Header Ads

  • Breaking News

    Cai tù và tù nhân

    Phạm Thu Hương/Đọt Chuối Non

    10/11/2024

    Côn Đảo, tháng 10, 1969. Trung sĩ Đặng Ngọc Lợi thấy chiếc Peugeot mui trần màu bordeaux từ đâu đến đỗ ngay trước mặt. Ngồi trên bậc tam cấp, Lợi chống cằm nhìn chiếc xe, tự hỏi tại sao lại có chiếc xe sang đến vậy ở nhà tù Địa Ngục Trần Gian này.

    Năm Lợi 18, Lợi thi rớt tú tài đôi, gia đình sợ Lợi sẽ phải đi lính. Mà đi lính, dù là lính Việt Nam Cộng Hòa, súng ống đầy mình, máy bay đầy trời, lại có đại gia Mỹ chống lưng, cũng chẳng dễ gì còn sống để về nhà. Bằng nhiều cách, gia đình giúp Lợi đi lính nhưng không phải ra trận – Lợi được vào Quân trường Đồng Đế ở Nha Trang học lớp hạ sĩ quan, ra trường được làm trung sĩ quân cảnh. Ở Sài Gòn đứng đường chận bắt lính tráng say sưa phá phách được khoảng một năm, Lợi được thuyên chuyển về làm cai tù ở Địa Ngục Trần Gian. Ngày nhận được lệnh mới, Lợi thở dài: “Cai tù Côn Đảo. Nghề quái dị gì vậy? Mình là quân cảnh thì cai lính, chớ sao cai tù?”

    ***

    Một ngày đầu tháng 5 năm 1969, dù buổi sáng nhưng khí trời khá oi bức, Côn Đảo nhận từ đất liền mấy chục tù nhân mới, nhiều hơn bình thường. Lợi nhìn mặt từng người, nhưng kiểm tra qua loa, vì vừa mới xong sáu tháng căng thẳng mùa vượt ngục.

    Mùa vượt ngục trùng với mùa nông dân gọi là mùa gió chướng, mùa khô ở miền Nam, từ tháng Mười năm trước đến tháng Tư năm sau. Biển yên sóng lặng. Lại nữa tháng Tư thường có Tết cổ truyền của người Khmer, các cai tù người Việt gốc Khmer thường ăn Tết say khướt. Nhiều tù nhân khi được đi ra ngoài làm việc, đốn cây, chặt củi, tận dựng cơ hội lén lút làm thuyền, làm bè, làm mùa vượt ngục thêm nhộn nhịp. Và Lợi phải làm việc rất nhiều.

    Sau mùa canh gác nghiêm ngặt đó là mùa thả lỏng hơn một chút, thế nên sáng đó, Lợi liếc qua một lượt rồi vẫy tay để lính dẫn tù nhân mới vào trại.

    Lợi về lại văn phòng mình, cách nhà tù một khoảng cách vừa đủ để không nghe những tiếng kêu xé trời trong các phòng tra khảo và mùi hôi thối nồng nặc trong mấy chuồng cọp. Nhiều năm nhìn người sống không bằng chết, lại ở chốn xa đất liền, Lợi từ từ cảm giác muốn có người sống ở bên để chuyện trò. Mấy hôm trước đến núi Thánh Giá, leo lên đỉnh, nơi cao nhất trên đảo, nhìn về hướng Sài Gòn, Lợi cảm thấy mong muốn đó lớn hơn so với bình thường.

    Một tuần sau, sếp của Lợi tới, cho biết năm người tù mới đang được chuyển qua khu Lợi quản lý. Một lúc sau, an ninh đưa năm người tù bị còng tay đến văn phòng Lợi. Bốn cậu trẻ khoảng 16, 17 có vẻ lấc cấc và thách thức, nhưng có một người khoảng 40 tuổi, mặc bộ bà ba đen, nhìn có vẻ nghiêm chỉnh và thành thật.

    Coi tù khá lâu rồi, đặc biệt là coi tù hạng nhất như tù Côn Đảo, Lợi đã thấy biết bao gương mặt thách thức cai tù, nhất là những gương mặt trẻ 16, 17 tuổi, cực kỳ ngang tàng, nhưng người tù hơi lớn tuổi này lại khác. Ông có gì đó điềm tĩnh và đáng tin.

