BBC News
21/10/2024
Ông Tô Lâm: "Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn!"
RFA
21/10/2024
Chụp lại hình ảnh, Tân Chủ tịch nước Lương Cường
Chiều 21/10, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15.
Nghị quyết bầu ông Lương Cường làm chủ tịch nước được Quốc hội thông qua với 440/440 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày dự thảo nghị quyết của Quốc hội bầu chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lương Cường, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư.
Thực ra, ghế chủ tịch nước của ông Lương Cường đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định từ trước.
Chiều 20/10, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết tại hội nghị lần thứ 10 (diễn ra từ ngày 18-20/9), Trung ương Đảng đã biểu quyết giới thiệu nhân sự đủ điều kiện để bầu chủ tịch nước.
Bà Hải nói việc thực hiện quy trình bầu chủ tịch nước là "cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Quốc hội".
Như vậy, việc bầu chủ tịch nước tại Quốc hội chỉ là thủ tục tái khẳng định ý chí của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc sắp xếp nhân sự chủ chốt.
Sau khi được bầu, tân chủ tịch nước đã tuyên thệ nhậm chức theo quy định.
Nhiệm kỳ 2021-2026 đã chứng kiến bốn lần tuyên thệ chủ tịch nước của các ông: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Tô Lâm và Lương Cường. Trong đó, ông Tô Lâm có nhiệm kỳ chủ tịch nước ngắn nhất lịch sử, chỉ vỏn vẹn 5 tháng.
Nguồn hình ảnh, Nhac NGUYEN / AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Quốc hội khóa 15 trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 sáng ngày 21/10
'Không mơ làm cấp này, chức kia'
Chụp lại hình ảnh, Chủ tịch nước Lương Cường là một đại tướng quân đội
Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, tân Chủ tịch nước Lương Cường đã thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức.
Ông Lương Cường đặt tay trái lên Hiến pháp, tay phải giơ cao, tuyên thệ:
"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi Lương Cường, Chủ tịch nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó."
Trong bài phát biểu sau khi nhậm chức, ông Lương Cường bày tỏ lời "cảm ơn đến Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tin cậy, giới thiệu tôi đảm nhiệm trọng trách cao cả này".
"Tháng 2/1975, trong không khí hào hùng cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, tôi xung phong đi bộ đội với ý thức và tâm niệm đi chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chỉ mong đến ngày chiến thắng, còn sống trở về là sung sướng hạnh phúc, tuyệt nhiên không nghĩ, không mơ làm đến cấp này, chức kia."
Tân Chủ tịch nước Lương Cường cũng nói đến việc giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết thống nhất cao trong Đảng và nhấn mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch vững mạnh, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Chụp lại hình ảnh, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường trở thành tân chủ tịch nước, thay ông Tô Lâm
Trường hợp đặc biệt
Việc ông Lương Cường làm chủ tịch nước có thể thấy là ông được Trung ương xét "trường hợp đặc biệt".
Xét theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn các chức danh, để làm chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên và "đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương".
Bộ Chính trị khóa hiện tại là nhiệm kỳ đầu tiên ông Cường tham gia nên ông chưa đạt yêu cầu "trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên" và theo một số nhà quan sát, ông cũng chưa từng làm lãnh đạo tỉnh hay bộ trưởng.
Tuy nhiên, Quy định 214 cũng nêu "trường hợp đặc biệt" cho Tứ Trụ, nên dù ông chưa hội đủ một số tiêu chuẩn thì Ban Chấp hành Trung ương có thể quyết định trường hợp ngoại lệ.
Đáng chú ý, trước khi được bầu làm chủ tịch nước, ông Lương Cường đã có chuyến đi khá lặng lẽ đến Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 9-12/10. Tại đây, ông đã có dịp hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.
Việc ông Lương Cường, lúc bấy giờ là thường trực Ban Bí thư, có cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình cho thấy có một sự trọng thị từ phía Trung Quốc.
Tân Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, hiện đã quá 65 tuổi, nếu ông không được vào Tứ Trụ để có suất đặc biệt tại Đại hội 14 (diễn ra tháng 1/2026) thì ông sẽ phải về hưu. Giờ đây, với việc được bầu làm chủ tịch nước, ông có cơ hội tiếp tục sự nghiệp chính trị ở nhiệm kỳ kế tiếp (2026-2031).
Chụp lại video, Ông Lương Cường thăm Trung Quốc: Chuyến đi lặng lẽ có ý nghĩa thế nào?
