Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Văn Luật - Cải tạo đảo với tốc độ kỷ lục, Việt Nam quyết đoán hơn trên lập trường Biển Đông

    Tạp chí Luật Khoa

    17/10/2024

    Bản đồ các đảo Việt Nam đang bồi đắp. Đồ họa: The Washington Post. 

    Nhìn lại các động thái của chính quyền Việt Nam với vấn đề Biển Đông trong hai năm gần đây, có thể thấy Việt Nam đã có những bước đi quyết đoán hơn trên thực địa, đồng thời khôn khéo về mặt chính trị.

    Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa 

    Từ năm 2013 đến khoảng năm 2018, Trung Quốc bồi lấp, xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Trong đó, ba thực thể được Trung Quốc xây dựng lớn nhất là đá Vành Khăn (Mischief), đá Xu Bi (Subi) và đá Chữ Thập (Fiery Cross). 

    Các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa là mối đe dọa lớn cho Hoa Kỳ. Đó là nhận định vào năm 2020 của ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies- CSIS), một trong những think tank hàng đầu thế giới có trụ sở ở Washington DC. Ông cho rằng nếu có xung đột xảy ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên Biển Đông, các căn cứ này có thể vô hiệu hóa khả năng giành chiến thắng của Hoa Kỳ trong vòng chạm trán đầu tiên. [1]

    Sức mạnh áp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đã thúc đẩy chính sách hung hăng của cường quốc châu Á này.

    Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung Quốc bắt đầu phong tỏa bãi Cỏ Mây (The Second Thomas Shoal) do Philippines quản lý. 

    Bãi Cỏ Mây là một bãi cạn chìm dưới mực nước biển khi thủy triều lên, nằm trong phạm vi 200 hải lý thềm lục địa của Philippines tính từ vùng Palawan, cách đường cơ sở của Philippines khoảng 80 hải lý. 

    Năm 1999, Philippines đã kéo một con tàu cũ, do Hoa Kỳ sản xuất từ thời Thế chiến thứ Hai, lên bãi cạn này để làm nơi đồn trú cho binh sỹ. [2] Trung Quốc phong tỏa bãi Cỏ Mây để ngăn chặn Philippines tiếp tế cho binh sỹ và đưa thiết bị lên bảo dưỡng con tàu. Cuộc phong tỏa căng thẳng của Trung Quốc đối với bãi Cỏ Mây đã kéo dài liên tục từ năm 2021 đến nay và chưa rõ khi nào chấm dứt. [3]

    Để đáp lại các bước đi của Trung Quốc trên Biển Đông, chính quyền Việt Nam đã thực hiện tổng hợp các nước cờ mạnh mẽ trên thực địa và mềm dẻo trên bàn ngoại giao để đạt được mục đích củng cố sức mạnh trên Biển Đông trong khi vẫn có thể kiềm chế sức phản ứng của Trung Quốc. 

    Việt Nam cải tạo đảo với tốc độ kỷ lục

    Từ năm 2022, sau khi chiến dịch của Trung Quốc phong tỏa bãi Cỏ Mây đã diễn ra được một năm, chính quyền Việt Nam đã thực hiện một việc trước nay chưa từng thấy là cải tạo các đảo mình đang kiểm soát ở Trường Sa với tốc độ kỷ lục. 

    Theo một báo cáo được công bố vào tháng Sáu năm 2024 của Chương trình Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc CSIS, tính riêng từ tháng Mười Một năm 2023 đến tháng Sáu năm 2024, Việt Nam mở rộng các tiền đồn của mình tại quần đảo Trường Sa với một diện tích bằng tổng diện tích của hai năm trước đó cộng lại. [4]

    Theo báo cáo này, trong năm 2022, Việt Nam đã bồi đắp được 342 mẫu Anh (tương đương 1,4 km2). Trong 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam bồi đắp thêm 404 mẫu Anh (hơn 1,63 km2). Từ tháng Mười Một năm 2023 đến tháng Sáu năm 2024, khi bản báo cáo này được công bố, diện tích bồi đắp đã tăng thêm 692 mẫu Anh (hơn 2,8 km2). 

