Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức Việt Nam nổi bật

    14/10/2024

    Đường sắt cao tốc Bắc Nam và bàn tay Trung Quốc

    Hiếu Chân /Saigon Nhỏ 

    13/10/2024

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/10/Duong-cao-toc-Bac-Nam-Tuoitre.jpg

    (Hình minh họa: Báo Tuổi Trẻ) 

    Vấn đề xây dựng đường sắt cao tốc (ĐSCT) ở Việt Nam dường như đã ngã ngũ, bất chấp dư luận vẫn đang phản đối ồn ào trên báo chí và mạng xã hội, thậm chí có tổ chức đòi trưng cầu dân ý về dự án khổng lồ này.

    Hôm Thứ Hai, 7 Tháng Mười, Văn Phòng Chính Phủ Việt Nam phát văn bản thông báo kết luận của Thường Trực Chính Phủ tại cuộc họp về dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, theo đó Thường Trực Chính Phủ kết luận dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam đã được Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến với vận tốc thiết kế 350 km/giờ, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết, theo báo VietNamNet.

    Văn bản kết luận của chính phủ còn nhấn mạnh: “Đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới nên cần các bộ, ngành quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để triển khai thực hiện.”

    ĐSCT và những ảo tưởng

    Theo tài liệu của Bộ Giao Thông Vận Tải, tuyến ĐSCT Bắc Nam dài 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (Sài Gòn), đi qua 20 tỉnh thành, có 26 ga cách nhau từ 50 đến 70 km, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, dự tính chi phí đầu tư khoảng $67.34 tỷ, suất đầu tư $43.7 tỷ/km. Như vậy, với chủ trương của Bộ Chính Trị đảng CSVN, đề nghị xây đường sắt tốc độ khoảng 200-250 km/giờ, vừa chở khách vừa chở hàng, do Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đưa ra, đã bị bác bỏ.

    Theo thủ tục, chính phủ Việt Nam còn phải hoàn tất những tài liệu của dự án, trình Quốc Hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khóa 15, sẽ diễn ra từ ngày 21 Tháng Mười đến 30 Tháng Mười Một tới đây.

    Tuy vậy, có thể dự đoán rằng Quốc hội lần này sẽ không phản bác dự án ĐSCT, dù cách đây 14 năm Quốc Hội đã một lần bác dự án ĐSCT. Sau khi các đại biểu dám nói như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân… đã lần lượt bị tống vào tù thì Quốc Hội khóa này rất khác Quốc Hội khóa trước. Sẽ không còn tái diễn chuyện 208/439 đại biểu (41%) bỏ phiếu không tán thành chủ trương xây dựng ĐSCT mà chính phủ trình ra ngày 19 Tháng Sáu, 2010, sau khi đã có sự chấp thuận của Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng CSVN.

    Tuy dự án chưa được trình ra Quốc Hội nhưng các công việc liên quan đã được khai triển cấp tập: Bộ Giao Thông Vận Tải phải khẩn trương thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, Hội Đồng Thẩm Định Nhà Nước trước ngày 10 Tháng Mười, tức là cuối tuần này; sau đó Hội Đồng Thẩm Định Nhà Nước phải hoàn thành thẩm định trước ngày 18 Tháng Mười, ngay trước khi khai mạc kỳ họp Quốc Hội. Một dự án xây dựng “đặc biệt quan trọng,” có vốn đầu tư nhiều chục tỷ đô la mà thẩm định trong vòng một tuần thì quả là thần tốc không thể tưởng tượng. Ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, còn chỉ đạo: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” (!)

    Song song với việc thúc đẩy dự án, đảng CSVN đang thực hiện một chiến dịch tuyên truyền rộng lớn, dai dẳng nhằm tiêm vào đầu óc người dân ảo tưởng về những lợi ích của ĐSCT, ảo tưởng về tính đúng đắn trong quyết định của những kẻ cầm quyền ở chóp bu mà hoàn toàn lờ tịt những lời cảnh báo tâm huyết của các chuyên gia kinh tế và công nghiệp về hậu quả tai hại mà dự án ĐSCT sẽ gây ra cho dân cho nước.