Tiểu sử tân Chủ tịch nước Lương Cường
Tân Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Ông là ủy viên Bộ Chính trị khóa 13; bí thư Trung ương Đảng khóa 12; ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13; đại biểu Quốc hội khóa 15.
Ông Cường từng có thời gian học bồi dưỡng cán bộ cấp cao tại Trung Quốc (12/2011 và vào 11/2013). Ông có trình độ chuyên môn là cử nhân xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước.
Xét quá trình công tác của ông Lương Cường, có thể thấy con đường binh nghiệp của ông Cường chủ yếu tập trung vào công tác chính trị, công tác đảng. Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện nên vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị trong quân đội luôn đặc biệt quan trọng.
Từ một chiến sĩ, thiếu úy năm 1979, ông Cường lần lượt được thăng quân hàm qua các năm: 1981 - trung úy; 1982 - thượng úy; 1985 - đại úy; 1989 - thiếu tá; 1993 - trung tá; 1997 - thượng tá và thăng quân hàm đại tá vào năm 2001.
Chụp lại hình ảnh, Tân Chủ tịch nước Lương Cường
Từ năm 2003 đến 2006, ông Lương Cường giữ chức phó tư lệnh về chính trị, bí thư Đảng ủy Quân đoàn 2. Đầu năm 2006, ông được thăng quân hàm thiếu tướng. Sau đó, ông có hơn một năm làm chính ủy Quân đoàn 2.
Từ tháng 1/2008 đến 5/2011, ông giữ chức chính ủy Quân khu 3 và được thăng quân hàm trung tướng vào năm 2009.
Từ tháng 6/2011 đến tháng 12/2015, ông giữ chức phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong giai đoạn từ tháng 5/2016 đến 1/2021, ông là chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương; ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; ủy viên Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương. Ông được thăng quân hàm đại tướng vào đầu năm 2019.
Đầu năm 2021, ông Lương Cường được Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6 cùng năm, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 15.
Vào ngày 20/5/2024, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9, ông Lương Cường được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ thường trực Ban Bí thư, thay cho bà Trương Thị Mai.
Vào ngày 21/10/2024, ông được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cvgd2y621zyo
Ông Tô Lâm: "Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn!"
RFA
21/10/2024
Ảnh minh họa: ông Tô Lâm phát biểu nhậm chức Chủ tịch nước ngày 22/5/2024
AP
Phát biểu trước Quốc hội sáng 21/10, Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Tô Lâm thừa nhận rằng trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục liên quan đến thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn."
Trong bài nói chuyện được truyền hình trực tiếp, ông Tô Lâm nói: "Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân."
Ngoài ra, ông chỉ ra rằng tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước còn bất cập, một bộ phận còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Ông Lâm khẳng định những việc này cần nhanh chóng khắc phục không để cản trở hay "lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới."
Ông Tô Lâm, người có hơn 8 năm giữ chức vụ Bộ trưởng Công An trước khi giữ vị trí Chủ tịch nước và Tổng bí thư cho rằng, "các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật để tác động, hướng lái, thậm chí chống phá, xác định đây là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để chuyển hóa chính trị của Việt Nam..."
Ngoài ra, ông khẳng định các loại tội phạm, các nhóm lợi ích cũng tìm mọi cách tác động nhằm trục lợi và "nếu không thật sự sáng suốt, bản lĩnh, vì sự nghiệp chung, thể chế không phù hợp có thể gây ra những khúc quanh đối với phát triển của đất nước."
Từ những vấn đề nêu trên, ông đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Quốc hội vào tháng 11/2022, trong đó nhấn mạnh ba vấn đề:
Thứ nhất, theo ông Quốc hội cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành.
Ông Lâm nói rằng, uyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội; luật hóa các quy định của Nghị định và Thông tư.
Bài phát biểu của ông Tô Lâm được TTXVN đăng tải toàn văn cho thấy, ông đề nghị cần xây dựng các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn Việt Nam và "vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật."
Ông cũng đề nghị cần sớm nghiên cứu xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội tránh trùng dẫm với hoạt động của các cơ quan Nhà nước khác. Đồng thời phải đổi mới quy trình quyết định về ngân sách Nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, từng bước từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách.
Cuối cùng, ông Tô Lâm nêu ra ý kiến cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/to-lam-speech-national-assembly-2110-10212024051007.html
Không có nhận xét nào