    Cùng với các hoạt động bồi đắp khác, những động thái trên đã “đưa tổng diện tích nạo vét và san lấp của Việt Nam (bao gồm cả san lấp và nạo vét cảng/luồng) tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông lên khoảng 2.360 mẫu Anh (hơn 9,5 km2) — gần bằng một nửa so với 4.650 mẫu Anh (hơn 18,8 km2) của Trung Quốc.” [5]

    Ở quần đảo Trường Sa hiện nay, ba hòn đảo nhân tạo lớn nhất và cũng là ba căn cứ quân sự lớn nhất là do Trung Quốc xây dựng, tức là đá Vành Khăn (Mischief), đá Xu Bi (Subi) và đá Chữ Thập (Fiery Cross). Tuy nhiên, ba đảo nhân tạo đứng ở thứ hạng tiếp theo về độ lớn lại do Việt Nam xây dựng và kiểm soát, bao gồm bãi Thuyền Chài, (Barque Canada reef), bãi Nam Yết (Namyit island), đá Phan Vinh (Pearson reef). [6]

    Theo tính toán của Chương trình Minh bạch Hàng hải Châu Á dựa trên số liệu thu thập từ vệ tinh, cho đến tháng Sáu năm 2024, Việt Nam đã bồi đắp bãi Thuyền Chài với chiều dài 4.318 mét, “khiến nó trở thành tiền đồn duy nhất của Việt Nam cho đến nay có tiềm năng xây dựng đường băng dài 3.000 mét giống như những đường băng mà Trung Quốc đã xây dựng tại Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi.” 

    Theo đó, hiện nay Việt Nam chỉ có một đường băng dài 1.300 mét trên đảo Trường Sa (cùng tên với quần đảo). Đường băng này đủ sức cho hầu hết các máy bay quân sự của Việt Nam hiện nay vận hành. Tuy nhiên, nếu đường băng 3.000 mét trên bãi Thuyền Chài được xây dựng trong tương lai, nó có thể cho phép các máy bay vận tải quân sự, máy bay giám sát, máy bay ném bom lớn hơn cất cánh và hạ cánh. [7]

    So sánh với Philippines, có thể thấy nước này không cương quyết bằng Việt Nam. Philippines đã đưa quân đồn trú lên bãi Cỏ Mây (The Second Thomas Shoal) từ năm 1999, nhưng từ đó đến khi bị Trung Quốc phong tỏa năm 2021, họ đã không làm gì nhiều để nâng cấp tiền độ quân sự này. 

    Trong khi đó, Việt Nam đã thành công nâng cấp, cải tạo, xây dựng nhiều đảo nhân tạo và căn cứ quân sự lớn ở Trường Sa, đủ sức mạnh để Trung Quốc khó lòng phong tỏa dễ dàng như với bãi Cỏ Mây. Thiết nghĩa đây là một thành công của chính quyền Việt Nam mà những người quan sát bên ngoài, kể cả các bên đối lập, cần phải ghi nhận một cách công bằng. 

    Lão luyện hơn thời Gạc Ma 

    So với giai đoạn 1988 đầy thơ ngây và yếu kém, Việt Nam có vẻ đã trở nên lão luyện hơn trong cuộc cờ Biển Đông. 

    Sự kiện thảm sát Gạc Ma năm 1988 là một thất bại của Việt Nam về mặt dự báo chiến lược và chuẩn bị thực lực khi đó. Về mặt thực lực, họ đã muốn chiếm giữ đá Chữ Thập nhưng tàu bị hỏng, không đến được, phải quay về và sau đó Trung Quốc chiếm mất. 

    Về mặt dự báo, họ nghi ngờ Trung Quốc có thể sẽ đánh nhưng không có lực lượng bảo vệ đội công binh lên giữ đá Gạc Ma, chỉ có hai tàu vận tải không trang bị vũ khí. Kết quả là bị Trung Quốc xuống tay sát hại 64 chiến sỹ công binh. [8]

    https://www.luatkhoa.com/content/images/wp-content/uploads/2021/03/CED20BF2-58C7-4BF1-9303-37C1227245DE.jpg

    Tuy nhiên, ngày nay, chính quyền Hà Nội đã biết đi những bước đi đồng bộ trên bàn cờ Biển Đông. Các bước đi của Hà Nội bao gồm nhiều hướng có vẻ trái ngược, nhưng ăn khớp với nhau để đạt được lợi ích tốt nhất và hạn chế tối đa cái giá phải trả. 

