The Leader News
11/11/12024
Bà Mariam J. Sherman, Ngân hàng Thế giới*
Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào.
Country Director for Viet Nam, Cambodia and Lao PDR
Mariam Sherman has been World Bank Country Director for Viet Nam, Cambodia and Lao PDR since May 1, 2024. She is based in Ha Noi.
A British national, Ms. Sherman joined the World Bank in 1997 and has held diverse operational and leadership roles throughout her career across various regions including East Asia and Pacific, South Asia, the Middle East and North Africa, and Europe and Central Asia. Prior to her current appointment, Ms. Sherman served as the Country Director for Myanmar, Cambodia and Laos based in Yangon, Myanmar.
Bài phát biểu của bà Mariam J. Sherman, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào về triển vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Nhờ cam kết thúc đẩy thương mại và hội nhập toàn cầu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu khu vực.
Các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Samsung, Intel và Apple đã thiết lập và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Nvidia, Meta và Google cũng đang đẩy nhanh quá trình hợp tác với Việt Nam, cho thấy sự sẵn sàng của Việt Nam để trở thành một trung tâm công nghệ cao ở châu Á.
Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua chuyển dịch sang các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong ngành chế biến, chế tạo và dịch vụ.
Qua đó, tạo việc làm chất lượng hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh mẽ hơn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.
Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang trên đà phát triển đầy hứa hẹn và đã khẳng định được vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong năm 2023, doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn đạt mức ấn tượng 20,1 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu bán dẫn lớn thứ ba sang Hoa Kỳ.
Việt Nam đã đặt ra tham vọng, mục tiêu và lộ trình thực hiện trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9 năm nay.
Những thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam từ trước đến nay là một minh chứng cho thấy những điều tưởng chừng bất khả thi hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Bốn nhân tố chính mà Ngân hàng Thế giới nhận định là điều kiện cần cho hành trình của Việt Nam trong quá trình tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nói chung và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng: hội nhập thương mại, sản xuất năng lượng sạch, lan tỏa tri thức, và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tầm quan trọng của tăng cường hội nhập
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên như một đối tác thương mại quan trọng trong khu vực nhờ sự ổn định chính trị, cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, và vị trí địa lý chiến lược.
Vị trí chiến lược của Việt Nam tại Đông Nam Á, gần với các chuỗi cung ứng toàn cầu và các thị trường lớn, khiến nơi đây trở thành cửa ngõ quan trọng cho các doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động.
Với sự ra đời của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam mang đến cho các nhà đầu tư khả năng tiếp cận cạnh tranh vào các thị trường toàn cầu, tăng thêm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian tới, Việt Nam có tiềm năng áp dụng chiến lược trở thành trung tâm trung chuyển thương mại, định vị quốc gia như một điểm nút trung tâm trong mạng lưới thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chiến lược này sẽ tận dụng năng lực công nghiệp tiên tiến, trình độ công nghệ cao và năng lực tổ chức cũng như logistics vượt trội của đất nước các bạn. Bên cạnh đó, cách tiếp cận này phù hợp với tham vọng của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Bằng cách hội nhập và hợp tác với các đối tác thương mại toàn cầu, Việt Nam có thể hiện thực hóa tầm nhìn đặt ra cho lĩnh vực quan trọng này.
Năng lượng sạch và xuất khẩu xanh
Tốc độ tăng trưởng sản xuất nhanh chóng của Việt Nam đi kèm với sự mở rộng đáng kể về cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông vận tải, vốn đóng vai trò thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sản xuất trong ngành công nghiệp bán dẫn, giống như nhiều ngành công nghiệp tiên tiến khác, đòi hỏi tiêu thụ năng lượng và tài nguyên đáng kể.
Trong xu thế hướng tới hoạt động bền vững ngày càng tăng của các doanh nghiệp trên toàn cầu, cam kết tăng trưởng xanh, sạch, sẽ góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia có trách nhiệm trên trường quốc tế.
Điều này bao gồm các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như sản xuất năng lượng sạch, nước và mạng lưới giao thông cũng như hỗ trợ quy định về tiêu chuẩn môi trường và tuân thủ các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng hiệu quả.
Rủi ro cao, nhưng tiềm năng lợi ích mang lại, cả về phương diện kinh tế lẫn môi trường, thậm chí còn cao hơn rất nhiều.
Cam kết tăng trưởng xanh, sạch, sẽ góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia có trách nhiệm trên trường quốc tế. Ảnh: Hoàng Anh
Về lan tỏa tri thức
Không phải quốc gia nào cũng có thể hiện thực hóa khao khát đạt được vị trí tiên phong về công nghệ. Tuy nhiên, một quốc gia không cần phải tự đưa ra các phát minh, sáng chế tiên phong về công nghệ để có thể hưởng lợi từ quy trình, phương pháp và ý tưởng mới được phát triển bởi các quốc gia khác.
Trong trung hạn, Việt Nam có thể thúc đẩy, tận dụng liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa để thúc đẩy lan tỏa tri thức, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, qua đó tăng năng suất cho các doanh nghiệp nội địa.