    Không chỉ bộ máy tuyên truyền của đảng phải chạy hết công suất để tô vẽ giấc mơ hão huyền: “sáng ăn phở Hà Nội, chiều ăn cơm tấm Sài Gòn” mà đảng còn huy động những cây bút có tên tuổi trên mạng xã hội đăng bài cổ xúy cho dự án ĐSCT, coi đây là công trình đưa Việt Nam lên ngang tầm các quốc gia tiên tiến, các dân tộc có chỉ số thông minh (IQ) cao như Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc v.v. Chiến dịch tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân với chủ trương của đảng CSVN, vừa gây sức ép để các đại biểu Quốc Hội không dám bỏ phiếu chống như lần trước.

    Vẫn cần nâng cấp đường sắt, nhưng…

    Đường sắt Việt Nam do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, đến nay sau hơn trăm năm vẫn hầu như chưa có sự nâng cấp đáng kể ngoại trừ phá bỏ một số đoạn như đoạn Sài Gòn-Mỹ Tho, Phan Rang-Đà Lạt… Tình trạng đường tàu hẹp, tốc độ chậm chạp, toa tàu cũ kỹ, công nghệ lạc hậu làm cho người dân chán ngán, ít ai muốn đi tàu, người khá giả chọn đi máy bay, người nghèo chọn xe đò; gần đây có thêm máy bay giá rẻ, xe đò giường nằm khiến cho vận tải đường sắt không cạnh tranh nổi.

    Nhu cầu nâng cấp hệ thống đường sắt để phục vụ tốt hơn việc chuyên chở hàng hóa và hành khách xuyên Việt là có thật và cấp bách. Trong gần 20 năm qua đã có ít nhất bốn cuộc bàn cãi sôi nổi về phương hướng nâng cấp/xây mới hệ thống đường sắt quốc gia, có cả sự tham gia của các chuyên gia Nam Hàn và Nhật, nhưng chưa đạt được sự đồng thuận giữa nhà cầm quyền và các nhà chuyên môn.

    Nay thì vấn đề ĐSCT nóng trở lại với câu hỏi cũ: liệu có cần một hệ thống hoả xa tân tiến, tốc độ 350 km/giờ chỉ để thỏa mãn “sáng ăn phở Hà Nội chiều ăn hủ tíu Sài Gòn” – một “nhu cầu” mà ngành hàng không có thể đáp ứng dễ dàng? Nếu có một tuyến ĐSCT như vậy thì bao nhiêu phần trăm người Việt sẽ dùng nó, ĐSCT có sẽ đóng góp vào phát triển hay lại là một “con nợ” khủng khiếp đè lên đôi vai gầy của người dân Việt?

    Đã có hàng chục bài viết phản biện của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia kỹ thuật cả trong và ngoài Việt Nam phân tích các yếu tố “chi phí – lợi ích” (cost and benefit) để cho rằng, Việt Nam không nên đầu tư ĐSCT mà thay vào đó hãy nâng cấp hệ thống hiện có, đưa tốc độ chạy tàu lên 150 km – 200 km/giờ, vận chuyển cả hành khách và hàng hoá, phục vụ thiết thực cho nền kinh tế và có thêm sự lựa chọn về đi lại của đa số người dân. Việt Nam cần một hệ thống đường sắt chi phí thấp, xây dựng nhanh, phục vụ đa số người dân và không phải bù lỗ khi vận hành. Nhưng đảng CSVN vẫn quyết tâm làm ĐSCT 350 km/giờ bất chấp những trở ngại về tiền vốn, về công nghệ và cả hiệu quả của dự án.