    Các bước đi này bao gồm tăng cường bồi đắp, cải tạo đảo nhân tạo, phát triển căn cứ quân sự tại Trường Sa, trong khi đó, vẫn tiếp tục thắt chặt các mối quan hệ song phương hữu hảo với Trung Quốc. 

    Về mặt chính trị, Việt Nam đã nỗ lực để giảm thiểu phản ứng từ Trung Quốc trước việc mình củng cố căn cứ quân sự ở Trường Sa. Đồng thời, chính quyền đang mở ra khả năng đẩy mạnh quan hệ với đối thủ của Trung Quốc là Hoa Kỳ, Nhật Bản và các đồng minh của họ. Chính quyền như muốn hé cho Trung Quốc thấy cái giá phải trả nếu họ gây sức ép lên Việt Nam như đối với trường hợp Philippines. 

    Song song với đó, Việt Nam tiếp tục thắt chặt các mối quan hệ kinh tế song phương với Trung Quốc, hưởng lợi từ các dòng đầu tư, dịch chuyển sản xuất, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và nhập khẩu nguyên liệu máy móc cho sản xuất. 

    Trên bàn cờ Biển Đông, Việt Nam có vẻ đã lão luyện hơn, đi những nước cờ thông minh hơn, bảo vệ được lợi ích quốc gia, ít nhất trong thời gian hai năm vừa qua. 

    Dưới đây chúng ta sẽ điểm lại những nước cờ này để thấy được bức tranh toàn cảnh bàn cờ mà Việt Nam đang chơi trên Biển Đông. 

    Vững hơn so với Philippines 

    Chiến dịch bồi đắp, cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa của Việt Nam được tăng tốc từ năm 2022 và vẫn đang tiếp diễn ở thời điểm hiện nay. Có thể vào cuối năm 2024, chúng ta sẽ thấy những trung tâm nghiên cứu như CSIS cập nhật tiến độ của chiến dịch này. [9]

    So với Philippines, có thể nói họ đã chậm chân và thiếu quyết đoán hơn Việt Nam trong việc củng cố sức mạnh trên Biển Đông. Quần đảo Trường Sa cách xa đất liền Việt Nam, trên 200 hải lý. Phần lớn quần đảo này nằm trong phạm vi 200 hải lý trên thềm lục địa của Philippines, Malaysia và Brunei. Bãi Cỏ Mây (The Second Thomas Shoal) cũng nằm ở vị trí quan trọng đối với Philippines về mặt an ninh, vì nó cách bờ biển nước này chỉ khoảng 80 hải lý, tương đương với vị trí của Côn Đảo với đất liền Việt Nam. 

    Người Việt Nam hãy thử tưởng tượng tình huống Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với Côn Đảo và phong tỏa hòn đảo này. Lúc đó an ninh quốc gia của Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng như Philippines đang phải đối mặt hiện nay với trường hợp bãi Cỏ Mây. 

    Trong khi đó, Philippines có quân đồn trú trên bãi Cỏ Mây từ năm 1999 nhưng chỉ đặt một con tàu cũ được đóng từ thời Thế chiến thứ Hai. Từ 1999 đến 2021 khi Trung Quốc bắt đầu phong tỏa bãi cạn này, Philippines có 22 năm không tiến hành cải tạo, nâng cấp, bồi đắp tiền đồn quân sự này, bất kể một sự thực là bãi Cỏ Mây là một tiền đồn quan trọng đối với an ninh của họ.

    Ngược lại, Việt Nam đã tiên tục bồi đắp, cải tạo các tiền đồn ở Trường Sa từ sau sự kiện bị Trung Quốc thảm sát lính công binh ở Gạc Ma năm 1988 đến nay. [10]

    Những màn diễn chính trị

    Trung Quốc từng ước lượng bãi Tư Chính ở phía Tây quần đảo Trường Sa có trữ lượng khoảng 5 tỷ tấn dầu. [11] Với thời giá hiện nay, một tấn dầu thô có giá khoảng 580 USD, 5 tỷ tấn dầu thô tương đương khoảng 3.000 tỷ USD, một nguồn lợi quá lớn để Trung Quốc sẵn sàng bao vây, kiểm soát và Việt Nam cũng sẵn lòng đầu tư sức mạnh để bảo vệ. [12]

    Bãi Tư Chính nằm cách xa đất liền Việt Nam khoảng gần 300 hải lý, tuy nhiên, bãi Thuyền Chài, nơi Việt Nam vẫn đang tiến hành xây dựng đảo nhân tạo với quy mô có thể phát triển đường băng dài 3.000 mét, nằm cách bãi Tư Chính (Vanguard bank) ở phía Tây quần đảo Trường Sa chỉ 80 hải lý. 

