Thời sự 20.10
Nguyễn Thông
21/10/2024
Xứ Đông Dương
(Indochina)
Hoa OC
20/10/2024
Tối hôm qua (20.10), tôi vừa ăm cơm vừa coi tivi, mà lại tivi mậu dịch (chắc nghiện khó cai). Tôi nghe người đứng đầu bộ máy cầm quyền xứ này đọc diễn văn, liên tục nhắc đi nhắc lại cụm từ “đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch”. Cứ tưởng cuộc sống hòa bình, yên ổn làm ăn, sống để yêu thương, ai dè không như mình nghĩ.
Nhưng thôi, ma nhát hoặc nhát ma là chuyện của người ta, tôi chỉ lăn tăn về từ ngữ họ dùng. Cần hiểu rằng từ ngữ trong văn bản hoặc lời nói phản ánh suy nghĩ, ý thức, tình cảm, thái độ của người sử dụng. Chỉ những người không hiểu diều này mới dùng từ một cách ba vạ.
Trước hết là từ “thù địch”. Trong cuộc sống, dù cá nhân hay đoàn thể, tổ chức, đơn vị, thậm chí một nước, một phe… đều có thế lực thù địch, kẻ thù địch, chống đối mình. Lẽ đương nhiên phải chống lại, đấu tranh, phản bác nó. Một chế độ như chế độ xã hội chủ nghĩa lắm thế lực thù địch nhất, vừa có thật, vừa do tưởng tượng ra. Đường vinh quang xây xác quân thù. Nói theo kiểu của Lê Nin, không có thế lực thù địch thì không phải chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa công sản. Không khi nào hết thế lực thù địch, bởi vậy không cần bàn về từ/chữ này. Đấu tranh, phản bác thì đương nhiên rồi.
Từ tiếp theo, “sai trái”, rất có vấn đề. Chả hiểu sao họ cứ thích dùng. Có nhẽ do bản chất của họ.
Xưa các cụ dạy “nhân vô thập toàn”, nghĩa là con người không ai có thể mười thứ toàn vẹn cả mười. Ngay tôi đây, nếu mười điều, chắc chỉ được một rưỡi ở sự chăm chỉ. Thích cào chẳng hạn, biết không hay, nhưng rằng quen mất nết đi rồi.
Ai cũng có mặt này mặt kia, có sai có đúng, hay dở, tốt xấu cùng tồn tại, vấn đề là nhiều hay ít từng mặt. Con người cũng như bất kỳ tổ chức, thực thể nào do nó lập ra đều thế, không thể “thập toàn”. Mặt trời còn có vết đen, mặt trăng còn những khoảng tối nữa là. Vấn đề ở chỗ, sai thì sửa, biết lắng nghe, tiếp thụ, điều chỉnh để mình hoàn thiện hơn, tốt hơn, hay đẹp hơn. Không có cái thói nghe ai góp ý, vạch ra cái sai thì giãy nảy lên, đòi chống, đòi phản bác, gọi người ta là thế lực thù địch.
Chỉ những ai tự nhận mình luôn đúng, không hề sai, đồng thời “mục hạ vô nhân” cho rằng những người khác mình là sai thì mới sinh ra cái thói “đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái”. Xin lỗi, không biết lắng nghe những “trung ngôn nghịch nhĩ” để răn mình, sửa mình, để gột mình sạch hơn, tốt hơn, chỉ thấy đó là sai trái, sẽ không bao giờ tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp, con người lương thiện, hòa đồng hướng tới tương lai.
Kênh kiệu, ngạo nghễ, tự đắc, tự sướng, coi khinh người khác, xem mình là toàn vẹn, không biết lắng nghe, không cầu thị chân thành, coi mình là thánh, là đỉnh cao, bất khả xâm phạm – đó là căn bệnh ung thư của bộ máy cầm quyền xứ này.
Hãy nhớ rằng, thứ mà mình cho là sai lại chính là điều đúng, chuyện ấy xảy ra ở xứ này nhiều rồi, không cần kể nữa. Đấng bậc như Khổng tử vẫn cần học từ đứa trẻ chăn trâu, nên mới thành thánh, chứ đâu có ngạo nghễ quy kết người khác là sai trái.
https://baotiengdan.com/2024/10/21/thoi-su-20-10/
XỨ ĐÔNG DƯƠNG
(Indochina)
Hoa OC
20/10/2024
Hành chính Liên bang Đông Dương năm 1937
---
Tuần qua có 1 chi tiết địa chính trị đáng ghi nhớ là sự kiện Campuchia tuyên bố chính thức rút khỏi thỏa thuận Tam Giác Phát Triển với Việt Nam và Lào, lấy cớ là để tránh các đảng phái đối lập chỉ trích chính phủ của Campuchia thân Việt Nam. Có lẽ như Hun Sen đang viết lại lịch sử dưới thời con trai của mình, vì dù sao Hun Sen cũng khó viết lại lịch sử khi đang đương chức, vì Hun Sen bước lên đỉnh cao quyền lực là nhờ Việt Nam, lúc đó là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc. Quân đội Việt Nam thống nhất đã giúp tiêu diệt Khơ-me đỏ của Pôn-Pốt để Hun Sen có được ngày hôm nay.