Mặc dù Việt Nam đã xây dựng được mối liên kết tương đối hiệu quả với khu vực doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn đứng ngoài cuộc, chưa thể kết nối với mạng lưới mạnh mẽ này.
Việc tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp nội địa - doanh nghiệp FDI sẽ thúc đẩy chuyển giao tri thức, nâng cao năng lực và vị thế của các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi giá trị, mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu này, các chính sách tích cực thúc đẩy chuyển giao tri thức đóng vai trò cốt yếu trong việc phát triển các ngành công nghiệp mà Việt Nam còn ở khá xa đường biên công nghệ, bao gồm ngành công nghiệp bán dẫn.
Về mặt nội địa, các chính sách này bao gồm: tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút FDI và tạo ra tác động lan tỏa; phát huy vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư để tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp giàu tiềm năng của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài mới hoặc hiện hữu.
Cùng với đó, thiết lập chương trình phát triển nhà cung cấp để nâng cao năng lực hấp thụ tri thức của các doanh nghiệp nội địa và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp FDI; phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và kỹ sư chất lượng cao.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Các thị trấn phía nam San Francisco là nơi đã trở thành Thung lũng Silicon vào những năm 1970 và cái nôi của ngành công nghiệp bán dẫn và phần lớn cuộc cách mạng số ngày nay.
Sự hội tụ của những nhân tài xuất chúng là động lực quan trọng tạo nên sự phát triển thần kỳ của Thung lũng Silicon: các nhà khoa học và kỹ sư đã phát triển công nghệ nền tảng và kỹ thuật sản xuất tiên phong, đội ngũ quản lý cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất, và các doanh nhân không ngừng đưa ra thị trường những ứng dụng tri thức, công nghệ mới.
Tại tâm điểm của cuộc cách mạng này, các trường đại học như Đại học Stanford và Đại học California - Berkeley đã không ngừng cung cấp cho Thung lũng Silicon hàng thế hệ nhân tài, nhân lực chất lượng cao cũng như những đột phá về khoa học, công nghệ.
Tầm nhìn đề ra trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là trở thành trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trở thành một trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu vào năm 2040.
Việt Nam có một nền tảng vững chắc để có thể đạt được tầm nhìn này. Với dân số trẻ và trình độ học vấn cao, chỉ số vốn nhân lực (HCI) của Việt Nam liên tục đứng thứ hai trong tất cả các quốc gia có thu nhập trung bình theo công bố của Ngân hàng Thế giới.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang định hướng chú trọng nhiều hơn vào đào tạo trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Việt Nam đã xác định nhu cầu cấp thiết và tiềm năng to lớn trong phát triển nguồn nhân lực chuyên môn, chất lượng cao có khả năng tiếp thu, phổ biến và đổi mới sáng tạo dựa trên tri thức tiên tiến thu được thông qua hội nhập sâu rộng và tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một điểm: ví dụ từ Thung lũng Silicon đã chỉ ra tầm quan trọng của một lực lượng lao động chất lượng cao với nền tảng chuyên môn sâu, rộng, vượt ra ngoài phương diện kỹ thuật, kết hợp chuyên môn khoa học, sản xuất, và tư duy kinh doanh sáng tạo, và có tầm nhìn chiến lược.
Trên hành trình này, tôi muốn nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của các đại học, trường đại học Việt Nam. Nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ đại học với tổng hòa kỹ năng, chuyên môn sâu, rộng sẽ ngày càng tăng khi Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Lấy ví dụ, trong các ngành công nghệ cao hiện nay của Việt Nam, tỷ lệ việc làm đòi hỏi trình độ đại học đã gấp đôi mức trung bình của thị trường lao động nói chung - 23,4% so với 13% của toàn nền kinh tế.
Với nền tảng vững chắc từ giáo dục phổ thông, bước tiếp theo của Việt Nam là đầu tư bền vững vào giáo dục đại học để chuẩn bị nguồn nhân lực cần thiết cho công nghệ cao trong tương lai và nâng cao vị thế, vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong chuyển giao tri thức và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Con đường phía trước của Việt Nam
Con đường phía trước của Việt Nam đã được định hình rõ ràng với đầy tham vọng.
Với bốn trụ cột – tăng cường hội nhập thương mại, đảm bảo năng lượng xanh, chuyển giao tri thức, và quan trọng nhất là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – Việt Nam sẽ xây dựng nền tảng để chuyển đổi từ một trung tâm sản xuất chế biến, chế tạo thành một cường quốc công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Hành trình chuyển đổi này đòi hỏi cam kết của tất cả các bên – Chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo và các đối tác quốc tế.
Là đối tác đáng tin cậy của Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua, Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành hỗ trợ Việt Nam. Từ dự án đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục đại học từ những năm 1990 cho đến quan hệ đối tác toàn diện hiện tại, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam hiện thực hóa những tham vọng trong giai đoạn tới và trở thành nền kinh tế đổi mới sáng tạo hàng đầu, cả trong khu vực và trên thế giới.
https://theleader.vn/bon-dong-luc-cho-cong-nghiep-ban-dan-viet-nam-d37847.html
Không có nhận xét nào