Header Ads

  • Breaking News

    Thảm kịch lũ quét và sạt lở sau bão Yagi: Sự cố hi hữu hay vấn đề hệ thống?

     Đọc báo trong nước: Thảm kịch lũ quét và sạt lở sau bão Yagi: Sự cố hi hữu hay vấn đề hệ thống? 

    October 13, 2024/ Đọt Chuối Non 

    tia sáng /

    08/10/2024

     Hà Thị Hằng – Lưu Thị Diệu Chinh

    Từ thực tế ảnh hưởng của cơn bão Yagi, đã đến lúc, chúng ta cần suy nghĩ đến việc cần thiết phải bảo vệ các khu vực miền núi trước thiên tai theo một cách khác.

    https://dcnreserve.wordpress.com/wp-content/uploads/2024/10/image-11.png?w=1024

    Trận lũ phá tan hoang khu vực bản trung tâm của xã Hồ Bốn, Mù Cang Chải, Yên Bái vào tháng 8 năm 2023. Ảnh: Việt Cường

    Yagi là một thiên tai chứa đựng quá nhiều điều bất ngờ và những diễn biến khó lường. Đây được đánh giá là cơn bão mạnh chưa từng có trong 30 năm qua, cơn bão có cường độ tăng rất nhanh, chỉ trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài. Khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão. Bão số 3 (Yagi) đi vào đất liền trưa ngày 7/9/2024 với thời gian lưu bão kéo dài trên 12 giờ. Đáng chú ý, mức độ giảm cấp trên đường đi của bão không theo quy luật thông thường. Bắt đầu từ Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió thực đo lớn nhất trên đất liền tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 14, giật cấp 17 cho đến trước khi bão tan ở Hà Nội, vẫn giật cấp 10. 

    Cơn cuồng nộ Yagi quét qua Việt Nam trong 15 giờ kể từ ngày 07/09 có một sức công phá khủng khiếp. Hơn 200 nghìn ngôi nhà, hàng trăm điểm trường bị hư hỏng ở Quảng Ninh và Hải Phòng, hai nơi cơn bão đặt chân đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam. Có 24 người tử vong và gần 2000 người bị thương, chủ yếu là do cây đè trúng trong cơn bão. Ước tính tỉnh Quảng Ninh bị “thổi bay” 60% thu ngân sách của tỉnh sau cơn bão và con số này ở Hải Phòng là 25%. Thế nhưng, những thiệt hại này vẫn còn khiêm tốn nếu so sánh với những gì xảy ra sau đó. Chính quyền và người dân ở các tỉnh nơi cơn bão đi qua đã có sự chuẩn bị không thể tốt hơn trước khi bão đổ bộ ít nhất hai ngày. 65 triệu tin nhắn và cảnh báo bão đã được gửi đi từ Ban Chỉ đạo Phòng chống Thiên tai, Bộ Nông nghiệp, Sở Thông tin các tỉnh đến 32 triệu thuê bao ở miền Bắc. Hầu hết người dân đều tuân thủ nghiêm túc theo khuyến cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đặc biệt trong việc neo đậu tàu thuyền, gia cố tài sản, dự trữ lương thực, thực phẩm. 

    Quan trọng nhất, đã ít thời gian phản ứng trước hiểm họa, các tỉnh miền núi lại còn tụt hậu xa so với các tỉnh phát triển như Quảng Ninh, Hải Phòng về kĩ năng phòng chống thiên tai.

