Việt Luận/Úc Châu
28/10/2024
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ Trương Hựu Hiệp gặp mặt tại Hà Nội vào ngày 26/10/2024. (Ảnh: Chụp màn hình video)
Ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Việt Nam vào ngày 26/10. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính lần lượt có cuộc gặp với ông. Phía Trung Quốc và Việt Nam cũng ký thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng.
Theo trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 26/10, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Trương Hựu Hiệp đã chứng kiến lễ ký kết văn bản thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, nhưng nội dung cụ thể không được tiết lộ.
Theo trang VNExpress đưa tin về cuộc gặp của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính với ông Trương Hựu Hiệp hôm 26/10, thỏa thuận này có lẽ bao gồm: “Thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh, đặc biệt là chuyển giao công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi thông tin và kết quả nghiên cứu, tiếp tục hợp tác quản lý biên giới trên đất liền và trên biển.”
VnExpress cho biết, sáng 26/10, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã gặp Tướng Trương Hựu Hiệp đang “thăm, làm việc” tại Việt Nam. Ông Phạm Minh Chính giới thiệu với ông Trương Hựu Hiệp về chính sách đối ngoại và chính sách quốc phòng của Việt Nam; ông cho rằng Việt Nam tôn trọng sự khác biệt, tìm kiếm điểm chung nhưng bảo lưu những khác biệt, tập trung vào tương lai và thực hiện sự đồng thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được và đề nghị rằng quân đội hai nước tiếp tục thúc đẩy “hợp tác an ninh và quốc phòng có tính thực chất hơn”.
Liên quan đến vấn đề tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, VnExpress cho biết, ông Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao; xử lý thỏa đáng vấn đề, kiểm soát tốt tình hình trên biển; thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về Biển Đông (DOC), sớm kết thúc đàm phán “Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông” (COC).
Theo trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã yêu cầu ông Trương Hựu Hiệp chuyển lời thăm hỏi chân thành và những lời chúc tốt đẹp nhất tới Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Phía Việt Nam khẳng định sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Việt Nam “ghi nhớ” sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, coi việc phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và là sự lựa chọn hợp lý, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình, trước sau luôn kiên quyết tuân thủ “chính sách một Trung Quốc”.
Nhà bình luận Chu Hiểu Huy viết trên tờ Epoch Times cho biết, đánh giá nội dung cuộc gặp giữa ông Trương Hựu Hiệp và 3 lãnh đạo cấp cao của Việt Nam được Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, một lần nữa cho thấy dấu hiệu thay đổi quyền lực ở Trung Nam Hải, quyền lực quân đội của ông Tập Cận Bình bị giảm.
Vậy điều gì đã khiến ông Trương Hựu Hiệp chọn đích thân đến Việt Nam? Theo báo cáo, vấn đề tranh chấp hàng hải đã được thảo luận trong cuộc gặp giữa ông Phan Văn Giang và ông Trương Hựu Hiệp. Ông Phan Văn Giang nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết mọi tranh chấp, khác biệt bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trong Biển Đông thông qua đàm phán. Sớm kết thúc đàm phán “Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông” (COC) thực dụng, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và có lợi cho tất cả các bên liên quan. Đây cũng là quan điểm được ông Tập Cận Bình bày tỏ khi cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào năm 2022.
Sau đó, Trung Quốc và Việt Nam đã ký “Ý định thư giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc về tăng cường hợp tác quốc phòng” và “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng biên giới giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc”. Ông Lương Cường cũng đánh giá cao kết quả cuộc hội đàm giữa ông Phan Văn Giang và ông Trương Hựu Hiệp. Theo báo chí Việt Nam, điều này có nghĩa là hợp tác quốc phòng Việt – Trung đã được nâng cấp và quan hệ chiến lược ngày càng trở nên sâu sắc hơn.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 21/10 thông báo, Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về tuần tra quân sự ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya, nhằm chấm dứt đối đầu quân sự kể từ khi xung đột biên giới nổ ra vào năm 2020. Thỏa thuận này sẽ dẫn đến việc quân đội Ấn Độ và Trung Quốc “rút lui” khỏi “Đường kiểm soát thực tế”. Một số nguồn tin cho rằng điều này là do Bắc Kinh đã có những nhượng bộ.
Ngoài ra, trong bài phát biểu tại hội nghị BRICS tổ chức ở Nga, lãnh đạo ĐCSTQ không còn khoe khoang về mình, chỉ trích Mỹ và châu Âu, không còn đề cập đến việc duy trì hệ thống quốc tế với Liên Hợp Quốc là cốt lõi. Điều này có liên quan với việc nâng cấp hợp tác quốc phòng Trung – Việt, xoa dịu tình hình ở biên giới Trung – Ấn, v.v, tức là ĐCSTQ đang thay đổi các tập quán trước đây ở cấp độ ngoại giao. ĐCSTQ đã xoa dịu căng thẳng với các nước láng giềng và giảm bớt sự chỉ trích đối với Mỹ và Châu Âu, là do cuộc khủng hoảng nội bộ hay vì họ đang cố gắng làm phương Tây mất cảnh giác và chờ cơ hội?
Trí Đạt
https://vietluan.com.au/122594/ong-truong-huu-hiep-ket-thuc-chuyen-tham-viet-nam-ky-thoa-thuan-hop-tac-quoc-phong/
Không có nhận xét nào