Trung Quốc kín tiếng chuyện "thích" ông Trump hay bà Harris: Ứng viên nào khiến Bắc Kinh đau đầu?
Lưu Bình/ soha.vn
15/10/2024
Trung Quốc không đưa ra bình luận chính thức nào về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khiến các nhà quan sát mâu thuẫn về việc bà Harris hay ông Trump là ứng viên có lợi hơn cho Bắc Kinh.
Theo tờ Hankyoreh (Hàn Quốc), Trung Quốc đến nay vẫn giữ thái độ thận trọng về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm mới đây nhấn mạnh rằng Trung Quốc chưa bao giờ can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ và cũng không có khả năng làm như vậy.
Trung Quốc thường xuyên tuyên bố rằng không ứng cử viên Mỹ nào có lợi cho Trung Quốc, và do đó Bắc Kinh thờ ơ với việc ai sẽ thắng. Tuy nhiên, rõ ràng là các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ điều chỉnh các tính toán khác nhau của họ liên quan đến lợi ích và tổn thất tiềm tàng tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Mỹ.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ điều chỉnh các tính toán khác nhau của họ liên quan đến lợi ích và tổn thất tiềm tàng tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Mỹ.
Trung Quốc "thích" bà Harris hay ông Trump?
Giáo sư Gong Jiong tại Đại học Kinh tế Thương mại Đối ngoại (UIBE, Trung Quốc) cho rằng ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris đắc cử sẽ có lợi hơn cho Trung Quốc. Khi phát biểu tại Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc vào tháng 8, giáo sư Gong lập luận rằng bà Harris khả năng sẽ chỉ tiếp tục các chính sách của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đối với Trung Quốc.
“Nếu ông Donald Trump đắc cử, mọi thứ sẽ bị lung lay và quan hệ Trung-Mỹ sẽ bị tác động mạnh mẽ”, ông Gong nhận định.
Nền kinh tế Trung Quốc đang “chao đảo” với tỷ lệ thất nghiệp cao. Giáo sư Gong lập luận, ông Trump có thể áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc hoặc đe dọa nền kinh tế của Trung Quốc bằng các biện pháp khó lường khác.
Giáo sư Gong cũng lo ngại rằng ông Trump có thể chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, qua đó cho phép Mỹ tiếp tục “xoay trục sang châu Á" để đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.
“Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề xuất chiến lược xoay trục sang châu Á, nhưng Mỹ vẫn chưa thực hiện được bước xoay trục như vậy. Các cuộc khủng hoảng tài chính, đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine đã ngăn cản điều đó xảy ra. Trung Quốc đã may mắn. Nhưng nếu ông Trump trở lại nắm quyền, cuộc chiến ở Ukraine sẽ nhanh chóng kết thúc và Mỹ sẽ thực hiện thành công chiến lược xoay trục sang châu Á của mình”, ông nói.
Học giả người Trung Quốc cho rằng, nước Mỹ dưới thời ông Trump có thể sẽ tập trung vào việc kiểm soát và kiềm chế Trung Quốc, do đó làm gia tăng các rắc rối chiến lược của Bắc Kinh.
Giáo sư Wang Jisi tại Đại học Bắc Kinh - được biết đến với vai trò chiến lược gia ngoại giao của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và là đồng tác giả của bài “Trung Quốc thích bà Harris hay ông Trump?" trên tạp chí ngoại giao Foreign Affairs ngày 1/8 - viết rằng:
“Các nhà chiến lược Trung Quốc không ảo tưởng rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có thể thay đổi hướng đi trong thập kỷ tới. Căn cứ vào các cuộc thăm dò dư luận của công chúng Mỹ và sự đồng thuận lưỡng đảng về Trung Quốc tại Washington, họ cho rằng cho dù ai được bầu vào tháng 11/2024 thì đều sẽ tiếp tục ưu tiên cạnh tranh chiến lược và thậm chí là kiềm chế trong cách tiếp cận của Washington đối với Bắc Kinh, trong khi hợp tác và trao đổi chỉ là thứ yếu.”