    Trung Quốc – “nhân tố bí mật”

    Tại sao vấn đề ĐSCT lại nóng vào lúc này, và tại sao đảng CSVN vẫn quyết tâm bám lấy cái ảo tưởng xây ĐSCT? Chúng tôi cho rằng, đằng sau những chủ trương và động thái hấp tấp của nhà đương cuộc Hà Nội là bàn tay thúc đẩy của Trung Quốc.

    Đi sau nhiều nước Tây phương nhưng trong 20 năm qua Trung Quốc đã xây dựng được mạng lưới ĐSCT lớn nhất thế giới và hiện đang có nhu cầu bức bách phải “xuất cảng” ĐSCT ra các nước đang phát triển trong đại dự án Vành Đai và Con Đường (BRI).

    Việc xuất cảng ĐSCT vừa nhằm giúp Trung Quốc tiêu thụ công suất dư thừa về sắt thép, xi măng, vừa tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn công nhân kỹ thuật ngành đường sắt, đồng thời gây ảnh hưởng chính trị, kinh tế và ngoại giao thông qua các “bẫy nợ” mà các quốc gia vay tiền của Trung Quốc mắc vào.

    “Ngoại giao đường sắt” là một chiến lược của Bắc Kinh nhằm kết nối nền sản xuất công nghiệp rộng lớn của Trung Quốc với các thị trường tiêu thụ ở khắp các nước trên lục địa Á-Âu mà ở Đông Nam Á, ĐSCT sẽ trải rộng từ Singapore lên tới Mandalay, từ Sài Gòn đến Yangon nối với hai trung tâm lớn của Trung Quốc ở Côn Minh (tỉnh Vân Nam) và Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây).

    Tuy đảng CSVN nhiều lần trấn an dân chúng rằng ĐSCT Bắc Nam sẽ được xây dựng bằng nguồn lực ở trong nước, không vay vốn nước ngoài song nhiều chuyên gia trong ngành nhận định Trung Quốc là “nhân tố bí mật” sẽ lộ diện khi thuận tiện. Ngoài Trung Quốc ra thì Việt Nam khó có thể tìm được một đối tác khác có khả năng cung cấp cả vốn liếng lẫn công nghệ cho đại dự án trị giá gần $70 tỷ này trong khi Việt Nam hoàn toàn không có đủ vốn và công nghệ để tự lực thực thi.

    Trong chuyến thăm Hà Nội Tháng Mười Hai năm ngoái, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, đã “mang đến công nghệ đường sắt cao cấp để giúp Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông,” theo tường thuật của phóng viên Jonathan Head của BBC. Ông Tập được biết cũng đã đề nghị các khoản trợ cấp và cho vay để giúp nâng cấp các tuyến đường sắt của Việt Nam và hai bên đã ký hai bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác đường sắt.

    Đáp lại, ngay sau khi nhập chức tổng bí thư đảng CSVN hồi giữa Tháng Tám năm nay, ông Tô Lâm đã sang Trung Quốc gặp ông Tập Cận Bình và chương trình đàm luận của hai nhà lãnh đạo đặt trọng tâm vào các chính sách kết nối đường sắt giữa hai nước.

    Thủ Tướng Phạm Minh Chính, trong chuyến thăm Trung Quốc vào Tháng Sáu vừa qua cũng đã kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ tài chính và công nghệ cho đường sắt Việt Nam; ông Chính cũng đã gặp gỡ giám đốc điều hành của những công ty hàng đầu trong lĩnh vực đường sắt Trung Quốc để bàn việc hợp tác.

    Ngay sau khi ông Tô Lâm đi Trung Quốc về, đảng CSVN bắt đầu đẩy mạnh kế hoạch tuyên truyền và chuẩn bị cho dự án xây dựng ĐSCT Bắc Nam nói trên. Tuy các nhà lãnh đạo không đề cập tới bàn tay Trung Quốc để tránh phản ứng bất lợi từ dân chúng, nhưng sự thật khó mà che giấu được.