    Ác mộng chỉ thực sự xảy đến khi cơn bão tan và hoàn lưu bão bắt đầu. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão Yagi đã gây ra trận mưa lớn nhất trong nhiều thập kỷ ở miền Bắc, làm ngập lụt 20/25 tỉnh, thành. Mưa lớn  do hoàn lưu bão Yagi cũng dị thường, tập trung ở phía Đông dãy Hoàng Liên Sơn, khác với các cơn bão trước đây thường gây mưa ở phía Tây dãy núi này, dù khu vực này không nằm trực tiếp trên đường đi của bão. Mưa lớn với cường suất trên 200 mm/ngày kéo dài nhiều ngày ở các lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô và sông Gâm. Tại một số nơi như TP.Yên Bái, lượng mưa vượt 200 mm chỉ trong hai giờ, gây lũ lụt nghiêm trọng trên diện rộng. Tiếp theo đó là những chuỗi ngày diễn ra sạt lở và lũ quét kinh hoàng. Người dân dường như hoàn toàn ngỡ ngàng trước sự tàn phá của những hiện tượng do hoàn lưu bão gây ra. Gần 400 người tử vong, trong đó Lào Cai bị thiệt hại nặng nhất với 150 người. Nhiều gia đình chỉ chạy thoát cửa tử trong gang tấc nhờ hoàn toàn vào trực giác, như những hộ đã sống sót một cách thần kì trong trận lũ tại Làng Nủ, Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai. Hay trường hợp nhiều người dân đang tập trung theo dõi nước dâng để lên phương án chống lũ thì không ngờ sau lưng nhà mình là quả đồi đang sạt lở. Hàng trăm nghìn hecta cây trồng bị phá hủy, hàng nghìn sự cố điện – đường – trường trạm và tê liệt hàng loạt hệ thống thông tin liên lạc đến giờ vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn, chưa kể đến hàng chục ngôi làng bị vùi lấp trong bùn đất – thiệt hại này đã vượt xa thu ngân sách của các tỉnh miền núi như Yên Bái, Lào Cai,..

    Sẽ có người tự hỏi tại sao lại có sự chênh lệch như vậy giữa các tỉnh đón bão và các tỉnh chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão? Tại sao khi bão đến, ta có sự chuẩn bị kĩ càng mà sau khi bão qua, ta lại bị động đến vậy? Thực tế, cảnh báo hoàn lưu bão khó hơn nhiều so với cảnh báo bão chính. Cơn bão có thể đã qua nhưng những dải mây xoắn vẫn duy trì và di chuyển một cách khó lường. Liệu nó có tiếp tục gây mưa hay không, mưa trong bao lâu, phạm vi mưa rộng như thế nào lại phụ thuộc vào vô vàn yếu tố liên quan đến địa hình, lượng ẩm, và những tác động khác trong khí quyển. Càng xa tâm bão, việc dự đoán chính xác đến tác động trên từng địa điểm cụ thể lại càng thách thức trên những địa hình đồi núi phức tạp. Hoàn lưu bão có thể gây ra hiện tượng mưa lớn trong thời gian ngắn. Bởi vậy, trong khi các tỉnh miền biển đầu tiên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão có nhiều sự chuẩn bị bao nhiêu thì với hoàn lưu bão, người dân miền núi càng cập rập bấy nhiêu. Quan trọng nhất, đã ít thời gian phản ứng trước hiểm họa, các tỉnh miền núi lại còn tụt hậu xa so với các tỉnh phát triển như Quảng Ninh, Hải Phòng về kĩ năng phòng chống thiên tai. Họ ít có cơ hội tiếp cận thông tin hơn, cơ sở hạ tầng yếu hơn và khó nhận được cứu hộ, hỗ trợ kịp thời từ chính quyền, nên đã đã bất ngờ lại càng thêm choáng váng.  

    https://dcnreserve.wordpress.com/wp-content/uploads/2024/10/image-12.png?w=1024

    Trận lũ phá tan hoang khu vực bản trung tâm của xã Hồ Bốn, Mù Cang Chải, Yên Bái vào tháng 8 năm 2023. Ảnh: Việt Cường