    Lợi hỏi ông ta:
    – “Ông tên gì?”
    – “Dạ, tui tên Nguyễn Dăn Bảy,” ông ta trả lời.
    – “Tội ông là gì?”
    – “Dạ, tui bị mấy ông giải phóng bắt đưa đồ ăn cho mấy ổng. Dọc đường gặp mấy ông cộng wòa đang càn wuét, tui bị hốt. Chớ tui hổng có làm gì sai wuấy.”
    – “Bữa giờ ông nằm chuồng cọp lần nào chưa?”
    – “Dạ chưa, tui cầu tui hổng dô chuồng đó.”

    Theo lệ thường, mọi tù nhân ở đây đều thuộc diện có thể vào chuồng cọp bất kỳ lúc nào. Côn Đảo là tù cuối, nghĩa là tù nhân đến đây đều phải trải qua các nhà tù trong đất liền và được các nhà tù đất liền kết luận có tội rồi. Chẳng có tù nhân nào đến đây mà không có tội. Nhưng đa số tù nhân đều nói mình vô tội.

    Lợi chần chừ, chưa quyết định. Sáng nay Lợi vừa mới chuyển một cô bé 17 tuổi từ chuồng cọp về đất liền để vào bệnh viện tâm thần. Vì nhớ lại điều đó, Lợi quyết định ngay:

    – “Ông cứ khai thiệt với an ninh thì cũng không phải lo vô chuồng cọp,” Lợi nói. “Tôi đang cần một người giúp việc, bưng cơm, bưng nước, ủi áo quần, đánh giày, dọn dẹp. Ông có làm cho tôi được không?”
    – “Dạ được.”
    – “Được rồi, tôi sẽ nói với bên an ninh ông là người giúp việc cho tôi. Bây giờ ông về chỗ của ông. Chừng một tiếng nữa, tôi sẽ nói mấy người an ninh đưa ông tới đây để đánh giày và làm mấy chuyện lặt vặt cho tôi.”
    – “Dạ, cám ơn thiếu wúy.”
    – “Tôi là trung sĩ.”
    – “Dạ, cám ơn trung sĩ.”

    Lợi khoát tay, ra dấu cho mấy người an ninh đưa năm người tù xuống phòng của họ.

    Sớm hôm sau, ông Bảy, được cho tắm rửa, ăn mặc tươm tất, đến văn phòng Lợi làm việc. Trưa đó, ông Bảy bưng đĩa thịt heo luộc cho Lợi. Lâu lắm rồi, có lẽ từ ngày đi lính, Lợi mới có dịp được ngồi ăn uống thảnh thơi. Từng lát thịt heo luộc mỏng, mềm, thơm, ngọt, ngậy, Lợi nhẩn nha nhâm nhi với rượu vang đỏ. Ông Bảy đứng hầu bên cạnh. Bữa trưa ấy thật ngon miệng.

    Từ đó, ông Bảy ngày ngày bưng cơm, rót trà, đánh giày… cho Lợi. Lợi rất hài lòng.

    Mỗi cuối tuần, Lợi thường đi một vòng quanh đảo. Đây vừa là nhiệm vụ vừa là thú vui của Lợi. Côn Đảo vừa có biển xanh cát trắng, vừa có rừng rậm và núi cao. Mùa hè cũng là mùa mưa. Mưa không lớn nhưng dai dẳng. Đường lên núi khá dốc nên dễ trơn trượt. Đường đi xuyên qua rừng, với những cây cổ thụ cao to và dây leo chằng chịt. Trên đỉnh núi Thánh Giá, sương mù cao chừng đầu người, bồng bềnh như mây, bao phủ khắp nơi. Đứng trên đỉnh núi, nhìn được toàn cảnh Côn Đảo, kể cả mấy hòn đảo nhỏ gần đấy.

    Lợi thường đi một mình. Một mình với biển, với rừng và với núi, có những lúc vui và những lúc cô đơn. Bây giờ có ông Bảy đi cùng, Lợi thấy vui hơn. Vừa đi, Lợi vừa giải thích cho ông Bảy nghe, như hướng dẫn viên du lịch. Ông Bảy gật gù. Lợi thích đỉnh núi Thánh Giá ấy nên tuần nào cũng say sưa kể chuyện, còn ông Bảy cũng rất hứng thú lắng nghe.