    Việt Nam đã có kinh nghiệm cay đắng với dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội do Trung Quốc xây dựng theo phương thức chìa khóa trao tay (EPC). Một đoạn đường sắt tốc độ chậm, công nghệ lạc hậu, chỉ dài 13 km mà bị đội vốn lên gần $1 tỷ, bị chậm 13 năm thì thử hỏi với ĐSCT dài hơn 1,500 km thì tiền vốn và thời gian sẽ bị “đội” đến đâu, liệu có thành một thảm hoạ cho nhiều đời con cháu mai sau hay không.

    https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/duong-sat-cao-toc-bac-nam-va-ban-tay-trung-quoc/

    Nghìn mắt nghìn tay

    Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
    13/10/2024

    Nghìn mắt nghìn tay

    Người bán. hàng rong trên đường phố Hà Nội đi qua cờ Việt Nam và cờ Đảng Cộng sản hôm 22/5/2024 (minh hoạ) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngNhac NGUYEN / AFP 

    Hôm cuối tháng 8/2024, Thành ủy Hà Nội ban hành một chỉ thị rất cảm động lòng người. Nội dung của nó là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

    “Tình hình mới” ở đây được giải thích là tuy trong nhiều năm qua các cấp đã tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện bằng nhiều giải pháp cấp bách vân vân… nhưng vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế. Thành thử ra phải tiếp tục tăng cường lãnh đạo của Đảng.

    Nhưng, theo quy định của pháp luật, Chính phủ từ lâu đã có hẳn bộ máy quản lý an toàn thực phẩm vô cùng dày đặc theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang, từ trung ương đến tận cấp huyện/thị.

    Rất … rảnh

    Cụ thể, tại Trung ương có ba bộ quản lý là Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

    Bộ máy này triển khai tương tự xuống đến các địa phương. Riêng tại TP HCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh thì còn thí điểm tổ chức riêng một Ban quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc UBND TP/tỉnh.

    Túm lại, đã có hẳn một bộ máy đông đảo nhân lực, tài lực, quyền lực để lo kiểm soát an toàn thực phẩm.

    Họ có trách nhiệm về tất cả các công việc mà chỉ thị nói trên đề cập. Gồm tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trong lĩnh vực .v. 

    Nếu bộ máy quá tải hoặc gặp khó khăn trong công việc thì trách nhiệm giải quyết cao nhất chính là Chính phủ. Chính phủ có thể thành lập thêm đơn vị, thêm người, thêm tiền, thêm quyền để bộ máy này hoạt động hiệu quả.
    Nếu họ tắc trách, vi phạm, tham ô… đã có luật pháp xử lý.

    Nhấn mạnh lần nữa, đó là một bộ máy đồ sộ.

    Vậy cớ gì phải có thêm một bộ máy thứ hai đồ sộ không kém là Đảng, để chỉ làm cái việc “lãnh đạo, chỉ đạo, đốc thúc” bộ máy đồ sộ thứ nhất làm việc?

    Mà lãnh đạo bằng cách nào? Là khi phát hiện một vụ thực phẩm bẩn thì báo cáo với tổ chức Đảng cấp trên, rồi chờ các vị bên ấy nghiên cứu, cân nhắc, họp bàn quyết định cách thức xử lý, sau tất cả mới ra nghị quyết chỉ đạo (bộ máy thứ nhất) thực hiện?

    Hay là ngày ngày chắp tay theo các viên chức trong lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra cơ sở, vừa đi vừa hô hào: “Chủ động, chủ động hơn nữa. Sáng tạo, sáng tạo hơn nữa”?

    Nói chung, bên ấy thật có nhiều thời gian.