    Những tham số đã biết trước 

    Mặc dù Yagi là cơn bão hàng thập kỉ mới có một, nhưng hậu quả thảm khốc của hoàn lưu bão vừa qua không phải là sự cố hi hữu mà thực ra là vấn đề hệ thống. Bên cạnh những yếu tố khách quan ta không thể dự đoán, có những điều kiện ta đã biết trước nhưng dường như vẫn chưa “thấm nhuần bài học”. Thiên tai và những hệ quả đau thương của nó ở miền núi vẫn diễn ra từ năm này qua năm khác, Yagi chỉ như một dấu gạch chân nhấn mạnh thêm hiện trạng đó mà thôi. Theo dữ liệu thống kê từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, kể từ năm 1993 tới nay, trung bình mỗi năm có bốn cơn bão đổ bộ vào Việt Nam và cứ hai năm một lần lại có một cơn xếp vào loại rất mạnh (từ cấp 12 trở lên). Trong 22 loại hình thiên tai thì mưa lũ, sạt lở đất là loại hình thiên tai phổ biến ở Việt Nam. Và không phải đến giờ ta mới hình dung được ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Các số liệu từ trước đến nay ở Việt Nam đã nhấn mạnh, hoàn lưu bão mới là hiện tượng cực kì nguy hiểm, gây thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với chính cơn bão trước đó. 

    Ta cũng biết trước rằng địa hình ở các khu vực miền núi, đặc biệt là ở phía Bắc do chịu tác động từ những đứt gãy chằng chịt của sông Hồng hàng triệu năm trước nên “mong manh” trước các tai biến thiên nhiên như trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá, thậm chí cả động đất và dịch chuyển nền đất. Địa hình của các khu vực này cũng bị chia cắt, rất khó cứu hộ. Đó là những yếu tố tự nhiên không thể thay đổi, nhưng có thể khắc phục. Sự bất lợi về địa chất, địa hình này đòi hỏi cơ sở vật chất ở khu vực miền núi phía Bắc phải được xây dựng kiên cố, thậm chí còn chắc chắn hơn so với miền xuôi. Giao thông, điện, nước và thông tin liên lạc được coi là xương sống cho bất kì biện pháp ứng phó và cứu trợ thiên tai nào. Trong đó, hệ thống giao thông và thông tin liên lạc làm tăng khả năng điều phối cứu hộ và trấn an người dân, còn hệ thống điện nước không chỉ giúp vận hành phương tiện cứu hộ mà còn giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe sau thảm họa. Nhưng thực tế cho thấy, những hệ thống này lại không đủ mạnh để chịu đựng những tác động của thiên tai vốn năm nào cũng lặp lại. Chẳng hạn, ở Cao Bằng, trong cơn bão vừa qua, tới 80% các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại. Trên gần 600 km tuyến đường cũ do tỉnh này quản lý thì có đến 400 km bị sạt lở phải sửa chữa lại, 20% cọc tiêu bị hư hỏng. Ở các tỉnh khác, điện, nước đa số bị cắt hoàn toàn. Còn các phương thức liên lạc trong thảm họa hầu hết bị gián đoạn, hạ tầng thông tin liên lạc bị tàn phá phần lớn. 

    Dường như đang có sự thiên lệch trong việc đối phó với thiên tai ở các tỉnh miền núi: sự quan tâm chỉ dành cho họ khi “sự đã rồi”, còn quá trình phòng bị trước thảm họa thì dường như chưa được chú ý đúng mức so với quy mô thảm họa.   

    Bão Yagi không phải là cơn bão đầu tiên gây ra lũ lụt và sạt lở đất trong năm nay. Trước khi cơn bão này xảy ra, đã có những dấu hiệu cảnh báo hệ thống chính quyền và người dân phải theo dõi sát sao và siết chặt các biện pháp quản lý phòng ngừa rủi ro thiên tai. Trong ba tháng qua, lượng mưa lớn và tập trung liên tục xảy ra, khiến tổng lượng mưa cao hơn 40-60% so với lượng mưa trung bình nhiều năm. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa mưa này lý giải cho nhiều trận lở đất và lũ quét xảy ra trên diện rộng ở hầu hết các vùng núi phía Bắc trong ba tháng qua. Đáng chú ý, Lào Cai có 23/31 ngày mưa và Yên Bái có 21/31 ngày mưa chỉ tính riêng trong tháng tám, đây là điều hiếm thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Với thời kỳ ẩm ướt cực độ như vậy, đất đã bị bão hòa nước, vì vậy khi một trận mưa rất lớn khác xuất hiện, kéo dài nhiều ngày với cường độ lớn như bão Yagi và hoàn lưu bão như vừa qua, hầu hết các khu vực này đều phải đối mặt với tình trạng ngập lụt và sạt lở đất. Kể cả khi chưa có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng kiên cố, thì trong ngắn hạn cũng cần phải chuẩn bị phương án cứu hộ trên địa hình phức tạp, và các kế hoạch chuẩn bị hệ thống liên lạc thay thế khẩn cấp khi hạ tầng viễn thông gián đoạn hoặc sụp đổ. 