    Một khi bãi Thuyền Chài được lắp đặt đầy đủ cơ sở quân sự hiện đại, nó có thể trở thành một tiền đồn đủ mạnh và đủ gần để Việt Nam bảo vệ lợi ích tại bãi Tư Chính. Có thể phán đoán đó là lý do Thuyền Chài, cùng hai căn cứ Nam Yết và Phan Vinh gần đó, được lựa chọn để bồi đắp thành một hòn đảo nhân tạo đủ lớn để phát triển một căn cứ quân sự lớn trên đó, như báo cáo của CSIS cho thấy. 

    Trung Quốc hẳn đã biết rõ việc Việt Nam tăng tốc xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa từ năm 2022 đến nay. Bởi lẽ một nơi như CSIS đặt ở Washington DC còn có thể nhận diện được qua vệ tinh, cớ gì lực lượng quân sự tại chỗ 24/7 của Trung Quốc lại không phát hiện ra ngay từ đầu. 

    Tuy nhiên, đáng chú ý là Việt Nam có vẻ khôn khéo trong các động thái ngoại giao khi mà chiến dịch xây dựng đảo nhân tạo đang cấp tốc diễn ra. 

    Tháng Mười Một năm 2022, ông Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc. [13] Tháng Năm năm 2023, Trung Quốc đã cho tàu Hướng Dương Hồng 10 tiến hành khảo sát dài ngày trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam cho tàu cảnh sát biển bám theo để theo dõi và phản đối về mặt ngoại giao. [14]

    Đến tháng Chín cùng năm, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức “đối tác chiến lược toàn diện", ngang hàng với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Đến tháng Mười Hai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam, nước chủ nhà đã bắn 21 phát đại bác chào mừng và hai bên đã dành cho nhau những lời lẽ tốt đẹp nhất. [15]

    Tất cả những sự kiện ngoại giao này diễn ra trong bối cảnh ở ngoài Trường Sa, Việt Nam vẫn đang cấp tốc xây dựng đảo nhân tạo với tốc độ kỷ lục ngay trước mũi Trung Quốc. 

    Các lời lẽ ngoại giao, ôm hôn thắm thiết, bắn đại bác chào mừng giữa Hà Nội và Bắc Kinh một mặt có mục đích thắt chặt quan hệ giữa hai đảng cầm quyền độc tài. Nhưng mặt khác, cũng có thể nhìn nhận đây là những động thái khôn khéo mặt chính trị của Việt Nam. 


    Chú thích

    1. Poling G, ‘The Conventional Wisdom on China’s Island Bases Is Dangerously Wrong - War on the Rocks’ (War on the Rocks, 10 January 2020) <https://warontherocks.com/2020/01/the-conventional-wisdom-on-chinas-island-bases-is-dangerously-wrong/> accessed 12 October 2024 

    1. Himmelman J, ‘A Game of Shark and Minnow’ (Nytimes.com, 24 October 2013) <https://www.nytimes.com/newsgraphics/2013/10/27/south-china-sea/index.html> accessed 13 October 2024 

    1. ‘Shifting Tactics at Second Thomas Shoal | Asia Maritime Transparency Initiative’ (Asia Maritime Transparency Initiative, 22 August 2024) <https://amti.csis.org/shifting-tactics-at-second-thomas-shoal/> accessed 13 October 2024

    1. ‘Hanoi in High Gear: Vietnam’s Spratly Expansion Accelerates | Asia Maritime Transparency Initiative’ (Asia Maritime Transparency Initiative, 7 June 2024) <https://amti.csis.org/hanoi-in-high-gear-vietnams-spratly-expansion-accelerates/> accessed 12 October 2024 