    Nhưng cái chỉ thị của Hà Nội kể trên chỉ là đơn cử. Thực tế, bất cứ lĩnh vực nào của Nhà nước, bên ấy cũng có chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo được. Có tăng cường lãnh đạo đối với phát triển nhà ở, với an toàn vệ sinh lao động, với tư tưởng, với chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, về xây dựng gia đình, về văn hóa, về nghệ thuật, về thể thao… Không khác gì ông con râu dài tới rốn, đã từ lâu lên hàng nội ngoại nhưng vẫn có một bà mẹ già luôn kè kè xách cái roi mây đi theo để uốn nắn nhắc nhở, cầm tay chỉ việc.

    Đạo lý tham nhũng thời kỳ mới

    Cách Hà Nội khá nhiều km, lại ngay ở mảnh đất được mang một cái tên anh hùng trong thời kháng chiến-đất Đồng khởi Bến Tre, vừa rồi có một vụ tham nhũng chấn động dư luận.

    Nhưng đọc xong hết tất cả thì thấy không chấn động nữa, chỉ là vụ việc hết sức bình thường.

    Đó là vụ ông nguyên Bí thư tỉnh ủy Bến Tre bị phát giác ăn hối lộ một cách ổn định, bền vững, năm sau cao hơn năm trước.

    Theo báo chí Việt Nam, từ năm 2018, khi ông Thọ còn là Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Viettinbank, công ty Xuyên Việt Oil đã liên tiếp hối lộ cho Lê Đức Thọ rất nhiều tiền, nhiều đồng hồ Patek Philippe, xe hơi Mercedes Ben Luxury, bộ gậy đánh golf trị giá 1,1 tỷ đồng… để được các ưu đãi trong vay vốn hay phân bổ dự án có vốn Nhà nước.

    Ở một vụ làm ăn khác, vào năm 2021, khi giấy phép kinh doanh xăng dầu hết hạn nhưng không đủ điều kiện để được cấp lại, Xuyên Việt Oil thông qua Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhờ cấp trên của An “giúp đỡ”.

    Theo cáo trạng, Thứ trưởng Bộ Công thương là Đỗ Thắng Hải giới thiệu cho Xuyên Việt Oil gặp Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ thị trường trong nước và chỉ đạo Vụ này “giúp đỡ” doanh nghiệp. Tuấn báo cáo lại việc này cho Vụ trưởng Trần Duy Đông, hai người thống nhất “làm việc” theo chỉ đạo của Thứ trưởng.

    Có vài điều kiện chưa thỏa, các vị lãnh đạo nói trên lại mách nước giúp Xuyên Việt Oil bổ sung nhanh chóng.

    Rất nhanh Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép kinh doanh. Sau đó họ nhiều lần mang tiền đến tận phòng làm việc để cảm ơn Đông, Tuấn, Hải.

    Quá trình “giúp đỡ” này trơn tru đến nỗi gây ảo giác dường như mọi việc phải vận hành như thế mới là chuẩn.

    Nó nhắc người ta nhớ lại vụ Trương Mỹ Lan nhét tiền mặt vào thùng xốp chở đi hối lộ cán bộ ngân hàng.

    Đó chính là cú vả vào giữa mặt nhân dân. Lãnh đạo của những đơn vị quan trọng, then chốt nhất của hệ thống ngân hàng, chính những người được giao trách nhiệm phát hiện vi phạm và xử lý nó để bảo đảm sự tin cậy của người gửi tiền vào ngân hàng, hóa ra lòi mặt chuột, đều là bọn thông đồng ăn cắp trơ trẽn trắng trợn.

    Những cái tên xướng lên nghe mà lạnh người: Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước; Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước; Nguyễn Thị Phụng, Bùi Tuấn Khoa (cùng cựu Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) Vương Đỗ Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Thanh tra) và 13 bị cáo khác, nguyên là cán bộ NHNN, là thành viên Thanh tra, giám sát… tại ngân hàng SCB. Bọn chúng đã cùng nhau làm việc thật nhiệt tình để bưng bít, che giấu việc gia đình Trương Mỹ Lan cướp sạch tiền của doanh nghiệp và người dân gửi vào SCB trong nhiều năm.