    ***

    Một chiều tháng 10 mùa thu, nắng hanh hanh vàng và dịu mát. Ngồi trên tam cấp văn phòng vừa uống trà vừa nhìn ra biển, bỗng chiếc Peugeot mui trần bordeaux từ đâu đến đỗ ngay trước mặt. Lợi nói với ông Bảy đang ngồi bên Lợi: “Tôi thích Peugeot mui trần.” Ông Bảy gật gật đầu: “Peugeot convertible đó dất hay.” Lợi nói bâng quơ thêm vài câu nữa rồi cho ông Bảy lui.

    Lợi cảm thấy có gì đó rất lạ mà không biết điều đó là gì, và cũng không hiểu tại sao lại có cảm giác là lạ đó. Lợi suy nghĩ mãi, đến đêm cũng không ngủ được.

    Gần sáng, vì mệt quá, Lợi thiếp đi. Mới chợp mắt một chút, bỗng tự dưng Lợi giật mình tỉnh giấc. Peugeot convertible, nghĩa là xe Peugeot có thể đóng mở mui của Pháp, được ông Bảy nói bằng giọng Pháp rất mượt. Ông Bảy giỏi tiếng Pháp như vậy, chắc chắn là thành phần cấp cao ở phía bên kia.

    Lợi ngồi dậy, vẫn ở trên giường, dựa lưng vào thành giường, nhăn trán, giờ phải làm gì với ông Bảy đây.

    Tiếng kẻng kêu báo sắp đến giờ làm việc sáng. Tiếng ông Bảy ngoài cửa phòng ngủ báo đồ ăn, quần áo và giầy đã sẵn sàng. Lợi bước ra ngoài, gặp ông Bảy, và hành động như chẳng có gì xảy ra.

    Trưa hôm đó, sau khi ông Bảy bưng cơm và dọn cơm như thường lệ, Lợi gọi ông lại. Ngồi phía sau bàn làm việc, mở bao thuốc lá ba số năm (555), loại thuốc lá xịn nhất thời đó, rút giữa chừng một điếu, Lợi đưa gói thuốc về phía ông Bảy và mời ông. Ông Bảy đưa mắt nhìn Lợi, Lợi khẽ gật đầu, ông Bảy dùng hai tay rút điếu thuốc. Lợi bật nắp hộp quẹt zippo, nghe “cắc” một tiếng. Ông Bảy ngậm điếu thuốc lại gần châm lửa. Hộp quẹt zippo ấy có khắc hình bản đồ Việt Nam, gồm cả Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

    https://i.imgur.com/Gg1DNKR.jpg

    Lợi đưa tay mời ông Bảy ngồi ghế. Ông Bảy xê cái ghế ra bên cạnh một chút để tránh ngồi đối diện với Lợi. Ông Bảy luôn giữ lễ nghi với Lợi như thế.

    Đợi ông Bảy hút vài hơi, thả vài làn khói thơm, Lợi hơi ngả người ra ghế, nói:

    – “Hôm qua tôi nghe ông nói tiếng Pháp rất hay, từ Peugeot convertible đó. Dân du kích dốt lắm, không thể nói tiếng Tây được. Ông nói tiếng Tây nghe rất nhuyễn, lẽ nào lại đi xách cơm cho tụi nó. Thế nên, ông không thể là du kích quèn, và càng không thể là dân thường.”

    Ông Bảy không thay đổi sắc mặt, vẫn hút thuốc. Lợi hơi mím môi và thẳng lưng hơn một chút:

    – “Ông phải là gì đó cấp cao của Việt Cộng hoặc quân Bắc Việt. Ít nhất phải là hàng tá.”