    1. ‘Hanoi in High Gear: Vietnam’s Spratly Expansion Accelerates | Asia Maritime Transparency Initiative’ (Asia Maritime Transparency Initiative7 June 2024) <https://amti.csis.org/hanoi-in-high-gear-vietnams-spratly-expansion-accelerates/> accessed 12 October 2024 

    1. ‘Hanoi in High Gear: Vietnam’s Spratly Expansion Accelerates | Asia Maritime Transparency Initiative’ (Asia Maritime Transparency Initiative, 7 June 2024) <https://amti.csis.org/hanoi-in-high-gear-vietnams-spratly-expansion-accelerates/> accessed 13 October 2024 

    1. ‘Hanoi in High Gear: Vietnam’s Spratly Expansion Accelerates | Asia Maritime Transparency Initiative’ (Asia Maritime Transparency Initiative, 7 June 2024) <https://amti.csis.org/hanoi-in-high-gear-vietnams-spratly-expansion-accelerates/> accessed 13 October 2024 

    1. BBCnews, ‘Nhắc Lại 35 Năm Trận Gạc Ma và Di Sản Nhức Nhối Của “Cuộc Thảm Sát” - BBC News Tiếng Việt’ (BBC News Tiếng Việt, 14 March 2023) <https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv293p9e5j3o> accessed 13 October 2024 

    1. ‘Hanoi in High Gear: Vietnam’s Spratly Expansion Accelerates | Asia Maritime Transparency Initiative’ (Asia Maritime Transparency Initiative, 7 June 2024) <https://amti.csis.org/hanoi-in-high-gear-vietnams-spratly-expansion-accelerates/> accessed 12 October 2024 

    1. thanhnien.vn, ‘Trường Sa 1988 - Hồ Sơ Một Sự Kiện Lịch Sử: Mở Màn Cuộc Thảm Sát Gạc Ma’ (thanhnien.vn, 13 March 2022) <https://thanhnien.vn/truong-sa-1988-ho-so-mot-su-kien-lich-su-mo-man-cuoc-tham-sat-gac-ma-1851438061.htm> accessed 13 October 2024 

    1. LỤC MINH TUẤN, ‘Trung Quốc Âm Mưu Gì ở Biển Đông?’ (TUOI TRE ONLINE, 27 May 2023) <https://tuoitre.vn/trung-quoc-am-muu-gi-o-bien-dong-20230527080913872.htm> accessed 13 October 2024 

    1. ‘Crude Oil Price Today | WTI OIL PRICE CHART | OIL PRICE per BARREL | Markets Insider’ (markets.businessinsider.com, 10 October 2024) <https://markets.businessinsider.com/commodities/oil-price> accessed 13 October 2024 

    1. ‘Toàn Cảnh Chuyến Thăm Chính Thức Trung Quốc Của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng’ (VOV.VN, November 2022) <https://vov.vn/chinh-tri/toan-canh-chuyen-tham-chinh-thuc-trung-quoc-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-post981188.vov> accessed 13 October 2024 

    1. ‘Tàu Hướng Dương Hồng 10 Của Trung Quốc vi Phạm Vùng Biển Việt Nam: Ý đồ và Hậu Quả Quốc Tế’ (Nghiencuubiendong.vn, 2024) <https://nghiencuubiendong.vn/tau-huong-duong-hong-10-cua-trung-quoc-vi-pham-vung-bien-viet-nam-y-do-va-hau-qua-quoc-te.56400.anews> accessed 13 October 2024 

    1. baochinhphu.vn, ‘Chuyến Thăm Việt Nam Của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình Thành Công Tốt Đẹp, để Lại Dấu Ấn Lịch Sử Cho Quan Hệ Hai Đảng, Hai Nước’ (baochinhphu.vn, 14 December 2023) <https://baochinhphu.vn/chuyen-tham-viet-nam-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-trung-quoc-tap-can-binh-thanh-cong-tot-dep-de-lai-dau-an-lich-su-cho-quan-he-hai-dang-hai-nuoc-102231214202134005.htm> accessed 13 October 2024 

    https://www.luatkhoa.com/2024/10/cai-tao-dao-voi-toc-do-ky-luc-viet-nam-quyet-doan-hon-tren-lap-truong-bien-dong/


    Không có nhận xét nào