    Hay vụ nâng khống giá que test COVID-19, có Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế, Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ khoa học và công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyễn Văn Trịnh, cựu trợ lý Phó thủ tướng…

    Chân mình thì lấm bê bê

    Sinh thời, cụ Tổng Tịch Nguyễn Phú Trọng liên tục khẩn thiết kêu gọi trách nhiệm làm gương của đảng viên, cán bộ lãnh đạo. Nhưng mặc cho nhiều năm đốt lò rừng rực, trong tất cả các vụ tham nhũng quy mô khủng khiếp có sự cấu kết chặt giữa rất nhiều ngành, nhiều cấp bậc, nhiều người cho đến những vụ ăn vặt thông thường nhất, chẳng có cái gì gọi là nêu gương hay trách nhiệm người đứng đầu cả. Ngược lại, chính những cán bộ lãnh đạo cao cấp nhất lại là trung tâm tổ chức, điều phối vụ hối lộ.

    Đã qua lâu lắm rồi cái thời cán bộ, đảng viên lãnh đạo còn có tự trọng, còn xem hối lộ là phạm tội, là vấy bùn, là ăn bẩn, là phản bội lại lời thề khi họ vung nắm tay xin vào Đảng, là hành vi đáng xấu hổ. Từ rất lâu rồi, họ xem tham nhũng mới chính là đạo lý, là trách nhiệm, là nghĩa vụ với bản thân và gia đình. Nếu bị bắt đi tù thì cũng chỉ như một chuyến nghỉ dưỡng.

    Lời khai của Trần Văn Dự - cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) Bộ Công an - khi bị xét xử về tội ăn hối lộ trong vụ Chuyến bay giải cứu có thể được xem là bản tóm tắt quan điểm tham nhũng hiện nay.

    Trước toà, Dự nói:"Tôi số đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước cũng được, không sao cả".

    Dự cũng nhắc lại lời nói với vợ: ""Em chuẩn bị ba tỷ và anh sẽ đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi sẽ về".

    Bao nhiêu công lao phát động tinh thần, triển khai học tập nghị quyết, nêu cao tấm gương đạo đức cách mạng… khi soi vào những quý lãnh đạo kiểu Dự, Trịnh, Long, Nhàn… đều đã biến thành trò cười sạch.

    Thế nhưng mà… lạ chưa? Như đã nói ở đầu bài, dường như bên bển có nhiều thời giờ lắm cơ mà. Mà tinh tường lắm, nghìn mắt nghìn tay đấy chứ, cái gì cũng đòi chỉ đạo cả!

    Cơ mà nhiều tay như vậy, giá bên bển cứ tập trung lo rửa sạch mắt mũi chân tay của mình, đừng đam mê tăng cường chỉ đạo thì chắc không có chuyện sờ đâu là thấy ổ ghẻ đó, như Chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm, KIT test COVID, nhóm tướng lĩnh Cảnh sát biển… bế vào tù hàng ngàn tinh hoa của Đảng, trụ cột của đất nước, như đã diễn ra.

    Chân mình còn lấm bê bê thì đi rê chân người làm chi.

    Có phải không? Quý dzị thấy em nói đúng không quý dzị?

    _____________

    Tham khảo:

    https://tayho.hanoi.gov.vn/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-cap-uy-dang-voi-an-toan-thuc-pham-085906.html

    https://tienphong.vn/nhin-lai-nhung-dai-an-nam-2023-post1599934.tpo

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/thousands-eyes-and-hand-communist-party-10112024122503.html

    Việt Nam - Trung Quốc ký kết 10 văn kiện nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường

    13/10/2024

    Việt Nam - Trung Quốc ký kết 10 văn kiện nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường

    Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Hà Nội hôm 13/10/2024 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngLUONG THAI LINH / POOL / AFP 

    Vào ngày 13/9, lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến lễ ký 10 văn kiện hợp tác giữa hai nước bao trùm nhiều lĩnh vực bao gồm hợp tác kết nối đường sắt, nông nghiệp, hải quan và thanh toán quốc tế.