    Sự quan tâm thiên lệch

    Việc ngăn chặn sự hình thành lũ lụt và sạt lở đất là điều hoàn toàn không thể và làm sao để bảo toàn cơ sở vật chất cũng là điều bất khả thi. Tuy nhiên, việc cứu sống người dân và hạn chế tối thiểu tác động của thiên tai tới nền kinh tế là phương án chủ động tốt nhất mà chính quyền cũng như các cơ quan chức năng có thể làm được cho người dân. Dường như đang có sự thiên lệch trong việc đối phó với thiên tai ở các tỉnh miền núi: sự quan tâm dường như nghiêng về giải quyết khi “sự đã rồi” hơn là quá trình phòng bị trước thảm họa. 

    Việc “phòng bị” này cần phải tính từ những lúc chưa có thảm họa và như đã nói ở trên, các khu vực dễ bị tổn thương hơn, về nguyên lí cần đầu tư lớn hơn về cơ sở vật chất (giao thông, điện – nước, thông tin liên lạc). Dễ nhận thấy rằng, hầu hết các khu vực kém phát triển thường không có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư vào các hệ thống hạ tầng chất lượng cao. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn: khu vực càng dễ bị thiên tai, càng cần hạ tầng kiên cố và vững chắc, nhưng lại càng thiếu kinh phí để xây dựng. Để khắc phục sự mâu thuẫn này, trong thời gian tới, cần có sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Trung ươngvà các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, các công nghệ mới và vật liệu tiên tiến cũng có thể được áp dụng để giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả phòng chống thiên tai. 

    https://dcnreserve.wordpress.com/wp-content/uploads/2024/10/image-13.png?w=1024

    Một căn nhà bị đổ sập hoàn toàn sau hoàn lưu bão gây mưa lớn và sạt lở, ở xã Đào Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái. Khoảng đồi núi sau nhà đều có màu xanh nhưng là của những nương quế độc canh nhiều năm. Ảnh: Thu Quỳnh

    Công tác phòng chống thiên tai cũng đòi hỏi tư duy quy hoạch miền núi cần phải được thay đổi. Các khu vực dễ bị lũ lụt và sạt lở đất cần phải được xem xét kỹ càng, với các biện pháp phòng ngừa, như hệ thống thoát nước hiệu quả hoặc cảnh báo sớm. Thực tế cho thấy những yếu tố này chưa được xử lý đúng mức, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi thiên tai xảy ra. Dù Việt Nam đã có rất nhiều chương trình để tạo ra các bản đồ sạt lở, nhưng tại nhiều địa phương, những bản đồ này dường như chỉ mang tính hình thức mà chưa được áp dụng nhiều trong thực tế. Nguyên nhân có thể bao gồm việc thiếu nguồn lực để cập nhật dữ liệu, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, và việc thiếu những chính sách cụ thể để đưa bản đồ vào các kế hoạch phát triển hạ tầng trong khu vực. Một ví dụ cho thấy sự “bất lực” của việc áp dụng các bản đồ này là ở việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Điều này đòi hỏi kinh phí lớn và quan trọng là chuẩn bị sẵn quỹ đất và dự kiến các tiện ích đi kèm – tức là quan điểm phòng ngừa thiên tai phải được đưa vào quy hoạch đô thị và phát triển nông thôn từ trước. Nhưng ta đã không làm được điều đó, lúc bắt tay vào di dời mới đi tìm đất thì có thể đã muộn, đã không còn đất để ở.