Sau tuyên bố này, chủ tịch quốc hội của Việt Nam có chuyến công du tới Lào. Có lẽ muốn vớt vát lại tình hữu nghị Việt-Lào vốn có từ thời Đông Dương. Việt Nam liên tục xây tặng trường học và hội trường quốc hội của Lào nhưng có lẽ sẽ không thấm béo gì.
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Trung Quốc vừa mạnh vừa bạo hơn Việt Nam. Trước sau gì Lào cũng theo chân Campuchia về với chú Thoòng.
Hôm nay báo Nhật Bản viết về viễn cảnh Lào sẽ thay thế Việt Nam ở mảng xuất khẩu thực phẩm trái cây vào thị trường Trung Quốc. Thí dụ điển hình ở đây là trái sầu riêng. Hiện tại Việt Nam là 1 trong 3 nhà xuất khẩu sầu riêng hàng đầu vào Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng kỉ lục lên tới hơn 2 tỉ đô la. Hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp nông nghiệp của Trung Quốc đầu tư vào miền Nam của Lào, nơi có khí hậu giống Cao Nguyên của Việt Nam để trồng sầu riêng. So với Việt Nam thì nền nông nghiệp của Lào có thể mạnh hơn rất nhiều, ruộng đất bao la cò bay thẳng cánh vì dân số của Lào quá thưa thớt (dưới 8 triệu dân). Ruộng đất của Lào mà vào tay người Tàu thì Việt Nam chỉ còn là 1 cái tên.
Đó là hoa quả trái cây. Nếu người Tàu vào đây trồng cà phê thì thôi rồi Lượm ơi, Trung Nguyên sẽ không còn là công ty sản xuất cà phê số 1 Đông Dương nữa. Bên Lào đã có Dao Coffee do người Lào gốc Việt làm chủ. Mô hình này nhân rộng ra, hay Tàu thành lập những đồn điền cà phê mới thì sức cạnh tranh của cà phê hay bất cứ sản phẩm nông nghiệp nào của Việt Nam cũng bị giảm sút, ít nhất là khi xuất vào thị trường Trung Quốc.
Thế mạnh của Lào bây giờ, ngoài đất rộng người thưa, thiên nhiên ưu đãi, nguồn nước sông Mê Kông dồi dào, còn có thêm đường sắt cao tốc hiện tại khổ 1.435m theo chuẩn thế giới. Lào nằm trên trục đường sắt Một Vành Đai Một Con Đường nên xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và xa hơn khá dễ dàng và tiện lợi. Lào cũng sản xuất dư điện và năng lượng, dư để bán cho Việt Nam và Trung Quốc. Sau này xe lửa cao tốc chạy bằng điện thì Lào sẽ tăng thêm sức cạnh tranh, vì điện của Lào quá rẻ nên chi phí chuyên chở cũng rẻ theo.
Khi Lào đã trồng đủ sầu riêng để bán cho Tàu thì Tàu có thể ngưng nhập sầu riêng của Việt Nam. Khi đó thì nhà nhà giải cứu sầu riêng của Việt Nam vẫn ăn không hết. Và khi Lào trồng đủ cà phê sạch thì Trung Quốc sẽ bao tiêu và xuất khẩu ra thế giới giùm Lào, vì dù sao chủ đồn điền cũng là người Tàu.
Viễn cảnh cái lườn phía Tây của Việt Nam bị chú Thoòng kẹp cứng ngày càng rõ mồn một. Còn cái lườn phía Đông thì Biển Đông có hạm đội Nam Hải của Tàu tuần tra. Chưa bao giờ Việt Nam ở trong thế kìm kẹp ngột ngạt như bây giờ.
Hi vọng 'dịch cùng tắc biến, biến tắc thông'!
Hòa OC.
Đọc thêm: https://drive.google.com/file/d/1jDC586ZY40whaqdDVj3pSCohWdbU4c9_/view?usp=sharing
Không có nhận xét nào