    Theo truyền thông Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung quốc Lý Cường đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện này nhân chuyến thăm Việt Nam ba ngày của ông Lý Cường.

    Đáng chú ý trong các văn kiện được ký kết có bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc về phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); và biên bản làm việc giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

    Lãnh đạo hai nước từ trước đó đã nhiều lần nhắc đến việc thúc đẩy hợp tác kết nối đường sắt hai nước nhưng cho đến giờ vẫn chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể cũng như giá ước tính cho việc kết nối này.

    Tuyến đường kết nối dự kiến từ Côn Minh ở miền Nam Trung Quốc tới TP Hải Phòng của Việt Nam. Đường sắt của Việt Nam được xây từ thời Pháp đến giờ đã cũ trong khi đường sắt của Trung Quốc đã được thay mới để cho các chuyến tàu cao tốc.

    Cũng trong cuộc hội đàm vào sáng ngày 13/10 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Lý Cường, hai bên đã tuyên bố vận hành chính thức khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên bắt đầu từ ngày 15/10 sau thời gian vận hành thí điểm từ ngày 15/9/2023 đến nay.

    Sau cuộc chiến biên giới ngắn ngủi vào năm 1979, Trung Quốc đã chiếm một số điểm trên đường biên giới với Việt Nam bao gồm thác Bản Giốc. Sau đó vào tháng 12 năm 1999, hai nước ký Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Theo một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, Việt Nam đã phải nhượng bộ một số sùng đất trên biên giới cho Trung Quốc trong đó có khu vực thác Bản Giốc.

    Theo truyền thông Nhà nước, khu hợp tác xuyên biên giới ở thác Bản Giốc có điện tích 400 ha với 200 ha ở mỗi bên. Trong thời gian thi điểm, đã có khổng 950 đoàn với khoảng 12.000 lượt người nhập cảnh qua lại tham quan, du lịch.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-china-sign-10-deals-li-qiang-10132024083717.html

    Thủ tướng Trung Quốc đến Hà Nội, TBT/Chủ tịch Việt Nam Tôi Lâm nhấn mạnh quan hệ với Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu

    RFA
    12/10/2024

    Thủ tướng Trung Quốc đến Hà Nội, TBT/Chủ tịch Việt Nam Tôi Lâm nhấn mạnh quan hệ với Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu

    Thủ tướng TQ Lý Cường (trái) và TBT/Chủ tịch VN Tô Lâm (phải) trước cuộc gặp tại VP Trung ương đảng CSVN ở Hà Nội ngày 12/10/2024 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Việt Nam và Trung Quốc vào ngày 12/10 đồng ý tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh, kinh tế bất kể tranh chấp lâu dài tại Biển Đông. 

    Reuters loan tin dẫn thông cáo của Chính phủ Hà Nội đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng bí thư (TBT)/Chủ tịch Tô Lâm với Thủ tướng Lý Cường trong khuôn khổ chuyến công du ba ngày của ông này đến Việt Nam từ 12 đến 14/10/2024. 

    Mạng báo Chính phủ Việt Nam loan rõ: trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, TBT/Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam xem phát triển với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. 

    Mới hồi đầu tháng 10, Hà Nội phản đối Bắc Kinh về vụ tấn công bị cho ‘tàn bạo’ đối với một tàu cá ngư dân Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa làm bị thương một số, tịch thu ngư cụ và hải sản đánh bắt được. 

    Bắc Kinh đáp lại lực lượng chấp pháp của Trung Quốc lúc đó đã rất “chuyên nghiệp và kiềm chế”. 