Các chính trị gia và truyền thông Mỹ vẫn duy trì lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, và các tác giả bài viết đã đi đến kết luận rằng cơ bản sẽ không có thay đổi nào trong mục tiêu duy trì ưu thế của Mỹ bằng cách ngăn chặn sức ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc lan rộng và kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là sự phát triển của các công nghệ tiên tiến có liên quan trực tiếp đến sức mạnh quân sự.
Đồng thời, bài báo lưu ý đến “khuynh hướng thích thỏa thuận” của ông Donald Trump. Mặc dù ông Trump từng quyết liệt thúc đẩy cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, các tác giả tin rằng “nhìn chung, chính quyền Trump vẫn duy trì một mức độ linh hoạt nhất định đối với Trung Quốc. Bất chấp các mức thuế trừng phạt và các biện pháp khác, chính quyền Trump vẫn cởi mở với các cuộc đàm phán thương mại và thể hiện một số thiện chí thỏa hiệp về các vấn đề gai góc như cạnh tranh công nghệ và vấn đề Đài Loan”.
Dựa trên cơ sở này, ba tác giả dự đoán rằng nếu đắc cử, ông Trump “có thể quyết định theo đuổi các thỏa thuận song phương với Bắc Kinh” và ông có thể “cố gắng sử dụng vấn đề Đài Loan như một quân bài mặc cả để tạo đòn bẩy trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như đề nghị kiềm chế các hành động khiêu khích từ phía Đài Loan (Trung Quốc) để đổi lấy sự thỏa hiệp của Bắc Kinh về thương mại”.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), giáo sư Diêm Học Thông của Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa nêu: “Đối đầu kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ gia tăng và thậm chí còn nghiêm trọng hơn các tranh chấp về an ninh giữa họ. Ông Trump luôn tuyên bố rằng ông là Tổng thống Mỹ duy nhất kể từ Chiến tranh Lạnh không tham gia vào một cuộc chiến tranh mới. Điều đó có nghĩa là gì? Ông Trump thực sự không muốn gây chiến với Trung Quốc ở eo biển Đài Loan.”
“Các biện pháp bảo vệ an ninh mà ông Trump cung cấp cho các đồng minh của mình sẽ yếu hơn nhiều so với thời ông Biden. Tôi nghĩ Trung Quốc cũng sẽ chủ động cải thiện quan hệ với các đồng minh của Mỹ”, ông Diêm nhận định.
Vào ngày 15/1/2020, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” giữa hai nước. Ảnh: Yonhap
Thắng lợi của ông Trump sẽ có lợi cho Trung Quốc trong dài hạn
Theo tờ Hankyoreh, các nhà hoạch định chính sách và chiến lược gia Trung Quốc tin rằng các biện pháp kiểm soát của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ tiếp tục bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Đặc biệt, họ dự đoán chiến thắng của ông Trump sẽ tạo ra áp lực lớn hơn đối với Trung Quốc trong ngắn hạn và đã chuẩn bị cách thức ứng phó phù hợp.
Để chuẩn bị cho tình huống ông Trump nếu tái đắc cử sẽ đánh thuế 60% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc và ngăn chặn các sản phẩm của Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ, Bắc Kinh đã mở rộng thị trường của mình ở Nga, châu Phi và Nam Mỹ, đồng thời tích trữ các nguyên liệu thô quan trọng. Trung Quốc cũng đã ban hành luật thuế quan của riêng mình để tạo điều kiện trả đũa Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng chiến thắng của ông Trump cuối cùng sẽ dẫn đến một tình huống có lợi cho Trung Quốc trong dài hạn. Các "từ khóa" là đồng minh, châu Âu và Đài Loan.
