười sung sướng khoe được đến mấy pounds thịt bò. Gia đình chồng và gia đình cô thì cùng sinh sống ở nhà thuê trong khu nhà dưới mức trung bình ở Mỹ.
Trang Trần vốn đã bị nhiều người ghét vì thói quen ăn nói tục tằn thô lỗ khi ở Việt Nam nên rất nhiều người ở cả Việt Nam lẫn Mỹ thấy khoái trá khi cô lâm vào cảnh nghèo khó.
Nhưng không hiểu sao, cuối cùng, mọi nhận xét đều bị chụp vào lý do chính trị: không ít người – mà dân mạng gọi là “bò đỏ” hỉ hả chửi Kasim Hoàng Vũ, chửi Quốc Nghiệp – Ngọc Mai, chửi Trang Trần cái tội hám Mỹ, mê Mỹ, tìm mọi cách qua Mỹ, giờ thì sáng mắt ra chưa.
Dân Việt mình giỏi nhất là chửi nhau
Những ngày tháng ngay sau thời điểm 1975, hàng triệu người Việt Nam chọn cách ra đi, phần nhiều là vì lý do chính trị. Những sĩ quan và một số công chức trong chế độ Việt Nam Cộng hòa bị đi tù, vợ con không có việc làm, đời sống vô cùng khó khăn. Đến khi đời sống dễ thở hơn một chút thì cái lý lịch có cha mẹ người thân là nhân viên chế độ Việt Nam Cộng hòa tiếp tục gây cản trở con đường vào đại học hay lựa chọn một số ngành nghề đặc biệt của họ. Vì thế, tuy bề ngoài có thể là lý do kinh tế nhưng bản chất của việc phải liều mình vượt biên đều có căn nguyên sâu xa là từ chính trị cả.
Những người Việt tị nạn đang đợi được đưa lên tàu của Pháp ở Biển Đông hôm 8/7/1979. AFP PHOTO FRANCOIS GRANGIE
Nhưng mấy chục năm đã qua, đến thời điểm này, việc đi Mỹ định cư đã không chỉ còn hoàn toàn liên quan đến chính trị nữa. Như đã nói ở trên, có rất nhiều lý do về kinh tế, giáo dục, môi trường, điều kiện sống, sum họp gia đình, tài chính, y tế… khiến một cá nhân hay gia đình chọn sang Mỹ.
Ngược lại, cũng có không ít người phương Tây chọn Việt Nam là ngôi nhà thứ hai, ở lại định cư lâu dài. Nhiều người sung sướng khoe những trải nghiệm của họ về thời tiết nắng ấm, thức ăn ngon, rau trái tươi, con người thân thiện và nhiều cơ hội làm ăn, kinh doanh.
Mà đấy chính là một trong những quyền tối thượng của con người. Con người có quyền chọn sống ở nơi nào họ cảm thấy phù hợp nhất, hạnh phúc nhất. Có thể con đường tìm kiếm hạnh phúc không hoàn toàn bằng phẳng, không trải hoa hồng, nhưng chỉ kẻ uống nước mới biết nước lạnh hay nóng, chỉ có người trong cuộc mới biết họ nên trả cái giá bao nhiêu cho những điều họ muốn có, có xứng đáng không.
Đã là đồng hương đi trước, sinh sống trước ở một đất nước tự do thì càng phải học lấy giá trị tinh thần tối cao ấy của nước Mỹ. Càng phải tôn trọng sự tự do lựa chọn của những đồng hương khác. Và càng biết ơn sự giúp đỡ nhiệt tình, vô vị lợi của những người dân Mỹ khi mình mới chân ước chân ráo sang Mỹ mấy chục năm trước, thì đến lượt mình càng phải chứng tỏ tấm lòng rộng rãi chân thành ấy với những đồng bào của chính mình, để tiếp nối những nghĩa cử, giúp nó trường tồn.
Còn những người trong nước, nếu đã yên vui và bằng lòng với những gì mình đang có trên quê hương mình, thì việc mỉa mai châm chọc người có lựa chọn khác chỉ thể hiện sự thiển cận, nhỏ nhen và sâu xa hơn, là sự tự ti trong đáy lòng. Tự ti nên mới phải cố vùi dập người khác khi họ chẳng liên quan gì đến mình, mới hân hoan hể hả khi họ gặp khó khăn, để tự chứng minh (hay an ủi) với bản thân rằng mình khôn hơn, tài giỏi, đúng đắn hơn người khác.
Gần 50 năm đã qua kể từ thời điểm 1975. Hầu hết các vết thương đã lành. Mà không lành thì sao? Thì càng phải chữa cật lực cho nó lành, để mà tiếp tục cuộc sống trong tâm thế hướng đến tương lai. Thế mà người Việt vẫn cứ cắn xé nhau vì những lý do rất ruồi bu như đã kể.
Thế mà vỗ ngực tự xưng con rồng cháu tiên cái gì? Con … giun thì có, nên mới mãi mãi cứ trườn bò trong lòng đất, tự mình rúc vào những nơi tối tăm, chối từ ánh sáng.
_________
Tham khảo:
https://ngoisao.vnexpress.net/kasim-hoang-vu-se-phai-cat-toan-bo-xuong-ham-4805134.html
https://www.facebook.com/watch/?v=496787546492413
https://kenh14.vn/xon-xao-hinh-anh-nghi-quoc-nghiep-bieu-dien-tai-my-215240920161532101.chn
https://kenh14.vn/giai-dap-thac-mac-vi-sao-kasim-benh-nang-van-phai-nau-an-kiem-tien-2152409261019314.chn
https://kenh14.vn/kasim-hoang-vu-bi-cu-dan-mang-phan-ung-gay-gat-chuyen-gi-day-215240926185044325.chn
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/the-vietnamese-hate-each-other-11162024082817.html
Không có nhận xét nào