    Tư duy làm kinh tế và khai thác trên các vùng đất dễ bị tổn thương này cũng không thể như trước. Một trong những giải pháp giảm thiểu tác động của sạt lở, lũ quét chính là phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó bao gồm việc tái tạo và bảo vệ rừng. Tuy chặt phá rừng không phải là nguyên nhân gây sạt lở đất nhưng nó trực tiếp gây xói mòn đất và thúc đẩy quá trình trượt lở đất và lũ bùn. Tăng cường các chương trình trồng mới và bảo vệ rừng hiện có là bước đi bền vững để đối phó với thiên tai trong tương lai. Rừng có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ nước mưa, làm chậm dòng chảy và đặc biệt là hệ thống rễ cây của rừng giúp cố định đất, giữ cho lớp đất bề mặt không bị trôi đi trong những trận mưa lớn. Ngay cả trong những trường hợp thiên tai “hàng thập kỉ có một”, nếu có một hệ sinh thái rừng khỏe mạnh và phát triển tốt, tác động của thiên tai sẽ được giảm nhẹ. Cây cối giúp làm chậm và phân tán dòng chảy nước lũ, giữ đất chặt hơn, từ đó làm giảm nguy cơ xảy ra sạt lở quy mô lớn. Cần nhấn mạnh rằng, rừng ở đây là rừng lâu năm với thảm thực vật đa dạng, bộ rễ phát triển quyện bện trong đất, chứ không phải là rừng sản xuất, độc canh, trồng một thời gian ngắn rồi chặt bỏ để thu hoạch. Thực tế, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu của nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở Việt Nam, nhưng nhiều phương pháp canh tác hiện tại không bền vững mà hình thức rừng sản xuất tràn lan này là một ví dụ. Rừng sản xuất thường triệt tiêu sự đa dạng sinh học, lạm dụng nước và thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến xói mòn đất và làm trầm trọng thêm nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Nhiều người tới Làng Nủ ngạc nhiên tại sao một nơi được bao bọc toàn màu xanh và trước đây hầu như không diễn ra sạt lở lại có kết cục đau thương đến vậy. Nhưng thực tế, màu xanh đó là màu xanh của rừng quế độc canh, chứ không phải của rừng tự nhiên, không có nhiều ý nghĩa với việc giữ đất, giữ nước.

    Công tác phòng chống thiên tai cũng đòi hỏi tư duy quy hoạch miền núi cần phải được thay đổi. Các khu vực dễ bị lũ lụt và sạt lở đất cần phải được xem xét k¬ càng, với các biện pháp phòng ngừa, như hệ thống thoát nước hiệu quả hoặc cảnh báo sớm.

    Sự quan tâm thiên lệch hiện nay không chỉ thể hiện ở giai đoạn trước và sau thiên tai mà còn giữa bão và hoàn lưu bão. Theo quan sát của chúng tôi, các tỉnh nơi bão đổ bộ đầu tiên luôn là nơi được “thiên vị” hơn trong công tác dự phòng. Chính quyền và các cơ quan đối diện với tâm bão thường được trang bị tốt hơn, có kế hoạch rõ ràng hơn và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Trung ương. Khi bão Yagi được dự đoán sẽ tiến vào Hải Phòng và Quảng Ninh, chính quyền các bộ, ngành ở đây đã kiểm đếm, hướng dẫn cho năm chục nghìn tàu cá và hơn hai trăm nghìn người, phương tiện, tàu vận tải hoạt động trên biển; tổ chức sơ tán hơn năm chục nghìn người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản và trong các nhà yếu…Nhưng ta ít thấy sự chuẩn bị tương tự như vậy ở các tỉnh miền núi. Các tỉnh không nằm trong cơn bão chính thực ra là những nơi đối mặt với rủi ro lớn hơn, nhưng lại ít được chuẩn bị hơn. Cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận phòng chống thiên tai để cân bằng sự chú trọnggiữa các khu vực chịu tác động trực tiếp từ bão và những khu vực chịu ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão. Các kế hoạch phòng chống cần phải được triển khai đồng bộ, từ cảnh báo sớm đến chuẩn bị hạ tầng, để đảm bảo rằng tất cả các khu vực, kể cả vùng núi và vùng ven biển, đều được chuẩn bị đầy đủ trước khi thiên tai xảy ra. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn từ chính quyền và các cơ quan chức năng để bảo vệ người dân và giảm thiểu thiệt hại trước những rủi ro thiên tai.