    Vào ngày 12 tháng 10, Việt Nam và Trung Quốc đồng ý tăng cường quan hệ kinh tế với cam kết từ phía Thủ tướng Lý Cường cho mở thêm thị trường Hoa Lục cho nông sản Việt Nam; còn phía Hà Nội nói sẽ tạo thuận lợi cho đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. 

    Thông cáo của Chính phủ Hà Nội ngày 12/10 nêu rõ hai quốc gia láng giềng nhau này sẽ ưu tiên hợp tác trong phát triển kết nối đường sắt. 

    Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn nhập khấu thiết yếu cho ngành sản xuất Việt Nam. 

    Theo chương trình nghị sự, vào ngày 13/10, Thủ tướng Lý Cường của Trung Quốc sẽ gặp người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính, rồi dự một diễn đàn doanh nghiệp tại Hà Nội.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/li_qiang_in_hanoi_to_lam_confirm_china_top_priority-10122024180339.html

    Bảy doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ gần 24 ngàn tỷ trong năm 2023

    RFA
    12/10/2024

    Bảy doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ gần 24 ngàn tỷ trong năm 2023

    Ảnh minh họa: Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu năm 2024. 

    chinhphu.vn 

    Có bảy doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam trong năm 2023 thua lỗ gần 24 ngàn tỷ đồng; trong số này có công ty với dấu hiệu mất an toàn về tài chính.

    Bộ Tài chính Việt Nam nêu số liệu vừa nêu trong báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2023 đối với các doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ.

    Danh sách 7 doanh nghiệp trong diện này gồm Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Thiết bị giáo dục nghề nghiệp, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long, Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Hà Thành, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

    Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính Việt Nam, tổng số lỗ lũy kế đến hết năm 2023 là 53.400 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiếm 50.600 ngàn tỷ đồng, Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam (VNR) là 1.930 tỷ đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 884 tỷ đồng.

    Trong diễn biến liên quan, Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư Việt Nam tổng kết trong chín tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (gồm cả vốn cấp mới và điều chỉnh lại) giảm 54,5% so với cùng kỳ năm 2023.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/seven_state_enterprises_lost_nearly_24000_billion-vnd_in_2023-10122024075557.html

    Việt Nam vào Quý 3/2024 có hơn 1 triệu lao động thất nghiệp

    RFA
    12/10/2024

    Việt Nam vào Quý 3/2024 có hơn 1 triệu lao động thất nghiệp

    Công nhân nhà máy Tỷ Hùng ở thành phố Hồ Chí Minh rời nhà máy vào ngày 30/11/2022 (minh họa) 

    AFP 

    Việt Nam vào Quý 3 vừa qua ghi nhận hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp.

    Tổng Cục Thống kê Việt Nam công bố số liệu vừa nêu vào tuần đầu tháng 10.

    Lý do gây nên tình trạng thất nghiệp như vừa nêu được cho biết do hậu quả của thiên tai và những bất ổn trên thị trường thế giới.

    Tuy vậy, theo Tổng Cục Thống kê Việt Nam, số người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp vào Quý 3 vừa qua có giảm so với Quý 2 năm 2024 và so với cùng kỳ năm ngoái.

    Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐ-TB-XH) Việt Nam nhận định tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là ở nhóm tuổi từ 15-24 tiếp tục là một thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam. Theo Bộ này bình quân cứ 10 thanh niên Việt Nam, có 1 người bị thất nghiệp.

    Những tồn tại của lao động Việt Nam được cho biết là chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của thị trường hiện nay. Gần 38 triệu lao động tại Việt Nam chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên.

    Vào tháng 5 vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH báo cáo trong quý I/2024, tổng số lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên tại Việt Nam ước tính là 52 triệu 400 ngàn người; giảm hơn 137 ngàn người so với quý IV năm 2023.

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/quarter_iii_more_than_1_million_unemployed_in_vietnam-10122024080609.html


    Không có nhận xét nào