Theo các chuyên gia, nếu chiến thắng của ông Trump dẫn đến sự đối kháng và hỗn loạn dữ dội hơn bên trong nước Mỹ, trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo sẽ nhanh chóng xấu đi. Mạng lưới 59 đồng minh toàn cầu của Mỹ sẽ bị suy yếu và cuộc bao vây chống lại Trung Quốc sẽ mất đi sức mạnh.
Khả năng “châu Âu tách rời” có tầm quan trọng đặc biệt, các chuyên gia nhận định. Chính quyền Tổng thống Biden đã tạo ra động lực “Mỹ/châu Âu chống Trung Quốc” bằng cách lôi kéo các quốc gia châu Âu trước đây không muốn tham gia vào việc kiềm chế Trung Quốc, nhưng chiến thắng của ông Trump chắc chắn sẽ dẫn đến sự chia rẽ giữa châu Âu và Mỹ.
Ông Trump đã công khai tuyên bố rằng sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine theo cách có lợi cho Nga, đe dọa áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu, và gây sức ép buộc các đồng minh châu Âu tăng chi tiêu quân sự trong NATO.
Nhà nghiên cứu cấp cao Jee Man-soo tại Viện Tài chính Hàn Quốc cho rằng: “Nếu ông Trump tái đắc cử, điều đó sẽ xóa bỏ hoàn toàn niềm tin của châu Âu vào tính nhất quán trong chính sách của Mỹ. Châu Âu sẽ không còn có thể dựa vào Mỹ khi nói đến vấn đề an ninh, bao gồm cả vấn đề Ukraine. Châu Âu sẽ tìm kiếm một bản sắc độc lập với Mỹ và trật tự quốc tế sẽ hoàn toàn thay đổi.”
Với công nghệ tiên tiến và một thị trường tự hào có sức mua cao, sự chuyển hướng của châu Âu sang Trung Quốc sẽ là yếu tố quyết định trong cuộc chiến giành ưu thế giữa Mỹ và Trung Quốc, Jee nói.
Theo tờ Hankyoreh, ông Trump cũng từng đưa ra những gợi ý về vấn đề Đài Loan. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Mỹ, ông Trump đã đặt câu hỏi liệu Mỹ có nên chi trả cho việc bảo vệ hòn đảo này hay không khi tuyên bố: “Đài Loan đã lấy mất hoạt động kinh doanh chip của chúng ta. Họ vô cùng giàu có”.
Ông Trump cũng nêu ra khó khăn thực tế trong việc bảo vệ đảo Đài Loan: “Đài Loan cách Mỹ 9.500 dặm [khoảng 15.288 km], trong khi chỉ cách Trung Quốc 68 dặm [109 km]”.
Lần đầu tiên kể từ năm 1980, trong năm nay, cương lĩnh của Đảng Cộng hòa đã không đề cập đến Đài Loan. Theo các chuyên gia, nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, ông có thể sử dụng “lá bài Đài Loan” để gây áp lực với Trung Quốc hoặc tận dụng nó như một đòn bẩy để mặc cả.
Theo Hankyoreh, trong khi ông Trump đã xây dựng hình ảnh như một “tổng thống chống Trung Quốc” và phát động một cuộc chiến thương mại dữ dội với Bắc Kinh vào năm 2018, thì áp lực này đi kèm với các cuộc đàm phán.
Cựu Tổng thống Trump đã ký thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng vào ngày 15/1/2020. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ chấm dứt việc đưa ra các khoản trợ cấp lớn để hỗ trợ các ngành công nghiệp tiên tiến của nước này, và mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Nếu không có đại dịch COVID-19, rất có thể các cuộc đàm phán giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh sẽ tiếp tục.
https://soha.vn/trung-quoc-kin-tieng-chuyen-thich-ong-trump-hay-ba-harris-ung-vien-nao-khien-bac-kinh-dau-dau-198241015065459903.htm
Không có nhận xét nào