    Dự báo về đường đi và tác động của hoàn lưu bão rất thách thức và chỉ có thể cảnh báo trong một thời gian ngắn. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta không thể làm tốt hơn. Hệ thống công nghệ dự báo thiên tai của Việt Nam hiện tại vẫn dựa nhiều vào các công nghệ cũ như radar thời tiết truyền thống và mạng lưới quan trắc hạn chế. Mạng lưới quan trắc thưa thớt ở các khu vực vùng sâu vùng xa khiến việc dự báo thiên tai thiếu chính xác và không kịp thời. Công nghệ radar hiện tại không thể phát hiện chi tiết về hoàn lưu bão, gây khó khăn trong việc dự đoán lũ quét hay sạt lở đất. Hệ thống vệ tinh khí tượng mà Việt Nam sử dụng hiện tại cũng chủ yếu dựa vào dữ liệu từ các quốc gia khác, như Nhật Bản và Mỹ. Điều này làm giảm sự tự chủ trong việc dự báo và cảnh báo thiên tai. 

    Mặc dù trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến trong việc nâng cấp hệ thống quan trắc khí tượng, nhưng vẫn chưa áp dụng những công nghệ mới. Chẳng hạn như Radar Doppler có khả năng phát hiện mưa lớn, gió mạnh, và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hoàn lưu bão, lũ quét và sạt lở đất chính xác hơn nhiều so với radar thông thường. Ngoài ra, nếu có vệ tinh khí tượng riêng, Việt Nam có thể có dữ liệu thời gian thực giúp theo dõi sự phát triển của bão, hoàn lưu và các hiện tượng liên quan. Khi kết hợp với mạng lưới quan trắc đặt ở nhiều khu vực khác nhau dữ liệu này sẽ giúp phát hiện và đánh giá tốt hơn tác động của mưa lớn và các nguy cơ sạt lở đất, từ đó có thể cảnh báo chính xác hơn cho người dân. 

    Những kĩ sư vận hành các hệ thống mới có thể được đào tạo trong thời gian tương đối ngắn, nhất là khi các công nghệ hiện đại ngày nay có giao diện dễ sử dụng và được tự động hóa phần lớn. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là sự thiếu đồng bộ trong hệ thống quản lý và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan. Việt Nam cần xây dựng một mạng lưới kết nối dữ liệu khí tượng giữa các địa phương và Trung ương để đảm bảo thông tin dự báo được sử dụng và phát huy hiệu quả tốt nhất.

    Con người là trung tâm

    Nâng cao nhận thức cộng đồng là giải pháp cốt lõi và mang tính nền tảng nhất. Bởi vì dù có đầu tư vào hệ thống cảnh báo hiện đại hay nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhưng nếu người dân không có đủ kiến thức và kỹ năng để phòng chống thiên tai, thì những biện pháp này sẽ không có nhiều ý nghĩa. Phòng chống thiên tai ở miền núi hiện nay dường như đang phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm lâu đời của người dân, mà có thể sẽ bị vô hiệu hóa trước tần suất xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của các cơn bão ngày càng tăng do tác động của biến đổi khí hậu. 