    Ông Bảy vẫn giữ nguyên tư thế ban đầu. Lợi yên lặng một chút, rồi hơi chồm người lên bàn, hai bàn tay đặt lên bàn và đan lại với nhau, nhìn vào mắt ông Bảy, nói chậm rãi:

    – “Tôi với ông không thù oán gì, hơn nữa tôi rất có cảm tình với ông, nên tôi không muốn ông gặp khó khăn. Nếu tôi đưa ông cho an ninh điều tra ở đây, chúng nó sẽ đánh ông dở sống dở chết, rồi đằng nào ông cũng phải khai ông là ai.

    Tôi rất quý ông nên muốn cho ông đường dễ hơn. Nếu ông khai thiệt với tôi rằng ông là ai, tôi sẽ gọi điện ngay cho Mỹ, Mỹ sẽ ra đây ngay để chở ông về Sài Gòn lấy tin. Mỹ sẽ khai thác ông nhưng chắc chắn sẽ không đau đớn. Tụi Mỹ sẽ ứng xử với ông văn minh hơn. Ông chọn đi.”

    Ông Bảy im lặng hút thuốc, mắt nhìn xuống đất, thả khói thật chậm và nhẹ thành những vòng tròn nối tiếp. Thời gian như ngừng trôi trong căn phòng yên lặng nghe được hơi thở của hai người. Lợi kiên nhẫn chờ đợi, chăm chú quan sát từng cử động li ti tế nhị của ông Bảy.

    Thuốc hết, ông Bảy dập tàn vào gạt tàn trên bàn, hơi cúi đầu, nói:

    – “Trung sĩ rất thông minh. Tôi là trung tá Quân đội Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.”

    Ông Bảy ngước mặt nhìn vào mắt Lợi. Hai đôi mắt nhìn nhau, không phải cái nhìn giữa kẻ thù với kẻ thù, cũng không phải cái nhìn giữa cai tù với tù nhân, và càng không phải cái nhìn giữa ông chủ với đầy tớ. Đó có vẻ là cái nhìn giữa con người với con người mà rất lâu rồi Lợi chưa thấy. Lợi khẽ gật đầu với ông Bảy. Ông Bảy hít một hơi nhẹ và nói:

    – “Tôi rất biết ơn tấm lòng của trung sĩ nên tôi cũng nói cho trung sĩ biết, Mỹ sắp thua và Việt Nam Cộng Hòa sẽ chết, trung sĩ nên quay về với quân Cách mạng chúng tôi.”

    Lợi phì cười, lắc lắc đầu:

    – “Thôi ông ơi, ông đã bị tôi lật bài lại còn khuyến dụ tôi nữa sao?”

    Lợi cho ông Bảy lui, rồi gọi điện thoại ngay về Sài gòn cho bạn của Lợi, một thiếu tá Mỹ ở MACV, báo tin: “Tôi có môt tù nhân là trung tá Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông ra bốc ông ấy đi gấp, để mà khai thác thông tin.”

    Sớm hôm sau, máy bay trực thăng Mỹ từ Sài Gòn đáp xuống Côn Đảo, ở giữa đường ngay trước văn phòng của Lợi. Bước ra máy bay là một chỉ huy mặc thường phục, áo sơ mi trắng, quần kaki vàng nhạt, và một toán năm người lính thủy quân lục chiến nai nịt gọn gàng, tay bồng súng. Sếp Lợi và Lợi đứng đón chào.

    Tất cả vào văn phòng của Lợi. Ông Bảy bị còng tay được dẫn ra. Toán thủy quân lục chiến giơ tay ngang trán chào nhận người. Ông Bảy gầy thấp lọt thỏm giữa những người Mỹ cao to. Không khí nghiêm trang và nhanh chóng.

    Khi đoàn người Mỹ lần lượt đi ngang qua mặt sếp Lợi và Lợi để lên máy bay, ông Bảy liếc nhanh về phía Lợi. Lợi thẳng mắt nhìn phía trước, không dám gật đầu chào vì có sếp đứng bên.

    Tiếng máy bay trực thăng phằng phặc điếc tai. Gió từ cánh quạt máy bay đẩy bụi từ mặt đất lên trời mù mịt.

    Lợi đứng nhìn máy bay bay lên cao và về hướng đất liền.

    Lợi đứng đó rất lâu.

    Phạm Thu Hương

    https://dotchuoinon.com/2024/11/10/cai-tu-va-tu-nhan/


    Không có nhận xét nào