    Là những vùng dễ bị tổn thương nhất nhưng những người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc lại có ít kỹ năng phòng chống thiên tai nhất. Kỹ năng phòng chống thiên tai bao gồm: (1) Khả năng nhận biết nguy cơ, phát hiện và theo dõi những dấu hiệu nguy hiểm dẫn đến sạt lở, lũ lụt, mưa lớn kéo dài (2) Cách lập kế hoạch ứng phó bao gồm xác định khu vực an toàn, cách thức sơ tán, chuẩn bị lương thực, nước uống và các dụng cụ cứu hộ cần thiết (3) Cách cứu hộ và sơ cứu (4) Kỹ năng liên lạc trong tình huống khẩn cấp bao gồm biết cách liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình trong trường hợp mất liên lạc, tìm các nguồn thông tin đáng tin cậy để cập nhật tình hình. Cần thiết phải tổ chức các lớp tập huấn để trang bị kiến thức và thiết bị cứu hộ cho người dân, các buổi diễn tập sơ tán để người dân tự tin hơn trong việc ứng phó với thiên tai. 

    Cũng cần nói thêm rằng “người dân” ở đây bao gồm cả những cán bộ thuộc cơ quan phòng chống thiên tai các cấp, người đứng đầu các cộng đồng dân cư (chẳng hạn như trưởng thôn, bản…). Hiện nay, các cán bộ phòng chống thiên tai ít có chuyên môn, chủ yếu là kiêm nhiệm, không có lương và chủ yếu quản lý hành chính. Thực tế cho thấy, yếu tố chủ động, tinh thần làm việc có trách nhiệm cùng với đó là sự chỉ đạo, dẫn dắt sáng suốt của những người lãnh đạo địa phương có vai trò quyết định rất lớn tới chiến lược phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Một minh chứng là câu chuyện về vị trưởng thôn Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã cứu sống 17 hộ với 115 nhân khẩu ở thôn khỏi trượt lở đất do ảnh hưởng của bão Yagi vào ngày 9/9 vừa qua. “Sau khi thấy trời mưa không ngớt, linh cảm mách bảo quả đồi lớn sau khu dân cư có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, anh Chứ đã hội ý nhanh với các Đảng viên và quyết định gọi một số thanh niên trong thôn đi khảo sát tình hình xung quanh. Sau khi phát hiện vết nứt rộng chừng 20cm, dài khoảng 30m, anh đã cùng nhóm người lên đồi tìm một vị trí cao, bằng phẳng để lên phương án di tản người dân”. Dựa vào những dấu hiệu đó, trưởng thôn nhận ra nguy cơ cao của việc sạt lở đất. Anh nhanh chóng cảnh báo người dân trong thôn và yêu cầu mọi người sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn. Chỉ vài giờ sau, đất đá từ triền đồi bị sạt lở ập xuống, cuốn theo nhiều nhà cửa và tài sản, nhưng may mắn thay, nhờ hành động kịp thời của vị trưởng thôn, không có ai bị thương hoặc mất mạng. Khi đi thực địa và làm việc với cán bộ phòng chống thiên tai ở Quảng Nam, chúng tôi cũng thấy cứ trước mùa mưa bão, họ đều đi kiểm tra, nếu có vết nứt là có phương án/thuyết phục di dời các hộ dân dưới taluy, gần vết nứt…..Khi chưa thể ứng dụng được công nghệ dự báo, chưa có kinh phí để lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm và xây dựng các giải pháp công trình thì các giải pháp phi công trình – quản lý, chuẩn bị về kĩ năng cho người dân và lãnh đạo cũng sẽ giảm thiểu đáng kể các thương vong về người. 

    Việc nâng cao kĩ năng cho người dân không nên được triển khai theo hướng áp đặt từ trên xuống mà quy trình quản lý rủi ro cần có sự tham gia chủ động của người dân, nhất là khi nó liên quan trực tiếp đến việc di dời nơi ở của họ (cả khẩn cấp lẫn dài hạn). Người dân cần được tham gia vào các chương trình quy hoạch từ việc lựa chọn quỹ đất, xây dựng nơi ở …đến hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp và sinh kế mới. Tiếng nói của họ cần được coi trọng trong các quyết định về phòng ngừa thiên tai.

    https://dotchuoinon.com/2024/10/13/tham-kich-lu-quet-va-sat-lo-sau-bao-yagi-su-co-hi-huu-hay-van-de-he-thong/


    Không có nhận xét nào